'Cần bảo đảm hiệu lực pháp luật từ cơ sở'

'Cần bảo đảm hiệu lực pháp luật từ cơ sở'

Thứ 6, 19/07/2013 | 10:11
0
Để đạt được mục đích tống tiền, các đối tượng đã sẵn sàng lên kế hoạch để thực hiện hành vi, mưu đồ của mình.

Kẻ phạm tội sẽ phải đền tội trước pháp luật. Tuy nhiên, nạn nhân của những vụ bắt cóc này sẽ bị ám ảnh về tinh thần trong một thời gian rất dài, đặc biệt là trẻ em. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Mai Lan, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để có cái nhìn đa chiều hơn.

Nguyên nhân khiến tội phạm lộng hành

Thưa bà, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những trường hợp đối tượng gọi điện đến số máy bàn cơ quan hoặc nhà riêng của một số người, nói rằng đã bắt cóc người thân của họ và yêu cầu nộp tiền chuộc. Nhiều người vì quá hốt hoảng nên đã vội chuyển tiền cho chúng, sau đó mới biết mình bị lừa, người thân của mình không hề bị bắt cóc. Vậy đây có phải là hình thức phạm tội mới không, thưa bà?

Qua theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy rằng, đây là dạng tội phạm không mới, song lại có cách thức, thủ đoạn ở bậc cao hơn. Các đối tượng phạm tội có tổ chức, có nghiên cứu tâm lý xã hội và lập kế hoạch một cách khá chặt chẽ, rất khó đối phó. Điều đó cho thấy hoạt động phạm tội ngày càng phức tạp, tâm lý tội phạm, đặc biệt là tuổi teen cũng rất khó lường.

Luật sư - 'Cần bảo đảm hiệu lực pháp luật từ cơ sở'

Bà Đinh Thị Mai Lan.

Theo quy định của pháp luật, những đối tượng này đã phạm vào tội gì?

Theo tôi hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu như nhận định tôi vừa nói trên là đúng thì hành vi phạm tội này chuyên nghiệp hơn và ảnh hưởng của nó tới tâm lý người bị hại cũng như hậu quả mà nó gây ra cho xã hội là khó đo đếm được.

Nhiều ý kiến cho rằng, do tình hình kinh tế suy thoái, nhiều người làm ăn thua lỗ rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn dẫn đến làm liều. Từ những vụ lừa đảo bắt cóc này có thể dẫn đến các vụ bắt cóc con tin với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều. Quan điểm của bà về ý kiến này thế nào?

Tình trạng tội phạm lộng hành nghiêm trọng trong thời gian vừa qua phản ánh rất nhiều mặt của xã hội. Từ những vụ cướp giật diễn ra ngang nhiên trên đường phố, nhiều đối tượng thản nhiên sử dụng vũ khí nóng đến những vụ được dàn dựng công phu hơn như cố tình gây xô xát để thừa cơ cướp tài sản của người đi đường khiến tôi liên tưởng đến một trong những cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng, đó là tác phẩm "Bỉ vỏ". Mặc dù hiện tượng có phần khác biệt so với những năm 30 của thế kỷ trước, song về bản chất lại không có nhiều khoảng cách.

Nói nguyên nhân bắt nguồn từ tình hình suy thoái kinh tế cũng đúng nhưng tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn là đạo đức xã hội của một số cá nhân xuống cấp nghiêm trọng. Cuộc sống xô bồ, vội vã với nhiều cạm bẫy đã khiến nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn. Rất nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông, văn hóa ứng xử không biết, kỹ năng sống tối thiểu cũng yếu, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình không có. Khi gặp phải những cám dỗ, cạm bẫy sẽ khó vượt qua.

Cảnh giác khi có người lạ gọi điện đe dọa

Theo bà, pháp luật cần có biện pháp như thế nào để phòng ngừa và  chế tài gì để xử lý những đối tượng này?

Pháp luật hiện nay không thiếu chế tài xử lý. Các chế định về xử lý hình sự, kinh tế, xử lý vi phạm hành chính đều tương đối hoàn chỉnh. Thậm chí còn có mức xử phạt tăng nặng hơn từ khi luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực. Song, để phòng ngừa và đấu tranh với tình trạng xã hội lộn xộn, tội phạm nghiêm trọng như hiện nay biện pháp trước mắt là cần tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Về lâu dài, cần bảo đảm hiệu lực pháp luật từ cơ sở, từ trong đời sống của người dân. Hơn thế nữa, Nhà nước cần cho ra đời những chính sách phù hợp hơn, không chỉ có lợi cho người dân mà còn bảo hộ được các quyền lợi đó.

Một điểm dễ nhận thấy là những trường hợp nhẹ dạ cả tin thường bị tội phạm lợi dụng. Bà có những cảnh báo gì cho người  dân khi gặp phải trường hợp tương tự?

Trong khi chờ các cơ quan chức năng ngăn chặn tội phạm, các gia đình bị yêu sách cần phải hết sức bình tĩnh, khéo léo phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề. Để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, mỗi người cần đề cao cảnh giác khi vô tình bị người lạ gọi điện đe dọa. Các bậc làm cha mẹ cũng cần phải lưu ý con em mình tránh tiếp xúc với người lạ, đặc biệt phải chú ý đến con em mình. Người có thẩm quyền hoặc đại diện cơ quan có thẩm quyền phải có phát ngôn chính thức, cảnh báo cho người dân biết phương thức thủ đoạn của các đối tượng để biết cách ứng phó.                                

Trân trọng cảm ơn bà!                            

Đức - Hường (thực hiện)

Những mánh khóe của tội phạm giả chức danh tố tụng

Thứ 2, 01/07/2013 | 10:24
Không ít luật sư, thẩm phán, công tố viên... "tự phong" cho mình có năng lực và quyền hạn "tối thượng" để làm những "việc lớn", rồi lợi dụng lòng tin của những con mồi có người nhà vướng vào lao lý, cũng như tìm hiểu nhu cầu của mỗi người để đưa ra những lời giới thiệu, mời chào phù hợp nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Lỗ hổng pháp lý đang 'tiếp tay' cho tội phạm ngân hàng

Thứ 4, 26/06/2013 | 14:41
Thời gian gần đây, báo chí lên tiếng rất nhiều về những vụ án liên quan đến chiếm đoạt tài sản ở các ngân hàng. Tất cả những hành vi này đều được thực hiện hết sức tinh vi và có quy trình, kế hoạch chuyên nghiệp. Hiện nay ở nước ta, với hơn 100 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, đây là một trong những miếng mồi mà bọn tội phạm nhắm đến.