Chuyện 'hồn Trương Ba da hàng thịt'

Chuyện 'hồn Trương Ba da hàng thịt'

Thứ 3, 23/04/2013 | 12:41
0
Ở thôn Liêu Hạm xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trước kia có một người đánh cờ tướng rất cao tên là Trương Ba.

Không những giỏi cờ, ông còn là một người nổi tiếng trong vùng vì đạo đức, cư xử trước sau với những người xung quanh, chưa từng có điều tiếng gì. Với vợ con, Trương Ba cũng nổi tiếng là người chu toàn, hiền hậu.

Thường ngày, ngoài thời gian đồng áng, Trương Ba vẫn thường luyện cờ với những bậc cao cờ xung quanh, cùng nhau bàn chuyện phá thế, lập nước cờ sao cho hiểm. Chưa có một tay cờ nào địch nổi ông. Một hôm, có người đánh cờ với Trương Ba, bị dồn vào thế bí, ngồi nghĩ mãi không biết đi nước nào gỡ được, anh ta mới bảo: "Nước cờ này chỉ có tiên cờ Đế Thích mới có thể gỡ được, chứ người trần chơi cờ thì chỉ có nước hàng mà thôi".

Vừa lúc ấy, có một ông lão ăn mày ghé vào nhà Trương Ba xin, thấy hai người đang ngồi đánh cờ, lần ghé sát đến xem, biết người ta đang bí nước, mới xin đi thử một nước gỡ xem sao. Trương Ba cười rồi nói: "Cờ này chỉ có Đế Thích hiện xuống may gỡ cùng được chăng, chứ ông thì tài cờ đến đâu mà đòi thử?". Lão ăn mày vẫn cố nài: "Ông cứ cho tôi đi thử một nước xem sao?".

Trương Ba nhận lời, ông lão đi ngay một nước gỡ khỏi thế bí, rồi dồn Trương Ba vào chỗ thua. Trương Ba vừa tức vừa kinh ngạc nhìn sững ông lão hồi lâu, rồi bước xuống đất mời địch thủ ngồi lên cao, sụp lạy mà nói rằng: "Tôi dám chắc cụ là tiên cờ Đế Thích chứ chẳng phải người phàm". Ông lão từ chối, chỉ nói mình là kẻ nghèo hèn, nhưng Trương Ba không chịu nghe cứ lạy mãi, khiến cụ già ăn mày phải thú thật: "Tôi là Đế Thích. Nghe anh nhắc đến tên tôi nên tôi phải đến xem anh đánh cờ ra thế nào, thấy anh quả thật là tay cờ đáng khen", nói rồi cùng nhau uống trà đàm đạo. Trước khi rời đi, Đế Thích mới đưa cho Trương Ba một bó hương và dặn khi nào có việc, cứ thắp lên lập tức sẽ có linh hiển.

Cách đó ít lâu, do một sự nhầm lẫn ở sổ của Nam Tào, Trương Ba tuy chưa đến số chết nhưng vẫn bị thần chết bắt đi. Vợ Trương Ba thương khóc lo việc chôn cất tử tế. Một tháng sau khi dọn dẹp trong nhà trông thấy bàn cờ tướng và bó hương, người vợ mới nhớ lại câu chuyện chồng từng kể, bèn thắp nhang lên. Bỗng nhiên nhang khói nghi ngút thì thấy Đế Thích hiện ra. Người vợ kể lại sự tình rồi van lơn xin cứu chồng sống lại. Đế Thích mới nói: "Anh Trương Ba chết đã lâu, da thịt rữa nát rồi, làm sao mà hồn nhận lại xác cho được nữa".

Vợ Trương Ba khóc mãi không cho Đế Thích đi, khẩn nài làm sao cho chồng sống lại, Đế Thích còn đang phân vân thì hay tin lối xóm có người bán thịt heo vừa chết, mới bảo vợ Trương Ba: "Chỉ còn cách cho hồn chồng chị nhập vào xác người bán thịt, chị có bằng lòng chăng?". Vợ Trương Ba không còn biết tính làm sao, đành phải bằng lòng vậy. Đế Thích bèn làm phép đem hồn Trương Ba nhập vào xác người bán thịt mà sống lại. Vợ người bán thịt mừng rỡ thấy chồng sống lại, song người bán thịt lại không nhận ra vợ cũ của mình, xem tất cả xung quanh đều là xa lạ. Vừa lúc ấy vợ Trương Ba đến, người bán thịt chạy ra mừng rỡ ôm lấy mà nhận là vợ mình. Vợ Trương Ba đã nghe lời Đế Thích bảo, nên cũng mừng rỡ nhận ra người bán thịt là chồng rồi đưa về nhà.

Luật sư - Chuyện 'hồn Trương Ba da hàng thịt'

"Hồn Trương Ba da hàng thịt" đã trở thành cảm hứng cho các nhà làm phim, viết kịch.

Vợ người bán thịt chạy theo níu lại: "Người này là chồng tôi sao chị lại dẫn đi". Vợ Trương Ba cãi: "Chồng của tôi sao chị chạy theo giành?". Rồi hai người đàn bà cãi nhau, không biết phân xử thế nào bèn đến kiện quan. Quan hỏi người bán thịt nhận ai là vợ, anh ta chỉ vào vợ Trương Ba và bảo đó là vợ của mình. Quan hỏi cách làm heo bán thịt thế nào anh ta nói không biết, hỏi đến cách đánh cờ tướng, anh ta trả lời rất thạo. Viên quan lấy làm khó xử vì hồn người này lại xác người kia, mới gọi vợ Trương Ba hỏi nhỏ xem trong khi chồng chị còn sống có làm điều gì đặc biệt không, vợ Trương Ba mới thật tình kể lại việc Đế Thích xuống đánh cờ trước đó và cả việc tiên cờ hứa cứu sống chồng mình. Viên quan cho đòi riêng người bán thịt lên hỏi thì thấy lời khai khớp với nhau nên được cho xử về nhà Trương Ba. Người vợ anh bán thịt đành phải chịu mất chồng.          

Luật nay: Phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

Chuyện "Hồn Trương Ba da hàng thịt" là một tích truyện bắt nguồn từ dân gian, không còn xa lạ với đại đa số người Việt. Câu chuyện tiên cờ so tài với người đàn ông tên Trương Ba rồi sau đó lại ra tay cứu sống ông ta đã trở nên phổ biến tới mức về sau được cụ Trần Quốc Chính là một nhà thư pháp và học giả uyên thâm biên soạn lại thành một cuốn sách có tên "Dấu ấn làng Đình Sơn". Nhà biên kịch Lưu Quang Vũ cũng đã lấy cảm hứng từ tích truyện này mà dựng lên vở kịch nổi tiếng cùng tên. Ông đã thay cái kết cho vở kịch của mình thành một vở bi kịch chứ không có hậu như tích truyện dân gian với một thông điệp: "Mọi thứ nên tuân theo quy luật của tự nhiên, mọi sự kháng cự với quy luật đều trở nên kệch cỡm".

Trương Ba chết do sự nhầm lẫn của Nam Tào, rồi sau đó lại được Đế Thích cho nhập vào thân xác của anh hàng thịt dẫn đến sự tranh chấp của hai người đàn bà. Cuối cùng ông vẫn được quan trên xử cho trở về với thân phận của Trương Ba, để lại sự ngơ ngác cho vợ anh hàng thịt.

Vấn đề của câu chuyện là Trương Ba chưa đến số chết nhưng vì sai lầm của Nam Tào mà bị gạch tên trong sổ sinh tử. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Với cương vị là người nắm giữ sổ sinh tử, Nam Tào đã không có sự sát sao chặt chẽ dẫn đến cái chết oan uổng của Trương Ba. Xét theo luật hiện nay, nếu áp dụng vào vụ án của Trương Ba, có thể thấy Nam Tào đã phạm vào Điều 285 BLHS quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 285 quy định người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Cái chết của Trương Ba được xét là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho nên được áp dụng theo khoản 2 của điều này. Khoản 2 Điều 285: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Vì vậy, mức án mà Nam  Tào sẽ phải nhận là từ ba năm đến mười hai năm tù giam. Ngoài ra, mức hình phạt bổ sung sẽ là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Một vấn đề ở đây nữa là việc Đế Thích đã cố tình làm cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt. Việc làm này được xem là hợp tình, Đế Thích có thể giúp giải quyết ân tình của mình, tuy nhiên lại gây ra rắc rối quanh việc tranh chấp chồng của hai người đàn bà. Đồng thời, việc hồn Trương Ba sống trong thân xác của anh hàng thịt cũng là không hợp pháp vì thân xác anh hàng thịt cho dù đã chết thì vẫn thuộc phạm vi quyết định của thân nhân. Việc quyết định sống chết của một người cũng không thuộc phạm vi quyền hành của Đế Thích cho nên việc cho hồn người này nhập vào thân xác người kia cũng là lạm quyền. Xét theo luật hiện nay, hành vi này sẽ bị quy vào Điều 282 BLHS tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Theo khoản 1, Điều 282: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Như vậy, việc cố ý cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt thì Đế Thích có thể bị phạt tù từ một năm đến bảy năm theo luật hiện hành. Ngoài ra, theo khoản 4 của Điều 282 thì Đế Thích sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Nam Tào sai dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, Đế Thích chữa sai lại hoá vụng, sai lầm liên tiếp sai lầm, để cuối cùng sự việc vẫn dở dang. Vợ Trương Ba được chồng nhưng lại là thân xác kẻ khác, vợ người bán thịt chồng chết nhưng hàng ngày lại thấy thân xác chồng ở nhà người ta, âu cũng là một lẽ bất minh, bất công bằng. Xét về tình lẫn về lý đều không ổn thoả. Câu chuyện đã nói được phần nào sự tắc trách khi thi hành công vụ của những vị tiên nhân, thần thánh được giao trách nhiệm quản lý sinh tử, cuộc sống của con người.  Việc quản lý này của thần tiên nhưng cũng là một cách nói dí dỏm, ý nhị của người xưa về bộ máy hành chính của người trần đương thời, là một cách răn đe, cảnh tỉnh khá hữu hiệu.       

Hón Thỵ

Tag: Hưng Yên

Phong tục tập quán về kết hôn có đi ngược với pháp luật?

Thứ 4, 17/04/2013 | 14:46
Nhiều trường hợp không vi phạm quy định về cấm kết hôn giữa những người có họ hàng trong phạm vi ba đời, nhưng theo tập quán, họ vẫn thuộc phạm vi quan hệ họ hàng không được kết hôn.

Thanh tra Bộ Y tế làm sai luật

Thứ 4, 17/04/2013 | 09:38
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều công ty dược vi phạm trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện...