10 điều đề phòng dịp Tết

10 điều đề phòng dịp Tết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Dịp Tết là cơ hội làm ăn “béo bở” của bọn “đạo chích”. Chúng lợi dụng lưu lượng người đi lại nhiều, người dân thường mang theo nhiều tài sản để móc túi, cướp giật; lợi dụng việc vắng nhà dài ngày, sơ hở của gia chủ để đột nhập trộm cắp. Nhiều thủ đoạn, phương thức trộm mới, táo tợn và liều lĩnh đã xuất hiện.

Vì vậy, chẳng thừa khi một lần nữa cảnh báo bạn đọc cần cất giữ cẩn thận tài sản của mình.

Cảnh giác với “đạo chích”

Dịp Tết, nhiều gia đình khóa cửa về quê ăn Tết. Đây là cơ hội để bọn trộm cắp hoạt động và có thể tự do “khoắng” sạch tài sản khi gia chủ vắng nhà. Hiện nay bọn tội phạm còn dùng đèn khò để cắt khóa, khoan cửa. Chính vì vậy khi ra ngoài hay đi chơi lâu ngày, bạn cần khóa kỹ cửa bằng những loại khóa chất lượng tốt. Nên có khóa ở phía trong. Cần lưu ý những vị trí dễ đột nhập như cửa sổ, cửa lùa, ô thông gió, ban công, mái nhà. Và tốt nhất là nên nhờ người quen trông nom nhà khi đi vắng.

Xã hội - 10 điều đề phòng dịp Tết
Với các phương tiện giao thông, cần để ở nơi an toàn, trang bị khóa, còi chống trộm, tín hiệu cảnh báo; nếu phải ra ngoài nên gửi ở nơi trông giữ xe, hoặc khóa cẩn thận. Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ chạy đi vài phút thôi mà lơ là, vì hiện nay bọn trộm rất tinh vi với công cụ phạm tội hiện đại. Cuối năm, cũng là dịp người dân đi lại rất đông. Bạn không nên mang theo quá nhiều tài sản bên mình, trở thành con mồi béo bở của bọn trộm, cướp. Nếu phải mang nhiều đồ thì nên sắp xếp khoa học và không nên xách quá nhiều túi đồ, rất khó quản lý.

“Siêu lừa” gõ cửa tận nhà

Phải công nhận những kẻ chuyên sống bằng nghề lừa gạt có đầu óc “tư duy” không hề tồi. Chúng luôn nghĩ ra những chiêu lừa không ai ngờ tới. Bạn đọc cần cảnh giác kẻo dễ dàng sập bẫy, mất tiền oan lại còn ấm ức trong lòng. Ngoài những “chiêu cũ” như giả sư đi bán hương với giá “cắt cổ”, giả nhân viên công ty đi bán hàng rởm, giả người quen, người bán hàng để xâm nhập vào nhà chôm chỉa đồ… thì rất nhiều chiêu mới được chúng nghĩ ra. Chẳng hạn chúng giả người của một siêu thị đến thực hiện các chương trình khuyến mại, mua hàng trả góp… sau đó bắt người mua phải nộp một khoản tiền phí nào đó hoặc một phần giá thành sản phẩm. Khách hàng chỉ tá hỏa khi phát hiện mặt hàng mua đó là rởm hoặc siêu thị không hề có chương trình khuyến mại nào. Hay có bọn mặc đồng phục hẳn hoi đến từng nhà xưng là người của phường, quận đi bảo vệ môi trường để bán bột thông cống với giá hàng trăm nghìn. Chỉ khi lên phường hỏi thì người dân mới hay phường chẳng có chương trình nào như vậy.

Và “ma trận” khuyến mại

Mỗi dịp Tết, để tiêu thụ hàng hóa nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp tung ra các chương trình khuyến mại hoành tráng. Đây cũng là lúc gia đình bạn cần mua sắm nhiều thứ hơn bình thường. Nhưng trước mỗi chương trình khuyến mại cần cân nhắc thật kỹ xem chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng, giá cả thực của nó ra sao… Bởi có rất nhiều doanh nghiệp, trung tâm mua sắm tung ra các chiêu khuyến mại nhưng thực chất là nâng giá lên gấp đôi rồi khuyến mại 50%, hay khuyến mại các mặt hàng kém chất lượng, hàng lỗi mốt.

Tai nạn giao thông

Mỗi dịp sau Tết, người ta lại thống kê con số vụ và người tử vong vì tai nạn giao thông. Những con số này thường xuyên tăng lên. Có hàng trăm nghìn nguyên do của tai nạn, song nếu mỗi người biết trân trọng mạng sống của mình và đồng loại hơn nữa thì hẳn sẽ vơi bớt những nỗi đau. Hãy nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của mình, không phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, nói chuyện điện thoại khi đang lái xe, cần đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, tuyệt đối không uống rượu bia nếu phải lái xe, hãy nhường nhịn người khác cùng tham gia giao thông… Và nữa, nếu bạn chưa tự tin về kỹ năng lái xe, phản xạ của mình thì hãy lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng hoặc nhờ người khác chở nhé.

Cảnh giác với xe dù, bến cóc

Tàu xe ngày Tết là nỗi kinh hoàng của nhiều người, nhưng không tránh được vì đây là phương tiện công cộng rẻ tiền và thông dụng nhất. Để hạn chế những phiền toái nếu phải đi xa bằng tàu xe, bạn cần vào bến mua vé, không nên mua vé của các cò hoặc bắt xe khách dọc đường kẻo mua phải vé giá cao, vé giả hoặc đi phải xe dù, kém chất lượng. Bạn cũng không nên quá quan trọng chuyện ngày tốt, ngày xấu mà dẫn đến cháy vé ngày tốt, trống ghế ngày xấu. Ngày Tết cũng là thời điểm “làm ăn” của bọn cờ bạc bịp, móc túi. Nếu bạn tham gia các phương tiện giao thông công cộng thì nên hết sức cảnh giác với các đối tượng móc túi, và đừng tin bất kỳ trò may rủi nào trên tàu, xe khách nhé.

Tránh xa “bà hỏa”

Chỉ một đường dây điện bị đứt, một điếu thuốc chưa kịp tắt, thắp hương khi đi vắng, đốt vàng mã quá đà, hay chiếc bếp than… đều có thể là nguyên nhân của những vụ cháy nổ gây hậu quả khủng khiếp. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức bảo về tài sản, tính mạng của chính mình và người khác. Đặc biệt, ngày Tết, nguy cơ cháy nổ do chập điện thường gia tăng. Tại các kho hàng, chợ, trung tâm thương mại… do lượng hàng hóa lớn, nhiều mặt hàng dễ cháy nên khi dây điện bị côn trùng cắn, quá tải, quên ngắt điện dễ dẫn đến chập điện. Còn trong mỗi hộ gia đình, ngày Tết nhiều thiết bị điện công suất lớn được sử dụng thường xuyên như tủ đông, bình nóng lạnh, bếp từ để ăn lẩu... Nếu không chú ý lắp dây trục tiết diện lớn hoặc mua phải dây điện kém chất lượng sẽ rất dễ xảy ra cháy, chập. Đặc biệt, thời gian gần đây những vụ cháy nổ ô tô, xe máy càng làm người dân lo sợ. Để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, các chủ phương tiện nên kiểm tra, bảo dưỡng xe thường xuyên để kịp thời phát hiện hỏng hóc.

Đừng để chết vì rượu, bia

Xã hội - 10 điều đề phòng dịp Tết (Hình 2).

Rượu bia là những “chất xúc tác” giúp không khí Tết thêm vui vẻ và đầm ấm. Tuy nhiên, nó cũng gây nên những rắc rối không nhỏ, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Mỗi dịp Tết, các bệnh viện lại phải tiếp nhận nhiều hơn các ca ngộ độc do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Rượu bia cũng là nguyên nhân của rất nhiều cuộc cãi vã, xô xát, thậm chí là gây án mạng. Uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, bạn cũng dễ gây tai nạn, hoặc nhẹ hơn thì bị xử phạt vì vi phạm luật giao thông. Về lâu dài, rượu là thủ phạm của rất nhiều bệnh của hệ thần kinh, hệ tim mạch, các bệnh nan y như ung thư dạ dày, ung thư gan…Vì vậy, bạn nên hạn chế lượng chất cồn được đưa vào cơ thể, đừng biến những ngày Tết thành ngày u ám của cả gia đình.

Thực phẩm Tết cũng là mối đe dọa

Trong những ngày Tết, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn và các loại thức uống được sử dụng nhiều hơn ngày thường. Do thị trường có nhiều nguồn cung cấp thực phẩm, cho nên phải chọn mua loại thực phẩm nơi đáng tin cậy, rõ nguồn gốc xuất xứ, được kiểm soát VSATTP bởi các cơ quan chức năng, nếu không việc ăn uống cũng sẽ trở thành mối đe dọa đến sức khỏe của gia đình bạn. Bạn có thể trữ đồ trong tủ lạnh, tủ đông nhưng không nên quá nhiều nếu điều kiện bảo quản không thật tốt, an toàn. Khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, nếu nhẹ có thể xử trí ở nhà như chọc ói hết thức ăn (nếu buồn nôn), uống nước muối pha loãng, đi tiêu tự nhiên (nếu bị đau bụng), xoa dầu ổ bụng, tuyệt đối không được uống thuốc cầm tiêu chảy. Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên môn, lưu mẫu bệnh phẩm (phân, dịch ói), mẫu thức ăn, thức uống để cơ quan chuyên môn xét nghiệm tìm độc tố gây ngộ độc...

Nói không với pháo

Lệnh cấm pháo đã được ban hành gần hai chục năm nhưng đến nay hàng loạt vụ vận chuyển pháp lậu vẫn diễn ra, ngày Tết đâu đó vẫn còn tiếng pháo. Tiếng pháo thực sự mang lại không khí rộn ràng đêm giao thừa, nhưng không phải không có nguyên do mà Nhà nước ta buộc phải cấm sản xuất, vận chuyển và đốt pháo. Đã có rất nhiều người phải chịu thương tật, tử vong do đốt pháo. Đốt pháo trong ngày Tết là bạn đã vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nên nói không với pháo là việc cần làm để tránh xa những hậu quả do nó mang lại.

Chớ lơ là với trẻ em

Trong những ngày Tết và cận Tết, người lớn thường bận bịu nên trẻ ít được để mắt tới hơn. Chỉ một chút sơ sẩy, lơ là của người lớn khiến trẻ dễ bị tai nạn thương tích. Kẹo, hoa quả là món đồ trẻ rất thích, nhưng cần giám sát khi trẻ ăn vì trẻ có thể bị sặc gây khó thở, thậm chí tử vong. Khi cho trẻ dạo chơi bằng xe máy cần rất cẩn thận, cho trẻ ngồi giữa cha và mẹ chứ không cho đứng đằng trước. Cần trông nom khi trẻ chạy nhảy, vui đùa vì cũng rất dễ bị ngã gây thương tích. Và đặc biệt phải cảnh giác với các tai nạn bỏng, điện giật. Cần cho trẻ tránh xa khu vực nấu nướng, để thức ăn nóng, khu vực có các ổ điện và các vật dụng sử dụng, trang trí ngày Tết có điện. Ngoài ra, dịp Tết thời tiết thường rất lạnh, vì vậy cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng cổ, ngực, gan bàn chân để tránh các bệnh đường hô hấp.

Theo An ninh Thủ đô