Bài viết PR cho ông chủ cafe Trung Nguyên

Bài viết PR cho ông chủ cafe Trung Nguyên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Đỗ lỗi cho nhà xuất bản là lý do có lẽ là "an toàn" nhất của những nhà truyền thông chuyên nghiệp, trong trường hợp này. Đây có thể là một kịch bản hoàn hảo để ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cafe Trung Nguyên "gây tranh cãi" trong công chúng.

Tài năng và đắc dụng là cuốn sách được truyền thông bàn bạc kỹ lưỡng với ý kiến đa chiều, trong đó hình ảnh của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông chủ của cafe Trung Nguyên được phân tích nhiều góc độ.

Chuyên gia phản biện

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Thái Hà Books: “Đối với tôi, chủ tịch Hội đồng Quản trị - tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ là người bạn lớn. Anh là một trong những người mà tôi rất khâm phục, thuộc nhóm rất ít những người mang được sản phẩm của Việt Nam vươn ra thế giới. Bên cạnh Phở 24, gốm sứ Minh Long,… café Trung Nguyên được nhiều người nước ngoài biết đến – đó là một thành công của riêng anh Vũ và là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Ở góc độ khác, tôi khâm phục anh bởi anh là người rất trẻ, sinh năm 1971, nhưng đã có những ý tưởng rất táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Ví dụ, ý tưởng thành lập “thánh địa” café ở Buôn Mê Thuật và ước vọng trở thành thánh địa café của cả thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển, việc lựa chọn doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ để vinh danh danh nhân thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ và những người làm sách quá thiếu cảm quan khi chọn nhân vật.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Công Trứ, Bạch Thái Bưởi... đã được các nhà lịch sử, khoa học, nhà nghiên cứu công nhận về tài năng ở nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo, nhưng thử hỏi đã ai mở hội thảo để đánh giá về ông chủ tập đoàn Trung Nguyên?”, ông Vịnh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh nói việc xếp ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng chung với các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử là một việc làm hết sức khập khiễng, thậm chí còn gây phản cảm.

"Ông Đặng Lê Nguyễn Vũ có xứng đáng là 1 trong 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới, xếp chung với các vĩ nhân, các tên tuổi nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ,… và cả Thomas Alva Edison - nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 hay Bill Gates - biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức hay không?", ông Vịnh hỏi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Thái Hà Books cho biết: “Việc đưa Đặng Lê Nguyên Vũ vào cuốn sách Tài năng và đắc dụng trong trường hợp này là không nên. Nếu tôi là tác giả cuốn sách, tôi sẽ không đưa. Lý do là: Nếu tôi làm vậy, người ta sẽ nghĩ tôi PR cho Đặng Lê Nguyên Vũ một cách vô lý. Nếu tôi là tác giả, tôi có thể bị chửi bới và đánh giá tôi ở 2 góc độ: Một là tôi kém hiểu biết, hai là tôi “ăn tiền” để PR cho Đặng Lê Nguyên Vũ một cách lộ liễu”.

Ông Hùng nhìn nhận: “Việc PR, thuê viết bài thậm chí cả cuốn sách là điều hết sức bình thường và trong kinh doanh vẫn thường xuyên xảy ra bởi đó là một hợp đồng kinh tế. Nhưng vấn đề là cuốn sách đó ra đời sẽ được đánh giá như thế nào, nhìn nhận ra sao và nhất là phản ứng của xã hội – điều đó mới quan trọng. Trong trường hợp này, nếu như người biên soạn có thể đặt Đặng Lê Nguyên Vũ vào cuốn sách mang tựa đề “100 doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam” thì hoàn toàn hợp lý”.

Bà Võ Thị Hà Giang, giám đốc Truyền thông - Đối ngoại Công ty Cổ phần Trung Nguyên phản bác thông tin cho rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đồng tác giả của cuốn sách này. Bà Giang nói: “Chúng tôi chỉ cung cấp tư liệu theo yêu cầu, còn cuốn sách ra đời thế nào đó là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả nọ”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để dẫn tới những dư luận trái chiều như hiện nay, với không ít những ý kiến lên án, chê trách, thậm chí gay gắt phê bình, “có lẽ do chủ biên cuốn sách không thận trọng, chưa tìm hiểu kỹ về các nhân vật mà mình đưa lên, hoặc thiếu nhân vật trong khi thời hạn hoàn thành công trình nghiên cứu đã hết. Họ mong muốn tìm kiếm một nhân vật thời hiện đại nhưng không tìm ra ai hợp lý nên đã “vội” đưa Đặng Lê Nguyên Vũ vào. Đó là phán đoán ban đầu của tôi, cũng có thể do cảm xúc cá nhân của một ai đó trong ban chủ biên”.

Hình ảnh gây tranh cãi

Câu chuyện tiêu chí của cuốn sách trong việc lựa chọn và xếp hạng nhân tài, trong trường hợp ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đã gây nên một hiện tượng PR cho hình ảnh cá nhân ông Vũ và Cty CP Trung Nguyên. Có vẻ là Trung Nguyên đã phản ứng kịp thời với khủng hoảng truyền thông với cách xử lý thông tin khéo léo khi cho biết cơ quan này chỉ cung cấp tư liệu cho nhà xuất bản.

Tuy nhiên khó giải thích thuyết phục rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Cty Trung Nguyên không hề biết được ý định của người làm sách, không biết nội dung nhà xuất bản sẽ "phán" gì về nhân vật liên quan đến Trung Nguyên.

Đỗ lỗi cho nhà xuất bản là lý do có lẽ là "an toàn" nhất của những nhà truyền thông chuyên nghiệp, trong trường hợp này. Đây có thể cũng là một kịch bản hoàn hảo để ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cafe Trung Nguyên xuất hiện trong tình trạng "gây tranh cãi" trong công chúng.

Sau sự kiện này, chúng ta còn lại gì? Cuốn sách sẽ bán hết veo, và hình ảnh ông chủ cafe Trung Nguyên sẽ tiếp cận công chúng sâu sắc hơn, một hình ảnh "gây tranh cãi".

Và bạn làm báo, kể cả người viết bài này, chúng ta đang góp phần cho hình ảnh của ông chủ cafe Trung Nguyên gây tranh cãi. Điều này, tin tưởng rằng có nhiều bạn đọc nghi ngờ chúng ta đang làm PR ngược cho ông Vũ, nhưng nếu quả là như vậy, cá nhân tôi tự tin là vẫn đang làm với không bất cứ điều kiện gì.

Thụy Nguyên