Ám ảnh nghề làm đẹp tử thi

Ám ảnh nghề làm đẹp tử thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Cái nghề chỉ thoáng nghe, người yếu bóng vía đã phát hoảng nhưng lại là "cần câu cơm" giúp nhiều người mưu sinh.

Có "duyên" với người chết!

Cách đây vài năm, cái chết của đại ca giang hồ H. "hều" ở Thanh Hóa khiến nhiều người sợ hãi, kể cả người thân của hắn. Căn bệnh AIDS mà H. "hều" mắc phải khiến ai cũng hiểu được mức độ nguy hiểm của nó.

Theo quy định của địa phương, những người chết trẻ không được phép ở trong nhà quá 10 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, gia đình H đành phải xuống tận thành phố, mời chuyên gia trang điểm xác chết lên để làm lễ khâm liệm cho đại ca về cõi vĩnh hằng.

Xã hội - Ám ảnh nghề làm đẹp tử thi

Nghề trang điểm tử thi cũng lắm câu chuyện bi hài.

Có lẽ, nhìn những thao tác thuần tục, trân trọng thân xác người quá cố của các nhân viên khâm liệm, thân nhân người mất cũng được an ủi phần nào. Mặc dù biết, tử thi mà họ đang phục vụ mang trong mình căn bệnh thế kỷ nguy hiểm. Nhưng, điều kỳ lạ là những chuyên gia nhà xác không tỏ ra sợ hãi.

Để tìm hiểu về cái nghề "có một trên đời" này, chúng tôi đến gặp chị Nguyễn Như Hoa (24 tuổi, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Chị đã có mười năm kinh nghiệm. Chị Hoa cho biết, đội khâm liệm gồm ba người. Trong đó, trưởng nhóm là người trực tiếp trang điểm làm đẹp cho tử thi. Hai nhân viên còn lại thực hiện các phần khâm liệm để người chết được nhập quan đúng giờ lành.

Chị Hoa cũng không nhớ mình đã từng trang điểm cho bao nhiêu tử thi. Chị chỉ biết rằng, trung bình mỗi ngày cùng các đồng nghiệp trong đội phục vụ không dưới năm người.

Chị Hoa cho biết: Năm 24 tuổi, tốt nghiệp trung cấp dược. Tuy nhiên, khi ra trường không xin được việc làm đúng ngành. Thế rồi, qua lời giới thiệu của người quen, chị Hoa xin được công việc phục vụ tang lễ trong bệnh viện tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian đầu, tiếp xúc với tử thi, chị bị ám ảnh mạnh, đêm nào cũng mơ thấy những khuôn mặt vô hồn của những người quá cố tìm về khóc than ai oán. Có những hôm đang ngủ, mơ thấy ác mộng, quá hoảng loạn, chị vùng dậy, chạy khắp xóm khóc thét kinh hãi.

Rồi có những lần tiếp xúc với tử thi chết do tai nạn giao thông, thân thể bị biến dạng, chỗ lồi, chỗ lõm, máu me chảy lênh láng, vừa nhìn thấy, chị Hoa đã ngất. Vì vậy, mới vào làm được một tuần, chị Hoa đã vội làm đơn xin nghỉ việc.

Sau đó người đàn bà này đã đi xin việc nhiều nơi, thậm chí chấp nhận làm những công việc trái nghề. Tuy nhiên, đêm về, giấc ngủ của chị cứ chập chờn, thường xuyên mơ thấy những xác chết trước đây mình tiếp xúc.

Sau những ngày bị ám ảnh, nghĩ mình có duyên với nghề, chị Hoa làm đơn xin được quay trở lại làm việc tại nhà xác bệnh viện. Cũng thật kỳ lạ, từ ngày đó, chị không còn gặp ác mộng nữa. Hơn nữa, khi tiếp xúc với các tử thi, chị tỏ ra rất bình tĩnh, không còn bị kích động như trước.

Thời gian đầu, vì thấy Hoa còn trẻ, các cô chú trong đội luôn để chị làm những phần việc nhẹ nhàng, tránh tiếp xúc trực tiếp với xác chết. Nhưng càng ngày, công việc trong đội càng nhiều, chị Hoa đành phải học nghề để đảm đương công việc. Đến bây giờ, bản thân chị Hoa cũng không hiểu được, tại sao ngày đó mình lại có quyết tâm quay trở lại với nghề này?.

Chị tâm sự: "Có lẽ đó là cái duyên của cuộc đời, là cái nợ đã buộc chặt đôi chân chị với những xác chết. Lâu dần thành quen". Bây giờ, chị Hoa đã là một tổ trưởng dày dặn kinh nghiệm, đào tạo không ít những chuyên gia trang điểm tử thi mới vào nghề.

Công việc hằng ngày của một nhân viên nhà xác là lau dọn những vết tích còn sót lại của tử thi, nhận điện thoại của bệnh viện, nếu có xác chết thì chuyển về nhà xác chờ thân nhân người mất đến bàn giao. Các bệnh nhân chết ở bệnh viện, người nhà thường đề nghị các nhân viên tang lễ kiêm luôn phần khâm liệm. Nhất là những bệnh nhân chết do các căn bệnh hiểm nghèo như: AIDS, ung thư, liệt não...

Công việc trang điểm cho tử thi tương đối phức tạp như tắm rửa, mặc quần áo, sửa lại tư thế nằm, trang điểm đầu tóc, phải "make up" khuôn mặt người mất sao cho hồng hào rạng rỡ như còn sống.

Đối với các tử thi còn nguyên vẹn thì còn đơn giản, chứ nếu gặp phải những xác chết bị tai nạn giao thông, thân xác bị thiêu cháy đen thì việc trang điểm càng khó khăn hơn nhiều. Thường thì các nhân viên phải góp nhặt trên cơ thể, lượm lặt những thứ vương vãi, thậm chí còn cắt đắp làm sao cho khuôn mặt được đầy đủ.

Chấp nhận theo nghề, đồng nghĩa phải xác định rõ những rủi ro nghề nghiệp có thể mắc phải. Tử thi vốn đã rất độc hại nhưng tiếp xúc với những xác người mang căn bệnh truyền nhiễm thì còn rủi ro hơn nhiều. Theo như lời kể của chị Hoa, những tử thi mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo nhất là AIDS, ung thư dạ dày thường mang đến những rủi ro nhiễm độc cao cho những chuyên gia trang điểm.

Mặc dù biết là tử thi tiềm ẩn nguy hiểm, nhưng với những chuyên gia trang điểm, họ không được phép chọn lựa hay từ chối. Và để đảm bảo an toàn, các nhân viên phải tự biết bảo vệ mình, phải đeo đồ bảo hộ để tránh khả năng lây nhiễm.

Vì tâm nhiều hơn vì tiền

Có lẽ trong quan niệm của nhiều người, công việc làm đẹp cho người chết sẽ có thu nhập cao. Bởi phần lớn chỉ có những gia đình có điều kiện mới có khả năng bỏ ra hàng triệu đồng để thuê những chuyên gia trang điểm có tay nghề về khâm liệm. Thế nhưng trên thực tế, không phải như thế. Nhiều trường hợp, các nhân viên lễ tang tiếp nhận những tử thi vô chủ hay những gia đình người quá cố có hoàn cảnh khó khăn. Lúc này, họ luôn xác định làm việc bằng cái tâm là chính. Mặc dù làm không công nhưng họ cố gắng thực hiện nghĩa vụ chu đáo.

Điều tối kỵ là không được phép chọn lựa hay hắt hủi thân xác người quá cố. Có lẽ thế mà bên cạnh những cái tên rùng rợn như: Nghề chăm xác chết, nghề hốt bạc tử thi hay nghề khâm liệm còn có những cái tên rất nhân văn như nghề làm đẹp cho người chết.

Gắn bó nhiều năm với công việc, những nhân viên nhà xác mang bên mình không ít kỷ niệm kỳ quái. Đến bây giờ chị Hoa vẫn nhớ như in về một giấc mơ kỳ lạ. Nó ám ảnh chị từ những năm đầu bước chân vào nghề. Đó là vào một buổi tối chị cùng đồng nghiệp trực ca đêm. Sau khi kiểm tra cẩn thận số lượng tử thi được bàn giao chị Hoa trở về phòng trực.

Trong giấc mơ, chị thấy một thiếu nữ mặc áo trắng, cứ đứng một chỗ nhìn về phía chị khóc thảm thiết. Chị Hoa hỏi thì người thiếu nữ này nói thân thể để trong nhà xác rất lạnh. Chị ta chết mà người thân không biết, rồi đọc một dãy số điện thoại và dặn chị Hoa nhớ lấy để gọi điện về báo tin cho gia đình biết.

Sau giấc mơ, chị Hoa vội vàng xuống nhà xác kiểm tra thì phát hiện, đúng là có một tử thi chưa có người nhà đến nhận. Thấy giấc mơ linh nghiệm, nhớ đến số điện thoại mà thiếu nữ đọc cho mình, chị vội báo cáo lên lãnh đạo. Kết quả thật trùng hợp, người nhà nạn nhân đến nhận đúng xác về. Thế là từ đó những câu chuyện về ma quỷ hiện hình trong nhà xác cũng được các nhân viên lễ tang thêu dệt một cách rùng rợn, ly kỳ. Nó khiến cho những định kiến xã hội về công việc của họ ngày càng khắc nghiệt, khó khăn hơn.

Nhưng có lẽ đối với những người đã trót mang cái nghiệp vào thân thì không còn cách nào khác. Họ phải vượt lên những định kiến khắc nghiệt để có thể sống và tồn tại với nghề nghiệp đã chọn.

Những vất vả, nguy hiểm, thiệt thòi luôn rình rập những chuyên gia trang điểm tử thi. Thế nhưng, vượt lên dư luận, họ vẫn gắn bó với công việc và luôn tâm niệm làm đẹp cho người, làm phúc cho đời và tích đức để lại cho đời sau.

Mất người yêu vì nghề trang điểm tử thi

Mặc dù cũng là một nghề lao động chân chính, thế nhưng khi được ai đó hỏi về nghề nghiệp của mình, phần lớn những chuyên gia trang điểm đều giấu. Bởi trong con mắt của nhiều người, khâm liệm tử thi là một nghề không may mắn. Việc thường xuyên tiếp xúc với xác chết nên âm tà, khí độc tích tụ rất nặng nề. Đấy là chưa kể đến có những người ác miệng vẫn luôn nói, chăm tử thi là nghề kiếm sống trên thân xác người chết. Chính vì lẽ đó, các nhân viên làm việc ở nhà xác rất sợ khi ai đó vô tình hỏi thăm về công việc của mình. Chị Hoa kể, có trường hợp một nhân viên nam về ra mắt gia đình bạn gái. Sau khi nghe "con rể tương lai" kể về nghề của mình, anh ta bị phản đối kịch liệt.

Tâm Thiện