Ám ảnh hậu vụ án do người tâm thần phạm tội

Ám ảnh hậu vụ án do người tâm thần phạm tội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Vụ án kết thúc, dù đã quá muộn nhưng người ta cũng nhận ra rằng hậu quả đau lòng đó có một phần nguyên nhân, người mắc bệnh không được quan tâm, theo dõi, sớm phát hiện và đưa đi điều trị.

Chưa có số liệu chính thức từ TANDTC về các trường hợp người mắc bệnh tâm thần phạm tội bị đưa ra xét xử, sau đó bắt buộc chữa bệnh. Song con số đó chắc chắn không phải là nhỏ và ngày càng có xu hướng gia tăng, gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Từ đầu năm đến nay, Tòa án TP.Hà Nội đã xét xử hơn 10 vụ án, trong đó có bị cáo mang triệu chứng tâm thần, phải đưa đi giám định. Tại Phú Thọ, năm 2010 có 6 vụ án giết người do người tâm thần gây ra; từ 2011 đến nay có 12 vụ (trong đó cả án giết người, cướp và Cố ý gây thương tích...). Nạn nhân của các vụ án trên, phần lớn là chính người thân trong gia đình người phạm tội như cha mẹ, vợ chồng, con cái. Vì vậy, nỗi đau đớn càng day dứt, càng xót xa hơn gấp bội.

Xã hội - Ám ảnh hậu vụ án do người tâm thần phạm tội

Một bị cáo bị rối loạn cảm xúc đã dùng búa để tấn công người khác

Nỗi sợ mang tên... người điên

Nhắc đến người điên, ai cũng hiểu đó là những người bị mất năng lực hành vi. Vì thế, những hành động của họ hoàn toàn không có sự kiểëm soát. Ở đâu đó, chúng ta vẫn thường bắt gặp người điên đi lang thang, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, nói chuyện một mình hoặc hét lên... Họ đúng là nỗi ám ảnh của người bình thường. Người dân ở thôn Nà Pản, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, Lạng Sơn vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ vụ án năm 2008. Hà Văn Pẩu, SN 1974 đã ra sát hại dã man một bé gái trong cơn điên loạn. Cơ quan y tế xác định, Pẩu bị bệnh tâm thần phân liệt Paranoid. Mọi hình phạt mang tính pháp lý đối với hành vi giết người của Pẩu cũng chỉ là Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Nhưng sau khi hết thời hạn chữa bệnh, trở về địa phương, Pẩu vẫn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Mọi người vẫn dè chừng, sợ hãi và xa lánh Pẩu. Ngay cả người thân của người điên này cũng chối từ không nhận hắn. Ho lo sợ không biết phải quản lý Pẩu như thế nào để những vụ việc khiếp đảm tương tự không bao giờ xảy ra. Lúc điên thì thế nhưng lúc tỉnh, Pẩu cũng có tình cảm yêu thương, xúc động như bao người bình thường. Pẩu từng vừa khóc, vừa kể với bác sỹ chữa bệnh rằng: “Mẹ em định xây nhà cho em nhưng chưa kịp xây thì đã chết rồi. Em thương mẹ lắm. Về quê, em sẽ thắp hương cho mẹ”.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hồi, giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Người mắc bệnh tâm thần có biểu hiện quậy phá, bạo lực, đe dọa và có khả năng gây ra các vụ việc vi phạm pháp luật, cá biệt là một số vụ giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh, trật tự an toàn xã hội. Những bệnh nhân này sống chung trong cộng đồng, là mối đe dọa cho chính người thân của họ, cho những người xung quanh. Nếu ai đã từng chứng kiến người tâm thần đánh trẻ, bạo lực, quậy phá... thì chắc chắn sẽ bị ám ảnh. Hàng xóm xung quanh chẳng ai là không mong muốn anh ta được đưa vào viện để điều trị. Mong muốn đó không có gì là thái quá. Bởi vì, người có triệu chứng thần kinh không ổn định, có thể phát bệnh bất kỳ lúc nào, không thể biết trước mà phòng ngừa.

Cụ thể, tại khu 10, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, người cha là Nguyễn Văn Tâm, SN 1978 đã dùng dao phay chém vào gáy con trai (SN 2007) khiến con bị thương nặng. Sau đó, Tâm còn đào hố trước sân nhà rồi chôn con xuống. Trong lúc đang thực hiện hành vi phạm tội, chị dâu của Tâm phát hiện, hô hoán lên. Mọi người xung quanh đã nhanh chóng chạy đến ngăn chặn và đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu. Quá trình điều tra, phát hiện Nguyễn Văn Tâm mắc bệnh tâm thần và có sổ điều trị ngoại trú. Hậu quả đau lòng xảy ra là do người thân của Tâm đã quá chủ quan coi thường bệnh, không theo dõi, đề phòng và cảnh giác.

Những hệ lụy đau lòng

Cách đây ít lâu, chị Nguyễn Thị Ph tại Bắc Ninh cũng bị thiệt mạng chỉ vì gia đình chồng luôn một mực cho rằng con mình không mắc bệnh tâm thần, không phải đi chữa bệnh. Quá trình chung sống, chị Ph phát hiện chồng có biểu hiện thần kinh không bình thường. Nhiều lần, chị Ph phân tích, yêu cầu chồng đi khám, chữa bệnh nhưng không thành. Cực chẳng đã, chị phải nhờ đến sự trợ giúp của gia đình chồng nhưng bố mẹ chồng vì bênh con, sợ mang tiếng với hàng xóm nên tìm mọi cách lờ đi. Sợ quá, chị Ph mang chuyện này tâm sự với bố mẹ đẻ và anh em của mình. Thương con, họ đón con gái và cháu về chăm sóc. Lúc tỉnh bệnh, chồng Ph sang nỉ non, hứa hẹn khiến bố mẹ vợ mủi lòng, đồng ý cho con về ở với chồng. Trước nhiều sức ép và không muốn bị “tiếng bấc, tiếng chì” nên chị Ph đành theo chồng về. Thế nhưng, trong một đêm phát bệnh, chị Ph và con đã phải chết thảm dưới nhát dao oan nghiệt của người chồng. Lúc tỉnh, chồng Ph khai rất rành rọt: “Trong đầu lúc đó, như có ai xúi giục và chỉ vợ con là “kẻ thù” trước mặt, phải giết chết không “kẻ thù” sẽ giết mình...”.

Đại tá Đỗ Văn Hoành, phó giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Đáng báo động là tình trạng người tâm thần phạm tội. Người mắc bệnh này thường phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn là chủ yếu gây án với người thân và gây án với nhiều người một lúc. Hậu quả để lại vô cùng nặng nề”.

Ông Ngô Quang Minh, nguyên Kiểm sát viên VKSND TP.Hải Phòng cho biết: Ngày càng nhiều người có tiền sử liên quan đến bệnh tâm thần bỏ nhà đi lang thang, không ai kiểm soát. Điều đó tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho cộng đồng. Vấn đề quản lý người tâm thần như thế nào để phòng ngừa tội phạm đang là nỗi trăn trở, thu hút được mối quan tâm hiện nay. Theo tôi, quản lý người bệnh tâm thần phải xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với người thân của họ thì mới hiệu quả. Ai tạo áp lực, không đưa người có triệu chứng tâm thần đi chữa bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng, thì cần có biện pháp răn đe. Điều lo ngại là hiện nay, chúng ta chưa có điều luật về người mắc bệnh tâm thần hay hành lang pháp lý để bảo vệ nhân viên làm việc trong lĩnh vực điều trị tâm thần. Vì thế, họ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ xã hội”.

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hồi phân tích: Phổ biến hiện nay là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt, phát bệnh do bệnh lý của não, do những biến đổi sinh học phức tạp hoặc tác động tâm lý bất lợi. Đã có không ít vụ án mạng thương tâm xảy ra mà thủ phạm là những người bị bệnh tâm thần phân liệt. Hậu quả đau lòng ấy là do họ không được quan tâm, phát hiện, đưa đi chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, điều đáng nói là mạng lưới tâm thần của chúng ta mới chỉ quản lý bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ở dạng này. Còn những dạng như: Trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, sa sút tâm thần, kích động do loạn thần vì uống rượu…thì vẫn chưa được để ý. Theo tiến sỹ Hồi, hiện xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc với người bệnh. Mặt khác, nhiều gia đình còn tìm cách giấu bệnh, để người thân điều trị tại nhà hoặc đến các phòng khám tư, điều này tạo khó khăn cho việc nắm bắt thông tin cũng như quản lý người bệnh. Bởi, người bệnh được đưa vào danh sách Nhà nước quản lý hay không phải chờ tới sự cho phép của gia đình người bệnh.

Theo quy định tại Điều 13, Bộ Luật Hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác, làm mất khả năng điều khiển hành vi, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với những người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội (khi còn đầy đủ năng lực hành vi) nhưng lại rơi vào tình trạng tâm thần trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

H. Anh - L. Tuấn