Anh khờ đi buôn, dâng ngọc quý lên vua

Anh khờ đi buôn, dâng ngọc quý lên vua

Thứ 3, 18/06/2013 | 15:23
0
Vào thời Hùng Vương thứ Tám, có vợ chồng anh chàng họ Lưu, anh chồng thì hiền như cục bột, trái lại chị vợ khôn ngoan lanh lợi, ngày nào cũng đôn đốc chồng: Sao mình không chịu làm gì cả để được giàu sang vinh hiển như người ta.

Anh chồng biết vợ mình không muốn mình ăn không ngồi rồi, nên một hôm bảo vợ: Tôi đi buôn đây, mình hãy cấp cho tôi một mớ vốn tôi sẽ đi ngay.

Người vợ thấy chồng chịu làm ăn buôn bán thì mừng rỡ liền đưa cho mười nén vàng, và sắm sửa đồ đạc để chồng lên đường. Bước ra khỏi nhà, anh chồng thấy cái gì cũng lạ mắt nên anh thấy thú vị lắm. Một hôm đi đến cội cây, anh thấy một lái buôn đang đếm bạc. Anh mới hỏi: "Bác làm cái gì vậy?". Người lái buôn biết đây là anh Khờ, nên đã cố tình vọt miệng đáp: "Tôi đi buôn bạc mới về, nên ngồi đếm lại".

Nghe người kia nói đi buôn bạc, anh chồng lấy làm khoái ý liền xin đổi mười nén vàng lấy mười nén bạc, vì anh ta nghĩ đi buôn bạc dễ kiếm lời hơn buôn vàng. Lấy mười nén bạc bỏ vào túi anh ta khoan khoái lên đường. Ngày hôm sau, đi qua một cánh đồng, thấy người mục đồng ngồi trên lưng trâu nghêu ngao ca hát coi có vẻ thảnh thơi sung sướng quá, còn mình phải mang mười nén bạc kè kè nặng nhọc, nên anh ta xin đổi mười nén bạc lấy một con trâu, trong khi mỗi con trâu giá một nén bạc. Nhưng anh ta cần gì, miễn được ngồi trên lưng trâu là thỏa thích rồi...

Rồi anh cứ như thế, anh lại đi và đổi những món đồ vật khác. Khi đi đến một cánh đồng thấy hai người đang lui cui bắt con niêng niểng,( thứ côn trùng sắc nâu có cánh-PV), anh mới lên tiếng hỏi. Hai người kia cười khúc khích trả lời: Anh dốt quá, bộ không biết ngọc lưu ly hay sao mà hỏi. Nghe nói ngọc lưu ly, anh khoái lắm liền năn nỉ đổi cho kỳ được. Thế là mười nén vàng đem đi, rốt cuộc chỉ đổi được mấy con côn trùng bé nhỏ. Tuy vậy, anh ta rất mừng, cắc ca, cắc củm đem về, định bụng sẽ dâng lên vua xem ngọc lưu ly vì nghe đồn vua rất thích ngọc.

Về đến làng, anh đem trình ngay với chức việc và nhất định không cho ai mở xem trước, mà phải dâng đến tay vua.

Mấy ngày sau dân làng anh mở hội để rước ngọc lưu ly dâng lên vua xem. Trong số người đi dâng ngọc có cả anh ta. Vợ anh ta hoang mang không hiểu tại sao chồng mình dám làm cái chuyện táo bạo như vậy, nhưng việc đã lỡ rồi có cản ngăn cũng chẳng được.

Đến kinh, cái hộp đựng ngọc lưu ly được chuyển đến Đô sát viên xem xét trước, anh cũng nhất định không cho quan Đô úy mở ra, lấy cớ làm như vậy phạm thượng. Quan Đô úy cũng không vừa, dọa nếu không để nhìn xem trước thì sẽ giam giữ anh ta và cả vợ anh ta. Bất đắc dĩ anh ta phải để quan Đô úy mở nắp hộp ra.

Khi vừa mở nắp hộp, thì thấy con niêng niểng chớp cánh bay vù khiến quan Đô úy sửng sốt, buồn cười, anh ta thì tiếc rẻ thở vắn than dài bảo rằng không khéo giữ ngọc thì ngọc bay đi.

Chuyện này thấu đến tai vua, vua liền mời anh ta vào chầu rồi phán: Trẫm đã biết chuyện dâng ngọc lưu ly của ngươi rồi, tuy ngươi khờ khạo nhưng tâm thành, vậy ngươi đã làm cách nào để có thứ ngọc lạ kỳ đó?

Sau khi anh Khờ kể về việc lặn lội khắp nơi mới tìm gặp ngọc lưu ly. Nghe rồi, vua cười mà rằng: "Trẫm sẽ đền lại cho ngươi mỗi thứ bằng hai và ban cho chức quan lang hằng năm hưởng bổng lộc triều đình". Đoạn vua day qua quở mắng và phạt quan Đô úy đã lạm quyền mở nắp hộp mà không trình lên vua xem trước.

Luật nay: Viên quan Đô úy không phạm tội lạm quyền

Căn cứ vào giá trị tài sản của anh Khờ bị gạt khi đó là 10 nén vàng. Như vậy, ngay từ chuyến đi đầu tiên, anh Khờ đã bị một lái buôn đang đếm bạc ở gốc cây lừa mất. Thực chất, tay lái buôn bạc này biết rõ việc giá trị của 10 nén bạc với 10 nén vàng hơn nhau như thế nào.

Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra và có bằng chứng rõ ràng thì có thể khép tội tay lái buôn bạc vào Điều 139 BLHS Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều luật này quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tuy nhiên, để chứng minh được tay lái buôn bạc kia có dùng thủ đoạn để chiếm đoạt 10 nén vàng hay không là điều rất khó vì trên thực tế, tay lái buôn bạc không có chủ ý đổi 10 nén bạc lấy 10 nén vàng.

Cũng trong vụ việc trên, nhà vua cũng phạt tội quan Đô úy phạm tội lạm quyền là chưa chính xác và không có căn cứ. Trên thực tế, pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về người phạm tội trong những trường hợp này.

Theo đó, Điều 282 BLHS có quy định: Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm. Như vậy, thiệt hại trong vụ việc này là không có thực tế xảy ra. Viên quan Đô úy cũng không vì lợi ích cá nhân, nên không thể xử phạt ông ta vào tội lạm quyền được.                 

TƯỜNG LINH

  Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Án xưa - luật nay: Sự mất tích bí ẩn của Tây Thi

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Tây Thi tên thật Thi Di Quang, sống ở núi Trữ La, Gia Lãm (nay là Chư Kỵ), thuộc nước Việt cổ. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng đáng tiếc, Tây Thi nhanh chóng bị kéo vào cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước Ngô Việt.

Luật phòng, chống khủng bố đã được thông qua

Thứ 5, 13/06/2013 | 09:21
Với 89,76% số đại biểu Quốc hội tán thành, Luật phòng chống khủng bố đã chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2013.