Bản nhạc vàng duy nhất được lưu hành sau giải phóng (Kỳ 2)

Bản nhạc vàng duy nhất được lưu hành sau giải phóng (Kỳ 2)

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trước 30/4/1975, miền Nam có đến hàng ngàn bản nhạc được phổ biến, các tác giả mỗi người đều chọn cho mình một cách viết. Tuy nhiên, hầu hết các nhạc sĩ ở miền Nam lúc đó đều còn rất trẻ, thiếu thông tin về cuộc cách mạng của dân tộc.

Thanh niên lớn lên ở vùng địch tạm chiếm, họ không có nhiều cơ hội để tiếp xúc và tham gia quân giải phóng chiến đấu cứu nước. Họ không còn con đường nào khác, bị bắt buộc gia nhập vào quân đội VNCH.

Thường những nhạc sĩ thời ấy chỉ “đi lính” cho có lệ, rồi lo lót để được ở Sài Gòn hoạt động âm nhạc. Sau ngày giải phóng, tất cả những tác giả có tên trong quân đội cũ đều là những người phải đi học tập cải tạo, và nhạc của họ thì không được phép lưu hành.

Như nhạc của Trần Thiện Thanh, anh là một hạ sĩ quan, nhưng hoạt động chính là một nhạc sĩ. Anh có nhiều bản nhạc lệch lạc viết về người lính VNCH, như những bản “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu em”, “Mùa xuân lá khô”, và anh cũng chính là ca sĩ ca nhạc của mình sáng tác thành công nhất. Anh cũng có rất nhiều bản viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương nhưng những bản nhạc đó cũng bị cấm sau 30/4/1975.

Xã hội - Bản nhạc vàng duy nhất được lưu hành sau giải phóng (Kỳ 2)

Bìa đĩa nhạc Hoa sứ nhà nàng sau này

Anh bị cấm hoạt động trên mọi lĩnh vực về âm nhạc, mãi cho đến năm 1984 anh mới được phép hoạt động trở lại, bản nhạc “Chiếc áo bà ba” rất nổi tiếng của anh được viết trong khoảng thời gian này.

Cũng có những soạn giả không tham gia vào quân đội Sài Gòn nhưng có làm việc cho chính phủ cũ, nhạc của họ cũng bị cấm do có nhiều bản nhạc lệch lạc như các bản: “Chuyến đò vĩ tuyến” “Nắng đẹp miền Nam” của nhạc sĩ Lam Phương, với Trúc Phương thì có những bản “Đò chiều”, “Tàu đêm năm cũ”...

Có những bản nhạc rất trong sáng, rất dễ thương, viết về những kỷ niệm của thời học sinh như những bản “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn, bản” “Niên học sau cùng” của Hàn Sinh cũng bị cấm, nói chung các dòng nhạc được viết trước ngày 30 tháng 4.

Hầu hết đều bị cấm vì không dính dáng đến thời cuộc thì cũng bị xếp vào loại nhạc ủy mị, “nhạc vàng” mà nhạc vàng là nhạc gì, xa xỉ như kim loại vàng hay vàng úa như lá vàng mùa thu, chưa có ai định nghĩa rõ ràng.

Chỉ có một tác giả duy nhất, Hoàng Phương, anh không dính dáng đến quân đội Sài Gòn, không làm việc cho chế độ cũ, anh chỉ viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương và nhạc của anh đã được phép lưu hành, trong đó bản “Hoa Sứ nhà nàng” là loại nhạc trữ tình, “nhạc vàng”, “nhạc sến” mà sau 30 tháng 4 nó được phép lưu hành ở Sài Gòn.

Phải nói là, trước ngày giải phóng, đời sống âm nhạc ở miền Nam cực kỳ phong phú, từ giới bình dân đến trí thức, ai cũng có thể chọn những bản nhạc thích hợp với “gu” của mình. Giới trí thức thì chọn dòng nhạc slow, boston của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước… ai thất tình triền miên thì kiếm nhạc của Đỗ Lễ, Vũ Thành An, … giới bình dân thì chọn dòng nhạc bolero, habanera, ballade của các tác giả Hoàng Phương, Trúc Phương, Lam Phương…

Dễ dãi hơn nữa thì tìm nhạc của Vinh Sử, Cô Phượng… còn người nào phản chiến, coi cuộc chiến là sự ô nhục, huynh đệ tương tàn thì tìm các “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn (sau 30/4 Trịnh Công Sơn cũng gặp nhiều rắc rối bởi “ca khúc da vàng” của anh).

Ai cũng có thể ca hát, từ đồng quê ruộng rẫy đến thị tứ phố phường, mọi lúc mọi nơi, sáng trưa chiều tối, đám giỗ, đám cưới, đám tang, chỗ nào cũng nghe ca hát, hát có đờn có trống cũng có, vừa đi vừa hát nghêu ngao một mình cũng có...

Và rồi, những bản nhạc ăn vào máu vào thịt của tầng lớp mê ca hát, đùng một cái bị cấm nghe, cấm hát thì hỏi làm sao mà không buồn cho được. Đây là khoảng thời gian mà nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngôi “nhạc đế”, bản nhạc dễ học, dễ ca, những lời trong bài hát dễ nhớ - bản nhạc điệu bolero (thập niên 60, 70 – thời cực thịnh của dòng nhạc bolero), âm giai chính, cung rê thứ, tiết tấu của bản nhạc không có gì phức tạp, ai cũng có thể ca.

Hồi đó, trong những đám cưới ở thôn quê, buổi tối thường hay tổ chức văn nghệ, điện chưa có, người ta thắp sáng bằng đèn măng-xông, thanh niên nam nữ kê những cái bàn cho gần lại với nhau.

Rồi rượu trà, rồi ca hát, ngày xưa nghèo, nhạc cụ ngon lành lắm cũng chỉ lèo tèo được hai cây đàn thùng, một tân và một cổ, những bài ca cổ thời mới giải phóng không nhiều lắm, nhưng dầu sao cũng đỡ, cũng có cái mới, cái lạ để mà ca, “Cô gái tưới đậu” , “Chuyến xe Tây Ninh”, “Dòng sông quê em”...

Là những bài ca cổ chủ lực của hồi mới giải phóng, các tay chơi cổ còn chơi một số trích đoạn của những tuồng cải lương “Lan và Điệp”, “Đời cô Lựu”… của soạn giả Trần Hữu Trang, đôi khi họ xé rào chơi luôn “Đêm lạnh chùa hoang” hay “Tướng cướp Bạch Hải Đường” cũng không ai nói gì. Nói chung, trào lưu ca cổ sau ngày giải phóng cũng không có gì thay đổi lớn.

Xã hội - Bản nhạc vàng duy nhất được lưu hành sau giải phóng (Kỳ 2) (Hình 2).

Vợ con và nhạc sĩ Hoàng Phương

Còn về tân nhạc, như đã nói, nhạc cũ thì bị cấm, còn nhạc mới thì lạ lẫm, thanh niên thời ấy chưa tiếp thu được nhiều, phong trào văn nghệ quần chúng tuy có rộng rãi nhưng đó là nhạc hùng, kêu gọi thanh niên xuống đường tranh đấu, kêu gọi toàn dân đứng lên phá tan xích xiềng nô lệ.

Trong tiệc cưới hỏi mà kêu gọi thanh niên xuống đường, kêu gọi toàn dân đứng lên hoài, riết rồi nghe cũng quen, nhạc mới, những bản dễ ca thì không nhiều, như bản “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” hay “Vàm Cỏ Đông”, những bản nhạc này hồi đó thanh niên cũng thuộc lòng để có dịp đem ra trình diễn.

Và nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” là bản “nhạc vàng” sau ngày 30/4 còn sót lại, thanh niên nam nữ tuổi mới vào yêu ai cũng thích, dễ ca, dễ nhớ, ai không thuộc thì nhờ bạn bè chép cho để có mà ca mà hát với bạn bè.

“Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm không thể thiếu trong những tiệc vui, trong những lần họp mặt, sau vài tuần rượu “chén đệ chén huynh”, tất cả đám thanh niên đều muốn mình là ca sĩ, “nghệ sĩ” so lại dây đàn, ai đăng ký trước ca trước, người nào đăng ký trễ ca sau, đơn ca, rồi song ca “Đêm đêm ngửi mùi hương …”.

Suốt cả chương trình, thôi thì, ai gõ đũa được thì gõ đũa, ai đánh được muỗng thì...cắccắccắc…cắc cum…cắc cùm…cắc cum.. Đám thanh niên khi đã ngà ngà say, “Hoa sứ nhà nàng” không còn được đơn ca hay song ca nữa, tất cả đều trở thành ca sĩ, mỗi người một chất giọng... Họ nhắm mắt, say sưa luyến láy theo tiếng nhạc của…muỗng đũa và cây đàn ghi ta có từ năm một ngàn chín trăm hồi đó.

Chính cảm ứng từ bản nhạc vàng duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng, tác giả của nó – nhạc sĩ Hoàng Phương – đã tiếp tục sáng tác để cho ra đời dòng nhạc Gò Công nổi đình nổi đám sau đó ít lâu.

Tư Hoàng

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL


Tag: Sông Quê