136 cây xăng

136 cây xăng "làm cảnh": Có dấu hiệu đầu cơ, "găm hàng"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Các chuyên gia cho rằng, nếu không làm mạnh tay trong việc đầu cơ xăng dầu thì người dân sẽ mãi chịu thiệt thòi

Khi người dân chưa hết bức xúc trước tình trạng các doanh nghiệp xăng thi nhau đề xuất tăng giá thì mới đây, không ít người "nóng mặt" vì thông tin mà Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đưa ra. Theo cơ quan này, trong đợt thanh kiểm tra gần đây nhất, có tới 136 cửa hàng viện lý do hết xăng để đóng cửa. Con số này chiếm 64% tổng số các trường hợp ngừng bán vừa qua. Được biết, các cây xăng "lạnh lùng" giải thích, họ hết xăng vì đầu mối không cung cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, những "ông năng lượng" đang cố tình "găm hàng" để chờ tăng giá.

Xã hội - 136 cây xăng 'làm cảnh': Có dấu hiệu đầu cơ, 'găm hàng'?

Các cây xăng đang "coi thường" khách hàng (Ảnh minh họa)

136 cây xăng đang "làm cảnh"

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường, trong đợt kiểm tra trước ngày tăng giá xăng lần thứ 3 (ngày 13/8), cả nước có 82 cửa hàng đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian bán hàng trên tổng số 16 địa bàn, tỉnh, thành phố. Đến đợt tăng giá lần thứ 4 (28/8), số cửa hàng xăng dầu đóng cửa và cắt giảm thời gian bán đã tăng lên con số 130 và diễn ra ở 25 tỉnh, thành phố. Qua rà soát phân loại, Cục Quản lý thị trường cho biết, việc ngừng bán xăng dầu có tới 9 loại lý do khác nhau. Trong đó, lý do hết xăng được coi là tấm "lá chắn" được sử dụng nhiều nhất.

Ông Đỗ Thanh Lam, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, hầu hết, các cửa hàng bán lẻ đều khai báo nguyên nhân là do đơn vị đầu mối không cung ứng hàng kịp thời, không đủ hàng nên phải ngừng bán. Số cửa hàng này được thống kê lên tới 136 đơn vị và chiếm tới 64% tổng số các trường hợp ngừng bán. Trong đó, đứng đầu là Hà Nội có 19 cửa hàng, Đồng Nai có tới 16 cửa hàng, Vĩnh Phúc có 8 cửa hàng, Thừa Thiên- Huế 6 cửa hàng, Bình Thuận 5 cửa hàng…Danh sách chi tiết về các cửa hàng này cho thấy, lý do hết hàng liên quan đến nhiều thương hiệu xăng dầu như Mipec, PVOil, Petrolimex, Petec, Thanh Lễ, Mipeco, Petimex…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuân, giám đốc Công ty Uvip Việt bức xúc, hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội bỗng dưng treo biển "hết xăng". Nhà anh Tuân ở thôn Kiều Mai (Từ Liêm, Hà Nội) nên thường xuyên chứng kiến một vài cây xăng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Trong một tháng, có khi ngày mở cửa còn ít hơn ngày treo biển "hết xăng". Khi khách hàng thắc mắc thì lúc họ nói rằng bảo dưỡng sửa chữa, khi hết xăng, mất điện… "Mở cây xăng mà không bán hàng thì định làm cảnh à. Hay cứ phải đợi đến khi giá cao ngất ngưởng người thì mới bán?", anh Tuân đặt câu hỏi.

Câu hỏi của anh Tuân cũng chính là điều mà nhiều người đang băn khoăn. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong sự việc này tiềm ẩn hành vi găm hàng đầu cơ. Bởi trước đó, các đại lý đã đề xuất lên Bộ Tài chính tăng giá xăng lên 1.300 đồng/lít. Hiện, Cục Quản lý thị trường đang tiến hành tổng rà soát toàn bộ hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu, làm rõ nguyên nhân hết xăng để xác định hành vi vi phạm.

Được biết, ngoài 136 cây xăng "hết xăng" còn có 76 cửa hàng xăng dầu đóng cửa do những nguyên nhân khách quan. Trong cả hai đợt kiểm tra chỉ có bảy cửa hàng đóng cửa vì sự cố mất điện, hỏng hóc máy móc, thiết bị. Sáu cửa hàng ngừng bán do gia đình chủ cây xăng hoặc nhân viên có tang, tổ chức đám cưới hoặc bị tai nạn…

Đối với các lý do mang tính thương mại, số các cửa hàng xăng dầu đóng cửa cao hơn, như có tới 25 cửa hàng nghỉ bán từ trước được báo cáo do kinh doanh thua lỗ, đã chuyển nhượng cửa hàng hoặc chuyển đổi kinh doanh, sửa chữa mặt bằng… Riêng trường hợp này, quản lý thị trường đã xác minh thực tế các đơn vị này đã có thông báo nghỉ bán hàng từ trước.

Phạt không là chưa đủ

Trao đổi với PV báo Người đưa tin về thông tin mà các cửa hàng xăng dầu cho rằng công ty đầu mối không cung cấp hàng, một nữ cán bộ của Tổng công ty xăng dầu Petrolimex (xin được giấu tên) khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện công ty đầu mối không cung cấp đủ xăng dầu cho các đại lý. Tại Petrolimex, thông thường trước mỗi đợt tăng giá, các cửa hàng, đại lý bán lẻ lớn nếu biết thông tin còn nhập ồ ạt với số lượng lớn hơn. Các cửa hàng viện lý do để đổ lỗi cho công ty đầu mối là việc làm không thể chấp nhận được. Thực ra họ đang cố tình bao che cho cái "dã tâm" "găm hàng", đầu cơ, chờ tăng giá.

Cũng theo nữ cán bộ này, những đơn vị "bỗng nhiên" hết hàng chắc chắn là thuộc về các cửa hàng tư nhân. Vì lợi ích kinh doanh, họ tìm mọi cách để thu được nguồn lãi lớn nhất cho mình. Tranh thủ lợi dụng thông tin xăng dầu thế giới tăng giá, các doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn, họ đã tìm cho mình lý do nghe có vẻ hợp lý nhất để che lấp đi chiêu kinh doanh "bẩn" của mình. Các đại lý tư nhân kinh doanh dựa trên lợi ích cá nhân nên chắc chắn sẽ không bỏ qua những cơ hội tốt như thế.

Đại diện của Petrolimex cũng cho rằng, những cây xăng thuộc quyền quản lý của họ chắc chắn không thể đưa ra những lý do khiến "thượng đế" phải "đau tai" đến như vậy. Ngoài ra, mọi hoạt động quản lý tại các cây xăng của công ty đã được điện toán và điện tử hóa. Những thông tin từ các đại lý sẽ được liên tục cập nhật về phía tổng công ty. Bộ phận chuyên môn hoàn toàn có thể nắm được tình hình buôn bán tại các cây xăng và bổ sung nguồn hàng kịp thời, không khi nào để xảy ra tình trạng thiếu hàng.

Một số các công ty đầu mối xăng dầu khẳng định, họ luôn phải có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp nếu thiếu thì cũng chỉ xảy ra cục bộ và trong một thời gian ngắn ở hai thành phố lớn. Bởi ban ngày, các xe chở xăng dầu bị cấm vào trong thành phố. Tuy nhiên vào ban đêm, các cây xăng sẽ được tiếp hàng. "Bất kể khi xăng tăng hay giảm giá thì các đại lý vẫn phải cung cấp đầy đủ hàng cho dân. Nếu phát hiện ra đại lý nào găm hàng, chúng tôi đề nghị xử phạt thật nặng để làm gương", đại diện Tổng công ty Petrolimex nhấn mạnh.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp đầu mối phải có đủ dự trữ trong vòng 30 ngày. Việc này không chỉ để đảm bảo ổn định tình hình kinh doanh mà còn liên quan đến an ninh năng lượng. Các cây xăng nếu phát biểu rằng công ty đầu mối không cung ứng đủ nguồn hàng là kiểu suy nghĩ manh mún, nhỏ lẻ.

Trao đổi với PV, ông Vũ Đình Ánh, nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định, hiện nay cứ mỗi lần giá xăng biến động là xảy ra tình trạng các cây xăng đóng cửa. Khi tình trạng này tái diễn, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các cơ quan quản lý. Họ cần xác minh rõ nguyên nhân ngừng bán xăng. Nếu như thực sự phát hiện ra cây xăng "găm hàng", đầu cơ chờ tăng giá thì cần lập tức xử phạt theo quy định, chế tài. Mức phạt cao nhất hiện nay đang là khoảng 20-30 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này dường như chưa đủ sức răn đe vì đây là số tiền quá nhỏ so với quy mô kinh doanh của một cây xăng.

Ông Ánh cho rằng, cần nâng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần ở mức hàng trăm triệu đồng để các cây xăng nghiêm túc chấp hành việc cung ứng hàng cho nhân dân. Ngoài ra, đối với các cây xăng nhiều lần vi phạm, thì cần ra hình phạt đóng cửa một thời gian, kiểm điểm sai phạm để điều chỉnh lại hoạt động buôn bán. Còn nếu vi phạm ở mức nặng nhất thì cần rút giấy phép kinh doanh. "Tuy nhiên, việc rút giấy phép kinh doanh đối với các cây xăng còn nhiều bất cập. Bởi nếu bị rút giấy phép kinh doanh, chính người chủ đó lại đi xin một giấy phép kinh doanh khác. Và rồi cuối cùng, hiệu lực xử phạt cuối cùng không đi đến đâu cả. Vì vậy, nếu rút giấy phép kinh doanh thì phải ban hành đi kèm theo những chế tài tương tự như đối với hoạt động của doanh nghiệp. Đó là, khi doanh nghiệp phá sản thì ông chủ doanh nghiệp đó không được phép thành lập một doanh nghiệp mới trong một khoảng thời gian nhất định nào đó", ông Ánh nhấn mạnh.

Các đầu mối xăng dầu "vô can"?

Theo nữ cán bộ của Tổng công ty Petrolimex, xét về mặt đạo đức kinh doanh, hành vi "găm hàng", đầu cơ rõ ràng là một hành vi kinh doanh không lành mạnh và cần phải lên án. Nếu làm kinh doanh có lương tâm, hướng tới sự phát triển chung của xã hội thì ngay cả khi xăng đang chịu lỗ và rồi sẽ tăng giá trong vài phút sau đó cũng vẫn phải cung cấp cho khách hàng. Khi đề cập đến trách nhiệm của công ty đầu mối với các cây xăng "găm hàng", đại diện của Petrolimex khẳng định, các đơn vị đầu mối không thể can thiệp vào hoạt động đó. Bởi họ đã bán hàng cho các đại lý bán lẻ. Các cây xăng mua nhiều thì tổng công ty bán nhiều. Khi đó quản lý, phân phối ra sao là thuộc về quyền của họ. Các công ty đầu mối không thể biết được rằng xăng dầu tại các cây xăng còn đầy bể hay không. Đối với doanh nghiệp đầu mối, họ không thể hiện vai trò giám sát đối với các cây xăng tư nhân có hành vi "găm hàng" được. Trách nhiệm giám sát và xử lý thuộc về đơn vị quản lý thị trường.

Phạm Hạnh - Văn Chương