Ấn Độ: Nghèo xơ nghèo xác nhưng quyến rũ

Ấn Độ: Nghèo xơ nghèo xác nhưng quyến rũ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
1
Ấn Độ là thị trường bí ẩn và mới mẻ với nhiều du khách Việt. Trong chuyến “Ấn Độ phiêu lưu ký” vừa qua, tôi đã có dịp khám phá những bí ẩn và cả nghịch lý của đất nước này.

Hồi nhỏ, tôi chỉ biết Ấn Độ là mấy người Chà và đen, hiền đi bán vải và hàng hóa dạo. Hoặc biết về đất nước này qua biểu tượng... hàm răng trắng hếu của nhãn kem đánh răng Hynos ở Sài Gòn trước 1975. Lớn lên thì biết thêm Ấn Độ là nơi thái tử Tất Đạt Đa sinh sống và đắc đạo (Đức Phật sinh ra ở Nepal) dù tín đồ của ngài ở Ấn Độ chưa tới 2%. Người Ấn đa số theo đạo Hindu (gần 81%) và đạo Hồi (gần 14%). Là nước đông dân thứ 2 (hơn 1,2 tỉ người) trên thế giới và diện tích xếp thứ 7 (gần 3,3 triệu km2), Ấn Độ lớn gấp 10 và dân số gấp 14 lần Việt Nam. Được mệnh danh là cường quốc về công nghệ thông tin, về xe lửa... nhưng ở đây có nhiều nghịch lý khó hiểu...

Xã hội - Ấn Độ: Nghèo xơ nghèo xác nhưng quyến rũ

Để kiểm tra tour mới, tôi rủ thêm 2 người bạn là Nguyễn Hữu Lộc và Huỳnh Thị Xuân Ngọc làm một chuyến “Ấn Độ phiêu lưu ký”. Chúng tôi nhờ phía Ấn Độ đặt các dịch vụ và náo nức lên đường với đủ thứ thực phẩm khô. Transit tại sân bay Bangkok rồi đi tiếp New Dehli, tôi gặp rất nhiều bạn trẻ Ấn Độ tay xách nách mang các loại ti vi màn hình phẳng, hồ hởi về quê. Y hệt cảnh thời bao cấp của dân hợp tác lao động Việt Nam. Chiếc Innova 7 chỗ, suốt gần 2 tuần lễ đưa chúng tôi vượt hơn 4.000 km, đi khắp vùng đông bắc Ấn Độ. Từ tiểu bang Dehli qua Uttar Pradesh đến Bihar và qua tận Nepal, xuôi dòng sông Ganga huyền thoại, còn được gọi là sông Hằng linh thiêng. Sông dài 2.516 km, bắt nguồn từ Himalaya, qua Nepal, vào Ấn Độ và đổ ra vịnh Belgan.

Dù có xem phim, đọc báo và nghe kể cũng không thể hình dung Ấn Độ với những hình ảnh trái ngược: thân thiện, nghèo khổ, lạc quan, rác bụi... Nếu ở Lào không có số nhà vì dân ít (6 triệu người) thì có lý, nhưng với 1,2 tỉ người mà không có số nhà là chuyện... như đùa. Người Ấn Độ ít dịch chuyển lại hay hội hè nên cả làng, cả phố ai cũng biết nhau. Lỡ trùng tên thì khác tên cha mẹ, vợ con. Cứ thế mà hỏi nhà, đưa thư. Bao đời nay vẫn vậy, trừ các vùng trung tâm thành phố.

Tên đường cũng lười ghi và rất ít thấy bảng chỉ đường, nên cứ đi tới đâu hỏi tới đó. Tài xế cứ ngồi trong xe, huýt gió, suỵt, ngoắc tay hỏi. Thế mà ai cũng vồn vã, có khi 2 - 3 người giành nhau chỉ đường. Cứ như đó là niềm vui của họ. Chả bù cho Việt Nam, hỏi lịch sự còn bị lừa... lạc đường cho vui, hỏi đường kiểu Ấn Độ là vỡ kính xe, nhẹ thì cũng ăn đấm.

Đường bộ Ấn Độ rộng hơn Việt Nam dù nhiều đoạn cũng đầy ổ voi nhưng không có trạm dừng. Các cây xăng thì rộng nhưng tệ hơn Việt Nam thời bao cấp. Trạm thu phí thì cứ như trạm gác du kích Việt Nam thời ngăn sông cấm chợ. Chỉ cần thanh gỗ chắn ngang; gắn sợi dây để kéo lên, hạ xuống và 3-4 nhân viên, ăn mặc thoải mái, thế là thành trạm thu phí đường quốc lộ.

Ấn Độ là cường quốc xe tải và xe tuk tuk. Đi đâu cũng thấy xe tải, có loại tải container cao 5-6 m, dài 25-30 m. Chẳng biết cua quẹo bằng cách nào? Cứ tha hồ độ và bóp kèn thoải mái. Phía sau xe nào cũng “năn nỉ” : “Please horn”, “Blow horn”... Xe tuk tuk có đến mấy chục triệu chiếc, ở thủ đô thì mới hơn ở vùng quê, cứ màu vàng xanh truyền thống. Xe nhỏ, giống xe lam mini nhưng nhét được 12 người. Đoàn đã đi tuk tuk ở New Delhi vì taxi cực hiếm. Tôi ngồi trước, cạnh tài xế, tay phải vòng qua đầu lái xe vịn thanh sắt khung, tay trái vịn thanh sắt khác. Xe chạy vòng vo hơn 2 km với giá chỉ 10 rupi (4.000 đồng) cho 4 người.

Dù đã hỏi giá trước, tới nơi, trả tiền vẫn hồi hộp vì sợ bị đòi thành 10 USD hoặc bị chửi. Ai dè, vẫn vui vẻ, 10 rupi; khi về cũng vậy. Chúng tôi cũng đã đi xe ngựa vào viếng đền. Bụi tung mù mịt. Chẳng xe nào có túi đựng phân. Ngựa cứ vô tư, thích đâu xả đó. Nắng hanh và gió khô sẽ trộn lẫn mọi thứ với đất cát. Đoàn cũng đã đi xích lô lôi (khác với xích lô đẩy ở Sài Gòn). Loại xe đạp tự chế, khá phổ biến, ngồi được một người... rưỡi nhưng phải nhét hai người, không có nhíp giảm xóc nên đau ê ẩm.

Ở thủ đô mới có xe xịn. Các tỉnh đa phần xe nội địa và các loại xe tự chế. Nhiều kiểu ngộ nghĩnh. Giao thông các tỉnh nhỏ và nông thôn chủ yếu là xe công nông, xe gắn máy và nhiều nhất là xe đạp. Có cả xe bò, xe ngựa trong thành phố hay đường cao tốc. Xe gắn máy chở 3, chạy trên xa lộ, chẳng cần nón bảo hiểm. Ấn Độ là cường quốc xe lửa, chắc chỉ xét về lượng hành khách, hàng hóa vận chuyển, chiều dài đường ray và mạng lưới dày đặc khắp các bang, các tỉnh. Dù đường ray rộng 1,4 m nhưng rất nhiều đoạn vẫn cắt ngang đường bộ mà rào chắn không thể sơ sài hơn. Tàu cũ, xô bồ và nhếch nhác. Các loại xe buýt công cộng cũng vậy. Chỉ có xe chở khách du lịch là mới và đẹp.

Ấn Độ cũng có tàu điện trên cao nhưng cũ kỹ. Tàu điện ngầm ở New Delhi khá hơn nhưng chưa thể sánh với các nước công nghiệp. Giao thông Ấn Độ hỗn loạn, xe hơi nào cũng bị móp méo do va quệt, nhưng cứ để nguyên như mốt thời thượng. Lượng người chết vì tai nạn giao thông ở Ấn Độ đứng đầu thế giới. May mà người Ấn rất ít uống rượu. Nếu không, e rằng tai nạn sẽ tăng gấp 3. Nhiều hình ảnh lạ lùng về giao thông chỉ Ấn Độ mới có, bỏ xa Việt Nam, Campuchia...

Người Ấn ít đi du lịch ra nước ngoài không hẳn vì nghèo. Người nước ngoài chưa đi du lịch Ấn Độ nhiều, dù đất nước này có tới 29 di sản thế giới, có nơi được xem là kỳ quan nhân loại như đền Taj Mahal. Có một lý do bắt nguồn từ ẩm thực mang tính chất tôn giáo. Người Ấn chỉ ăn duy nhất thịt gà, trứng gà và một ít cá, tôm. Các loại thịt khác đều tối kỵ, đặc biệt là bò và heo. Ngay cả đồ fastfood ở Ấn cũng phải theo kiểu Ấn. Gà rán chỉ ăn với sốt cà ri đặc trưng Ấn. Thế thì làm sao khách tây chịu nổi.

Gạo Ấn hạt dài, khô, dai và lạt nhách. Mới nhìn tưởng là miến được xắt nhỏ. Khi ăn cứ tưởng là gạo giả. Người Việt cũng chịu thua. Thà mang gạo sấy Việt Nam, đổ nước sôi vào còn ngon hơn. Có lẽ do dân số đông nên nông nghiệp Ấn chỉ trồng lúa cao sản, năng suất cao để xóa đói chứ không quan tâm tới chất lượng gạo? Thức ăn chủ yếu là bánh mì Ấn. Loại bánh tròn nướng, đường kính chừng 2 tấc, dày gần 1 cm, bằng bột mì trộn gia vị Ấn, ăn kèm với cà ri Ấn. Tôi đã ăn thử và nhiều bữa phải cố ăn vì đói. Bánh mì còn ăn được chứ cà ri rất khó nuốt.

Người Ấn không ăn nếp, không ăn canh, chỉ có ít rau củ luộc. Ra chợ rau củ, chỉ thấy bông cải, bắp cải, cà rốt, khoai tây, khổ qua... Củ nào cũng bé tẹo. Cà tím, cà chua và củ cải trắng thì lớn hơn. Một ít rau hơi lạ. Trái cây cũng nghèo nàn. Chỉ thấy chuối, hầu hết là chuối già và táo Trung Quốc. Một ít cam, vắt nước bằng tay, phơi ngoài bụi nắng; không dám uống. Cũng chẳng biết xuất xứ. Về Thủ đô, có thêm ít nho, lựu, dưa hấu, thơm... chẳng biết của ai. Cũng ăn bốc nhưng người Khmer, Lào, Thái đều ăn canh. Thực đơn kiểu Trung Quốc chỉ có cơm chiên gà, mì chiên gà.

Chúng tôi cũng đã vào thăm và ăn tối với một gia đình trung lưu Ấn Độ, có con gái là biên tập viên tờ New Dehli Times. Ra ngoài thường phải ăn kèm chà bông (ngoài bắc gọi là ruốc), khô cá hoặc thịt hộp. Ngay cả việc ăn thịt heo, bò dù là khô hay đồ hộp trong quán cũng không đơn giản. Phải xin phép và được đồng ý mới có thể. Đi nước nào cũng gặp quán ăn Trung Quốc nhưng Ấn Độ thì không. Chả lẽ chỉ bán mỗi món gà, làm sao ra Chinafood?

Người Ấn càng khó đi du lịch nước ngoài, trừ các nước cùng tôn giáo hoặc có cộng đồng Ấn kiều sinh sống. Như Việt Nam khó mà đáp ứng yêu cầu ẩm thực của người Ấn. Châu Âu và Mỹ càng khó. Chỉ có người ăn chay là đi Ấn Độ thoải mái. Có lẽ vì vậy mà du lịch kết hợp hành hương Ấn Độ của các phật tử Việt Nam khá thuận lợi.

Chuyến đi dù vất vả nhưng đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ. Ấn Độ là đất nước lạ lùng, nghèo khó mà quyến rũ. Tôi vẫn muốn trở lại để tiếp tục khám phá.

Theo Thanh niên