Ẩn họa hương liệu trà chanh: 1 vốn 20 lời

Ẩn họa hương liệu trà chanh: 1 vốn 20 lời

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Vài năm trở lại đây, giới trẻ Hà Nội rộ lên "mốt" uống trà chanh. Nắm bắt được xu hướng của thị trường, các quán trà chanh "mọc lên như nấm", phố Nhà Thờ, Nhà Chung, Lý Quốc Sư, Đào Duy Từ... trở thành những "thương hiệu" trà chanh hút khách nhất Hà Nội.

Phố Nhà Thờ được coi như là "Hợp tác xã trà chanh" (gọi vậy bởi các quán trà chanh liên kết với nhau để phục vụ khách, giá cả tương đồng-PV). Khi nhiều quán mọc lên, người ta cạnh tranh lẫn nhau theo cách... vốn ít, lãi nhiều.

Thưởng thức trà chanh chủ yếu là giới trẻ (Ảnh minh họa)

1 vốn... 20 lời

Buổi tối, quán trà chanh trên phố Đào Duy Từ đông nghịt, cả con phố dường như không còn chỗ trống. Nơi đây đã trở thành địa điểm quen thuộc, giới trẻó, đặc biệt là học sinh, sinh viên... kéo nhau ra đây ngồi uống trà chanh tâm sự, tán gẫu. Dân sành uống bảo rằng, 2 hàng trà chanh (thực ra là một chủ nhưng có 2 hàng) ở phố Đào Duy Từ, đoạn từ Lương Ngọc Quyến rẽ vào là ngon nhất. Đây được coi như là địa điểm đầu tiên sản sinh ra món trà chanh ở Hà Nội.

Theo quan sát của PV, người đến thưởng thức trà chanh thường đi nhóm, đông thì dăm bảy người, ít cũng hai ba. Chủ quán làm không xuể. Cốc được xếp theo hình tháp, người rót cứ rót, người bê cứ bê. Quán đông đến nỗi khách phải ngậm ngùi mua trà mang về.

Hồng Minh (phố Phan Đình Giót, Hà Nội) cho biết: "Em cực kì thích hương vị của loại trà này. Đi uống trà chanh ở Đào Duy Từ xong rồi về nhà làm thử nhưng cũng không thấy ngon bằng uống ở đó. 8.000 đồng/ 1 cốc trà chanh, ngồi bao lâu cũng được, khách có thể gọi thêm hướng dương, bỏng ngô, bimbim tùy ý thích. Có lẽ sự hấp dẫn và ngon miệng lại ở sự... đông người. Bất kể mùa nào trong năm, cứ chiều tà, góc phố cổ lại nhộn nhịp người đến ngâm ngợi cùng ly trà chanh như muốn tìm về thưởng thức nét văn hóa độc đáo của Hà thành".

Theo Mừng (nhân viên bán hàng ở số 2 phố Nhà Chung), hầu như ngày nào cũng chật kín khách uống trà chanh. Mừng bảo: "Không thể đếm được số cốc trà chanh bán được trong một ngày. Cuối ngày tổng kết xem bán ra bao nhiêu... thùng chanh mà thôi. Mỗi ngày bán hàng ngàn cốc trà chanh ấy chứ".

Theo bật mí của một nữ nhân viên trên phố Đào Duy Từ, công thức pha trà chanh khá đơn giản. Nguyên liệu gồm trà tàu, đường, chanh tươi, trái cây (để bỏ thêm vào cho thơm). Thông thường quán trà sẽ làm trà cô đặc bằng cách bỏ trà tàu vào ấm, đổ nước thật sôi vào, để ngấm. Sau đó, lọc sạch bã trà, đem nước trà cho vào nồi đun sôi. Trà sôi thì bỏ đường vào. Nếm thử thấy ngọt sắc là được. Đậy nắp đun liu riu đến khi cạn còn 1 nửa so với lượng nước ban đầu. Trà cô đặc được cho vào tủ lạnh để dùng dần. Tuy nhiên, chỉ nên để tầm 3 ngày nếu không trà sẽ bị hỏng, mất mùi.

Cô gái này cho biết: "Mỗi can nguyên liệu được đun cô đặc 5 lít có thể pha được chừng 100 cốc. Một can nguyên liệu chi phí 50.000 đồng, tiền thu về khoảng 1,2 triệu đồng". Theo cách nói khác của cô nhân viên này thì chỉ cần chút hương liệu là có thể biến một ly trà thành một ly trà chanh hương nhài thơm ngon".

Ẩn họa hương liệu không rõ nguồn gốc

Tôi tìm đến phố Hàng Buồm, Hàng Bồ để chọn mua hương liệu hoa quả. Ở đây chẳng thiếu thứ hương liệu hoa quả nào, màu nào, hương nào cũng có, toàn từ Trung Quốc. Dạo một vòng, chúng tôi ghé vào một hàng, chủ cửa hàng đon đả mời chào: "Chị cần mua gì? ". Tôi mau miệng: "Tụi em mở quán giải khát, muốn mua ít nước hương liệu, chị có không?”. Nghe tôi ngỏ ý, chị chủ quán chỉ tay lên kệ hàng: "Cam, ổi, dâu tây, chanh leo... đủ cả". Tôi nói: "Có hương nhài, hương chanh không chị?". "Muốn bán trà chanh hả, hương gì chẳng có", chị này đáp.

Đủ loại hương liệu nước giải khát với các vị được bày bán ở thị trường

Chị chủ quán cho biết: "Mỗi ngày các quán bán hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cốc trà chanh, nếu không dùng hương liệu phải ngốn hết bao nhiêu chanh...". Chị chủ quán đưa ra một chiếc can 5 lít hương chanh, giá 120.000 đồng/lít. Chị này còn giới thiệu thêm một loại hương liệu dạng bột và bảo: "30.000 đồng/1 lạng, dùng vài năm nữa không hỏng". Nếu dùng pha nước giải khát chỉ cần loại loãng thôi. Loại hương liệu này nếu pha quá tay sẽ bị hắc".

Tại cửa hàng phụ gia thực phẩm 81 Hàng Buồm, khi chúng tôi hỏi mua hương liệu pha nước giải khát, giống với loại chúng tôi vừa mua được, bà chủ quán bảo: "Loại hương liệu này chỉ dùng trong chế biến thực phẩm và phải có quy trình, còn pha trực tiếp thành nước giải khát thì rất nguy hiểm".

Chị Thu Vân (phố Hồng Mai, Hà Nội) cho biết: "Đã khá lâu rồi, kể từ khi những cốc trà chanh xuất hiện, đến giờ, thứ đồ uống này đã đóng vai trò không hề nhỏ trong làng giải khát vỉa hè của nhiều người. Tuy vậy, không phải là tất cả quán trà chanh nào cũng làm từ nguyên liệu "tươi", khi khách đông, người ta quay sang tính toán cách pha chế tiện lợi và có sự hỗ trợ của hóa chất. Những cửa hàng giữ "thương hiệu" có vẻ làm ăn ít giả dối hơn. Tôi đã từng uống phải trà chanh có vị lợ lợ, mùi rất nồng. Sau lần đó không dám uống ngoài hàng mà tự học cách pha chế". Và cũng không ít thực khách như chị Vân e dè về nguyên liệu pha chế món trà chanh ngon ngọt.

Ngân Giang