Báo chí

Báo chí "ít tham nhũng nhất" tại Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy báo chí là một trong 4 lĩnh vực ít tham nhũng nhất.

Đánh giá cao vai trò của báo chí, có tới 80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện, và hơn 8% cho rằng áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng.”

Nhịp sống - Báo chí 'ít tham nhũng nhất' tại Việt Nam

Báo chí được đánh giá là ít tham nhũng nhất Việt Nam. Ảnh minh họa.

Một báo cáo hồi tháng 10 năm nay nói, kết quả nghiên cứu của một số cơ quan và chuyên gia độc lập cho thấy một thực trạng đáng ngại: Số lượng các bài báo chống tham nhũng, sự tham gia của báo chí trong việc vạch trần các vụ án tham nhũng lớn, đã giảm hẳn trong những năm vừa qua, đặc biệt từ sau sự cố PMU18 (năm 2008).

Báo cáo nói rằng hầu hết các tin bài đăng tải đều chỉ xoay quanh các vụ tham nhũng ở địa phương, mặc dù những tờ báo được khảo sát đều là cơ quan báo chí trung ương hoặc có độc giả trên toàn quốc. Công cuộc chống tham nhũng chủ yếu là “đánh” ở cấp tỉnh.

Tham nhũng ở cấp xã, huyện ít được đề cập; và hầu như báo chí không còn đề cập đến các vụ án lớn với quy mô cỡ PMU18, ở cấp trung ương.

Báo cáo thực hiện trước năm 2012, khi thông tin về các vụ Vinalines, Vinashin chưa được công bố.

“Xét tổng thể, hoạt động kiểm duyệt đang gia tăng dần đều từ sau vụ PMU18, gồm cả kiểm duyệt của cơ quan quản lý lẫn việc tự kiểm duyệt của phóng viên, biên tập viên”. Rất nhiều nhà báo chống tiêu cực thuộc diện tài năng và có kỹ năng nhất hoặc là bỏ nghề (vì chán nản, thất vọng), hoặc là mất việc. Tất nhiên vẫn còn một nhóm nhỏ có kinh nghiệm, nhưng tôi thấy dường như ngày càng có nhiều nhà báo trẻ và thiếu kinh nghiệm đang phải tự bơi”, một chuyên gia truyền thông nói tại diễn đàn về hiện trạng báo chí đưa tin về tham nhũng hồi tháng 10 được các báo trích dẫn cho hay.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng lưu ý, kết quả khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến tổng thể của nhân dân, doanh nghiệp doanh nghiệp và cán bộ công chức mà chỉ mang tính tham khảo.

Ông Dương Xuân Nam, cựu tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, quá trình tác nghiệp liên quan tới phòng chống tham nhũng của nhà báo rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm, nhà báo thường bị dọa dạt, thậm chí đánh đập… Vì vậy cần có biện pháp để bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp cũng như tránh sự thoái hóa của nhà báo khi tham gia vào lĩnh vực này.

Thụy Nguyên