Ấm ức như dùng vé tập đi xe buýt

HÀ NHÂN

Với một bộ phận người dân TP.HCM, lựa chọn sử dụng vé tập như lời cam kết gắn bó lâu dài với xe buýt. Tuy nhiên, vì giá vé này rẻ hơn vé ngày nên họ phải chịu cảnh phân biệt đối xử. Cứ như thế, liệu rằng giao thông công cộng có giữ được hành khách hay không?

Hành khách có tội tình gì?

Hệ thống xe buýt tại TP.HCM có 2 hình thức mua vé. Phần lớn khách chọn mua vé lượt với giá từ 5.000 – 7.000 đồng/lượt, hoặc 3.000 đồng/lượt dành cho học sinh sinh viên. Còn đối với vé bán trước (hay thường gọi là vé tập năm) có giá từ 112.500 - 157.500 đồng/1 tập 30 vé. Khi lên xe, khách không cần đưa tiền mặt mà xé vé tập để trả.

Cũng chính vì không “tiền trao, cháo múc” mà nhiều cảnh tiếp viên “bắt nạt” hành khách sử dụng vé tập vẫn diễn ra. Mới đây, một tiếp viên tuyến 104 (bến xe An Sương - đại học Nông Lâm) “mạnh miệng” đại diện doanh nghiệp khi tuyên bố trên mạng xã hội “Xe buýt TP.Hồ Chí Minh” về việc tăng cường kiểm tra đối với vé tập.

Đưa ra thông tin là các bến xe đã ngừng bán vé tập, Công viên 23/9 “bán nhỏ giọt lúc có lúc không và chỉ còn tập vé tương đương vé 7k” nên tiếp viên H.T.Ph cho rằng, đang có “tình hình vé tập ồ ạt, vé giả tràn lan”. Từ đó, người này đòi “kiểm tra cùi vé”, thậm chí đối xử gắt gao hơn với khách dùng vé tập.

Xe buýt tuyến 104 có tiếp viên đăng thông tin phân biệt đối xử với hành khách sử dụng vé tập.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, tiếp viên này thừa nhận, không có văn bản chỉ đạo nào từ hợp tác xã mà “tự em kiểm tra vì thấy tràn lan vé giả”, “lượng vé tập thu về nhiều hơn”.

“Nhưng vé không có giá trị quy đổi thành tiền mặt đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp lao đao vì trung tâm (trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM – PV) trừ khấu hao vé giả quá nhiều. Do cơ chế tuyến 104 lãnh lương trực tiếp theo ngày, nên nếu không đủ là không có lương”, Ph. nói.

Câu chuyện này vốn đã tồn tại từ lâu. Anh Nguyễn Thế Mẫn, sinh viên trường đại học Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Là người thường xuyên đi tuyến xe số 8, tôi vẫn thường bị tiếp viên cằn nhằn vì xài vé tập. Có khi thấy trên còn chỗ trống, mình định đi lên ngồi thì được “nhắc nhở” ngay”.

Không chỉ sinh viên, những công nhân đi làm xa tại các khu công nghiệp cũng chịu cảnh ấm ức khi dùng vé tập. Chị Lý Thị Hoa, công nhân khu công nghiệp Tân Bình cho hay: “Vì mỗi ngày đều phải đi tuyến xe đó nên các tài xế quen mặt cả. Nếu chỉ đứng chờ một mình tại trạm, có tài xế bỏ đi luôn chứ không đón. Họ không vừa ý với mức giá vé đưa ra, hay không nhận vé tập thì phản ảnh lên cơ quan cấp trên để người ta giải quyết. Chúng tôi là khách, bỏ tiền ra mua vé theo đúng quy định chứ có quỵt tiền ai đâu mà sao lại phân biệt đối xử như vậy?”.

Chưa phát hiện vé tập giả

Trả lời PV về quy trình thực hiện liên quan đến vé tập xe buýt, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, sau khi đặt hàng nhà máy in về số lượng cũng như mẫu đăng ký gửi cho nhà in, mỗi loại vé là mỗi màu khác nhau, Trung tâm gửi thông báo phát hành vé gửi đến cục Thuế TP.HCM để đăng ký sử dụng.

Sau khi được chấp nhận, Trung tâm đóng dấu gửi cho các đại lý vé (hiện có 8 đại lý) theo nhu cầu từng tháng đại lý vé đã đăng ký. Hành khách có nhu cầu sử dụng vé tập đến các đại lý để mua. Khi lên xe, hành khách xé 1 vé/1 lượt đưa cho nhân viên phục vụ trên xe và nhận lại 1 vé đi xe buýt.

Kết thúc mỗi chuyến, nhân viên phục vụ trên xe thống kê số lượng vé (bao gồm vé tập) ghi nhận vào lệnh vận chuyển. Hàng tháng, doanh nghiệp vận tải nộp vé tập thu lại trên tuyến về Trung tâm tiến hành kiểm tra, rà soát lập hồ sơ thanh quyết toán.

“Như vậy, khi tiếp nhận phản ánh từ ghi nhận của PV, lãnh đạo Trung tâm đã cho triển khai kiểm tra. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020 chưa phát hiện bất kỳ vé tập giả nào. Cơ quan cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo của doanh nghiệp vận tải nào về việc phát hiện hành khách sử dụng vé tập giả trên tuyến”, ông Hoàn khẳng định.

Thông tin về tình hình vé tập xe buýt giả là không chính xác.

Riêng đối với Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP.HCM là đơn vị đang đảm nhận khai thác tuyến số 104, phía Trung tâm đã yêu cầu nhanh chóng xác minh thông tin. Về bài viết trên mạng xã hội, đơn vị có làm việc với chủ tài khoản của bài viết đồng thời là nhân viên bán vé thuộc đơn vị quản lý.

Nhân viên trình bày nguyên nhân đăng bài là do thấy việc bày bán vé tập tràn lan trên mạng với giá rất rẻ, nghi ngờ đó là vẻ giả nên có bài đăng để nhằm giúp hành khách cảnh giác khi mua vé tập. Ngoài ra tiếp viên này hoàn toàn không phải phản ánh trên tuyến 104 sử dụng vé tập giả.

Nhằm hạn chế các trường hợp có thể có sử dụng vé tập giả để đi lại xe buýt, Trung tâm đã yêu cầu phía doanh nghiệp vận tải tăng cường kiểm soát trên tuyến và chỉ đạo thường xuyên kiểm tra thực tế, rà soát kỹ lưỡng vé tập do doanh nghiệp vận tải nộp lại. Trường hợp phát hiện có lưu hành, sử dụng vé tập giả thì Trung tâm sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đồng thời, Trung tâm cũng đang tập trung triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý sản lượng hành khách. Cụ thể, hệ thống thanh toán tự động đang được thí điểm trên 13 tuyến xe buýt (86, 59, 72, 69, 31, 38, 50, 52, 28, 36, 139, 148, 152) từng bước đem lại tiện lời cho người dân. Doanh thu từ vé sẽ được chuyển về tài khoản của doanh nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng, giúp giảm chi phí quản lý, kiểm kê nguồn thu vé so với phương pháp thủ công.

H.N