Bao giờ doanh nghiệp nói “không” với văn hóa “phong bì”?

Bao giờ doanh nghiệp nói “không” với văn hóa “phong bì”?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Một kết quả khảo sát tại 270 doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, thực trạng tham nhũng trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua đáng báo động.

Hơn 50% doanh nghiệp cho rằng, việc đưa "phong bì cảm ơn" là... "theo thông lệ chung". Điều này gây ra những tác động không tốt, thậm chí tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp, làm trì trệ và gây “ô nhiễm” môi trường phát triển của xã hội.

Xã hội - Bao giờ doanh nghiệp nói “không” với văn hóa “phong bì”?

Văn hóa đưa và nhận "phong bì" trong khối doanh nghiệp đang trở thành vấn nạn trong xã hội.

Cần có “hàng rào”: Không dám nhận phong bì

Đánh giá về vấn nạn văn hóa "phong bì" ở khối doanh nhiệp, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cho rằng: "Thực tế, văn hóa đưa và nhận phong bì nhiều năm qua đã trở thành một vấn nạn, ở nhiều cấp ngành, lĩnh vực khác nhau. Hiện tượng văn hóa "phong bì" doanh nghiệp không thể chấp nhận được, cần lên án và xóa bỏ. Bên cạnh đó, vấn đề tố giác tội phạm cũng rất khó khăn bởi vì doanh nghiệp mà tố giác người tham nhũng thì họ đương nhiên phạm tội đưa hối lộ. Do đó, cần thiết phải xây dựng hàng rào pháp lý thật chặt chẽ để vấn nạn phong bì hạn chế mức thấp nhất, phải xử thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Khi xây dựng được hàng rào pháp lý mà cả bên nhận và bên đưa hối lộ muốn vi phạm cũng không dám thì lúc đó vấn nạn này sẽ giảm".

Một giám đốc một công ty thương mại và truyền thông tại Hà Nội thừa nhận: "Dù thủ tục hành chính đã nhanh gọn và thuận tiện hơn trước, song vẫn còn nhiều bất cập. Như hồi mình mới thành lập doanh nghiệp, để tiết kiệm chi phí mình đã tự tay làm tất cả các thủ tục. Lúc đầu đến đăng ký tên doanh nghiệp, do không biết "bồi dưỡng" để cán bộ kiểm tra tên doanh nghiệp của mình đăng ký có trùng hay không. Khoảng 5 ngày sau mình nhận được thông báo tên doanh nghiệp bị trùng phải đến lấy lại hồ sơ đăng ký lại. Cuối cùng mình được một người bạn rỉ tai... "phong bì" cho nhanh".

Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, họ vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng hiện nay. Điều này gây ra thất thoát một khoản lớn cho ngân sách Nhà nước hàng năm. Cũng theo vị giám đốc trên tiết lộ: "Hồi đầu mới thành lập do mình chưa nắm rõ nên nộp thuế chậm 2 tháng. Khi đến nộp mới ngớ người ra bị phạt 7 triệu đồng, sau được một người bạn mách nước "bồi dưỡng" cho người ghi biên bản nộp phạt để họ giảm mức phạt xuống thấp nhất".

Tưởng chừng văn hóa "phong bì" chỉ có ở những mảng "hot" và "nhạy cảm", song kết quả nghiên cứu cho thấy trong lĩnh vực Nhà nước quản lý như điện nước cũng có tham nhũng. Gần 10% doanh nghiệp cho biết ngoài thanh toán theo hóa đơn, họ phải trả thêm chi phí không chính thức cho đơn vị cung cấp điện, nước. Mảng đấu thầu cũng vậy, hơn 40% cho rằng việc gửi quà biếu, quà tặng cho các cán bộ cũng rất phổ biến.

Kẽ hở cho nạn tham nhũng

Đánh giá về kết quả nghiên cứu, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng: "Báo cáo đã nói lên một phần sự thật, tuy nhiên mới chỉ phản ánh được một phần nổi, còn nhiều mặt khác nữa. Chi phí không chỉ về tiền bạc mà còn rất lãng phí về thời gian để xây dựng các mối quan hệ, để đến thăm ngày giỗ, ngày tết, chăm sóc vợ ông này ốm, con ông kia đau... Đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, việc giảm bớt các chi phí như thế rất cần thiết. Cần phải có các bước tiến trong cải cách hành chính, dựa trên cơ sở cùng bàn bạc với các doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung. Mặc dù chúng ta đã tiến hành và thực hiện cải cách hành chính "một cửa" và "liên thông một cửa", song vẫn chưa mang lại hiệu quả, tiến bộ rõ rệt".

Một trong những giải pháp hàng đầu để hạn chế vấn nạn tham nhũng "hoành hành" đó là, vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Có bảo vệ được người phát giác, tố cáo tham nhũng thì công tác phòng chống tham nhũng mới có hiệu quả. Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh: "Bảo vệ người tố cáo cũng là một vấn đề quan trọng trong việc hạn chế tham nhũng. Câu hỏi đặt ra là có bảo vệ được người tố cáo hay không? Nhiều trường hợp người tố cáo bị tạt axít, bị đâm xe, hành hung... Do đó để làm tốt công tác phòng chống tham nhũng trước tiên cần phải bảo vệ người tố cáo, phát giác tham nhũng thật tốt".

Phải chăng pháp luật vẫn còn những kẽ hở tạo điều kiện cho cả nạn nhân và tác nhân gây ra tham nhũng? Thực tế, 45% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay chưa đủ nghiêm minh để chống tham nhũng. Đặc biệt, có đến 87% doanh nghiệp đồng ý với nhận định, pháp luật vẫn tồn tại những kẽ hở cho nạn tham nhũng "phát triển" và 75% cho rằng, liên quan đến việc thực thi của cán bộ, công chức.

Tại buổi công bố báo cáo thực trạng tham nhũng trong doanh nghiệp Việt Nam vừa qua, ông Trần Đức Lượng, phó tổng thanh tra Chính phủ nhận định: "Tham nhũng làm suy giảm niềm tin của các thành viên trong xã hội đối với bộ máy công quyền, làm trì trệ sự phát triển của xã hội".

Cần có sự giám sát quyền lực

"Vấn đề lương thấp chỉ phản ánh một phần sự thật, cần phải có sự công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và cần phải có sự giám sát quyền lực. Như trong thời chiến, người đánh trận mà thua, thì phải bị cách chức, kỷ luật. Nếu không có sự giám sát quyền lực thì không thể có sự tiến bộ được".

(TS. Lê Đăng Doanh)

Thiên Vũ