Kẻ bán nước chết vì hổ thẹn

Kẻ bán nước chết vì hổ thẹn

Thứ 5, 24/01/2013 | 08:46
0
Từng nghe nói đến chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, hoặc giả là chết vì uất ức, đến đây lại có thêm cái chết vì hổ thẹn. Sử chép chuyện nằm mơ của Trần Thái Tông, có lẽ cũng chỉ cốt để bào chữa khéo cho Trần Ích Tắc đó thôi. Nhưng dù có bào chữa như thế nào đi nữa thì sự thực việc Trần Ích Tắc theo giặc Nguyên là điều không thể chấp nhận được. Hành động ấy phải bị lên án và xử phạt.

Trần Ích Tắc là con thứ của Trần Thái Tông (1225-1258), em ruột của Trần Thánh Tông (1258-1278) và là chú ruột của Trần Nhân Tông (1278-1293). Ngay lúc còn nhỏ, Trần Ích Tắc đã nổi tiếng thông minh tài trí, năm 1267 lại được phong Vương, danh tiếng và quyền uy lừng lẫy một thời.

Ích Tắc lại là người có tham vọng lớn. Tự cho tài nghệ của mình chẳng kém ai, trong lòng ông ngầm bất phục khi hoàng huynh Trần Hoảng được vua cha trao ngôi báu (chính là Trần Thánh Tông). Là phận em nhưng Ích Tắc vẫn nghĩ ngai vàng phải thuộc về mình.

Việc ông ta đầu hàng giặc Nguyên sau này vẫn được đánh giá là do hèn nhát, nhưng chắc hẳn một phần cũng vì tham vọng. Chiêu Quốc Vương tính toán rằng, nhờ thế lực của quân Nguyên, ông sẽ chiếm được ngai vàng. Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", thực ra ngay từ trước đó, ông từng gửi thư cho nhà Nguyên qua tay thương nhân phương Bắc xúi giục quân Nguyên vào, ông ta sẽ làm tay trong giúp đỡ.

Khi quân Nguyên sang xâm lược, vua Trần mở hội nghị Bình Than để hỏi ý kiến các vương hầu, trong khi phần lớn tôn thất xin đánh, kể cả cậu thiếu niên "miệng còn hơi sữa" Trần Quốc Toản, thì Ích Tắc cầm đầu một nhóm nhỏ muốn hàng.

 Vào năm 1285, cả nước đang gồng lên chống lại 50 vạn quân Mông Nguyên thế mạnh như chẻ tre, nghiền nát bao nhiêu cánh quân Việt và khiến kinh thành Thăng Long thất thủ. Hai vua rời kinh đô, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát vẫn dâng ngút trời. Trong khi đó, Trần Ích Tắc mang cả gia quyến, cùng một số người khác trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc. Lập tức, chàng hoàng tử tài hoa của vua Trần trở thành con bài quý trong tay nhà Nguyên.

Nhưng, khác hẳn với cha, anh và cháu ruột của mình, Trần Ích Tắc thuộc làu kinh sử mà chẳng biết gì về thời thế, uyên bác mà hẹp hòi, ích kỉ đến độ quên hết giang sơn, xã tắc. Năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Ích Tắc đã cùng bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long... đem gia quyến đi đầu hàng Thoát Hoan.

Về hành động nhục nhã này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 5, tờ 47b và 48a) chép: "Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh, Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống, nói với Thái Tông rằng, thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh làm con vua, sau lại sẽ về phương Bắc. Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có cái vết lờ mờ như hình con mắt, hình dáng giống hệt người trong mơ.

Đến năm 15 tuổi, Ích Tắc thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi đích trưởng. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn, xin quân Nguyên xuống Nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong cho Ích Tắc làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc".

Năm 1289, Trần Ích Tắc và bọn phản bội bị triều Trần đem ra xử tội vắng mặt. Trần Ích Tắc vì là bậc đại tôn thất nên không bị đổi thành họ Mai (như Trần Kiện bị đổi là Mai Kiện), nhưng lại bị gọi là Ả Trần, ý nói nhát gan như đàn bà vậy. Than ôi, sử thần xưa đã nương tay không phải chỗ, đàn bà thời Trần dũng cảm đánh giặc, để lại biết bao gương sáng cho đời sau noi theo, nào ai hèn nhát và cam tâm theo giặc như Trần Ích Tắc đâu!

Luật nay: Tội phản bội Tổ quốc

Từng nghe nói đến chết trận, chết bệnh, chết già, chết đói, hoặc giả là chết vì uất ức, đến đây lại có thêm cái chết vì hổ thẹn. Sử chép chuyện nằm mơ của Trần Thái Tông, có lẽ cũng chỉ cốt để bào chữa khéo cho Trần Ích Tắc đó thôi. Nhưng dù có bào chữa như thế nào đi nữa thì sự thực việc Trần Ích Tắc theo giặc Nguyên là điều không thể chấp nhận được. Hành động ấy phải bị lên án và xử phạt.

Hành vi đó nếu chiếu theo những quy định của pháp luật thời nay mà cụ thể là theo BLHS hiện hành, Trần Ích Tắc khó mà thoát tội. Theo quy định của BLHS về tội phản bội Tổ quốc (Điều 78) thì công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tường Linh

Bí ẩn tuyệt tự 3 đời vua nhà Thanh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Tuy là một vương triều ngoại tộc vào thống trị Trung Nguyên, nhưng nhà Thanh cũng vẫn tuân theo tư tưởng truyền thống: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi là lớn nhất). Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là cả 3 đời hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Hoa, không ai có lấy được một mụn con.

Luật sư nghi ngờ cảnh sát làm oan tài xế

Thứ 3, 15/01/2013 | 13:21
'Trong vụ TNGT này, người điều khiển xe máy đâm vào xe của lái xe Hòa (từ phía sau) do đó nạn nhân cũng có lỗi và đây là trường hợp 'lỗi hỗn hợp'. Xe của Hòa đỗ cách đầu cầu khoảng cách là 6,5m, vậy theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, điều này có vi phạm pháp luật hay không?, luật sư Nguyễn Huy An nói.