Chuyện kể về anh lực điền và con gái ông phú hộ

Chuyện kể về anh lực điền và con gái ông phú hộ

Thứ 3, 09/07/2013 | 15:09
0
Vào đời Hồng Đức nhà Lê, tại tỉnh Thái Nguyên có một ông phú hộ tính tình không được rộng rãi lắm. Ông có năm trâu, giao cho một lực điền chăn giữ không phải vì ông có hảo ý, mà vì muốn bòn công người lực điền, giữ trâu không công.

Lúc ông phú hộ chết, ông để lại cho cô con gái nhiều ruộng đất và bầy trâu này. Rất tiếc là cô gái không biết đích xác bầy trâu mấy con. Cô có tính keo kiệt cũng như cha và hay nghi kỵ người này, người kia có ý ăn xới bớt gia tài của cô. Vì vậy khi tới nhà anh lực điền đòi trâu về, cô ta không khỏi rình mò hỏi han từng chút.

Chiều hôm đó, cô tới nhà anh lực điền, đúng vào lúc anh này từ ngoài đồng đuổi trâu về. Nhìn vào chuồng trâu, cô gái bỗng ngạc nhiên vì có những sáu cột mà năm trâu thôi. Lẽ tự nhiên cô nghi ngờ anh lực điền biết cô tới đem trâu về, nên giấu bớt một con, cô ta liền hạch hỏi ngay anh lực điền một con trâu còn thiếu.

Anh lực điền vốn thật thà bảo rằng trước kia ông phú hộ chỉ giao cho anh giữ có năm con trâu chứ không phải sáu. Anh nói thế nào cô gái cũng nhất định không tin, viện cớ sáu cột phải sáu trâu chứ không lý nào năm trâu được, như vậy anh lực điền giấu bớt một trâu. Anh lực điền thuật rằng trong số sáu cột, vì có một cột mục đi, thành ra mới có sáu cột mà năm trâu.

Cho dù anh lực điền nói cách nào, cô gái nhất định phải có đủ sáu trâu mới lãnh, bằng không sẽ đưa anh lực điền đến cửa công. 

Bị nghi oan anh lực điền giận quá nói: "Bắt cô tôi trói vào mới đủ là sáu, chớ làm sao sáu trâu được". Nói xong anh bỏ vào rừng, nghĩ nỗi oan của mình làm sao biện giải, nếu trở về sẽ bị cô gái đưa đến cửa quan, anh liền treo cổ chết trên cành cây để tránh mọi điều phiền phức.

Ở nhà, cô gái thấy anh lực điền đi vào rừng rồi mất dạng, cô ta sinh nghi anh lực điền giấu trâu trong rừng, sợ mất của cô liền đi vào rừng tìm kiếm. Rủi trời tối, lại bị lạc, không biết đường trở về, cô lang thang trong rừng sâu, bị bệnh hoạn đói khát mà chết. Nhằm giờ linh, nên cô thành chim thường bay ra lúc ban đêm cất tiếng kêu: "Năm trâu sáu cột". Còn anh lực điền, lúc chết cũng vẫn ngậm ngùi mối oán hờn, nên cũng hóa thành chim, thường cất tiếng kêu: "Bắt cô trói cột".

Trong miền rừng rậm, mỗi lúc bóng hoàng hôn xuống, người ở ven rừng thường nghe tiếng chim kêu: "Năm trâu sáu cột", lập tức tiếng chim khác kêu lên: "Bắt cô trói cột". Cái lạ là chim "Bắt cô trói cột" không bao giờ chịu gặp chim "Năm trâu sáu cột". Hễ chim kia ở đầu rừng thì chim nọ lánh sang cuối rừng để chẳng bao giờ gặp nhau.

Luật nay: Cô gái có dấu hiệu của tội vu khống

Câu chuyện trên đây có nhiều hàm ý sâu xa có tính giáo dục mỗi một con người khi gặp vào một tình huống tương tự. Đáng lẽ ra cô con gái ông phú hộ phải bình tĩnh xét mọi việc xem đầu đuôi câu chuyện như thế nào mới buộc tội anh lực điền được. Đằng này, cô quả quyết rằng chính anh lực điền đã giấu đi một con trâu ấy. Chỉ vì sợ cô con gái phú hộ trình báo lên quan mà anh lực điền nghĩ quẩn bỏ vào rừng sâu treo cổ tự tử. Một sự việc đáng tiếc xảy ra.

Xét toàn bộ nội dung câu chuyện trên, đồng thời phân tích các hành vi của cô gái và anh lực điền thì rõ ràng ta thấy ở đây đã có dấu hiệu của tội phạm. Cô gái con ông phú hộ có dấu hiệu của tội vu khống.

Theo đó, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 122 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vu khống thì: "Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh lực điền có thể làm đơn tố giác tới cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý người thực hiện hành vi vu khống. Đồng thời, anh lực điền cũng cần cung cấp cho cơ quan điều tra các tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi của người con gái phú ông... Nếu xét thấy hành vi nêu trên có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; các vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trong trường hợp đó, tòa án sẽ mở phiên tòa hình sự, xét xử người phạm tội vu khống; cùng với hình phạt tuyên cho người phạm tội, tòa án sẽ xem xét, buộc người phạm tội phải bồi thường cho anh lực điền những thiệt hại về mặt vật chất hoặc tinh thần (nếu có) do hành vi vu khống gây ra.              

TƯỜNG LINH

Án xưa - luật nay: Sự mất tích bí ẩn của Tây Thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Tây Thi tên thật Thi Di Quang, sống ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt cổ. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng đáng tiếc, Tây Thi nhanh chóng bị kéo vào cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Ngô Việt.

Có luật mới vẫn phải tạm áp dụng mức phạt cũ

Thứ 3, 02/07/2013 | 09:27
Theo kế hoạch thì Chính phủ phải ban hành hơn 50 nghị định quy định chi tiết nhưng thời gian ngắn quá nên không làm kịp.