Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P5)

Ấn Độ - Những ngày Đông rực nắng (P5)

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Varanasi nổi tiếng về nhiều điểm nhưng có 2 thứ mà LP hay bất cứ các sách, tour du lịch nào cũng khuyến cáo nên tham dự, đó là tour đi thuyền trên sông, lúc bình minh và lúc hoàng hôn.

Biết là vậy, nhưng sáng hôm sau, tôi vẫn không thể dậy sớm được để đi ngắm bình minh, dù tôi đã thức giấc rất sớm. Bị đánh thức, bởi những chú bò. Yogi Lodge nằm trong 1 con hẻm rất nhỏ, bề ngang khoảng 1m, vậy mà có nhiều chú bò lang thang vào tận đây.

Đêm qua, lúc đi theo anh chủ nhà trọ, tôi đã rất vất vả để tránh những bãi phân bò to tướng nằm chình ình trong ngõ nhỏ tối đen tối mù. Trước Yogi Lodge là 1 cái giếng xưa, hơi rộng rãi nên có 1 - 2 chú bò cứ tập trung nơi đây. Không biết vì lạnh, đói hay cô đơn mà những tiếng rống của các chú lúc sáng sớm nghe rền vang như những trái đại bác bắn phá vào giấc ngủ chập chờn của tôi.

Lý do tôi quyết định không đi thuyền ngắm bình minh trên sông sáng nay là vì còn quá lạ nước lạ cái với vùng đất này. Tôi cần có thời gian để tìm hiểu, làm quen trước. Vả lại, tôi vẫn còn nhiều thời gian ở đây mà. Do vậy, tôi chỉ rời nhà khi trời đã sáng hẳn, dù sương vẫn còn đôi chút đó đây.

Từ nhà nghỉ, dù có bản đồ, tôi vẫn đi lạc khi ra phố. Và để cho chắc ăn, từ ngoài phố, tôi hỏi anh cảnh sát chỉ đường tôi vào lại nhà nghỉ và tôi đã đi ra đi vô 2 lần, chọn 1 vài điểm mốc để khỏi lạc nữa. Rồi sau đó, tôi mới bắt đầu lững thững đi xuống bờ sông, viếng thăm sông Hằng huyền thoại – đã nhiều lần tôi mơ.

Sông Hằng trong một buổi sáng mùa đông

Việt Nam Phật Quốc Tự và cổng chùa ở Lumbini

Con đường từ ngoài vào Yogi Lodge đi ngang qua 1 cái chợ mà đêm qua tối thui, tối mò tôi đâu có biết. Đổ ra ngoài đường, rẽ trái vài chục bước là đi xuống bờ sông. Lúc đầu tôi không biết, cứ đi ngược lại, sau thấy đoàn khách Tây già đang ngoan ngoãn xếp hàng theo 1 bạn cầm cờ đỏ đi về hướng đó, tôi mới lon ton đi theo. Chẳng mấy chốc đã đến bờ sông, ngay Dashashwamed Ghat.

Như vậy, từ nơi tôi trú ngụ đi ra đây cũng rất gần. (Thực ra có rất nhiều đường hẻm thông vào Yogi Lodge. Tối hôm qua, anh chủ nhà trọ muốn tôi đứng tại Đền Vàng để anh ra đón, vì chỗ đó khuya vẫn đông người và để tôi dễ hỏi đường người ta đến ngôi đền đó mà thôi).

Đường phố Varanasi khu gần bờ sông đông đúc nhờ sự đóng góp của những chú bò (có đến 2 chú trong hình này đấy)

Đường phố đông đen lúc sáng sớm và có cả các chú bò cũng tham gia góp phần làm đường phố thêm đông. Rất nhiều tiếng người chèo kéo du khách trước các cổng xuống ghat, may là tôi đi một mình, lại nhỏ con so với người Ấn nên tôi giả điếc làm ngơ nhanh nhẹn lướt tọt qua các tay cò, đủ thứ loại, để xuống đến bên bờ sông.

Sông Hằng trong chút sương muộn, những còn đò vẫn ngược xuôi đi về trên sông

Một trong những bến đò nơi bờ sông, giờ thì lặng lẽ, để trở nên ồn ào nhộn nhịp lúc ngày lên hay khi đêm xuống

Sông Hằng đây rồi, nhưng sao không giống như tôi đã từng nghĩ. Sông rộng nhưng không xanh trong mà đùng đục, không phải cái đùng đục mạnh mẽ kiểu phù sa của dòng Cửu Long mà cái đục vì có nhiều rác và bụi bẩn – tôi cảm nhận như vậy.

Bên bờ sông vẫn có nhiều những người dân rất thành kính tắm rửa ngụp lặn mê đắm trên sông. (Theo LP, giờ đây dường như không có oxy hiện diện trong nước sông Hằng, nhất là đoạn chảy qua Varanasi. Cũng theo LP, trong 100ml nước sông Hằng có đến 1,5 triệu vi khuẩn coliform, mà tiêu chuẩn nước an toàn chỉ để tắm thôi là số vi khuẩn này phải ít hơn 500 con/100ml).

Phần lớn những người dân đang tắm bên sông ở đây đều đi từ nơi xa đến. Họ thường đi cả gia đình và tất cả đều rất vui vẻ tắm rửa, gột sạch những tội lỗi và cả bụi trần trên dòng sông linh thiêng.

Hạnh phúc gột rửa bụi trần trong dòng sông thiêng

Các holyman bên bờ sông

Đi lang thang bên bờ sông, tôi lại thích những tiểu tiết nhỏ như cây bồ đề "cổ thụ" mọc trên vách tường đá này. Có khác gì cuộc chiến giữa cây & đá ở Angkor đâu?

Sáng nay, ý định chính của tôi là ra thăm sông Hằng, lần đầu tiên trong đời, để được tận mắt nhìn thấy con sông đã đi vào huyền thoại, thơ ca... Và tôi đã đến đây rồi. Thơ thẩn bên sông, tôi nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông, nhìn người, nhìn cuộc sống nhộn nhịp bên sông, bên đời… Người đến rồi về hân hoan trong thân xác tươi mới nhẹ nhõm, tội lỗi để lại bên bờ sông, trong lòng sông, để rồi, chính con sông lại chở nặng những tội đày, oằn mình chảy… Chảy đến bao giờ sông ơi? Bao giờ sông lại trong? Đến bao giờ…?

Lòng vòng bên bờ sông, không dự định lang thang nhiều, nên sau khi quanh quẩn ở gần khu Dashashwamed, tôi rẽ trái đi dọc bờ sông tiếp để đi từ cái ghat nổi tiếng nhất dọc bờ sông Hằng ở Varanasi, ghat Dashashwamed này, đi qua vài ghat có niên đại từ những năm 1.600 để lên đến ghat Manikarnika, ghat làm lễ hỏa táng lớn nhất ở Varanasi.

Các ghat này do các quốc vương hoặc các quận công giàu có xây dựng nên trong vài trăm năm gần đây. Tuy không mang lại được kiến trúc huy hoàng của thành Varanasi của 3.500 năm về trước, nhưng những chiếc ghat với các kiến trúc độc đáo này đã làm cho Varanasi đã mang một vẻ duyên dáng bên sông rất lạ.

Tôi muốn đến Manikarnika, sau khi đã viếng thăm sông Hằng để tìm hiểu, chiêm nghiệm thêm về tập tục hỏa táng của người Hindu, … Trước đây vài tháng, tôi có một người bạn nữ, cũng từng đi đến Varanasi 1 mình, đã ngồi bên bờ sông ở ghat Manikanika cả ngày trời, để chiêm nghiệm về sự ngắn ngủi của một kiếp người.

Khi về Sài Gòn, bạn có chia sẻ lại cảm nhận về “cuộc sống sao mà phù du” ngay lúc đó của bạn, và cả việc bạn bỏ cơm cả mấy ngày sau mỗi khi liên tưởng đến mùi mỡ người cùng khói bốc lên đậm đặc, quẩn quanh hoài ở 1 khúc sông... Cũng “may” (?!) là tôi đã từng ngồi cả buổi để quan sát nghi lễ hỏa táng ở bờ sông thiêng Bagmati, kế bên đền Pashupatinath, Kathmandu, nên tôi cũng bớt lạ lẫm hay ít bị sốc, chỉ có chút ngạc nhiên về 1 điều khác.

Ở Nepal, người ta xây từng bệ xi măng hay bê tông bên bờ sông và thủ tục được tiến hành trên đó nên mọi thứ trông gọn ghẽ, tươm tất. Còn ở đây, người ta chất củi thành từng ụ bên bờ sông, rồi cứ thế mà đốt, luân phiên hết chỗ này chuyển qua chỗ khác rồi quay lại chỗ cũ, nên trông bờ sông nơi tiến hành nghi lễ hơi lộn xộn và ít vẻ trang nghiêm.

Ghat Manikarnika, nơi tiến hành nghi lễ hỏa táng lớn nhất ở Varanasi

Thêm 1 điều khác nữa là ở đây cấm chụp hình, (bị bắt sẽ phạt tiền rất nặng) không như bên Nepal, bạn có thể chụp hình tự nhiên (đừng quá thô lỗ, lăng xăng chạy tới chạy lui chọn góc hình đẹp (!?) lúc tang gia bối rối… là được). Rồi thêm 1 điều nữa là ở đây luôn có các cò từ gạ gẫm đến dụ dỗ rồi hù dọa khách về việc mời đến nơi có vị trí tốt để xem các nghi lễ này, không được thì hù dọa là cấm không cho người ngoại đạo vào xem… Nhưng tôi cứ lờ đi tất cả để đến tận nơi. Và khác với ở Nepal, khách chủ yếu ngồi từ bờ sông bên này nhìn sang lễ hỏa táng bên kia (sông rộng chừng 8-10m, cỡ kênh Nhiêu Lộc), còn ở đây, thiên hạ (nhất là mấy bạn Tây) xông đến đứng ngồi rất gần nơi làm lễ, làm tôi cũng tò mò lân la theo đóm ăn tàn ghé đến gần hơn.

Rất ấn tượng và ám ảnh khi nhìn những thân xác vừa mới đó, giờ đang cháy đen, rồi thành tàn tro trong củi lửa đang phừng phực suốt ngày đêm nơi đây... Các nghi lễ hỏa táng cho từng người có phân biệt khác nhau bởi gỗ tốt gỗ xấu, có bổ sung gỗ có hương liệu hay không… nhưng mỗi một phận người giờ chỉ cần vài ba giờ đồng hồ là về với đất trời, với sông Mẹ… Sao vẫn còn mê mải!

Tôi ngồi lặng bên bờ sông, sông Hằng vẫn lờ lững chậm trôi trong 1 buổi sáng trời đùng đục không có nắng. Trên dòng sông xám, nhiều con thuyền nhỏ to ngược xuôi qua lại, đi về. Có những đoàn khách tham quan lặng lẽ quan sát, để có thể hiểu được phần nào cuộc sống tâm linh huyền bí nơi đây, có những con thuyền nhỏ chở đầy hàng hóa của những người dân đang bán buôn kiếm sống tất tả ngược xuôi...

Nhưng cũng có những con đò nhỏ lặng lẽ chầm chậm trôi trên sông, theo sau là thật nhiều những chú chim bay lượn dập dìu. Hỏi han và nhìn kỹ mới biết, đó là những chiếc thuyền đi rải tro tàn của những phận người đã không đến được sông thiêng trước khi mất. Không phải ước nguyện 1 lần đến sông Hằng nào ai cũng sẽ có, không phải ước mong khi mất được hỏa táng bên bờ sông thiêng ai cũng làm được…. Do vậy, để thỏa ước nguyện được đến sông Hằng, trở về với cát bụi, với Mẹ sông Hằng, nhiều người đã mang tro tàn của những người thân từ xa xôi đến đây, rải trên sông Hằng, để thỏa ước nguyện cuối cùng của người thân, để người ra đi được hạnh phúc trở về bên sông Mẹ.

Những con đò lặng lẽ rải tro tàn của những kiếp người trên sông Mẹ

Lang thang bên sông Hằng trong 1 buổi sáng với quá nhiều cảm xúc lộn xộn và như đang muốn vỡ òa trong tôi, rất lâu mà tôi vẫn chưa “định thần” lại được. Do vậy, tôi rời bến sông, leo lên 1 cái nhà hàng ở sân thượng của 1 tòa nhà cao tầng cũng ngay bên bờ sông. Nhưng sao ở đây bỗng như ở 1 thế giới khác, khi những thứ lao xao, ồn ào,… giờ cứ chậm chậm im tiếng… trôi từ từ bên dưới, rất xa, như tôi đang xem 1 cuốn phim chiếu chậm nào vậy… trên 1 khung nền xám của sông Hằng một sáng mùa đông, nắng còn ngủ muộn trong mây…

Quán trên cao thoáng đãng, như tách xa khỏi bờ sông ồn ào xô bồ bên dưới

Nhìn xuống sông Hằng xa xa vẫn còn mờ mờ trong sương muộn

Các kiến trúc bên bờ sông nhìn từ quán. Kiến trúc đặc sắc của các ghat tạo cho bờ sông Hằng có nét lôi cuốn rất riêng

Có những chú chim xanh cứ hồn nhiên vui đùa giữa chút sương mỏng và những làn khói bay lên từ các ghat đang làm nghi lễ hỏa táng. Có phải là chim Vàng Anh của ai đó còn vấn vương?

Tôi đã có 1 bữa sáng tươm tất đầu tiên, kể từ lúc sang đến Ấn Độ đến giờ, ở đây. Thong thả nhấp từng ngụm café ấm áp, trong gió sáng mát lạnh nhè nhẹ trên cao, tôi để những cơn gió lành mang đi bớt những cảm xúc ngập tràn, thanh thản ngắm sông Hằng mờ xa, trôi chầm chậm như đang sắp ngừng trôi, bên dưới, suy nghĩ về các dự định của hôm nay và những ngày sắp đến.

Để lòng nhẹ hơn, tôi quyết định sẽ đi đến viếng miền đất Phật Sarnath (Vườn Lộc Uyển) ngay bây giờ, trước khi quay lại tiếp tục khám phá miền đất huyền bí Varanasi. Đây là điều tôi vẫn thường cố gắng làm, mỗi khi lòng có quá nhiều tội lỗi hay nhiều vấn vương, xáo trộn… tôi cần được đến dưới bóng từ bi, để lòng tịnh lại, tâm an hơn…

Backpackervn