Bắc Á đầu tư 30 tỷ đồng

Bắc Á đầu tư 30 tỷ đồng "nuôi" bóng đá xứ Nghệ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Kinh phí dự trù cho hoạt động của SLNA mùa giải tới là 50 tỷ, thì UBND tỉnh Nghệ An phải "hỗ trợ" 20 tỷ đồng.

Sau những ngày tháng chờ đợi trong lo lắng, cuối cùng NHM bóng đá xứ Nghệ cũng thở phào khi mà NH Bắc Á chính thức tuyên bố không bỏ rơi bóng đá xứ Nghệ. Tổng giám đốc (TGĐ) Nguyễn Hồng Thanh cho biết, tại cuộc họp giữa đôi bên vừa diễn ra ở Hà Nội, hợp đồng mới có thời hạn 3 năm đã được thảo luận và thông qua. NH Bắc Á sẽ đầu tư cho SLNA 30 tỷ đồng/năm, số còn lại UBND tỉnh Nghệ An sẽ chịu trách nhiệm.

Xã hội - Bắc Á đầu tư 30 tỷ đồng 'nuôi' bóng đá xứ Nghệ

SLNA đã thở phào trước kết quả làm việc của Bắc Á và UBND tỉnh Nghệ An

Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

Thực ra, không chờ đến cuộc họp mới diễn ra ngày 15/10 vừa qua tại Hà Nội thì người ta cũng thừa hiểu, NH Bắc Á không thể dứt tình với bóng đá xứ Nghệ. Lý do không nói thì hầu như ai cũng biết, bầu Hương đang triển khai hàng loạt đại dự án ở địa phương, trong đó có thể kể đến Nhà máy Sữa TH với mức đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD. Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, trong thời gian sắp tới, Bắc Á còn phối hợp với nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, triển khai những dự án khác cũng quy mô không kém.

NH Bắc Á có những ràng buộc nhất định về tình cảm cũng như các dự án đầu tư tại đất Nghệ An nhưng đây đang là thời điểm, các doanh nghiệp chịu tác động sâu sắc của suy thoái kinh tế. Theo chương trình hợp tác ban đầu thì sau khi hết 3 năm đầu hợp đồng, UBND tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ SLNA cho NH Bắc Á quản lý. Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây diễn ra ở Hà Nội, bầu Hương cho rằng, doanh nghiệp đang khó khăn và đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ gánh nặng.

Theo tính toán của NH Bắc Á, với tình hình như hiện tại, mỗi đội bóng ở V.League cần khoảng 50 tỷ đồng để hoạt động. Đây là mức đầu tư trung bình và phù hợp với hoàn cảnh của đội bóng xứ Nghệ. Trong tổng mức đầu tư này, NH Bắc Á đưa ra mức đề nghị sẽ chịu trách nhiệm chính, với mức chi 30 tỷ đồng. Số còn lại, UBND tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp khác có trách nhiệm hỗ trợ.

Nếu so với những năm trước đây, mức đầu tư như vậy là quá ít nhưng thời kỳ kinh tế khủng hoảng, SLNA cũng đành phải chấp nhận bởi dù sao, gắn bó với một doanh nghiệp trong tỉnh và có nhiều ràng buộc như NH Bắc Á, độ an toàn vẫn cao hơn. Nhiều khả năng, với lý do được xem là chính đáng mà bầu Hương đưa ra, UBND tỉnh Nghệ An phải chấp thuận phương án hỗ trợ doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp được đông đảo NHM xứ Nghệ ủng hộ, bởi dù sao SLNA cũng là niềm tự hào lớn và địa phương cũng phải nên có chút trách nhiệm, thay vì thoái thác. Theo dự kiến, trong một vài ngày tới, thường vụ tỉnh Nghệ An sẽ họp để thông qua đề án phát triển SLNA.

Xã hội - Bắc Á đầu tư 30 tỷ đồng 'nuôi' bóng đá xứ Nghệ (Hình 2).

Hữu Thắng chỉ còn lo tìm kiếm nhân sự để ổn định đội bóng trước mùa giải mới

Vào cuộc

Mặc dù đã tập trung được hơn 2 tuần nhưng sau cuộc gặp giữa lãnh đạo SLNA và NH Bắc Á, mọi thứ mới được đả thông và quá trình chuẩn bị cho mùa giải tới, mới thực sự bắt đầu.

Công việc đầu tiên được tiến hành ngay đó là xúc tiến tìm kiếm ngoại binh. BHL SLNA cho biết, với mức kinh phí như đã thống nhất, họ gần như chắc chắn thất bại trong việc giữ các ngôi sao mùa trước như Hector, Dickson. Thời điểm hiện tại, Phòng Kinh doanh của CLB đã được lệnh vào cuộc, phương án của SLNA là thông qua các mối quan hệ cá nhân để mua cầu thủ tận gốc, giống như cái cách họ đã từng làm và thành công trong suốt 2 mùa giải qua.

Một vấn đề khác được CLB quan tâm không kém đó là giữ chân các trụ cột. TGĐ Nguyễn Hồng Thanh cho biết, nếu quy chế về tăng độ tuổi chưa được áp dụng ngay thì với số tiền được rót nói trên, nhiều khả năng, CLB chỉ sẽ đầu tư giữ lại 1-2 người. Số còn lại, tùy vào tình cảm với CLB, nếu chấp nhận chịu thiệt và ở lại thì đó là điều đáng mừng, đáng tự hào còn trong trường hợp muốn ra đi để mưu sinh thì đội bóng cũng đành phải chấp nhận.

HLV Nguyễn Hữu Thắng cho biết, sau khi kết thúc Giải U.21 quốc tế đang tổ chức ở Gia Lai, ngoài những cầu thủ đã có tên trong đội 1, BHL cũng sẽ đôn lên khoảng 10 gương mặt mới để sàng lọc. Mục tiêu của đội là tạo mọi điều kiện để những cầu thủ trẻ có thể cáng đáng được những công việc mà các đàn anh để lại. Nhiều khả năng, chỉ khi những cầu thủ này trở về, việc tập luyện của SLNA mới diễn chất lượng được, bởi hiện tại, nhân sự đội bóng vẫn đang thiếu trầm trọng.

Một giải pháp khác nữa cũng đã được tính đến đó là kêu gọi những cầu thủ Nghệ An đang thi đấu ở khắp nơi về cống hiến cho đội bóng quê hương. Với Minh Đức, Công Vinh thì hơi khó, bởi có thể SLNA sẽ mất nhiều tiền. Tuy nhiên, với Công Minh, Hải Nam, Văn Vinh, Thanh Vân, Đình Hưng thì hoàn toàn có thể, bởi CLB mà những cầu thủ này thi đấu chưa rõ tương lai và bằng mối quan hệ của mình, SLNA chỉ cần làm động tác xin mượn và trả lương hàng tháng là có thể khai thác giá trị của những đôi chân bạc tỷ một thời này.

Đầu tư cho SLNA chỉ còn bằng 1/2

Bộ phận tài chính của đội bóng xứ Nghệ cho biết, 3 năm qua, SLNA đã chi tiêu tổng cộng 224 tỷ đồng, trung bình trên 70 tỷ đồng/năm. Trong số này, ngoài 8 tỷ đồng hỗ trợ mỗi năm của tỉnh Nghệ An, 4 tỷ đồng doanh thu từ bán vé và quảng cáo, còn lại NH Bắc Á đầu tư. Như vậy, từ mùa tới, nếu mức đầu tư chỉ còn 30 tỷ đồng/năm thì NH Bắc Á đã cắt giảm mức chi cho SLNA xuống còn 1/2. Tuy nhiên, gánh nặng cho UBND tỉnh Nghệ An cũng không trở nên quá lớn, khi mùa tới, SLNA không phải tham dự AFC Cup (dự kiến mất khoảng 10 tỷ đồng). Vì thế, mức chi tiêu 50 tỷ đồng/mùa như dự tính của NH Bắc Á được xem là hợp lý. Trong số 20 tỷ đồng còn lại (NH Bắc Á 30 tỷ), tỉnh Nghệ An cũng sẽ chỉ phải chi tầm 10-15 tỷ, số còn lại, rất nhiều doanh nghiệp khác sẵn sàng chung lưng.

Kim Thoa