Mùa xuân trong những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngọc Khuê

Mùa xuân trong những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngọc Khuê

Thứ 6, 15/02/2013 | 15:59
0
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về là khắp nơi lại vang lên ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Đây là một nhạc phẩm được nhiều người biết, nghe và thậm chí là hát nhiều nhưng lại rất ít người biết về cha đẻ của bài hát nổi tiếng đó.

Tình yêu gửi vào mùa xuân

Từ xưa tới nay, mùa xuân vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Bởi mùa xuân là mùa của hoa thơm, trái ngọt, mùa của tình yêu lứa đôi, của tuổi trẻ và dường như cả sự bắt đầu. Nhưng mỗi người lại có những cách tiếp cận mùa xuân khác nhau. Nếu như mùa xuân của nhạc sĩ Trần Chung nhẹ nhàng, tinh khôi như tiếng gọi êm đềm, tha thiết của người yêu trong nhạc phẩm Mùa xuân đến rồi đó, mùa xuân của cố nhạc sĩ Xuân Hồng chất chứa sự hứng khởi tràn đầy, thăng hoa trời đất thiên nhiên giao thoa vần vũ thì riêng với Ngọc Khuê, mùa của sự sống ấy lại được cảm nhận theo một góc khác. Đó sự tươi mới, ấm áp của tình yêu, giai điệu, ca từ rộn rã với nhiều cung bậc rất đỗi riêng tư.

Nhân vật - Mùa xuân trong những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngọc Khuê

Dù đã gần 70 tuổi nhưng nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn trẻ trung, yêu đời.

Ngọc Khuê tâm sự: "Mùa xuân rất đặc biệt, nó luôn mang lại cho tôi những cảm giác thật lạ, vừa bồi hồi, rộn rã, vừa phấn chấn, xốn xang". Vì lẽ đó mà  dường như những cung bậc tình cảm thương mến nhất, nồng nàn nhất ông đều dành trọn cho mùa xuân.

Nhắc đến Ngọc Khuê, người ta sẽ nghĩ ngay đến những sáng tác thắm đượm tình yêu quê hương, mối tình nồng nàn, man mác về mảnh đất Hà Nội yêu dấu như: Mùa xuân làng lúa làng hoa; Hạt nắng hạt mưa; Khoảnh khắc mùa xuân; Trở về mùa xuân. Nếu xét về số lượng thì các tác phẩm viết về chủ đề mùa xuân của nhạc sĩ  không nhiều so với hàng trăm nhạc phẩm của ông, nhưng hầu hết các tác phẩm hiếm hoi ấy lại gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. "Từ trước tới nay, dù ai đó đã từng nghe hàng trăm lần bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa hay dù chỉ bất chợt lắng nghe thì đều tự nhiên mặc định rằng: Cảm hứng chính của bài hát chính là làng hoa Ngọc Hà - một vựa hoa nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Đó là một sự nhầm lẫn, dù không ảnh hưởng gì nhưng chính xác là bài hát đó được tôi lấy từ cảm hứng làng hoa Nghi Tàm, trong một buổi chiều đông năm 1980", nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết.

Cảm xúc của buổi chiều ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp nhạc sĩ hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà ông mới vội vàng ngồi viết phần đầu và phần kết. Đó cũng là hai phần khó khăn nhất của toàn bộ bài hát, dù đã tìm được tứ nhưng diễn đạt  làm sao cho hết được nguồn cảm xúc đang ào ạt chảy trong lòng ông mới là điều khó. Ông đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa - làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu- Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ. Bài hát ấy được Ngọc Khuê ra đời sau hơn một năm thai nghén. Ông đã mạnh dạn đưa đứa con tinh thần lên Đài tiếng nói Việt Nam để nhờ phát sóng. Năm 1981, lần đầu tiên trình làng với sự thể hiện của NSND Thanh Hoa, Mùa xuân làng lúa làng hoa đã được đông đảo công chúng thời đó đón nhận, vượt lên cả sự mong đợi của tác giả.  Sau đó, dù có nhiều ca sĩ khác thể hiện bài hát này rất thành công nhưng đối với nhạc sĩ Ngọc Khuê, dường như cái tên Thanh Hoa vẫn gắn bó hơn cả, bởi sự tinh khôi, mới mẻ trong bản thu đầu tiên đã được gắn mác cùng tên tuổi của nghệ sĩ gạo cội với giọng ca ngọt ngào này.

Nhân vật - Mùa xuân trong những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngọc Khuê (Hình 2).

 Lời bài hát Mùa xuân, làng lúa làng hoa".

Nghe ca khúc: Mùa xuân làng lúa làng hoa - NSND Thanh Hoa

Đến với âm nhạc bằng chất lính

Cả đời phấn đấu không mệt mỏi để trọn vẹn với nghệ thuật, ngay cả bây giờ khi đã ở tuổi đáng để nghỉ ngơi, Ngọc Khuê vẫn không dứt khỏi những đam mê. Với ông, thứ có thể gắn kết ông với cuộc đời chỉ có thể là tình yêu âm nhạc mà thôi. Nó có một sức hút ghê gớm với người lính Ngọc Khuê. Ông bắt đầu con đường âm nhạc của mình bằng chính sự ngây thơ, vô tư, không mưu lợi nên tất cả những hư danh với Ngọc Khuê đều là vật ngoài thân. Ông quan niệm rằng: "Đã là nghệ sĩ thì hãy bớt tham danh hiệu và giải thưởng. Sáng tạo là tận hiến chứ không phải một phương thức trục lợi".

Trong cả cuộc đời cầm bút của mình, ông đã sáng tác hàng trăm ca khúc được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Lời ca mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm tình yêu của một người con xa quê luôn đau đáu nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Có lẽ người nhạc sĩ này đến với âm nhạc bằng sự vô tư đầy chất lính nên các sáng tác của Ngọc Khuê luôn căng đầy tinh thần hào sảng, mộc mạc nhưng rất đỗi tự nhiên. Ông đã đi đến tận cùng của miền cảm xúc để chắt chiu thành những giai điệu mượt mà, những lời ca chứa chan tình quê, tình người. Ngọc Khuê từng theo học ngành sư phạm rồi sau đó sợi duyên với âm nhạc đã cuốn ông rẽ sang một lối khác. Năm 19 tuổi, ông tham gia nhập ngũ thuộc đơn vị lính cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), tại đây ông đã cho ra đời ca khúc Tiếng hát bên dòng sông Mã (1966). Cảm xúc bất chợt của một tâm hồn nghệ sĩ đã giúp nhạc sĩ sáng tác nên những giai điệu tuyệt vời về mảnh đất quê lụa bên dòng sông Mã anh hùng. Lúc đầu, bài hát chỉ được lưu hành nội bộ, trong các cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ thì ca khúc đầu tay này của nhạc sĩ nghiệp dư Ngọc Khuê luôn được mọi người yêu thích. Đến năm 1968 thì bài hát được trình bày tại hội diễn văn nghệ, rồi được thu thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và phổ cập rộng rãi. Ngọc Khuê tâm sự: "Tôi đến với sáng tác rất tình cờ. Có thể nói là may mắn của tôi vì ngay từ bài hát đầu tiên đã có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng. Đây là động lực cổ vũ tôi tiếp tục sáng tác, dâng lời ca tiếng hát cho đời.

Dường như âm nhạc như sợi duyên mà ông trời trao vào tay người lính Ngọc Khuê khiến ông không thể chối từ. Vì sau khi chuyển đơn vị về Hà Nội, ông được phân công về công tác tại Đoàn văn công Phòng không - không quân, nơi đây trở thành môi trường văn nghệ chuyên nghiệp giúp ông thỏa sức sáng tạo trong thế giới nghệ thuật của chính mình. Âm nhạc là sự phản ánh chân thực về chân dung của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Ông đùa rằng: "Chắc vì một phần tính cách của con người tôi giản dị, hào sảng nên nhạc phẩm của tôi cũng nhẹ nhàng, tinh giản chứ không cao sang, toàn bích. Nó gần gũi với quần chúng, phản ánh được đời sống tinh thần của người nông dân. Làm được điều đó là tôi đã thành công rồi. Chính vì thế, dù viết về người lính, người nông dân hay tình yêu quê hương, đất nước thì nét giản dị, mộc mạc như chính con người miền quê hiền lành, chân chất là những gì người ta dễ nhận thấy trong nhạc phẩm của ông. Đơn giản nhưng không nhàm chán, mộc mạc nhưng không đơn điệu, buồn tẻ các sáng tác của ông luôn có sức hút lạ kỳ với người nghe. Bởi thế, ai yêu dòng nhạc quê hương sẽ tìm thấy làng quê của mình qua các sáng tác của Ngọc Khuê. Ông đã đem vào ca khúc của mình một bức tranh xinh xắn của Hà Nội yêu dấu. Bên cạnh những xô bồ, bon chen là hình ảnh những đồng lúa thơm ngát, những làng hoa trù phú ven đô, là hình ảnh bến nước, con đò thật hiền hòa, bình dị. Cảm xúc đến với người nhạc sĩ này thật tự nhiên, nó được hoài thai từ những trăn trở, ưu tư từ chất chứa trong lòng của người nghệ sĩ nên ông rất quý, rất yêu. Cũng như vậy, mỗi một ca khúc mà ông sáng tác đều gắn liền với những kỷ niệm khó phai. Đối với Ngọc Khuê, tất cả chúng đều là những trái ngọt.

Dù đã đến tuổi thất thập nhưng nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn trẻ trung. Hàng ngày ông vẫn sáng tác nhạc, làm thơ và lướt web đều đặn. Tôi thật sự bất ngờ khi nhìn đôi bàn tay của ông thoăn thoắt check mail và trả lời tin nhắn bạn bè trên trang cá nhân một cách điệu nghệ. Ông cười bảo: “Dù mình có già nhưng không muốn bị lạc hậu so với thời cuộc, cả tâm hồn lẫn cuộc sống. Đó chính là bí quyết giúp tôi trẻ lâu”.

Gia Lê

7 ca khúc mới nên nghe cuối tuần rực rỡ hoa đào

Thứ 7, 02/02/2013 | 16:21
Cùng lắng nghe nghe một số bản nhạc mới nhất trong cuối tuần để chào đón một mùa xuân sắp đến gần.

Nghe lại những ca khúc bất hủ của nhạc sỹ Hoàng Hiệp

Thứ 4, 09/01/2013 | 17:01
Đây là những ca khúc nổi tiếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.