200 người Việt siêu giàu, số 'giàu ngầm' chúng ta chưa nắm được hết

200 người Việt siêu giàu, số 'giàu ngầm' chúng ta chưa nắm được hết

Thứ 2, 13/03/2017 | 21:05
0
“Có những người “giàu ngầm” mà chưa chắc chúng ta đã nắm hết được. Thực tế có nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cơ bản chủ doanh nghiệp, họ giàu có”, ông Cấn Văn Lực nói.

Mới đây, một tổ chức đã công bố, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu 30 triệu USD trở lên). Liên quan đến công bố này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực để có góc nhìn rõ hơn về kết quả này.

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người, tốc độ gia tăng người siêu giàu còn vượt cả Ấn Độ, Trung Quốc. Ông đánh giá sao về kết quả vừa được công bố này?

Nó là dấu hiệu đáng mừng. Rõ ràng là dân giàu nước với mạnh được. Đó cũng là mục tiêu lâu dài của Việt Nam.

Tuy nhiên có những việc mà theo tôi cần phải làm rõ hơn. Thứ nhất là mức độ chính xác của số liệu này đến đâu. Thứ hai là mức độ công khai minh bạch của nó đến đâu. Có những người “giàu ngầm” mà chưa chắc chúng ta đã nắm hết được.

Ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, mức độ công khai minh bạch về tài sản rõ ràng hơn. Ở đây, theo tôi, trong báo cáo chủ yếu là những người có niêm yết tài sản trên sàn chứng khoán. Thực tế có nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng cơ bản chủ doanh nghiệp, họ giàu có. Tôi nghĩ cái đó cũng cần lưu ý thêm về mặt số liệu, thông tin để đánh giá chính xác, khách quan hơn.

Xã hội - 200 người Việt siêu giàu, số 'giàu ngầm' chúng ta chưa nắm được hết

 Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: "Còn có nhiều người giàu ngầm chúng ta chưa nắm hết".

Dù không có công bố cụ thể danh tính người siêu giàu nhưng đối chiếu tài sản niêm yết trên sàn chứng khoán, người siêu giàu chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Nó có phải là bất thường với xu hướng chung trên thế giới không thưa ông?

Thực tế những người siêu giàu chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, tài chính ngân hàng cũng không phải mới lạ, khác biệt so với các nước khác. Các nước khác trên thế giới cũng thế thôi. Ở họ các tỷ phú cũng tập trung vào lãnh đạo ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng và lĩnh vực công nghệ. Ở Ấn Độ có thêm tỷ phú ngành thép.

Ở Việt Nam, tôi thấy trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán cũng có người trong lĩnh vực công nghệ thông tin đấy thôi. Chính vì thế nếu nói người giàu ở Việt Nam khác với các nước khác cũng là điều không thuyết phục. Đó là một xu thế chung.

Ở Việt Nam tại sao lại chưa xuất hiện tỷ phú ở các ngành khác? Tôi nghĩ một phần là ở khâu công bố thông tin. Có thể những người giàu ở ngành khác, họ chưa niêm yết tài sản nên chưa được biết đến. Chính vì thế, theo tôi, công bố này chỉ mang tính tham khảo ban đầu chứ chưa đánh giá được đầy đủ, chính xác hết được mức độ giàu có, số lượng người giàu có ở VN thời điểm hiện tại và tương lai.

Về lâu về dài, các công bố tương tự sẽ phổ biến hơn. Vì nhiều doanh nghiệp niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, mức độ công khai thông tin, minh bạch nhiều hơn sẽ phát lộ nhiều người siêu giàu hơn ở Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, những người giàu ở VN chủ yếu là khai thác tài nguyên có sẵn như đất đai, ít có giá trị gia tăng cao. Thậm chí là có sự không minh bạch trong chính sách khiến số lượng người giàu tăng nhanh như vậy. Quan điểm của ông ra sao về ý kiến này?

Tôi nghĩ không hẳn như vậy. Cụ thể như ở lĩnh vực bất động sản, giá trị gia tăng cũng lớn chứ. Bởi bất động sản gắn với xây dựng, du lịch, mảng bán lẻ… gắn với nhiều dịch vụ lan tỏa nên ý kiến này không thỏa đáng.

Mức độ công khai, minh bạch các thông tin càng tốt thì sự nghi ngờ trong xã hội sẽ giảm đi. Điều này càng cần phải tăng cường hơn nữa. Như tôi nói ở trên, dân giàu thì nước mới mạnh. Chính vì thế, theo tôi chúng ta nên vui mừng.

Nhiều người lo ngại rằng số lượng người siêu giàu tăng nhanh sẽ khoét sâu thêm sự ngăn cách giàu nghèo trong xã hội?

Không hẳn là người giàu tăng nhanh thì làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng vậy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đỗ Thơm (thực hiện) 

Cùng tác giả

Chụp ảnh trẻ ngày khai trường đưa lên mạng có bị phạt?

Thứ 5, 29/03/2018 | 11:37
“Khi các nhà báo làm tin ngày khai trường mà sử dụng hình ảnh các học sinh trong bài báo có bị vi phạm khi không phải ai chụp ảnh cũng xin phép? Lúc này có thể xảy ra khiếu kiện, tranh chấp nếu các quy định và định nghĩa về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân không rõ ràng và phù hợp văn hóa Việt Nam”, TS.Nguyễn Trọng An nêu băn khoăn về việc xử phạt vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng vừa được bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến.

Vụ phụ huynh ép cô giáo quỳ: Giáo dục sẽ về đâu?

Thứ 2, 26/03/2018 | 19:00
Dù đang mang bầu, nữ sinh thực tập tại trường mầm non Việt – Lào (TP. Vinh, Nghệ An) vẫn bị phụ huynh ép quỳ gối xin lỗi. Nếu không ngăn chặn hiệu quả những vụ bạo lực với giáo viên như vậy, tôi lo nền giáo dục của chúng ta chưa biết sẽ đi về đâu?

Vụ tin đồn Phó Bí thư Thanh Hóa có “bồ nhí”: Cần xử lý nghiêm kẻ tung tin

Thứ 7, 24/03/2018 | 06:00
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, lần này Thanh Hóa cũng phản ứng tương đối nhanh với tin đồn liên quan đến Phó Bí thư tỉnh. Bởi ứng xử với thông tin xấu, độc chỉ bằng chính thông tin chính thống, minh bạch, kịp thời thì tự thông tin sai sẽ bị loại bỏ.

Nếu còn PCCC qua loa, sẽ có vụ tương tự cháy chung cư Carina Plaza

Thứ 6, 23/03/2018 | 14:10
PGS.TS. Đại tá Ngô Văn Xiêm cho rằng, vụ cháy chung cư Carina Plaza (TP.HCM) khiến 13 người chết thực sự là quá đau lòng. Còn nhiều chung cư khác ở TP.HCM, TP.Hà Nội... chưa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn cho người dân về ở. Nếu có cháy, hậu quả sẽ thảm khốc.

Giới siêu giàu “phất” lên nhờ bất động sản: Nên mừng hay lo?

Thứ 6, 23/03/2018 | 06:10
Nhìn vào top những người giàu nhất Việt Nam và các tỉ phú vừa được Forbes vinh danh, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, bất động sản ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực béo bở, tạo ra siêu lợi nhuận.