120 người chết vì ung thư, vẫn là phần nổi của tảng băng

120 người chết vì ung thư, vẫn là phần nổi của tảng băng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Theo ông Ngô Văn Thú, phó thôn Thiệu Tổ: “Từ năm 2007 đến nay, số người chết do ung thư có khoảng 26 người... Thiết nghĩ, đây chỉ là con số bề nổi của "tảng băng chìm" còn số người đang ủ bệnh ung thư thì chưa ai thống kê hết được".

Tới đây, hễ nhắc về câu chuyện xoay quanh kho thuốc sâu của Công ty Cổ phần DVNN &PTNT Vĩnh Phúc là dân làng Thiệu Tổ lại tỏ vẻ hoang mang, lo sợ đến tột cùng. Dù hiện tại kho thuốc đã ngừng các hoạt động đóng chai, đóng gói và sang chiết thuốc trừ sâu, tuy nhiên, gần 70 năm là khoảng thời gian quá dài để các chất độc của thuốc ngấm vào đất, nước, môi trường sinh thái nơi đây.

Xã hội - 120 người chết vì ung thư, vẫn là phần nổi của tảng băng

Kho thuốc trừ sâu của Công ty Cổ phần DVNN&PTNN Vĩnh Phúc ngày còn hoạt động

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Hưng (thôn Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) người trực tiếp tham gia ban Thanh tra của xã Trung Nguyên trong lần thanh, kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm môi trường của kho thuốc sâu thuộc khu Mả Lọ) nói trong sự hoang mang: "Quá nhiều dân làng đã chết vì ung thư nên hễ gia đình nào có người ho he ốm thì cả nhà xanh mặt, đưa nhau đi khám ở bệnh viện đều run tay khi cầm kết quả xét nghiệm. Bà Bùi Thị Bản, giám đốc Công ty Cổ phần DVNN&PTNT Vĩnh Phúc, nói rằng "kho thuốc không ảnh hưởng" nhưng nếu đúng thế thì dân chúng tôi kêu ca làm gì. Mỗi lần có đoàn thanh tra của tỉnh, huyện về, công ty đó dường như biết trước làm vệ sinh khu nhà và khử mùi sạch sẽ nên mùi từ thuốc sâu không nồng nặc. Thêm nữa, ngày có gió mới là ngày khổ sở nhất của dân Thiệu Tổ, nếu đoàn thanh tra về ngày không có gió thì không thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng".

Từng có mấy chục năm công tác trong ngành hóa chất của Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì (Phú Thọ), hơn ai hết, cụ Hưng hiểu rõ những tác hại cả trước mắt lẫn lâu dài của kho thuốc khu Mả Lọ. Cụ Hưng cho biết, chất còn tồn tại nhiều dư lượng nhất trong đất là Lindane (C6H6Cl6). Đây là hóa chất có độc tính cao, kích thích hệ thần kinh trung ương và thoái hóa chức năng của gan, cật, gây tình trạng thiếu máu.

Khi được hỏi về một số tác hại lâu dài mà ông tận mắt chứng kiến từ mấy chục năm nay, ông Hưng rùng mình rồi chậm rãi kể: "Ngày còn công tác trong ngành hóa chất, cả cơ quan tôi cứ nhắc nhau không được mua thịt bò về ăn. Nguyên do là thuốc trừ sâu từ Công ty Cổ phần DVNN&PTNT Vĩnh Phúc bay ra các thảm cỏ và cánh đồng quanh đó. Trâu, bò ăn phải cỏ này không chết nhưng thuốc sâu ngấm vào thịt bò, không thể ăn được. Còn nhớ ngày ấy liên hoan, cơ quan tôi mổ hai con bò ăn mừng, lúc mổ không sao, đến khi nấu chín, mở nắp nồi ra, mùi thuốc sâu mới bốc lên nồng nặc. Cả cơ quan tôi mặt tái mét vì hãi hùng, chẳng ai dám ăn, cuối cùng phải đổ hết số thịt bò ấy đi".

Dân làng Thiệu Tổ vẫn kể mãi về trường hợp ông Hoàng Văn Căn, một người làm công việc đóng gói thuốc trừ sâu trong công ty trên. Khi ông Căn mất, 3 năm sau khi chôn cất, thi hài của ông vẫn còn nguyên vẹn. Người nhà đã chôn tiếp đến vài năm sau thi hài ông vẫn không thay đổi. Nguyên do là khi còn sống ông Căn làm việc trong công ty đó bị nhiễm quá nhiều thuốc trừ sâu, đến khi chôn cất, vi khuẩn cũng không thể hoạt động được!.

Cụ Bùi Ngọc Hưng còn cho biết, năm 2007, Công ty Cổ phần DVNN&PTNT Vĩnh Phúc đã hứa chuyển kho thuốc đi sau 15 ngày và chỉ để vật tư nông nghiệp nhưng từ đó đến nay, người dân chúng tôi vẫn thấy mùi thuốc sâu nồng nặc vào ban đêm, khủng khiếp nhất là những ngày gió lớn. Họ vẫn đóng gói và sang chiết thuốc "chui".

Dân làng Thiệu Tổ không có mong muốn gì hơn là các ban ngành chức năng di chuyển toàn bộ khu vực của công ty này ra khỏi xã. Bên cạnh đó, đất nền của nhà kho dùng đóng gói thuốc trừ sâu phải được xúc bỏ hẳn đi hoặc khử độc triệt để.

Án ngữ từ khoảng những năm 1970 đến nay, kho thuốc trừ sâu của Công ty Cổ phần DVNN&PTNT Vĩnh Phúc đã thẩm thấu quá nhiều dư lượng hóa chất độc hại xuống đất, nước. Mới đây, bên môi trường huyện Yên Lạc có về lấy mẫu nước giếng thôn Thiệu Tổ kiểm tra và kết luận: "Rất nhiều giếng ô nhiễm nghiêm trọng cần phải dùng máy lọc". Trước đó, dù nước giếng có mùi khó chịu nhưng vì không có máy móc đo và thử độ độc hại nên người dân vẫn nhắm mắt đưa chân sử dụng.

Theo thống kê của dân làng, từ năm 1982 đến nay đã có hơn 120 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi. Tính từ năm 1990 đến nay thì có hơn 50 người chết vì ung thư. Nhiều gia đình có tới 2 - 3 người chết cách nhau chỉ một thời gian ngắn vì mắc bệnh ung thư.

Theo ông Ngô Văn Thú, phó thôn Thiệu Tổ: “Từ năm 2007 đến nay, số người chết do ung thư có khoảng 26 người. Trong số này có cả người già lẫn người trẻ. Còn số người sinh con quái thai, dị dạng chúng tôi không thống kê nhưng cũng có. Thiết nghĩ, đây chỉ là những con số bề nổi của "tảng băng chìm" còn số người đang ủ bệnh ung thư cũng như những trường hợp sinh con quá thai, con bị bệnh hiểm nghèo do hít nhiều mùi thuốc sâu thì chưa ai thống kê hết được. Thế nên, rất nhiều lần dân làng kéo nhau lên đòi đập phá kho thuốc với hi vọng hoạt động sang chiết, chứa đựng thuốc sâu chấm dứt, để dân làng không còn người ung thư".

Hồng Mây - Dương Yến