Bác sĩ miền Nam “minh oan” cho mắm tôm miền Bắc

Bác sĩ miền Nam “minh oan” cho mắm tôm miền Bắc

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Ngày 23/10/2007, bệnh tả bùng phát ở một số địa phương phía Bắc và chỉ một tuần sau, cơ quan y tế tuyên bố "mắm tôm là thủ phạm". Một số tờ báo đưa tin hàm ý nói mắm tôm đích thực là thủ phạm gây bệnh tả, đưa ra những hình ảnh nhằm răn đe dân nghiền mắm tôm.

Vài ngày sau đó, Bộ Y tế phát lệnh cấm sản xuất và phân phối mắm tôm trên phạm vi toàn quốc. Có tuyên bố cấm nhưng không có tuyên bố giải oan, mà mắm tôm đến ngày nay vẫn còn được "nợ" một lời xin lỗi vì đồ ăn này thực tế không phải là thủ phạm gây bệnh tả. Sự thật về người “giải oan” cho mắm tôm đến nay người ta mới biết chính là bác sĩ Bùi Kim Bảng.

Bác sĩ Bùi Kim Bảng

Lý lẽ của bác sĩ không sợ bẩn

Bác sĩ Bảng nhớ lại, thời điểm xảy ra dịch bệnh, ông đang công tác tại Sở Y Tế tỉnh Long An và lúc đó chỉ là một chuyên viên phụ trách mảng thiết bị y tế nhưng "thấy chướng tai gai mắt, lại ngứa nghề nên không ai mời nhưng vẫn tự truy tìm thủ phạm bệnh".

Ông kể lại, lúc đó tình hình dịch bệnh rất nguy cấp, số lượng người nhiễm tả cứ tăng theo từng ngày trong khi thông tin lại rất hạn chế. Cả tháng trời Bộ Y tế mới triệu tập họp một lần để tìm cách giải quyết nên tình hình dịch tả càng trở nên nguy hiểm, người dân xôn xao sợ hãi. ông Bảng cũng bắt tay vào tự nghiên cứu. ông cho rằng dịch tả rất dễ chẩn đoán, chỉ cần soi tươi là có kết quả ngay; còn nếu soi đúng 24 giờ thì kết quả sẽ cho ra được AND dịch tả (tức là dòng họ tả).

Ông chia sẻ kinh nghiệm: "Trên bề mặt lâm sàng, người bị tiêu chảy có thể nghi ngờ là bị dịch tả. Còn xét về góc độ khoa học, chỉ khi nào thấy được vi rút tả thì mới được phép kết luận người đó nhiễm dịch tả".

Vị "bác sĩ nông dân" này cho rằng, sở dĩ quá trình tìm ra nguyên nhân gây bệnh bị kéo dài trì trệ, một phần là do các y, bác sĩ, chuyên gia y tế phụ thuộc quá nhiều vào máy móc hiện đại, dẫn đến việc họ "bị lười". Nói như ông Bảng: "Một số người luôn chọn cách nhanh và dễ làm, chứ không chọn cách làm kinh điển.

Tuy nhiên, không phải cái gì máy móc cũng làm thay được con người. Có những cách thức cổ điển, đơn giản nhưng lại cho ra kết quả chính xác nhất. Ví dụ chỉ cần lấy một mẫu phân người bệnh kiểm tra qua kính hiển vi là đã có được kết quả nhưng có lẽ cách làm này không được chọn lựa, và nguyên nhân nào gây ra dịch tả vẫn cứ là một câu hỏi, nhiều ngày không có lời đáp".

Hành trình “giải oan” cho mắm tôm

Sau những nỗ lực cầm cự của cơ quan y tế, dịch tả tiếp tục bùng phát đợt hai tại Hà Nội và các tỉnh lân cận miền Bắc sau một vài tháng tạm lắng. Xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng lần này, một cán bộ của Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm khẳng định: "Thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm chắc chắn là nguyên nhân của bệnh tiêu chảy cấp". Xem vô tuyến thấy vị cán bộ này phát biểu như vậy, ông Bảng không khỏi băn khoăn: "Nói như vậy phải chăng là một hình thức "đánh bùn sang ao", đổ vấy tội lên cho người cung cấp dịch vụ và thực phẩm, cũng như cho người dân?".

Ảnh minh họa

Ông có băn khoăn này vì nhiều năm công tác trong ngành y cho ông kinh nghiệm, đành rằng mất vệ sinh ăn uống là "cửa ngõ" quan trọng nhất của con đường lây truyền bệnh tả hay bệnh đường ruột nói chung, nhưng nếu như chưa có chứng cứ thì không thể chắc chắn nó là nguyên nhân của bệnh đường ruột như vị quan chức kia khẳng định.

Theo ông Bảng, con đường lây truyền bệnh tả kinh điển và quan trọng nhất là nguồn nước, bất luận nguồn xuất phát vi khuẩn tả ở đâu. Nói rộng ra, yếu tố môi trường là yếu tố quan trọng có tính chất quyết định làm lây truyền bệnh tả. Nguồn lây truyền này được nhân lên khi nguồn nước nhiễm ồ ạt lượng phân người mang bệnh tả (người bệnh và người lành mang mầm bệnh) phóng xuất ra môi trường. ông nghi vấn: Thói quen sử dụng phân bắc (phân người) để làm phân bón có thể là một yếu tố dẫn đến dịch bệnh.

Sau khi có thông báo "cấm vận" mắm tôm, bác sĩ Bảng cho rằng: "Đây là một cách nhìn nhận vấn đề hết sức cảm quan, đâu phải cái gì thối có nghĩa là không đảm bảo vệ sinh". Không hài lòng với thông báo này, ông quyết định tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu: "Tôi hiểu mắm tôm rất hôi thối, nhưng lại là loại thức ăn tương đối vô trùng. Vì mắm tôm rất mặn nên sinh vật, đặc biệt là "con tả" rất khó sống trong môi trường này. Hơn nữa những vùng sản xuất mắm tôm không ai bị dịch tả. Nếu tỉ lệ phát sinh bệnh trong nhóm ăn mắm tôm cao hơn nhóm không ăn mắm tôm thì điều đó có nghĩa là mắm tôm là một yếu tố nguy cơ, chứ không phải nguyên nhân". Với lập luận này, ông bắt tay vào quá trình nghiên cứu.

Còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn để ông tích cực nghiên cứu về mắm tôm là vì: "Theo tôi được học mắm tôm mặn, vi rút không thể sống trong môi trường này. Giả sử, nếu thực có vi rút dịch tả trong mắm tôm, thì đây sẽ là sự biến dạng của vi rút, lúc đó nguy hiểm sẽ là rất đáng sợ", ông nhớ lại.

Sau nhiều ngày lọ mọ với những kính hiển vi, mẫu mắm tôm, mẫu bệnh, cuối cùng ông tìm ra được nguyên nhân thực sự gây ra dịch tả là do nước rửa thịt, và nước ao nhiễm bẩn. ông liên lạc với nhiều anh em đồng nghiệp trong nghề thống nhất ý kiến, tìm tiếng nói chung để giải oan cho mắm tôm. Những lập luận này của ông được một tờ nhật báo có trụ sở tại Tp HCM đăng tải và ngay lập tức thuyết phục được các nhà khoa học, cơ quan chức năng, mắm tôm được minh oan.

Bác sĩ Bảng day dứt: "Sau khi đã chính thức có kết quả mắm tôm bị oan, được “giải oan” nhưng các cơ sở sản xuất mắm tôm, và người mua bán mắm tôm không thể tránh khỏi việc bị thua lỗ nặng nề. Sau sự việc này, nhiều người nhận ra rằng chỉ cần nhà nghiên cứu phân tích sai, thì người sản xuất và kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do đó, một phát ngôn có tính cộng đồng cần phải có cơ sở, chứng cứ khoa học rõ ràng và lí luận sắc bén. Đó là bài học cho những người phòng chống bệnh, chữa bệnh như tôi".

Thu Thúy - Minh Nghĩa