Anh hùng lao động đau đớn vì BV Châm cứu TW

Anh hùng lao động đau đớn vì BV Châm cứu TW

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
– “Nếu nói cần hiện đại hóa, đa dạng hóa Bệnh viện Châm cứu, tôi nghĩ là không cần thiết và tôi hoàn toàn phản đối. Đây là Bệnh viện Châm cứu Việt Nam, một viện mà chưa nơi nào trên thế giới có. Hãy chuyên tâm vào xây dựng nó cho tốt".

Xoay quanh việc nâng cấp cải tạo Bệnh viện Châm cứu Trung ương được dư luận cho là lãng phí không cần thiết, PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trò chuyện với Anh hùng lao động, GS. Nguyễn Tài Thu, người nắm giữ cương vị đứng đầu bệnh viện trong suốt 25 năm (1982-2007) và nhận được ý kiến phản đối dự án từ ông.

Việc bệnh viện xin dự án nâng cấp, cải tạo có tham khảo, bàn bạc với GS không, thưa GS?

Ông Thành (ông Nghiêm Hữu Thành, giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương – PV) cứ âm thầm xin dự án mà không cho ai biết cả, không bàn bạc thảo luận với tôi mặc dù bác vẫn làm việc ở đó. Với cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Châm cứu thế giới, hồi đầu năm 2011 tôi có cuộc họp ở Mỹ. Chỉ sau hơn một tháng quay về, tôi vô cùng bàng hoàng khi thấy bệnh viện bị phá tung hết, cây cối héo hon nghiêng ngả.

Cụ thể dự án như thế nào tôi cũng không hề biết. Sau khi báo chí đăng tải tôi mới ngỡ ngàng khi thấy số tiền của dự án lên tới hơn 500 tỷ đồng. Bệnh viện đã đẹp như thế nếu xin được nhà nước 1 tỷ thôi đã là lớn lắm rồi. Số tiền đó để sửa sang lại, làm đường làm lối đi cao lên cho sạch sẽ, làm gì mà cần đi vay, đi xin những hơn 500 tỷ đồng.

Sau đó, ông có được biết dự án nếu được thực hiện sẽ triển khai trong bao lâu không?

Tôi hoàn toàn không được biết. Nhưng tôi nghe một số cán bộ trong bệnh viện kể lại, trong một buổi gặp gỡ với lãnh đạo của bộ y tế, ông Thành có báo cáo rằng: bệnh viện dự định sẽ xây khu nhà 18 tầng, mỗi năm ước tính chi hết khoảng 20 tỷ. Vậy thử hỏi nếu dùng hết số tiền 500 tỷ đồng thì bệnh viện phải xây dựng trong gần 30 năm sao?. (GS vừa cười vừa lắc đầu - PV)

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tài Thu

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, việc xây dựng khu nhà 18 tầng là để nâng cấp cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng thiếu giường bệnh, cải tổ và đa dạng hóa chức năng của bệnh viện. Giáo sư có đồng tình với lý do này không?

Bệnh viện Châm cứu Trung ương được xây dựng từ năm 1982, đến năm 2000 bệnh viện được hoàn thiện và hoạt động rất tốt, tính đến năm 2007 (năm GS Nguyễn Tài Thu thôi không giữ chức giám đốc bệnh viện – PV), cơ sở bệnh viện vẫn còn rất đảm bảo, đẹp đẽ và khang trang.

Cơ sở vật chất của bệnh viện hiện tại là rất tốt rồi. Năm 2005, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Đi nước ngoài nhiều, tôi học tập được nhiều mô hình kiến trúc xây dựng và đem về để áp dụng cho bệnh viện. Đây cũng là một trong những nơi triển khai mô hình xanh hóa đầu tiên ở thủ đô. Từ trước đến nay, ai ai đến viện cũng phải trầm trồ khen ngợi không gian hài hòa, thoáng đãng của bệnh viện.

Bệnh viện luôn đón tiếp một số lượng lớn các bệnh nhân từ khắp các vùng miền trong cả nước. Tuy nhiên, do đặc trưng của bệnh viện là chữa bệnh bằng châm cứu nên bệnh nhân khám chữa ngoại trú cũng rất nhiều. Bệnh viện có hơn 300 giường bệnh nội trú nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu cả. Thông thường, cao điểm lắm cũng chỉ huy động hết khoảng 200 giường bệnh mà thôi. Vì vậy, xây thêm khu nhà 18 tầng với lý do thiếu giường bệnh là không hợp lý.

Còn về việc đa dạng hóa chức năng của bệnh viện, tôi nghĩ điều này lại càng không hợp lý và không nên làm. Lúc bình sinh, Bác Hồ rất quan tâm đến ngành châm cứu và mong muốn ngành này có thể phát triển thật tốt để phục vụ nhân dân. Khi Bác mất, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người trực tiếp đôn đốc công tác này.

Bệnh viện Châm cứu TW là bệnh viện châm cứu đầu tiên trên thế giới. Tại thời điểm mới bắt đầu xây dựng, Trung Quốc cũng chưa có bệnh viện nào như thế. Đến năm 1985, phong trào châm cứu Việt Nam đã dẫn đầu thế giới.

Nếu nói hiện tại cần hiện đại hóa, đa dạng hóa Bệnh viện Châm cứu, tôi nghĩ là không cần thiết và tôi hoàn toàn phản đối. Nhà nước cho tôi xây viện này là viện châm cứu Việt Nam, một viện mà chưa có nơi nào trên thế giới có. Hãy cứ chuyên tâm vào xây dựng nó cho tốt, còn bệnh viện đa khoa thì nơi nào, đất nước nào chả có.

Trung tâm điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy - một hạng mục đã bị phá bỏ (Ảnh chụp từ sách tư liệu của GS Nguyễn Tài Thu)

Đến thời điểm này thì Bệnh viện Châm cứu đã bị phá những hạng mục nào, thưa GS?

Lãnh đạo bệnh viện giải thích với báo là chỉ phá mấy cái nhà để xe nhưng thực chất là đã phá hết khu cảnh quan cây xanh, khu trung tâm cai nghiện và các khoa thăm dò chức năng. Khu trung tâm cai nghiện ma túy, cách đây 3 4 tháng thì vẫn đẹp y nguyên nhưng giờ thì chỉ còn là một đống đổ nát. Công trình đó có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Cả thế giới không biết cai nghiện ma túy bằng châm cứu, Trung Quốc cũng bảo chúng tôi cai nghiện bằng thuốc nhưng không đỡ, còn cai nghiện bằng châm cứu thì không biết làm. Mà trung tâm đó là do Bộ y tế ra quyết định cho phép thành lập.

Tôi thực sự không hiểu tại sao người ta lại phá bỏ đi những cái đang là thế mạnh, đang giúp y học Việt Nam hòa nhập vào nền y học thế giới như vậy. Tôi dự định thời gian tới sẽ tổ chức tập huấn cho các bác sĩ người Pháp về phương pháp chữa cai nghiện bằng châm cứu tại trung tâm đó. Tôi cũng đã in sách và tài liệu cẩn thận, giờ đây trung tâm bị phá, tôi thực sự không biết lấy gì ra để “khoe”, để tập huấn cho bạn bè đồng nghiệp trong nước và quốc tế nữa.

Còn ở chỗ này (34 Hàng Mã, Hà Nội- PV) là do cùng quá, không đừng được tôi phải chuyển đến đây để bệnh nhân đến đây khám chữa bệnh chứ tôi không muốn rời khỏi cái nơi mình đã gắn bó hàng mấy chục năm trời với bao nhiêu kỉ niệm. Một công trình cả thế giới không có, và là độc quyền của riêng Việt Nam mà giờ họ phá đi.

Không gian xanh của bệnh viện với tổng diện tích hơn 2000 m2 cũng nằm trong hạng mục bị phá bỏ. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cảnh quan chung của bệnh viện?

Khu vực vườn cây rộng gần 2000 m2 là nơi tôi đặc biệt chăm sóc để bệnh nhân có không gian thư giãn và luyện tập phục hồi chức năng. Tôi quan niệm chữa bệnh không chỉ chữa bằng thuốc mà còn phải chữa cả tâm bệnh nữa. Mỗi cây trồng còn gắn với kỉ niệm của mỗi chuyến công tác xa mà tôi đem về từ nhiều miền của Tổ quốc, rồi tự tay vun trồng, chăm sóc. Cả khu vườn như một công viên thu nhỏ với đủ các loại cây như cây hoa sưa, hoa sữa, dừa, ngô đồng, hoa gạo, trúc đào, xoài... Hàng trăm cây xanh có tuổi đời gần 30 năm bị chặt phá không thương tiếc, cả một hồ sen cũng bị san lấp. Nhìn cảnh tượng tan hoang ấy, tôi như đứt từng khúc ruột.

Nhìn cảnh tượng bệnh viện bị phá tan hoang, chắc hẳn GS cảm thấy rất đau xót?

Báo chí nói thế chưa ghê đâu. Có đến tận nơi quan sát mới thấy được sự tan hoang. Đầu tiên là tôi xót về cây cối. Tôi bảo: cậu Thành ơi, cậu là người không lao động, không có công xây dựng cái viện này, thế cậu có biết cảnh quan bệnh viện, nhà cửa… tôi phải xây 30 năm nay mới có được. Giờ đây cậu phá sạch đi như thế? Nhìn vườn cây bị phá, cảnh quan bị đập nát tôi tưởng như đứt từng khúc ruột. (Nói đoạn GS xúc động nghẹn ngào, đôi mắt rơm rớm - PV)

Ngày xưa tôi xây viện này là chân nấm tay bùn, tận tay tôi lao động, kéo xe bò, đào hồ, đắp đất…tại sao người ta nỡ phá bỏ hết như thế. Không ít người trong bệnh viện, những người đã từng gắn bó với quá trình phát triển của bệnh viện cũng tỏ ra vô cùng đau xót khi thấy cảnh tượng tan hoang ấy.

Vườn cây và trung tâm điều trị hỗ trợ giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Công trường hiện cũng đang ngưng hoạt động trong mấy tháng gần đây.

Giáo sư có biết sự có mặt của một số phòng khám nha khoa, trung tâm xoa bóp massage tại bệnh viện không ạ?

Những phòng khám, trung tâm này xuất hiện mấy năm gần đây. Thiết nghĩ bệnh viện này là bệnh viện châm cứu chứ sao lại dùng vào những việc đó. Khu vực ấy tôi cũng thấy thường xuyên xuất hiện những chiếc ô tô vip. Chẳng hiểu bệnh nhân thời nay sao lại giàu có đến mức thường xuyên đi ô tô vip đến khám chữa bệnh thế?

Niềm mong ước lớn nhất của giáo sư bây giờ là gì thưa ông?

Những gì đã phá bỏ thì cũng mất rồi, chẳng thể lấy lại được. Hiện tại tôi mong muốn, nhà nước tạo điều kiện cho tôi có thể hoàn thành tâm nguyện xây dựng được trường đào tạo và ứng dụng châm cứu TW để tôi có thể mang được vốn kiến thức y học về châm cứu truyền dạy một cách có bài bản cho thế hệ sau. Năm nay tôi cũng đã hơn 80 tuổi, chẳng thể biết đi, ở lúc nào. Tôi chỉ mong tận dụng những ngày tháng còn khỏe để cống hiến cho nền y học nước nhà.

Xin cám ơn giáo sư.

Phạm Hạnh (thực hiện)