Bắc Ninh: Làng nghề 'hạ độc' môi trường sẽ xử lý được?

Bắc Ninh: Làng nghề 'hạ độc' môi trường sẽ xử lý được?

Thứ 6, 28/06/2013 | 09:13
0
Ô nhiễm môi trường làng nghề ở Bắc Ninh là vấn đề được đặt ra đã lâu, tác động tiêu cực tới đời sống của người dân nơi đây. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã có những biện pháp giải quyết nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường này, nhất là ở 4 làng nghề trọng điểm là giấy Phong Khê, sắt thép Đa Hội, nhôm Văn Môn, đồng Đại Bái vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện Bắc Ninh đã và đang triển khai dự án, kế hoạch để xử lý môi trường ở 4 làng nghề trọng điểm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Họa – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện nay 4 làng nghề trọng điểm của Bắc Ninh đều xả thải nước trực tiếp ra sông Cầu gây ô nhiễm nghiêm trọng đến hệ thống nước và dòng chảy của sông. Xin ông cho biết vấn đề này ở Bắc Ninh hiện nay được xử lý như thế nào?

Ông Hà Minh Họa: Hiện nước thải ra từ các cơ sở sản xuất ở các làng nghề hầu hết đều gây ô nhiễm cho môi trường như các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê thải ra chủ yếu là nước màu do nhuộm phẩm màu.

Đối với các làng nghề, Bắc Ninh phải dồn nước thải từ các cụm sản xuất trong làng ra một hệ thống xử lý nước thải chung chứ ko thể xử lý riêng cho từng làng và cũng không xử lý riêng cho cụm thì mới giải quyết được.

Việt Nam Xanh - Bắc Ninh: Làng nghề 'hạ độc' môi trường sẽ xử lý được?
Ông Hà Minh Họa, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Bắc Ninh

Chương trình triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu giai đoạn 2011 – 2015 trong đó có những Dự án liên quan đến việc giải quyết mấu chốt vấn đề như nước sông Ngũ Huyện Khê sẽ được giải quyết từ nay đến năm 2015 trong đó có Dự án xử lý nước thải khu vực Phong Khê. Hiện nay, Dự án xử lý nước thải chung cho các cơ sở sản xuất ở làng giấy Phong Khê thì tỉnh Bắc Ninh giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Bắc Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí là 397 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là 197 tỷ, đầu tư cho 5000 m3, giai đoạn 2 đầu tư tiếp 5000 m3 với tổng dung lượng 10.000 m3/ngày, đêm. Nếu xử lý được nước thải ở Phong Khê thì coi như cơ bản xử lý xong được vấn đề nước ở sông Cầu vì đây là vấn đề nút chính liên quan, ảnh hưởng đến hệ thống sông Cầu.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang có kế hoạch cuối tháng 6 này sẽ tiến hành rà soát và kiểm tra tình hình ở 4 làng nghề Bắc Ninh trọng điểm: Giấy Phong Khê, sắt thép Đa Hội, nhôm Văn Môn, đồng Đại Bái.

PV: Được biết, ở làng nghề giấy Phong Khê đã chuyển cơ sở sản xuất ra cụm công nghiệp nhưng người dân vẫn tiếc cơ sở sản xuất tại nhà nên họ không bỏ cơ sở sản xuất giấy tại nhà như kế hoạch mà vẫn giữ lại và tiến hành sản xuất ở cả hai nơi. Bắc Ninh có giải pháp như thế nào để xử lý vấn đề này không?

Ông Hà Minh Họa: Vướng mắc hiện tại của Bắc Ninh là ở chỗ đó. Mình lập dự án cụm công nghiệp để kéo người dân ở trong làng ra ngoài sản xuất nhưng họ không ra, ra thì vẫn đầu tư mới mà trong thì họ vẫn giữ hoặc còn mở rộng hơn nữa. Đó thực sự là vấn đề bất cập đối với quản lý nhà nước.

Giải pháp quả thật không dễ dàng gì vì nếu như là một doanh nghiệp thì chúng ta có thể cắt điện, đóng cửa, xử phạt nhưng đó là 237 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giấy thì không thể làm như thế được. Nhiều vấn đề đưa ra bàn với thường vụ tỉnh ủy nhưng chưa có giải pháp nào có thể đóng cửa được. Hơn nữa thời điểm hiện nay nền kinh tế đang lắng xuống thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê trầm lắng, đóng cửa, giải thể nhiều. Đây là thời điểm nhạy cảm, nếu mình vào cuộc thì họ sẵn sàng bỏ luôn vì họ đang nợ ngân hàng . Do đó, bây giờ phải vừa động viên, vừa hỗ trợ và vừa yêu cầu các cơ sở có các biện pháp đồng bộ phải làm.

PV: Đối với các làng nghề khác thì sao thưa ông?

Ông Hà Minh Họa: Nhìn chung mỗi làng nghề có một dạng ô nhiễm khác nhau mà nhà quản lý phải biết điều chỉnh, cái nào mình có thể ôm được ví dụ nước thải thì có thể ôm được nhưng khí thải thì không thể ôm được vì không có một hệ thống nào gom cho mấy nghìn ống khói vào một hệ thống xử lý. Đấy là khó, khí thì chỉ xây dựng mô hình, Bắc Ninh đã làm một số mô hình liên quan đến dự án của Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Mô hình cho việc xử lý khí thải thì mỗi làng nghề Bắc Ninh đầu tư 2 mô hình mẫu để họ xử lý tại chỗ và xử lý ngay tại nguồn. Các mô hình này hiện nay các doanh nghiệp đang nhân ra, xử lý, giải quyết mô hình của họ.

Nhưng khi áp dụng mô hình này lại làm tăng chi phí sản xuất, đây chính là bài toán mà các doanh nghiệp không muốn đầu tư. Nhưng có 2 yếu tố mà họ phải đầu tư. Thứ nhất, với người công nhân bây giờ lương là một chuyện nhưng họ cạnh tranh nhau về điều kiện lao động; nhà nào có điều kiện lao động tốt họ chuyển công nhân sang đấy thì nhà khác cũng phải đầu tư theo hướng đó để giữ lao động. Bắc Ninh đang xảy ra việc này.

Việt Nam Xanh - Bắc Ninh: Làng nghề 'hạ độc' môi trường sẽ xử lý được? (Hình 2).

Nước thải trực tiếp từ một cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê, Bắc Ninh ra một con mương dẫn ra sông Ngũ Huyện Khê 

Hiện nay Bắc Ninh cũng đang tập trung giải quyết những vấn đề mấu chốt về làng nghề. Tuy nhiên, nguồn lực và điều kiện cũng phải cân nhắc, cái gì làm trước, cái gì làm sau. Nhưng chúng ta không thể nóng vội việc giải quyết môi trường làng nghề vì làng nghề là cái liên quan đến cả cộng đồng chứ không phải là riêng một hộ gia gia đình hay một nhóm nào đó. Cả một cộng đồng dân cư đang làm việc, sinh sống, mình không dễ dàng gì dùng áp lực Nhà nước hoặc áp dụng thể chế để bắt họ làm theo ngay được.

PV: Thưa ông, với chất thải rắn ở các làng nghề thì Bắc Ninh giải quyết thế nào?

Ông Hà Minh Họa: Chất thải rắn của sắt thép là vấn đề khó thực hiện vì nó không phải là cái ảnh hưởng trực tiếp đến con người, người lao động mà nó ảnh hưởng gián tiếp như ảnh hưởng đến đất canh tác nên đây là cái khó quản lý. Hơn nữa, chất thải rắn lại là cái dễ thải đổ, cụm công nghiệp đã quy hoạch nơi cho các hộ sản xuất kinh doanh đổ tập trung ở đấy nhưng họ không đổ.

Quy hoạch là một vấn đề nhưng quản lý vận hành sau đầu tư là một vấn đề. Hiện nay, cơ chế quản lý cụm công nghiệp của chúng ta không có. Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế quản lý cụm công nghiệp”, Bắc Ninh có đề xuất thành lập trung tâm quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhưng trung tâm đó lấy nguồn đâu để vận hành. Đó là cái mắc của cụm công nghiệp và quan điểm của Bắc Ninh không muốn phát triển cụm công nghiệp nữa mà muốn phát triển khu công nghiệp tập trung, chỉ những khu công nghiệp tập trung mới có bộ máy quản lý vận hành vì người ta cho thuê đất, người ta giàng buộc anh việc có xử lý hệ thống môi trường hay không,

PV: Thưa ông, vậy theo ông như với 4 làng nghề trọng điểm thì vấn đề môi trường làng nghề ở Bắc Ninh có thể xử lý được không?

Ông Hà Minh Họa: Theo khả quan của chúng tôi thì khu vực nước thải ta có thể đầu tư được, khí thải thì dùng giải pháp về mô hình công nghệ để họ tự áp dụng mô hình và tự xử lý vì bản thân người dân Bắc Ninh họ nhận ra vấn đề ô nhiễm, nhưng họ có chuyển ra cụm công nghiệp, có áp dụng các giải pháp xử lý ô nhiễm không đấy là vấn đề khác. Người dân Bắc Ninh nhận ra vấn đề ô nhiễm, nhưng bản thân người ta không làm, con em người ta không làm mà chủ yếu là người làm thuê. Hầu như các ông chủ ở Bắc Ninh họ không ở làng nghề, họ đều ở thành phố Bắc Ninh hoặc Từ Sơn hoặc Hà Nội, người ở lại chỉ là quản đốc họ thuê nên ô nhiễm môi trường gia đình chủ không chịu mà người làm thuê chịu. Nhưng bây giờ đang nảy sinh vấn đề là công nhân khu công nghiệp có mức thu nhập cao hơn, điều kiện làm việc ở khu công nghiệp sạch sẽ hơn, bảo đảm hơn, người ta xin chuyển ra ngoài khu công nghiệp nếu trong làng nghề anh không cải tạo, không đầu tư điều kiện lao động để sản xuất, thì sẽ mất công nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh tra Việt Nam

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á đối mặt với ô nhiễm

Thứ 5, 27/06/2013 | 17:08
Rong tảo phát triển mạnh, rác rưởi trôi dạt vào bờ cùng với việc lạm dụng đánh bắt thủy sản là những gì mà đầm Cầu Hai (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đang hứng chịu.

Làng nghề 'hạ độc' môi trường

Thứ 6, 21/06/2013 | 09:10
Đến bất cứ làng nghề nào ở Bắc Ninh cũng có thể bắt gặp cảnh ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Dù công việc sản xuất kinh doanh khá hiệu quả, thu lãi lớn nhưng rất ít cơ sở chịu đầu tư công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xử lý ô nhiễm ở làng nghề Đông Mẫu: Vẫn trên giấy

Thứ 5, 23/05/2013 | 08:56
Nhiều năm nay, thôn Đông Mẫu, xã Yên Đồng (Yên Lạc - Vĩnh Phúc) trở thành làng nghề tái chế nhựa nổi tiếng, mỗi năm có khoảng 60.000 tấn nhựa phế thải từ khắp nơi được đưa về đây. Nghề “băm nhựa” đem lại việc làm cho khoảng 1.000 lao động, giúp gần 200 hộ phất lên nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống.

Làng nghề Hưng Yên ngập trong ô nhiễm rác thải

Thứ 3, 07/05/2013 | 13:53
Ông Lê Đức Lành, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, trên toàn tỉnh hiện có 85 làng nghề, trong đó có 35 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận.