Chuyện ép duyên Kiều Nguyệt Nga

Chuyện ép duyên Kiều Nguyệt Nga

Thứ 2, 14/01/2013 | 09:56
0
Lục Vân Tiên quê ở huyện Đông Thành, nổi tiếng một vùng về thông minh hiếu học. Sau nhiều năm nỗ lực dưới sự chỉ bảo của ân sư, biết tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên nghe lời thầy xuống núi đua tài.

Vừa xuống núi, Vân Tiên ra tay trượng nghĩa cứu giúp Kiều Nguyệt Nga và cô hầu Kim Liên đang bị bọn cướp Phong Lai bao vây. Nguyệt Nga ngỏ lời muốn mời Vân Tiên về nhà để  báo đáp ơn cứu mạng, Vân Tiên từ chối rồi tiếp tục lên đường. Cảm ân đức, Nguyệt Nga tự nguyện gắn bó với Vân Tiên suốt đời, nàng cho thuê vẽ một bức chân dung chàng và luôn giữ bên mình.

Vân Tiên trên đường lai kinh gặp gỡ và kết bạn với Hớn Minh, một sĩ tử khác cũng đang lều chõng đi thi và thấy tâm đắc với bạn. Từ giã bạn để ghé qua nhà, sau khi hỏi thăm tình hình cha mẹ, chàng lại tiếp tục lên đường cùng với một tiểu đồng. Vì đã có lời hẹn ước từ trước với Võ Thể Loan, Vân Tiên ghé thăm gia đình Võ Công. Tại đây, Vân Tiên có thêm người bạn đồng hành là Vương Tử Trực, tới kinh đô lại gặp Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.

Thấy Vân Tiên tài cao, Hâm và Kiệm trong lòng đã sinh đố kị, ghen ghét. Lúc chuẩn bị vào phòng thi, Vân Tiên nghe tin mẹ mất, chàng đành bỏ thi trở về quê chịu tang. Dọc đường về, vì khóc thương mẹ quá nhiều, chàng ốm, bị đau mắt nặng rồi dẫn tới mù loà cả hai mắt. Đang bối rối thì lại gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn sẵn tính đố kỵ với Vân Tiên, Trịnh Hâm lập mưu dụ tiểu đồng vào rừng hái thuốc rồi trói vào gốc cây cho thú ăn thịt đó về nói dối với Vân Tiên là tiểu đồng bị cọp vồ.

Khi thuyền ra đến giữa sông, lợi dụng đêm khuya thanh vắng, hắn đẩy Vân Tiên xuống nước rồi giả vờ hô hoán lên nhờ người cứu. Tiểu đồng được sơn quân cởi trói cho, tưởng Vân Tiên đã chết liền ở lại đó lập miếu thờ phụng.

Vân Tiên may mắn được gia đình ngư ông tìm thấy và cưu mang. Nhớ lời hẹn ước xưa với Võ Công, chàng nhờ ông Ngư đưa đến gia đình họ Võ. Thấy chàng đã bị mù, con đường công danh đứt đoạn, Võ Công tỏ ý khinh rẻ và bạc đãi chàng. Võ Thể Loan theo ý cha, dẫn chàng vào hang núi Thương Tòng cho chết vì đói hoặc để thú dữ ăn thịt.

Vân Tiên lại may mắn khi gặp được thần tiên cho thuốc chữa khỏi mắt. Chàng gặp lại Hớn Minh vì ra tay nghĩa hiệp giữa đường, trừng trị công tử Đặng Sinh ỷ thế con quan lớn trong triều mà hiếp đáp người khác, bị truy đuổi mà phải sống lẩn khuất trong rừng. Được bạn đưa về am dưỡng bệnh, sức khoẻ Vân Tiên phục hồi từng ngày.

Lại  nói về Tử Trực, khoa thi năm ấy chàng đỗ thủ khoa. Chàng trở lại nhà Võ Công để hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Thấy Tử Trực rạng rỡ công danh, Võ Công ngỏ ý muốn gả Thể Loan cho, bị Tử Trực cự tuyệt và mắng thẳng vào mặt, Võ Công hổ thẹn ốm chết.

Luật sư - Chuyện ép duyên Kiều Nguyệt Nga

Lục Vân Tiên đánh cướp Phong Lai cứu Kiều Nguyệt Nga.

Về phần Nguyệt Nga, khi nghe tin Vân Tiên đã chết, nàng thề sẽ thủ tiết suốt đời. Trịnh thái sư muốn hỏi nàng cho con trai mình nhưng  bị khước từ. Tự ái, hắn mới đem lòng thù oán, tâu vua đem cống nàng cho giặc Ô Qua. Trước khi đi, nàng đã sang nhà họ Lục làm chay bảy ngày cho Vân Tiên theo lễ vợ chồng rồi để tiền bạc lại nuôi cha Vân Tiên.

Thuyền đi tới biên giới, Nguyệt Nga ôm theo bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự tử. Cảm kích tấm gương liệt nữ của nàng, Phật bà đưa nàng dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Thấy Nguyệt Nga xinh đẹp, Bùi Công nhận nàng làm con nuôi nhưng con trai y là Bùi Kiệm cứ nằng nặc đòi lấy nàng làm vợ. Nàng phải giả vờ đồng ý rồi tìm cách trốn đi, lạc vào rừng và may mắn sống nương tựa vào một bà lão dệt vải.

Vân Tiên trở về nhà thăm cha, viếng mộ mẹ, đồng thời ghé Hà Khê thăm gia đình họ Kiều. Biết tin nàng đã tự vẫn để thủ tiết, chàng rất đau lòng. Khoa thi năm đó, chàng đỗ trạng nguyên. Vừa hay có nạn giặc Ô Qua gây ra loạn lạc, nhà vua cử chàng đi dẹp giặc, Hớn Minh làm phó tướng. Giặc tan, một mình Vân Tiên vì quá ham đuổi theo tướng giặc nên lạc vào rừng.

Thấy có túp lều của bà lão, định vào hỏi thăm đường thì vô tình gặp lại Nguyệt Nga. Hai người vui mừng khôn xiết. Sau khi được bẩm báo, Sở Vương tức giận ra lệnh trừng trị hết thảy những kẻ gian ác và đền đáp những người có ân. Thái sư bị cách chức, sắc phong chức cho Kiều Công, ban thưởng cho những người có công dẹp giặc. Những kẻ bạc ác bất nhân như Trịnh Hâm, cha con Võ Thể Loan đều không thoát được lưới trời. Tiểu đồng, ngư ông, tiều phu đều được đền ơn xứng đáng. Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được sống sum vầy hạnh phúc đến hết đời.

Luật nay: Án chồng án, những kẻ ác sẽ phải đền tội

Truyện Lục Vân Tiên là một trong hai truyện thơ nổi tiếng nhất cuối thế kỉ 19 ở Việt Nam, tác giả là nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Câu chuyện đã gửi gắm được ước mơ về công bằng chính trực của người dân Việt. Tuy nhiên, có lẽ vì hỉ hả với ước nguyện thiện ác được báo đền đã được thực hiện ở cuối câu chuyện mà người đọc vẫn chưa để ý nhiều tới bản án dành cho những kẻ gây ra tội ác ở trong truyện.

Với mức án nhà vua đã xử như đã kể trên, việc xét tội cho những kẻ như Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, Võ gia, Trịnh Thái Sư đã ổn thoả hay chưa? Tuy chỉ là một câu chuyện phóng tác nhưng hành vi phạm tội của các đối tượng trong câu chuyện đó cũng có thể chiếu theo luật mà định tội.

Xét theo khoản 1 Điều 93 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009 của nước CHXHCN Việt Nam quy định về tội giết người thì Trịnh Hâm, Võ Thể Loan sẽ bị kết án từ mười hai đến hai mươi năm tù, chung thân hoặc tử hình. Đây là khung hình phạt dành cho những hành vi giết người mang tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Khoản 1 Điều 93 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì  bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: Giết nhiều người, giết phụ nữ mà biết là có thai, giết trẻ em, giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân, giết người đang thi hành công vụ  hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; giết ông, bà, cha, mẹ, người  nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng,...

Trịnh Hâm đẩy Lục Vân Tiên trong tình trạng mù loà xuống sông sau khi hãm hại tiểu đồng bằng cách trói trong rừng cho thú dữ ăn thịt, tuy cả hai lần nạn nhân đều may mắn thoát chết nhưng hành vi này vẫn bị khép vào tội giết người. Xét theo điểm a, điểm e, điểm q của khoản 1 Điều 93 thì đây là những tình tiết tăng nặng, do vậy tội của Trịnh Hâm không thể tránh khỏi mức án trên.

Điểm a quy định: Giết nhiều người (tiểu đồng và Lục Vân Tiên), điểm e: Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; điểm q: Vì động cơ đê hèn (vì ghen ghét với tài năng của Lục Vân Tiên mà ám hại cả chàng lẫn tiểu đồng).

Riêng cha con họ Võ có âm mưu đưa Lục Vân Tiên vào hang núi cho thú dữ ăn thịt hoặc chết đói cũng bị khép vào tội giết người. Võ Công đã chết vì hổ thẹn nhưng đối tượng này vẫn bị khép tội âm mưu và đồng loã với con gái trong việc gây án. Võ Thể Loan là người trực tiếp đưa Vân Tiên vào hang núi để tránh phải kết hôn với một người mù như chàng.

Đây là một động cơ đê hèn, thoái thác trách nhiệm và đi trái với đạo đức, theo điểm q khoản 1 Điều 93 là tình tiết tăng nặng. Tuy Võ Thể Loan hành động theo ý cha mình là Võ Công nhưng không vì thế mà có thể bao biện giảm nhẹ tội với thị. Tính theo luật lẫn theo đạo lý, thị cũng vì lợi mà trở thành kẻ bất nhân.

Cha con họ Bùi rõ ràng biết Kiều Nguyệt Nga là người đã tự nguyện làm vợ của Vân Tiên nhưng vẫn ép nàng làm vợ. Xét theo luật hiện nay, cả hai cha con đều đã vi phạm Điều 146 BLHS quy định về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Điều 146 quy định: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 3 năm. Do có nhân thân tốt nên hình phạt dành cho họ Bùi sẽ rơi vào mức án cảnh cáo, cải tạo không giam giữ.

Trịnh Thái Sư vì lòng tự ái riêng đã lợi dụng chức quyền khiến Kiều Nguyệt Nga phải cống cho giặc Ô Qua cũng đã vi phạm vào Điều 281 BLHS: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Khoản 1 của Điều 281 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho  lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm  năm.                            

Đỗ Huệ

Nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Làm báo, diễn viên, tham gia các phong trào yêu nước…đó là những nét chính của nữ nghệ sĩ Thu Trang, người hóa thân nàng Kiều đầu tiên của màn ảnh Việt.

Nhà Kiều học số 1 Việt Nam và cuốn sách 12,5 kg

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Sau nhiều năm dồn tâm lực ông đã hoàn thành tác phẩm nghiên cứu về Truyện Kiều với 5000 trang viết tay gây kinh ngạc giới Kiều học.