335 ngày

335 ngày "cật lực" thổi khèn tìm vợ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Vợ chồng nghệ nhân dân gian Vi Đình Công người nổi tiếng chắp gió thành lời yêu có một thiên diễm tình tuyệt đẹp đã má ấp, tay kề hạnh phúc bên nhau suốt 50 mùa qua.

Nhưng, mùa xuân thứ 51 người vợ đột nhiên bỏ đi. Nghệ nhân Vi Đình Công ở Piêng Chắn (xã Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An) tuổi ngoại 70 đã cùng với cây khèn đi khắp làng trên bản dưới, vượt qua không biết bao nhiêu con suối, vực thẳm, núi cao để gọi tìm vợ.

"Chắp gió"... được vợ

Già Công kể: "Ta mới chập chững tập đi đã thích nghe tiếng khèn rồi. Thế rồi ta được già Tấu người thổi khèn và làm khèn giỏi nhất bản dạy cho". Vốn có năng khiếu bẩm sinh và lòng ham học đến quên ăn, quên ngủ nên cậu bé Công nhanh chóng thành thục các điệu khèn, điệu kèn, điệu lăm, khắp, xuối, nhuôm... Tuy còn bé nhưng tiếng hát, tiếng khèn của Công người dân khắp vùng rừng núi Tương Dương đều biết tiếng.

Già Rin, cùng lứa với già Công, tâm sự: "Tiếng đàn của nó làm cho con nai, con hoẵng quên lối về, con chim ngừng hót. Con gái mê tiếng đàn của nó kéo nhau từ làng trên, bản dưới vượt núi, vượt sông tìm đến từng đàn. Tiếng đàn của nó như có bùa mê thuốc lú ai cũng mê mẩn nghe".

Rất nhiều người con gái đẹp người đẹp nết muốn kết tóc xe duyên với Công nhưng chàng trai này lại có chí hướng khác. Công vào bộ đội đi đánh Mỹ. Những năm tháng ác liệt mở đường cho quân ta ra tuyền tuyến, tiếng khèn tiếng hát của Công cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của đơn vị. Nhận thấy đây "hạt nhân" quan trọng nên cấp trên đã điều Công đảm trách đội trưởng văn nghệ huyện.

Từ khi nhận nhiệm vụ Vi Đình Công đã cùng đội văn nghệ không những đi trong huyện mà còn đi các huyện miền tây như Con Cuông, Kỳ Sơn để tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân các đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào vững tâm một lòng đi theo Đảng. Tất cả những phong trào, chương trình văn nghệ của bà con đồng bào dân tộc đều một tay Công đạo diễn.

Chương trình, lễ hội hay hội diễn nghệ thuật nào của huyện, của tỉnh, rồi liên hoan văn hóa các dân tộc miền núi cũng có sự góp mặt của Vi Đình Công. Trong chặng đường phục vụ tiếp xúc với nhiều dân tộc anh em Vi Đình Công đã học hỏi được cách sử dụng và chế tác được nhiều loại nhạc cụ của dân tộc Mông, ơ đu, Khơ mú...

Già Công cho biết: "Nhờ tiếng khèn, tiếng hát mà già ni cưới được vợ đẹp nhất vùng đó! ". Chuyện rằng, trong một đêm trăng thanh khi tiếng tắc kè trên núi ném lưỡi vào đêm thì Công đem khèn ra thổi bên dòng sông Lam tràn ngập ánh trăng. Một cô gái nghe tiếng khèn mê quá bơi qua sông để gặp người thổi khèn. Và rồi họ nên vợ nên chồng.

Người vợ tên là Lô Thị Khoành cũng là một sơn nữ có tiếng hát rất hay nên Công xin cho vợ vào đội văn nghệ. Vậy là từ đó Vợ chồng Công trở thành trụ cột của đội văn nghệ rất ăn ý và hợp nhau trong từng tiếng nhạc, lời ca, từng vai diễn. Thiên diễm tình đẹp và lãng mạn của họ một thời khắp miền tây xứ Nghệ hầu như ai cũng biết. Hết chiến tranh, đội văn nghệ giải thể, vợ chồng già Công về bản Piêng Chắn làm nương, làm rẫy nuôi đàn con ăn học. Những âm ba cuộc sống cũng không làm cho ông buông cây khèn - bà ngưng tiếng hát.

335 ngày thổi khèn tìm vợ

Vợ chồng nghệ nhân Vi Đình Công lúc nào cũng quấn quýt bên nhau như đôi bồ câu đã 50 năm nay. Nhưng đến mùa hoa mận thứ 51 thì bà Khoành đột nhiên bỏ đi. Anh Vi Văn Đả, hàng xóm, cho biết: "Khi bà vợ bỏ đi, đêm mô ông cũng thổi khèn, thổi thâu đêm suốt sáng với những âm thanh buồn bã, nhớ thương và giận hờn. Chúng tôi hỏi ông mần chi mà bà bỏ đi rứa, Tự nhiên nước mắt ông chảy dài mà nỏ nói chi cả".

Nghệ Nhan Vi Dình Công đang làm khèn

Lão nghệ nhân Vi Đình Công thổi khèn khoảng 7 ngày đêm liên tục gọi vợ nhưng bà vẫn không trở về. Thế rồi ông cũng khoác tay nải và cây khèn ra đi tìm vợ, ông đi khoảng 15 ngày - một tháng về lấy lương thực lại đi tìm tiếp. Nhiều người dân ở các bản làng Tương Dương, Kỳ Sơn vẫn thường thấy một ông lão vừa đi vừa thổi khèn, gặp nơi đông người ông cũng sà vào vừa thổi vừa múa. Nhiều người bảo ông bị tâm thần.

Bàn chân ông đã đi khắp làng trên bản dưới, vượt qua bao khe, bao núi, tiếng khèn ông liên tục gọi tìm vợ suốt 335 ngày từ ngày bà bỏ đi. Và cuối cũng bà đã về bên ông. Hai vợ chồng ông ôm nhau khóc ngày đoàn viên làm cho dân bản đứng xem vỗ tay như xem một đoạn phim tình cảm đến hồi hay nhất. Lý giải về vấn đề bỏ đi, bà Khoành tâm sự: "Ta ghét nó quý cây khèn hơn ta, ngày mô cũng làm khèn, thổi khèn. Thấy con gái bản thì mắt ông ấy sáng lên, tiếng khèn réo rắt hơn nên ta ghét, ta bỏ đi".

Thực ra bà không bỏ đi, bà vẫn luôn theo ông từng bước. Bà thử tình yêu của ông và mong muốn ông quan tâm đến bà hơn nữa. "Lúc đầu ta bỏ đi thật, định đi luôn nhưng ta cũng không thể xa được nó nên ta về ở một nhà trong bản và vẫn âm thầm bám theo nó khi nó rời nhà đi tìm ta. Thì ra nó vẫn yêu ta nhiều lắm".

Hỏi bà: "Nếu giận ông bà có bỏ đi lần nữa không? ". Bà cười: "Không đi nữa! Ta biết nó thật bụng thương yêu ta rồi". "Bà đã đi theo tiếng khèn của ông để nên vợ nên chồng. Vậy đến bây giờ bà nghĩ sao về cây khèn ông luôn mang bên mình? ". " ô, vừa thích vừa ghét. Chính cây khèn đã đưa ta đến với nó và cũng chính cây khèn đã làm ta xa nó. Nhiều lúc ta muốn đập vỡ cây khèn đi. Nhưng không thể được. Ta sai rồi. Ta xin lỗi nó rồi".

Già Công vít một sừng trâu rượu cần khà lên một tiếng sảng khoái khoác vai bà lắc lư: "Cho dù cá dưới sông biến thành đá ta cũng không bỏ nhau em ơi! ". Vợ chồng nghệ nhân Vi Đình Công sống với nhau quấn quýt không ai bằng nhưng cách họ giận nhau cũng độc đáo không ai bằng. Hình ảnh ông lão ngoại 70 tuổi suốt 335 ngày thổi khèn tìm vợ đã chạm khắc nên một thiên diễm tình tuyệt đẹp nơi miền Tây xứ Nghệ bốn mùa mây trắng giăng.

Đứng trước nguy cơ những giá trị bản sắc văn hóa ngày một thất truyền và mai một, ngành văn hóa Tương Dương đã mở các lớp chế tác nhạc cụ dân tộc, học nhạc, học hát những làn điệu dân ca Thái... Vợ chồng già Công được đánh giá là bảo tàng âm nhạc sống bởi già Công chế tác và chơi thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số anh em còn vợ thì thuộc tất cả những làn điệu dân ca Thái và những điệu khắp, lăm, nhuôm, xuối... Hai vợ chồng già Công được ngành văn hóa mời làm "giảng viên".

Tuy tuổi cao nhưng với tình yêu và lòng đam mê những điệu khèn, điệu xuối... vợ chồng già không quản đường xa vẫn trèo đèo lội suối truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với những cống hiến của mình, vừa qua vợ chồng già Công vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam và Huy hiệu Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng.

Tiến Dũng