Bán linh hồn, móc hầu bao người độ lượng

Bán linh hồn, móc hầu bao người độ lượng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Bộ dạng tàn tật, vẻ mặt đau yếu, khốn khổ của người ăn xin khiến nhiều người đi đường sẵn sàng rút hầu bao, nhưng cũng không ít người tỏ ra bức xúc vì cảm giác bị lừa gạt.

Hội chứng "mù, câm, điếc"

Một ông già tàn tật, tay chân teo quắt lại, bò đi bằng tay lê lết trên các đường phố Hà Nội, kéo theo 1 đứa trẻ con trông nhếch nhác, tiều tụy. Bỗng có một đám thanh niên kéo tới quát ông già làm mọi người bất ngờ và không hiểu lý do. Hóa ra họ quát ông ta vì thuê đứa nhỏ làm "công cụ hỗ trợ" nhằm gia tăng thêm độ thê thảm để người đi đường dễ rủ lòng thương...

Ở phố Phùng Hưng, ông vừa đi vừa hát những bài nhạc vàng sầu não, bi thương. Hai đứa con nhỏ kéo theo sợi dây điện dài dẫn bố xin tiền. Chẳng may, đứa con trai nhỏ quên đi vào 1 quán bên đường, thế là người cha đá lông nheo, giật giật sợi dây chỉ về phía quán đó. Ai đó đi ngang qua buông câu bâng quơ: "Đúng là mù dở"!

Người đàn bà mắt nhắm ghiền lò dò từng bước cầm nón xin tiền trên đường Hàng Ngang hướng về chợ Đồng Xuân. Vừa đi vừa mở miệng xin tiền, chốc lát giả vờ va vào một người. Thương hoàn cảnh của bà nên khá nhiều người cho bà tiền. Khi tiền trong nón khá nhiều, bà ta kín đáo cho vào túi vải đeo trước ngực. Càng đến gần chợ Đồng Xuân, người càng đông thì số tiền người đàn bà xin được càng nhiều. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, người đàn bà đã "lặn tăm" từ lúc nào.

Trên xe buýt tại bến xe Gia Lâm, một phụ nữ chừng 50 tuổi, với một bên chân bị thương phải bước khập khiễng và trên tay cầm 1 bức ảnh 1 đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam (bên cạnh ghi "hãy cứu con tôi"), cùng với tài thổi sáo, người phụ nữ lê lết từng bước đến từng người xin tiền, nhưng không một ai cho. Người phụ nữ chán nản, bước đi bình thường xuống xe như bao người khác (không có dấu hiệu bị khập khiễng như trước nữa...)

Theo lời kể của một "cai đầu dài" đã giải nghệ, "kịch bản" mà cai xây dựng cho những đứa trẻ rất công phu, anh cõng thêm em, chị địu thêm em nhỏ, miễn sao phải vào vai thật ấn tượng. Đấy là đối với những nhóm hai đứa trẻ nhỏ còn nhóm có 3 đứa trở lên thì lại khác, nghĩa là miễn sao kết hợp cho chúng ăn thành một ê kíp xin liên hồi.

Đối với những "quái chiêu" như lăn, lê, bò toài, nhất là vào những vai "kịch sỹ" như cụt chân, mất tay hay phải giấu chân, giấu tay như thế nào thì phải chọn những đứa trẻ thực sự kiệt xuất, không thể chọn qua loa, bừa bãi được. Sau khi những đứa trẻ "thuộc bài", cai đầu dài bắt đầu dạy đến thao tác tiếp cận mục tiêu.

Mục tiêu ở đây là những điểm dành cho những đôi tình nhân, nhà ga, bến xe, cây xăng, nơi công cộng... Đối với những đôi tình nhân thì đòi hỏi những đứa trẻ phải thật tinh mắt quan sát. Chẳng hạn khi thấy người bạn trai rút ví ra mua đồ ăn để chiều người yêu thì phải tiếp cận mục tiêu ngay. Những lúc như thế đảm bảo ra tay là có kết quả.

Những nơi như nhà ga, bến xe, cây xăng thì bài học lại có phần khác một chút, lúc này đòi hỏi những đứa trẻ thật lỳ lợm, chai mặt khi thấy hành khách rút ví, giả tiền là sấn tới, địu thêm một đứa nhỏ tỏ ra thật đáng thương có khi giả va chạm ngã lăn ra để họ mủi lòng.

"Chốt chặn"... ngã tư

Dừng ở ngã ba, ngã tư chờ đèn đỏ, các chủ phương tiện giao thông lập tức bị các đối tượng "ngửa tay" trước mặt. Thôi thì, đủ hoàn cảnh, con đi viện không có tiền, mất trộm xin tiền về quê, bố ốm nặng không có gì ăn... mọi hoàn cảnh đều thảm thiết khiến nhiều người không nỡ phóng đi. Tại một số giao lộ lớn như: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Chùa Bộc - Thái Hà, đội quân ăn xin từ 6- 12 tuổi đứng lố nhố.

Ngã Tư Sở là nơi có nhiều trẻ đến ăn xin nhất và hoạt động liên hồi theo tín hiệu đèn chỉ dẫn giao thông: đèn đỏ xin tiền, đèn xanh thì tạm nghỉ. Hễ có đèn đỏ lập tức các em này túa ra, chen lẫn vào giữa những làn xe và đàng hoàng ngửa mũ xin tiền. Đa số những "cái bang" này đến từ các tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nam Định, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, chúng chọn các ngã tư đứng xin tiền để không bị xua đuổi.

Khi xe của PV vừa dừng ở chân cầu Ngã Tư Sở, một cô bé chừng 7 tuổi ăn mặc rách rưới, tay cầm mũ lao từ lề đường tới: "cô ơi cho cháu xin đồng, cháu đói quá! ". Theo quan sát của PV, có rất nhiều người cho tiền, có người cho 10.000 đồng. Việc kiếm ăn tại đây có vẻ khá dễ dàng.Thấy PV đứng quan sát hoạt động của mình, cô bé lườm nguýt rồi chạy vụt sang bên kia vỉa hè.

Nhiều trường hợp ăn xin ngoan cố tràn xuống đường và chèo kéo người đi đường phải cho tiền, nếu không họ đứng lì trước mặt gây khó khăn cho việc đi lại, thậm chí là lẩm bẩm chửi thề. Nhiều đứa trẻ không được cho tiền sẵn sàng "bật lại" người qua đường. Theo tìm hiểu của PV, hoạt động của những đứa trẻ tại các ngã tư do các "cai đầu dài" chỉ huy. Họ cho chúng ở rồi bắt chúng phải chia tiền. Và mỗi đứa trẻ đều không được tiết lộ ra, nếu không sẽ bị đuổi và gặp nhiều phiền phức.

Dán mác... "nhân đạo"

Chị Thu Minh (Nguyễn Quý Đức, HN) cho biết: "Đầu tháng 2 khi đang ngồi uống cafe trên phố Khúc Hạo với người bạn, có một cô gái nói giọng Thanh Hóa mời mua tăm nhân đạo. Được dịp thể hiện, anh bạn tôi lấy một gói tăm và đưa 10.000 đồng. Ngay lập tức cô gái cau mày: "Hôm trước ngồi với cô khác anh sỉ (sĩ) thế, hôm nay anh chẳng sỉ (sĩ) gì cả! ". Nghe cô gái nói vậy, chị Minh nghi ngờ "tiếp thị" giả, liên hệ theo số điện thoại được in trên bao bì, hỡi ôi đó là một địa chỉ ảo.

Nhiều trường hợp giả là người của trường mồ côi khuyết tật lân la các quán cafe, quán bia hơi để bán tăm "nhân đạo" cho khách. Cũng có nhiều người phàn nàn, thấy những đứa trẻ cầm những gói tăm trên tay, giới thiệu là bán tăm nhân đạo, xin tiền ủng hộ nên sẵn lòng móc hầu bao nhưng khi gọi điện đến địa chỉ được in trên bao bì thì đúng là của Trường khuyết tật C... Tuy nhiên, khi được hỏi thì người quản lý của trường xác nhận: "Trường không sản xuất tăm tre và cũng không có chủ trương đưa người đi phát tăm để xin tiền ủng hộ".

Hình thức của nhóm lừa đảo này là phân khoảng 20 cây tăm cho vào gói nhỏ, phía ngoài bao bì in hiệu tăm tre hiệu "Nhân Đạo" của Trường mồ côi khuyết tật C. Sau đó, bọn chúng rải ra đi "tiếp thị" bằng cách đưa gói tăm theo kiểu gửi tặng, rồi dùng tờ giấy có in hàng chữ rất to "danh sách các nhà hảo tâm trên cả nước dành cho người mù, khuyết tật" nhằm lấy lòng tin để xin tiền.

Sư giả... dạo phố

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, có thể bắt gặp nhóm ni cô, thầy tu mặc áo nhà Phật đang lân la vào các quán xá, khu dân cư. Tiếp cận khách hàng, sau câu chào, ni cô nói: "Ni cô đang tu tại chùa D.D, tỉnh B. Hiện nay chùa đang trùng tu xây dựng và đang tiếp nhận nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, vì vậy được phép của chính quyền địa phương và Ban Phật giáo Hội Phật giáo tỉnh, chùa D.D đã cho các ni cô trong chùa đi khất thực, làm công quả để giúp đỡ phần nào cho việc trùng tu chùa và nuôi dưỡng các cháu mồ côi, khuyết tật". Vừa nói, ni cô đưa ra tờ giấy giới thiệu lưu hành màu vàng. Giấy lưu hành làm công quả được đóng dấu mộc của chùa.

Theo chị Hòa chủ quán cafe, các ni cô, thầy tu rất hay đến quán khất thực. Có lần gia đình gặp cảnh rất phiền mà không dám nói vì giữa trưa bất ngờ một nhóm sư thầy mặc áo nâu sòng ghé vào mời mua nhang. Từ chối thì nhóm sư thầy cứ đứng trước cửa khẩn khoản mãi, buộc lòng phải mua "ủng hộ". Cũng có người cho biết, vì nghĩ là tăng ni phật tử thật nên niềm nở đón tiếp và mời thầy vào nhà ngồi nghỉ ngơi, rót nước mời thầy uống... Nhưng khi "thầy" đi rồi mới tá hỏa ví đựng tiền không cánh mà bay.

Thật đúng là bây giờ lắm chiêu lừa bịp mới, thật khó mà biết được đâu là thật, đâu là giả! Có những hoàn cảnh rất đáng thương lại không nhận được sự giúp đỡ của xã hội trong khi có không ít người, chỉ bằng những bài nói dối điêu luyện và sự lì lợm, đã lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người chẳng khác gì những tên cướp đường... hợp lệ.

Hương Lan – Đông Phương