Ẩn họa từ “bệnh viện vỉa hè”

Ẩn họa từ “bệnh viện vỉa hè”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Vỉa hè luôn có đủ âm thanh của xe cộ và bụi bặm ô nhiễm. Nhưng vỉa hè cũng là chốn mưu sinh của biết bao người với cách nghĩ: Có người mua ắt có kẻ bán.

Vì thế, cùng với những hàng ăn ngay cạnh bãi rác, những con tôm, con cá vừa tát ngoài đồng được bày bán trong những chiếc rổ, rá con con, những gánh rau vừa hái ở vườn, vỉa hè còn dành cho những người đánh giầy, những chị bán trái cây, những anh xe thồ đợi khách… và cả những "bệnh viện vỉa hè".

Tràn lan và công khai

Không khó để tìm một "bệnh viện vỉa hè" ở Hà Nội, tại các chợ lớn như: Thành Công, Thanh Xuân, Khương Trung có rất nhiều người chuyên bán các loại lá xông giải cảm và đương nhiên người bán cũng kiêm luôn việc chẩn trị, tư vấn đủ loại bệnh!

Hầu hết mọi người đều biết vài bài thuốc Nam đơn giản như: các loại lá có tinh dầu (ổi, sả, mãng cầu, hương nhu...) để xông giải cảm; hoa đại, lá lốt... trị các bệnh thông dụng như bị lỵ amip; nghệ chữa đau lỗ tai, rễ tranh lợi tiểu...

Hàng ngàn kinh nghiệm chữa bệnh bằng thuốc Nam lưu truyền trong dân gian bỗng trở thành "kiến thức" kinh doanh của đội ngũ "bác sĩ vỉa hè" ở các góc chợ. Một vài người bị một căn bệnh khó trị, hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn, lập tức ra chợ mua thuốc Nam theo cách "hỏi miệng": "Tôi bị đau lưng, có loại thuốc nào trị được không?" hay "Chị ơi, có thứ cây gì trị mất ngủ không?"...

Tôi bảo đảm là tất cả "phòng mạch" ngoài trời kia với các bà, các chị ngồi chen cùng hàng rau, hàng gia dụng, bên cạnh đống rác, bên chỗ giữ xe đều chưa hề biết gì về y thuật, chỉ có kinh nghiệm thu gom các loại lá cỏ và bán ra để kiếm lời mưu sinh.

Vậy mà khi khách có nhu cầu, họ vẫn chỉ dẫn cặn kẽ nên mua loại rễ này, lá kia với giá chừng 10 - 20 ngàn đồng, rồi cũng hướng dẫn y như Nhà thuốc Đông y "chính hiệu": Sao vàng, hạ thổ, sắc 3 chén nước lấy 1 chén, uống ngày 2 lần sau bữa ăn...

Quan sát các "bệnh viện vỉa hè" này mới thấy, có rất nhiều loại cây cỏ được mọi người hái đem tới bán. Gần như loại gì gọi là "thuốc" đều được thu mua: Củ môn ngứa, trái dừa nước, rễ tranh, cây hà thủ ô, trái nhàu... rồi còn rất nhiều loại mà chỉ có người bán mới phân biệt nổi là cây gì.

Nếu kiểm lại trong y học dân gian thì các loại rau cỏ đều có thể chữa bệnh như: ăn ớt trị bệnh mất ngủ, ăn nghệ vàng làm đẹp da, mau lành vết thương, chữa ung thư; bông đu đủ đực trị bệnh huyết trắng... Những bài học sơ đẳng về y học dân gian như thế đã được quy thành tiền tại các "bệnh viện vỉa hè" này.

Nhưng nhìn cách lưu trữ và chế biến "thuốc" mới thấy thật nguy hiểm. Lá cây mua về chất thành đống, bó bằng dây lạt, chẳng phân biệt chủng loại, nhiều khi trong bó lá có lẫn cả các loại cỏ dại, và biết đâu không lộn vào đấy các loại cỏ độc? Nhiều khi bán ế, cây cỏ héo khô lẫn lộn vào nhau thành đống.

Do không có mặt bằng chính thức, nên các "phòng khám" này luôn di chuyển và chung đụng lẫn lộn với các loại hàng hóa khác. Việc "sống chung" như thế không thể bảo đảm sự tinh khiết cho cây thuốc. Thậm chí, người mua còn chứng kiến các loại rễ, củ, cây ấy được phơi thoải mái ngay bên đống rác, ngay trên miệng cống, bên hè đường. Có lần, tôi còn chứng kiến một con chó "tè" lên nong phơi thuốc, hay một bà bán hàng ăn bất chợt tạt nước vào miệng cống làm ướt cả rổ thuốc đang phơi.

Hiểm họa khôn lường

Với nguồn dược liệu nhập, chỉ có những nhà buôn lớn mới thực hiện việc kiểm nghiệm, bảo quản theo đúng quy trình khoa học, số còn lại dường như bỏ ngỏ chuyện này. Riêng về nguồn dược liệu trong nước, ngoài một số rất ít khai thác từ thiên nhiên, còn lại chủ yếu được trồng trọt ở một số vùng chuyên canh.

Tuy nhiên, điều lo ngại là ở một số vùng chuyên trồng cây thuốc hiện nay, người dân đã trồng thuốc theo quy trình như đối với cây công nghiệp, tức là cũng dùng các loại thuốc trừ sâu, phân hữu cơ, phân hóa học...

Một nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Huy Văn cùng các cộng sự ở Viện Nghiên cứu dược liệu tại Hà Nội thực hiện cho biết, ngoài việc sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nhiều gia đình ở làng trồng thuốc nổi tiếng Nghĩa Trai, Ninh Hiệp (ven Hà Nội) còn có thói quen sấy thuốc bằng diêm sinh với lượng rất lớn. Nghiên cứu này cũng ghi nhận, hiện tượng người dân vùng này ho ra máu là chuyện bình thường.

Quá trình vận chuyển và bảo quản cũng ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Nhiều nhà buôn vì ham lời nên thường tích trữ dược liệu vào mùa thu hoạch để tung ra vào lúc hàng khan hiếm mặc dù cơ sở không đủ điều kiện để bảo quản dẫn đến tình trạng dược liệu bị ẩm mốc vẫn được bán ra thị trường.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khi thuốc bị nấm mốc sẽ phát sinh ra các loại độc tố có thể gây ung thư và nhiều loại bệnh nguy hiểm. Những độc tố này sẽ không hề bị mất đi kể cả sau khi sao, sắc ở nhiệt độ cao. Không những thế, để dược liệu lưu trữ lâu, nhiều người đã tẩm vào sản phẩm các hóa chất độc hại.

Ví như vị nhục thung dung vị dược liệu trước đây rất khó bảo quản, nhưng vài năm gần đây có thể để cả năm cũng không mốc do người bán đã dùng sulfua kẽm, loại hóa chất vô cùng độc hại, để phủ lên bề mặt.

Trị bệnh bằng thuốc Nam là cách rẻ tiền mà cha ông ta từng áp dụng xưa nay. Cây cỏ trong vườn nhà, trong rừng luôn là phương thuốc hiệu nghiệm nếu biết dùng đúng bệnh, đúng cách, đúng liều lượng.

Và trong khi các ngành chức năng chưa có các biện pháp quản lý chặt chẽ việc lưu hành, buôn bán mặt hàng đông dược, theo bác sĩ Văn, người tiêu dùng cần bảo vệ mình trước nhất. Theo đó, chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định hoặc tham khảo ý kiến của các lương y, bác sĩ.

Khi mua các loại thuốc cao đơn hoàn tán nên chọn loại có bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của thuốc, thành phần thuốc cũng như những chỉ định và tác dụng phụ, không nên tự ý "kê đơn chọn thuốc điều trị" theo kiểu ra vỉa hè mua cây thuốc

Thanh Trần