40 tuổi và vị tướng trẻ nhất Việt Nam

40 tuổi và vị tướng trẻ nhất Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Nhập ngũ năm 18 tuổi, tham gia 67 trận quyết tử với quân địch, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã nhiều lần đi qua làn ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Ông là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam vì từ một anh lính nghĩa vụ nhưng đã nhiều lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được những chiến công lớn, từng trải qua hầu hết các vị trí cấp trưởng trong quân đội và rồi đảm nhận trọng trách quan trọng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (người đứng thứ 5 từ bên trái qua) thăm một đơn vị hải quân

Học cách đánh giặc từ bến sông tuổi thơ

Tướng Hiệu sinh ra tại xã Hải Long, Hải Hậu, Nam Định, "Năm tôi 7 tuổi (năm 1954) thì những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi quê hương Hải Hậu. Hòa bình vừa đến, người dân Hải Long đã ùa ra cánh đồng dọn dẹp những đồ phế thải của chiến tranh, nhổ những đám cỏ lau lác cao lút đầu người trên những đám ruộng bỏ hoang, dồn những nấm mộ người chết đói chôn vùi dập tạm bợ bên bờ ruộng vào khu nghĩa địa, bắt đầu gieo mạ, trồng khoai. Tôi được đi học, nửa ngày đến trường, còn nửa ngày theo cha mẹ ra cánh đồng. Thường thì cha cày ruộng, còn tôi đeo giỏ tìm bắt cua", Tướng Hiệu kể.

Ngay từ ngày còn nhỏ, cậu bé Hiệu đã tỏ ra là một tay gan lỳ, thích những trò mạo hiểm. Có những việc những đứa trẻ cùng trang lứa sợ hãi không dám làm thì Hiệu lại không sợ sệt. Thời ấy, ở quê ông có cây cầu tre bắc qua con sông Xẻ, cạnh nhà ông Ngữ nên người dân gọi luôn là cầu ông Ngữ.

Chiếc cầu có từ lâu đời, nó chứng kiến niềm vui hẹn hò của các đôi trai gái, nơi vương vấn nhớ thương khi vợ tiễn chồng ra trận. Nhưng ban đêm nhiều đứa trẻ ngại đi qua cây cầu này vì dân làng thường dọa trẻ: "Dưới sông có nhiều ma".

Nạn đói năm 1945, xác người chết đói trôi lềnh bềnh trên sông, cứ đến cầu ông Ngữ là các chân cầu "giữ" lại, có hôm có gần chục xác chết quẩn bên chân cầu. Vì thế, người ta cho rằng cầu ông Ngữ là "nơi hội họp của các loại ma" để dọa trẻ khỏi ra tắm sông.

Những câu chuyện ma cứ được thêu dệt ngày càng nhiều khiến những đứa trẻ kinh hãi, mỗi khi phải đi qua cầu là ù té chạy. Nhưng điều lạ, dưới chân cầu lại có rất nhiều cá nheo. Chúng nằm sát bùn, dựa vào chân cầu mà ngủ. Những đứa trẻ khác không dám lặn xuống bắt cá, nhưng cậu bé Hiệu thì chẳng sợ gì. Thỉnh thoảng cậu bé lại lặn xuống chân cầu bắt cá, trong khi người làng lắc đầu lè lưỡi: "Thằng bé ấy bạo gan thật".

Năm 1965, khi vừa 18 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu nhập ngũ, lên đường vào chiến trường theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông, của Bác Hồ kính yêu.

Kinh qua mọi thử thách

Khi nhập ngũ, chàng thanh niên Hiệu chưa tốt nghiệp phổ thông. Anh hy vọng sẽ vào chiến trường vừa đánh giặc, vừa học để sau này có dịp quay lại mái trường. Chính vì thế, trong hành trang của người lính ấy, sách vở được gói ghém cẩn thận. Nhưng cuộc chiến quá ác liệt và kéo dài, vào chiến trường chỉ có các trận đánh, không có thời gian để học.

"Chúng tôi đã chiến đấu suốt chặng đường dài hơn 10 năm. Tôi đã trải qua 67 trận chiến sinh tử. Thực tiễn khốc liệt ấy là trường đời tôi luyện cho ý chí của mọi chiến sĩ, trong đó có tôi", tướng Hiệu nhớ lại.

Từ anh lính binh nhì, nhập ngũ năm 1965; đến năm 1983, khi 34 tuổi với quân hàm Đại tá, ông đã là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Đồng Bằng. Vì vậy, hồi đó trong quân lưu truyền một câu chuyện “lý giải” cho việc lên chức rất nhanh của ông.

Chuyện rằng: Khi Nguyễn Huy Hiệu còn là chiến sĩ liên lạc của Đại đội, trong một trận chiến đấu khốc liệt, toàn ban chỉ huy Đại đội hy sinh hết. Chiến sĩ Hiệu dũng cảm xốc lại lực lượng trong đại đội, chỉ huy đơn vị, lật ngược được thế cờ, điều hành đơn vị chiến đấu rất ngoan cường và đem về thắng lợi. Sau trận thắng đó, Nguyễn Huy Hiệu chính thức được bổ nhiệm Đại đội trưởng.

Tuy nhiên, tướng Hiệu cho biết đó chỉ là câu chuyện đồn đại. Kỳ thực ông chưa được phong vượt cấp lần nào. Từ lính nghĩa vụ, sau lên tổ trưởng tổ ba người, đánh tiếp lên tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng.

Sau liên tiếp những trận chiến thắng quân thù, ông lại được thăng cấp lên tiểu đoàn trưởng, rồi khi đã là trung đoàn trưởng nhưng chưa kịp nhận quyết định thì Nguyễn Huy Hiệu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, vậy là trong quyết định tuyên dương đó ông được ghi là Trung đoàn phó Bộ binh, trung đoàn Triệu Hải, bộ đội chủ lực Mặt trận B5 - Quảng Trị.

Trong bản tuyên dương ấy có ghi rõ: "Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ Trung đoàn, ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đã đánh 67 trận, trận đánh nào cũng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, dẫn đầu đơn vị vượt khó khăn ác liệt, kiên quyết đánh thắng".

Sau khi kết thúc chiến tranh, ông tiếp tục đồng thời đảm nhiệm vai trò là... “cậu” học sinh: Theo học hết cấp ba ở Lạng Sơn, học tiếng Nga để chuẩn bị đi Liên Xô (cũ) nghiên cứu. Nhưng sau đó ông được “điều” về Hà Nội học Học viện cao cấp khóa đầu tiên (nay gọi là Học viện Quốc phòng), khi tốt nghiệp được phong hàm Thượng tá và giữ chức vụ Đại đoàn trưởng Đại đoàn Đồng Bằng (sau này gọi là Sư đoàn 390).

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đại tá Nguyễn Huy Hiệu dẫn đầu 4 Sư đoàn trưởng của Việt Nam, vừa là Bí thư chi bộ vừa làm lớp trưởng đi học ở Nga. Học gần một năm, tốt nghiệp quay trở về làm Sư trưởng. Gần 8 năm sau, ông nhận lệnh điều động làm Phó Tư lệnh thứ nhất Quân đoàn I sau đó là Tư lệnh Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết Thắng khi tròn 39 tuổi.

Kinh qua đầy đủ chức vụ trong quân đội, ở cương vị nào ông cũng là một trong những người chỉ huy trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi 40 tuổi, ông được phong Tướng, đó cũng là vị tướng trẻ nhất của Quân đội khi ấy.

Vương Hà