"Bà chúa sao" - tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Sinh ra trong thời đại phong kiến còn nặng nề tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, Nguyễn Thị Duệ đã vươn lên khẳng định tên tuổi của mình, đấu tranh cho giá trị của người phụ nữ, trở thành bậc kỳ nhân trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Bà được người dân ca tụng là “Bà Chúa Sao”, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đỗ tiến sĩ trong thời đại phong kiến nước nhà.

Văn miếu Mao Điền nơi thờ “Bà Chúa Sao” Nguyễn Thị Duệ

Được tín nhiệm ở hai chính thể

Hiện chưa rõ gia thế của bà, nhưng tương truyền, bà Nguyễn Thị Duệ sinh năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương.

Vốn là người thông minh, có nhan sắc nên mới hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều nhà quyền quí đến xin hỏi cưới, nhưng bà không thuận. Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình lên đó sinh sống.

Người dân Hải Dương đến nay vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về tài năng của bà Duệ. Năm 10 tuổi bà đã biết làm văn bài, được bà con trong làng vô cùng kính phục. Là một người hiếu học song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để đèn sách đi thi.

Năm Giáp Ngọ (1594) nhà Mạc mở khoa thi Hội, sĩ tử tham dự rất đông, bà đỗ thủ khoa, trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ á khoa. Vậy là, tròn 20 tuổi bà trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam.

Trong buổi Ngự yến đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ tuổi, dáng mảnh mai, mặt mày thanh tú sinh lòng ngờ vực. Nhà vua liền xét hỏi và phát hiện bà giả trai. Nguyễn Thị Duệ không những không bị khép tội còn được vua khen ngợi. Cảm phục tài năng, vua Mạc còn mời bà vào cung để dạy các phi tần rồi tuyển làm phi, phong là Tinh Phi, ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao.

Công trạng để đời

Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời.

Linh vị Nghi Ái Quan Nguyễn Thị Duệ được thờ cạnh Khổng Tử trong hậu cung của Văn miếu Mao Điền

Hiện nay, dân gian vẫn còn lưu truyền giai thoại về bà. Năm Đức Long thứ 3 (vua Lê Thần Tông) bà làm Giám khảo kỳ thi Tiến sĩ (1631), được tổ chức tại làng Mao Điền, Hải Dương.

Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Trưởng ban quản lý Văn miếu Mao Điền cho biết: “Nguyễn Thị Duệ được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa của đất nước.

Bà soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ được gửi lên cho bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Bà cũng khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo hiếu học, đề cao các nhân tài giúp nước. Đó là hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta".

Một lần dự yến tiệc trong Hoàng cung, bà quen với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông). Từ đấy, hai bà trở thành đôi bạn tri kỷ.

Sinh thời, Nguyễn Thị Duệ viết nhiều văn thơ, nhưng trải qua những biến động của lịch sử nên bị thất lạc hết. Sau khi mất, bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia. Qua thời gian, "Tinh phi cổ tháp" đã đổ nát, chỉ còn "Lập cử tự bia" ở chùa Phổ Chiếu, Chí Linh, khá nguyên vẹn.

Về già, bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền. Nghị Vương mất, con là Dương Vương lên nối ngôi, triệu bà ra giữ chức Lễ Sư, dạy cung nhân, nên người ta cũng gọi bà là Lễ Phi. Nguyễn Thị Duệ sống hơn 80 tuổi mới qua đời. Khi mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm Phúc thần.

Anh Đức