Nỗi sợ hãi mang tên: Mùa thi

Nỗi sợ hãi mang tên: Mùa thi

Thứ 5, 30/05/2013 | 11:04
0
Nhiều nhà giáo dục cho rằng, giáo dục của chúng ta hiện đang có quá nhiều kỳ thi. Điều này đang đè nặng lên con trẻ, khiến công việc học tập trở thành những nỗi nhọc nhằn triền miên.

Lớp 1 cũng "chọi" như đại học

Dù học phí tháng các trường tiểu học ngoài công lập Lê Quý Đôn, Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm...(Hà Nội) bằng kinh phí cả một năm ăn học của trẻ em vùng nông thôn, nhưng số hồ sơ nộp vào vẫn chất thành đống. Nhiều trường dùng phương pháp thi để chọn được số học sinh ít ỏi trong chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Từ tờ mờ sáng, cái giờ mà những ngày trước đó nhiều em còn đang say giấc nồng thì đã được bố mẹ đưa đến trường thi.

Xã hội - Nỗi sợ hãi mang tên: Mùa thi

Nhiều em đi thi ngáp ngắn ngáp dài.

Trong phòng thi các em căng thẳng với những câu hỏi tiếng Anh, câu trắc nghiệm IQ ở ngoài những bậc phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Được biết ở trường Lê Quý Đôn có lượng thí sinh quá lớn nên trường phải tổ chức thành hai đợt, mỗi đợt thi thành hai ca. Một phụ huynh đưa con đến thi cho biết: "Tôi đã có kinh nghiệm từ các mẹ khác nên trước kì thi 3 tháng  đã đưa con đi ôn luyện tại CLB học hè do nhà trường tổ chức với mức phí là 2 triệu đồng. Bỏ tiền và công sức như vậy nhưng không biết con có được vào trường không. Vì tôi nghe nói, tỉ lệ "chọi" của trường khá cao".

Nhiều phụ huynh khác lại chọn phương án thuê thầy, cô giáo giỏi về tận nhà dạy. Chị Kim Ngân ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, chị đã tốn gần 5 triệu đồng để luyện thi cho con. Những lúc không có cô giáo, chị và con cũng luyện thi với nhau theo phương pháp mẹ hỏi con trả lời. "Biết là con vất vả nhưng đành phải cố gắng để sau này cháu có tương lai tốt. Anh trai của cháu không được luyện cẩn thận nên bị trượt. Chính vì thê,ë tôi phải cố gắng dồn sức cho cháu thứ hai", chị Kim Ngân chia sẻ.

Trao đổi với PV báo ĐSPL, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân cho rằng: "Giáo dục của chúng ta hiện nay chỉ quan tâm đến kiến thức, đặc biệt là kiến thức logic. Trong khi đó, có nhiều em giỏi về cảm xúc, giỏi về văn, nghệ thuật, thể thao... Nhiệm vụ của giáo dục là phải tìm ra được những tiềm năng ấy và phát huy nó. Nhưng giáo dục của ta là đồng đều tất cả các dạng năng khiếu, tiềm năng, kiến thức... Đó là sai lầm.  Chúng ta tạo ra áp lực về kiến thức logic nên đứa trẻ bị bố mẹ ép học toán trong khi nó thích học văn. Ép học toán khiến cho nó ngán và chán học. Thậm chí có những em bị tâm thần vì ép học".

Xã hội - Nỗi sợ hãi mang tên: Mùa thi (Hình 2).

Có không ít học sinh vì thi cử mà... kiệt sức.

Nên loại bỏ kì thi đại học?!

Vị nguyên Bộ trưởng cho rằng, các nhà làm giáo dục hiện nay vẫn chưa giản đơn được chuyện thi cử khiến học sinh từ khi mới bắt đầu đi học đến khi kết thúc chương trình THPT phải chịu gánh nặng thi cử. Và đặc biệt đến khi học hết chương trình lớp 12, chỉ trong một tháng học sinh phải trải qua hai kỳ thi quan trọng là tốt nghiệp THPT và thi vào đại học. Vì thế, mới đây, giáo sư đã đại diện cho hiệp hội các trường ngoài công lập đề xuất về việc cải tổ thi cử. Theo đó, sẽ bỏ một trong hai kỳ thi, giản đơn việc thi cử, giảm thiểu gánh nặng cho xã hội.

"Không có lý gì để tổ chức hai kì thi mà đối tượng thi giống nhau.  Hiện nay việc thi để lấy bằng THPT của chúng ta nhiều nơi còn chưa nghiêm túc và ta chấp nhận chưa nghiêm túc. Còn việc thi đại học thì nghiêm túc và chặt hơn. Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức lại kỳ thi, không có chuyện hội đồng coi thi chặt, hội đồng coi thi dễ. Kỳ thi vào đại học xét cho cùng cũng chỉ để phục vụ cho việc vào đại học còn thi tốt nghiệp THPT thì bằng cấp đó dùng cả đời. Kỳ thi đó xứng đáng được tổ chứ nghiêm túc. Nếu gộp hai kỳ thi vào một thì việc thi cử nhẹ nhàng, giản tiện hơn rất nhiều. Nếu kỳ thi THPT được chúng ta làm tốt thì kết quả đó cớ gì không thể xét vào đại học. Nhiều nước đã áp dụng phương án xét vào đại học từ kết quả THPT"- giáo sư Quân nói.

Đồng quan điểm với GS. Quân, GS. Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết thêm: "Tiêu chí ba chung của bộ GD&ĐT không phù hợp cho mọi ngành học, có những môn, học sinh vất vả thi tuyển nhưng khi học ĐH lại hoàn toàn không sử dụng đến kiến thức đó (chẳng hạn ngành kế toán không cần thi Vật lý). Chính vì thế, chỉ cần tổ chức một kỳ thi, bỏ ba chung, bỏ điểm sàn, lấy kết quả của kỳ thi cộng với xét học bạ 3 năm để là căn cứ vào ĐH, CĐ" .

Tuy nhiên, trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, nguyên Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Từ trước tới nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức để đánh giá về việc hoàn thành những kiến thức cơ bản của người học sau 3 năm cấp 3. Tuy nhiên, nó chỉ phản ánh được một trình độ nhất định của học sinh chứ không thể coi là cơ sở để xét vào đào tạo chuyên nghiệp ở các trường ĐH, CĐ. Thực tế cho thấy, số thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT đỗ tới 99%, nhiều nơi đỗ tới 100%. Con số đó tưởng chừng là một tín hiệu vui nhưng không ai nói được chất lượng thực chất của kỳ thi ra sao. Thi có đúng là thi hay còn vớt vát cho học sinh đỗ hết? Chính vì thế không thể lấy điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở vào các trường ĐH, CĐ”.

Chia sẻ khó khăn với các trường ngoài công lập, vị chuyên gia này cho rằng: "Chúng ta cũng nên chia sẻ khó khăn với các trường ngoài công lập. Trong bối cảnh thí sinh đăng ký tuyển sinh giảm 6%, khối kinh tế giảm 10%, các trường công lập phải tìm mọi cách để có thể thu hút được thí sinh. Chính vì thế, bộ GD&ĐT cũng nên nghiên cứu và sớm có câu trả lời về phương án tuyển sinh mà các trường ngoài công lập đưa lên mới đây để họ có thể chủ động trong tuyển sinh năm nay".                      

Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng: "Các trường muốn lấy học sinh theo chỉ tiêu thì tổ chức thi như vậy nhưng thực chất, theo tôi, trẻ em từ khi chập chững bước vào lớp 1 đã phải thi là việc làm không tốt. Nó khiến cho bọn trẻ thấy rằng việc học không thú vị. Tuổi trẻ là học mà chơi, chơi mà học. Nếu mình bắt học nhiều sẽ cướp mất tuổi thơ của các em".  

Thành Huế -Phạm Hạnh

Đừng để trẻ con phải oằn mình "cõng" chữ vào lớp 1

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Tại các thành phố lớn, cứ mỗi dịp sau tết Nguyên đán là các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ luyện thi cho các sĩ tử nhí vào lớp 1.

Cả nhà mất ngủ chờ... đi bốc thăm cho con vào lớp 1

Thứ 4, 29/05/2013 | 10:51
Lần đầu tiên, một trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổ chức tuyển chọn học sinh vào lớp 1 bằng hình thức bốc thăm. Lá thăm khiến “kẻ khóc, người cười” nhưng lại khách quan, minh bạch.

'Sản phẩm giáo dục ở các 'lò' chỉ để lấy thành tích'

Thứ 6, 12/04/2013 | 12:05
Mới đây, dư luận cả nước "dậy sóng" vì sự việc một học sinh lớp 9 ở trường tiểu học Đăk Kôi (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) không giải được phép tính chia cấp tiểu học.