Chuyện Ngọc Vân công chúa bị ép duyên

Chuyện Ngọc Vân công chúa bị ép duyên

Thứ 6, 19/07/2013 | 10:27
0
Đời vua Minh Mạng, nước Việt Nam có rất nhiều uy thế đối với các lân bang.

Lúc bấy giờ có ông Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương theo lệnh vua đem quân vào đất Cao Miên để đánh đuổi quân Xiêm La theo lời vua Cao Miên là Quốc vương Nặc Ông Chân cầu cứu với triều đình Huế. Bấy giờ, giặc Xiêm La lui rồi, hai ông Trương Minh Giảng và Lê Đại Cương liền lập đồn lũy ở gần Nam Vang để ngăn ngừa quân Xiêm La trở lại đánh phá. Nước Cao Miên bằng lòng nhận cuộc bảo hộ của Việt Nam.

Vào khoảng cuối năm 1834, Quốc vương Nặc Ông Chân mất, nhà vua không có con trai nối nghiệp, các kẻ phiêu lưu là Trà Long và La Kiên liền lãnh việc chấp chánh. Ông Trương Minh Giảng không bằng lòng, mới viết sớ tâu với vua Minh Mạng xin lập người con gái của Quốc vương Nặc Ông Chân là quận chúa Ang Mey tức là Ngọc Vân công chúa lên làm vua và đổi nước Cao Miên là Trấn Tây Thành, chia ra làm ba mươi hai phủ và hai huyện.

Ít năm sau, vua Minh Mạng phái Lê Văn Đức làm Khai sai đại thần, Doãn Uẩn là phó Khâm sai cùng ông Trương Minh Giảng kinh lý mọi việc ở Trấn Tây Thành. Thừa dịp này, các quan lại Việt làm nhiều việc ngang trái như bắt Ngọc Vân công chúa đem về Gia Định, bắt Trà Long, La Kiên lưu đày ra Bắc Kỳ. Mầm mống căm phẫn bùng lên từ đó, em của Quốc vương Nặc Ông Chân là Nặc Ông Đơn liền nhờ nước Xiêm La viện trợ đem quân về đánh phá Trấn Tây Thành. Quan quân Việt bị thiệt hại quá nhiều, lực lượng dần dần hao mòn phải bỏ Trấn Tây Thành rút về đồn trú ở An Giang. Cuộc bảo hộ nước Cao Miên mất hẳn từ đó.

Riêng về Ngọc Vân công chúa khi bị bắt đem về Gia Định, thấy nàng có sắc lại còn quá trẻ, Khâm sai đại thần Lê Văn Đức liền ép buộc công chúa làm tỳ thiếp.

Sử sách có ghi chép lại về Lê Văn Đức như sau: Lê Văn Đức (1793-1842), là danh tướng trải hai triều Minh Mạng và Thiệu Trị trong lịch sử Việt Nam. Ông là người ở huyện An Bảo, nay thuộc tỉnh Bến Tre. Năm Gia Long thứ 12 (1813), Lê Văn Đức thi đỗ cử nhân khoa Quý Dậu, được bổ làm Tri huyện ở Tri Viễn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triệu ông về Huế, bổ làm Lang trung bộ Công, rồi lần lượt trải các chức khác nhau. Tháng 7 (âm lịch) năm 1833, một người Tày ở Bảo Lạc (Tuyên Quang) tên là Nông Văn Vân khởi binh chống lại sự cai trị của triều Minh Mạng, Lê Văn Đức liền được sung chức Tham tán quân vụ đại thần. Đámh giải vây được thành tỉnh Tuyên Quang, nhà vua sung ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, cử Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, để cùng dẫn đại binh đi đánh Vân Trung (Bảo Lạc, là nơi đặt đại bản doanh của Nông Văn Vân...

Lại nói về việc Ngọc Vân công chúa bị ép duyên bởi Lê Văn Đức. Khi đó, công chúa không thuận tình, nhưng không biết làm sao từ chối, đành phải hẹn lần hẹn lữa, đến tám tháng sau, nhân một buổi tối trời, Ngọc Vân công chúa và đứa tỳ nữ trốn ra khỏi thành Gia Định, đến ẩn náu trong một ngôi chùa ở Bà Hom.

Và để tránh cảnh làm hầu thiếp, Ngọc Vân công chúa đành phải xuống tóc quy y tại chùa này. Đến sau, Khâm sai Lê Văn Đức biết được tông tích của công chúa, đang lúc công chúa bị bệnh đậu mùa vừa hết nên người xấu hẳn đi, nên ông Khâm sai đành phải bỏ hẳn ý định ép nàng. Nhờ vậy, Ngọc Vân công chúa giữ vẹn tiết sạch giá trong cho đến chết ở cửa thiền.

Luật nay: Ép duyên là phạm tội

Việc Lê Văn Đức lợi dụng lúc hai bên giao chiến và sự thắng bại của kẻ thù, ông nhận ra được vẻ đẹp của Ngọc Vân công chúa, nên ra sức cưỡng ép cô phải thành thân với mình. Nhưng với bản lĩnh và tính cách của mình, Ngọc Vân công chúa quyết không để Lê Văn Đức được toại nguyện ý đồ đó. Chỉ đến khi công chúa vào chùa đi tu rồi nhân một lần nàng bị bệnh, nhan sắc kém đi, Lê Văn Đức mới từ bỏ ý định. Nhưng cũng thật xót thương cho nàng chỉ vì trốn chạy Lê Văn Đức mà đã phải kết thúc cuộc sống trong đau khổ.

Thực tế cho thấy, chế độ thời xưa quyền hành thường tập trung ở một người đứng đầu thường là vua, cho nên ý của vua là mệnh lệnh bắt buộc phải thực hiện. Nếu như vụ việc đó xảy ra vào thời nay thì hành vi ép duyên của Lê Văn Đức đối với Ngọc Vân công chúa có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự hiện hành đã dành hẳn một chương quy định về các tội xâm phạm đến chế độ hôn nhân và gia đình.

Theo đó, Điều 146 quy định về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ như sau: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần... hoặc bằng thủ đoạn khác đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.                      

TƯỜNG LINH

Hù dọa 'nhát con' cũng đưa vào luật

Thứ 2, 15/07/2013 | 08:53
Dự thảo lần ba Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình... (gọi chung là an ninh, trật tự) mà Bộ Công an vừa công bố tiếp tục đưa ra những quy định mà theo nhận định của các chuyên gia pháp luật là “tù mù”, khó thực hiện.

Luật sư bị làm khó: Chuyện… bình thường?

Thứ 4, 10/07/2013 | 08:20
Một luật sư kể một lần được vào tiếp xúc bị can cùng cán bộ điều tra, khi luật sư hỏi thì thấy cán bộ này dẫm chân bị can. Kể từ lúc đó, bị can… từ chối luật sư luôn.