17 tuổi sáng tác tình khúc “buồn nhất nhạc Việt”

17 tuổi sáng tác tình khúc “buồn nhất nhạc Việt”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Ông vốn ít khi xuất hiện ồn ào nên có lẽ nhiều người không nhớ ông là tác giả của nhiều nhạc phẩm về tình yêu như: Chuyện ba người, Bài ca dao đầu đời... Và đặc biệt, ca khúc "Em đã thấy mùa xuân chưa" được xem là "buồn nhất dòng nhạc Việt" ra đời khi nhạc sĩ vừa mới 17 tuổi.

Ông là nhạc sĩ Nguyễn Quốc Dũng, thời gian gần đây, khi nhắc đến ông không ít người nhớ đến những chuyện không vui trong cuộc hôn nhân tan vỡ của ca sĩ Bảo Yến.

Xã hội - 17 tuổi sáng tác tình khúc “buồn nhất nhạc Việt”

Chân dung nhạc sĩ Quốc Dũng.

Phiêu linh với nhạc phẩm đầu đời

Nguyễn Quốc Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ Sài Gòn trước và sau 1975 với nhiều sáng tác đặc biệt thành công: Chuyện ba người, Chuyện hợp tan, Em đã thấy mùa xuân chưa, Điệp khúc mùa xuân, Bài ca dao đầu đời, Đường xưa... Ông cũng chính là người đã đưa tên tuổi của Bảo Yến, Nhã Phương, Sĩ Thanh trở thành những ngôi sao ăn khách nhất một thời tại Việt Nam. Với những đỉnh cao lẫy lừng và hào quang âm nhạc sáng chói ấy, Quốc Dũng xứng đáng với mọi xưng tụng và những vương miện tinh thần mà giới mộ đạo dành tặng cho ông.

Ngay từ thời niên thiếu, Quốc Dũng đã thể hiện rõ đam mê và năng khiếu âm nhạc của mình khi bản nhạc đầu tiên được ông viết khi mới tròn 11 tuổi. Dù đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông hoàn thành bản nhạc đầu tay "Em đã thấy mùa xuân chưa". Đây là ca khúc chứa đựng rất nhiều tình cảm và những suy tư già dặn của một cậu bé mới lớn vừa chạm ngõ cuộc đời. Ca khúc này đẹp tựa một bài thơ với ngôn từ đầy tính khai phá, gợi mở, ẩn chứa nhiều suy tư sâu sắc. Bên cạnh đó phần giai điệu trữ tình, ấm áp, nhẹ nhàng và du dương đã để lại một dư âm mênh mang mà vẫn tinh khôi, thánh thiện cho tất cả những ai thưởng thức nó.

Phải mất 6 năm với biết bao đêm trường không ngủ, Quốc Dũng mới có thể hoàn thành một "Em đã thấy mùa xuân chưa". Từ khi bắt đầu nảy ra ý tưởng và tự mình viết giai điệu của bài hát từ năm 11 tuổi, nhưng vì còn quá trẻ, vốn sống quá ít ỏi khiến ông không thể nào ghép nổi bất kỳ kiểu lời nào vào chuỗi giai điệu buồn thăm thẳm ấy. Nhạc sĩ Bảo Chấn sau này đã nhận xét về nốt treo của hợp âm 9 trong lời bài hát: "Một vầng mây trắng bay đi tìm nhau / Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu... nghe thê lương như tiếng sói tru cô độc giữa đêm trăng".

Với bản nhạc đầy ám ảnh, day dứt này, Quốc Dũng đã gần như dành toàn bộ mọi ký ức, thời gian và tình yêu của mình để trao gửi vào đó. Cuộc tình năm 16 tuổi không trọn vẹn, phải chịu sự chia cách đôi ngả, ly tán do thời cuộc đã bóp nghẹt trái tim của một tay nhạc cựu trào cừ phách. Lời từ biệt của người con gái với Sài Gòn để trở về miền Trung đã trở thành vết dao cứa tim buốt nhói với Quốc Dũng khi ấy. Ra đi không hẹn ngày về, tình tựa mây khói bay, ông đã bật lên toàn bộ phần lời cho ca khúc này chỉ sau một đêm khóc ròng và viết vì nhớ thương, đau khổ và sầu muộn. 16 tuổi với những lời ca chỉn chu, ẩn ý như một người đàn ông trưởng thành thực sự đã nếm trải đủ mọi cung bậc hỉ - nộ - ái - ố của đời sống tình yêu, Nguyễn Quốc Dũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Ba năm sau khi bài hát hoàn thành, 19 tuổi, nhạc sĩ Quốc Dũng mới phổ biến ca khúc này một cách rộng rãi. Ngay trong lần trình bày đầu tiên của ca sĩ Dạ Hương, nhóm Shotgun, ca khúc này đã được đón nhận một cách nồng nhiệt. Bài hát về mùa xuân buồn bã với những ngữ điệu luân chuyển độc đáo đã trở thành bài hát hành trang của tất cả các ca sĩ phòng trà Sài Gòn trong những năm tháng dĩ vãng đổ bóng ấy. Thế nhưng, cũng vì sự não nùng của nó mà trong suốt gần 20 năm, không ai chịu chọn "Em đã thấy mùa xuân chưa" vào các chương trình băng đĩa nhạc xuân. "Vì nó buồn quá, mà có một thời gian dài người nghe chỉ thích những bài hát mùa xuân rộn ràng vui vẻ", nhạc sĩ Quốc Dũng nhớ lại.

Sau này, khi những tình khúc mùa xuân rộn ràng trở nên xưa cũ và nhàm tai, người ta mới lục lại "Em đã thấy mùa xuân chưa" và ngay lập tức lần tái sinh thứ hai này đã khiến nhạc phẩm đầu đời của người nhạc sĩ tài hoa được nâng tầm lên một vị trí mới. Không còn giọng hát da diết, say đắm mà như rền rĩ trên mọi thương đau của Dạ Hương, ca sĩ trẻ Quang Dũng và tiếng hát Mỹ Tâm đã khiến “Em đã thấy mùa xuân chưa”, cất cánh và đi vào lòng của rất nhiều người yêu nhạc trẻ. Giai điệu bài hát về mùa xuân nhưng lại trầm buồn sâu lắng. Cái chất giọng nồng nàn đến khó tin của Quang Dũng làm nó trở thành một khối tâm sự u buốt, nhức nhối đến xé lòng.

Còn Mỹ Tâm khi cất lời đã khiến quan niệm cố hữu về mùa xuân được thay thế bằng những nghĩ khác đi hơn là những gì ẩn chứa không dễ dàng nhận diện. Một mùa xuân của kỷ niệm, của những kiếm tìm, mong nhớ xa xăm đầy hoài niệm, bâng khuâng. Và với ca khúc này, đã kiến tạo một cái tên mới trên nền trời nhạc trẻ miền Nam trước và sau 1975 - Nguyễn Quốc Dũng. Cái tên đủ làm ấm lòng tất cả những ai yêu âm nhạc vì sức sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào và sự phong phú của ngôn ngữ, gu thẩm mĩ âm nhạc.

Xã hội - 17 tuổi sáng tác tình khúc “buồn nhất nhạc Việt” (Hình 2).

Nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến lúc còn mặn nồng (ảnh trái). Ca sĩ Bảo Yến người thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Cực đoan với tình yêu và âm nhạc đương đại

Nguyễn Quốc Dũng là một nhạc sĩ vô cùng kiệm lời và không thích xuất hiện một cách ầm ĩ, phô trương trên các phương tiện truyền thông. Theo ông, chính những ca khúc được giới truyền thông biết đến và phổ cập rộng rãi với công chúng thường đã bị sai lời hoặc không còn giữ được trọn vẹn tinh thần nguyên thủy của nó. Cuộc sống của ông đơn giản, chủ yếu xoay vần trong công việc tại phòng thu của gia đình. Ông thể hiện rõ thái độ thờ ơ với âm nhạc đương đại.

Lý giải về sự im lặng giữa huyên náo của làng nhạc, ông thổ lộ: "Thoát ly thực tại cũng là một cách sống, một cách chiêm nghiệm cuộc đời đầy thú vị nhưng mênh mông, vô định". Người nhạc sĩ của những tình khúc còn mãi với thời gian đôi khi trở nên cực đoan: "Bật ti vi mà nhìn thấy đang phát chương trình ca nhạc, tôi sẽ ngay lập tức chuyển kênh”.

Có lẽ, vì sự xô bồ và thị phi của thế giới giải trí hỗn mang, của những scandal mà người ta đang cố tình tạo nên hay những tô vẽ không đúng sự thật một cách quá đáng đã khiến Quốc Dũng, một nhạc sĩ từng đi qua, trải nghiệm tất cả những thành công, vinh quang của nghiệp cầm ca, cầm bút, cầm đàn thất vọng và mất niềm tin. Ông thường ẩn mình trong thế giới riêng để chiêm nghiệm, đắm chìm trong những bản hòa âm. Dù những người yêu thích ông không còn thường xuyên được nghe thấy cái tên Quốc Dũng nhưng với rất nhiều những ca sĩ, nghệ sĩ trẻ thì dường như đỉnh cao âm nhạc của ông vẫn đủ sức đánh thức và khơi dậy ở họ một sự đam mê, tình yêu và khao khát tìm đến với âm nhạc. Họ thường tìm đến ông với một tinh thần cầu thị để nhờ ông biên tập, hòa âm hoặc đơn giản chỉ là được hát lại những ca khúc đã xanh màu năm tháng trên sân khấu hôm nay.

Không chỉ cực đoan trong âm nhạc, cuộc tình với nữ danh ca một thời Bảo Yến cũng đã gây ra những sóng gió cho cả hai người. Cuộc sống hôn nhân biến động đã khiến họ rời xa nhau. Nguyễn Quốc Dũng và Bảo Yến mỗi người mỗi ngả. Bảo Yến đã liên tục lên báo tố Quốc Dũng về thói quen trăng hoa của mình. Còn ông chỉ im lặng trước những lời tố cáo ấy. Với ông, tình yêu bây giờ đã trở thành điều không trọn vẹn trong cuộc sống thường ngày.

Hạnh phúc, tình yêu mong manh như sương khói. Quốc Dũng người nghệ sĩ một thời lẫy lừng đã tìm đến sự vô ưu bằng cách khóa chặt danh tiếng của mình trong ngôi nhà riêng đơn độc tại một con phố nhỏ. Hình như hào quang quá khứ xa xôi đã trở thành hoài niệm mà Nguyễn Quốc Dũng chỉ nhận, giữ cho riêng mình trong đời sống bộn bề này.

Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi ông được ba tuổi, gia đình đã hồi hương trở về Việt Nam sau những ngày thoát ly. Năm 10 tuổi, ông theo học tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, đến năm 16 tuổi tốt nghiệp thủ khoa môn Nhạc pháp Tây Phương.

Hương Giang