Áp lực học tập là

Áp lực học tập là "thủ phạm" khiến học sinh bị ngất

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Theo GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, việc ngất xỉu hàng loạt có thể xuất hiện do các em học sinh phải học hành căng thẳng, tâm lý bị dồn ép. Đối với những học sinh bậc THPT, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, sức ép thi cử luôn đè nặng.

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hiện tượng nữ sinh tại một số trường học bỗng dưng ngất xỉu hàng loạt. Ban đầu, từ một học sinh ngất, rồi nhiều học sinh lịm theo. Thậm chí, hiện tượng này còn lây lan từ trường này sang trường khác. Việc học sinh ngất xỉu không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà nhiều trường học không thể tập trung giảng dạy. Kéo theo đó là những lời đồn thổi mê tín dị đoan rằng các em bị ma ám, bị vong theo... gây hoang mang trong dư luận. PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, phó chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam để cùng mổ xẻ căn nguyên của "căn bệnh" này.

Xã hội - Áp lực học tập là 'thủ phạm' khiến học sinh bị ngất

GS. TS Nguyễn Ngọc Phú.

Dấu hiệu thiếu chất dinh dưỡng

GS có đánh giá thế nào trước hiện tượng hàng trăm học sinh ngất xỉu hàng loạt tại một trường THPT trên địa bàn TP. HCM?

Trường hợp xảy ra tại trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ, TP. HCM) không phải là một hiện tượng lạ. Trước đó, báo chí từng phản ánh rất nhiều hiện tượng học sinh ngất trong giờ học trên địa bàn cả nước. Tôi được nghe, cách đây khoảng 50 năm, những nữ sinh ở một ngôi trường nội trú ở Tanzania đã bất ngờ bị lâm vào một dạng bệnh với các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài như ngất xỉu, buồn nôn và cười thành tiếng dài không dứt. Từ ngôi trường này, "căn bệnh" đã nhanh chóng lan rộng sang các cộng đồng khác. Hiện tượng này cũng có thể gọi là hiện tượng "chết đứng", khi người mắc phải rơi vào trạng thái kiệt sức, ngất xỉu hoặc lên cơn co giật như động kinh.

Vậy nguyên nhân của hiện tượng ngất xỉu hàng loạt này xuất phát từ đâu, thưa GS?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nó có thể xuất phát từ lý do sức khỏe, cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tâm lý. Tôi cũng đặt nghi vấn về việc nhiều em học sinh không ăn sáng dẫn đến suy nhược cơ thể. Hoặc một số em có biểu hiện bệnh lý tim mạch, hạ huyết áp, khi hoạt động dưới cường độ cao, cơ thể không thể chịu đựng được dẫn đến ngất xỉu. Cũng phải nói thêm, địa bàn TP. HCM đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, từ mùa mưa sang mùa khô. Thời tiết oi bức, những biến đổi sinh lý của nữ sinh chưa kịp thích ứng với những thay đổi này dẫn đến hiện tượng "sốc". Nguyên nhân thời tiết cũng cần xem xét đến.

Một số người cho rằng, trường THPT An Nghĩa nằm trên địa bàn nghèo nhất của TP. HCM, rất có thể việc ăn uống của học sinh do thiếu dinh dưỡng nên dẫn đến việc các em bị "đột quỵ". Quan điểm của GS thế nào?

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh yếu tố tâm lý, thể lực yếu cũng là nhân tố thuận lợi cho bệnh tật phát sinh. Đối với những địa bàn nghèo, có thể chế độ dinh dưỡng của các em không được đầy đủ, dẫn đến suy nhược cơ thể. Tôi được biết, các bác sĩ chuyên khoa cũng trực tiếp xuống địa phương thăm khám và cho biết, một số học sinh bị thiếu canxi. Hơn nữa, những nữ sinh bị ngất thường trong độ tuổi từ 14-18, lứa tuổi sau dậy thì, nhu cầu cơ thể đòi hỏi một lượng calo lớn. Tuy nhiên, nhiều em vì vóc dáng của mình mà không muốn nạp năng lượng cũng dẫn đến việc mất đường huyết và ngất xỉu.

Trị bệnh từ... tâm lý

Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng ngất hàng loạt xuất phát từ hiệu ứng domino, em này xỉu, em kia sợ quá xỉu theo. Vậy, GS nhận định thế nào?

Không loại trừ trường hợp nữ sinh ngất hàng loạt là do tâm lý, khi nhìn thấy người bên cạnh ngất xỉu cũng lập tức hoảng hốt xỉu theo. Hơn nữa, độ tuổi này có tâm lý nhạy cảm, đôi khi chỉ vì sự không hài lòng, bực bội, tác động đến suy nghĩ và khi không chịu nổi thì cũng dễ... ngất.

"Căn bệnh" này liệu có gây nguy hiểm đến tính mạng không thưa GS?

Nói chung, bệnh này không nặng, nhưng gây cho bản thân người bệnh và cả những người xung quanh rất nhiều phiền toái. Nhiều mối quan hệ bị rối loạn. Những người rơi vào trường hợp này thường làm việc, học tập kém hiệu quả do họ không thể tập trung vào công việc. Càng lo lắng bệnh càng nặng lên.

Để điều trị "căn bệnh" trên cần những "liều thuốc" gì, thưa GS?

Vì nguyên nhân bệnh là tâm lý nên quá trình giải quyết cũng phải dựa vào tâm lý người bệnh. Chúng ta cần phải giải quyết những mâu thuẫn, sức ép của học sinh. Cách điều trị đầu tiên là cách ly người bệnh khỏi nguồn sinh ra áp lực, mâu thuẫn, hay sang chấn tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được điều trị bằng những loại thuốc giải lo âu, làm dịu đi những tổn thương về mặt tâm thần, nâng đỡ thể chất và tinh thần.

Đối với những em học sinh, để phòng chống được bệnh này, cần phối hợp giảng dạy tâm lý và chăm sóc sức khỏe học đường, cân đối áp lực học tập, vui chơi, làm việc, nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng. Kêu gọi mọi người sống chan hòa, có tinh thần tập thể, tình thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Bệnh này hồi phục nhanh, nhưng dễ tái phát khi tiếp cận với những hoàn cảnh tương tự. Muốn cải thiện, người bệnh cần tập tính chịu đựng, tập luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.

Xin cảm ơn ông!

Học sinh Việt Nam đang phải học quá nặng

Theo GS. Phú, việc ngất xỉu hàng loạt có thể xuất hiện do các em học sinh phải học hành căng thẳng, tâm lý bị dồn ép. Đối với những học sinh bậc THPT, đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, sức ép thi cử luôn đè nặng. Tôi cũng được biết, đối với học sinh của nước Pháp, cứ học 6 tuần, các em lại được nghỉ 1 tuần để "lấy sức" cho đợt học tiếp theo. Ở Việt Nam, các em không được nghỉ nhiều như vậy. Không những thế, ngoài giờ học chính thức trên lớp, các em còn phải "học thêm". Các em học sinh của chúng ta bị "bắt học" nhiều quá nên có thể dẫn đến kiệt sức.

Anh Văn