“Bảo tàng sống” đồng bào Chơ Ro

“Bảo tàng sống” đồng bào Chơ Ro

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Già Năm còn lưu giữ được hàng trăm hiện vật thời chiến.

Thăm ngôi nhà nhỏ của già Năm, chúng tôi như được sống lại trong không gian cô đọng nhất của đồng bào Chơ Ro. Dân làng thường gọi già là “bảo tàng sống”, hay “linh hồn người Chơ Ro” quả chẳng sai. Các nhà nghiên cứu văn hóa khi đến tìm hiểu truyền thống của vùng đất này cũng thường đến già Năm Nổi để hỏi ý kiến. Bởi già là nhân chứng sống, cuốn nhật ký lưu lại những biến động thăng trầm của làng Lý Lịch gần thế kỷ qua. Người xem văn hóa, lịch sử là một phần máu thịt ấy đã đau đáu với câu hỏi làm sao giữ được bản sắc truyền thống dân tộc, ngay sau khi những tiếng bom đạn đi vào dĩ vãng.

Sự kiện - “Bảo tàng sống” đồng bào Chơ Ro

Mũi tên mà già Năm cùng người dân Chơ Ro kháng chiến

Trong ngôi nhà sàn hiện tại của già có đến trên dưới 200 hiện vật. Trong đó, già chia hai phần để trưng bày. Một là những công cụ truyền thống của đồng bào Chơ Ro, phần còn lại là kỷ vật thời chiến tranh. Người ta có thể tìm thấy bất kỳ thứ gì thuộc về văn hóa lịch sử mảnh đất Lý Lịch anh hùng trong ngôi nhà của già. Từ chiếc gùi đi nương, xà gạc đánh hổ, nỏ, tên đi săn, roi mây đuổi hổ… được già sưu tầm và tái hiện một cách khá chuyên nghiệp.

Già Năm cho biết, trong đó chiếc xà gạc sắc bén vừa là vũ khí đánh hổ, vừa là phương tiện ngụy trang đựng tài liệu làm giao liên là gắn bó với già nhất. Chiếc roi mây óng màu khói bếp từng theo già trong khắp ngả đường đuổi hổ. Được treo bên cạnh, chùm mũi tên được tẩm độc mà thời niên thiếu già cùng thanh niên rủ nhau đi đánh Pháp…Tất cả đều được già bày biện theo dụng ý nhất định.

Rút một dây roi mây, múa liền mấy đường truyền thống đuổi hổ, cụ già tuổi 83 vẫn còn lanh lẹ và dẻo dai lắm. Cụ cho biết, đó là một trong những công cụ sơ khai nhưng lại rất hiệu quả trong việc phòng thân của đồng bào Chơ Ro. Mỗi khi nhắc lại quá khứ, bao giờ già cũng không quên chuyện con hổ ba móng chuyên ăn thịt người. Đây là một câu chuyện có thực ở rừng già Lý Lịch.

Ngày đó, rừng Lý Lịch bỗng đâu xuất hiện con cọp đực rất dữ. Nó to đến nỗi những vằn khoang vắt qua thân dài như sải tay người trưởng thành. Cọp không những chuyên ăn thịt người đi rừng mà thường về bản làng bắt người. Nếu những ai trong bản đột nhiên mất tích, buôn dân đều chắc mẩm rằng họ đã bỏ mạng dưới móng vuốt của con vật thành tinh. Cho đến khi nạn nhân lên đến con số 101 thì dân chúng quyết định lấy chính xác nạn nhân, đặt mìn bên đưới gài bẫy mới giết được nó. Già Năm thừa nhận, những công cụ đuổi thú, kháng thú mà già có được là những thứ thông thường nhất mà người dân dùng khi đi rừng phòng thân. Thời ấy, không thể có một công cụ hiệu nghiệm để đánh hạ tất cả loài thú dữ. Chính vì vậy, việc băng rừng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Được biết, ngoài những hiện vật trên, già Năm Nổi cũng đã hiến rất nhiều kỷ vật sưu tầm được cho Bảo tàng tỉnh Đồng Nai, Bảo tàng dân tộc học việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay vợ chồng già Năm Nổi là người biết nhiều truyện cổ tích, thần thoại của người Chơ Ro. Hai cụ cũng là người biết làm và chơi những nhạc cụ như đàn môi, đàn lá, đàn Gonk’ka và hát luyến láy được những bài dân ca truyền thống dân tộc mình.

Giáo dục thế hệ sau bằng hiện vật thời chiến

Công việc sưu tầm của già hàng chục năm qua cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng trong con người già Năm, tình yêu quê hương dân tộc bao giờ cũng thôi thúc phải làm một cái gì đó khi quân thù đã khuất bóng.

Tâm sự với PV, già lý giải nguyên do việc làm của mình: “Nếu mình không làm thì thử hỏi mai này đời con, cháu chúng ta liệu có biết cha ông mình đã trải qua những gì và khổ sở như thế nào?”. Vì vậy ngôi nhà già là không gian văn hóa, là điểm đến lịch sử nếu ai muốn tìm hiểu đến mảnh đất Lý Lịch anh hùng. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến dòng chữ trên mảnh giấy ố màu được gim vào cuộn dây mìn treo trên vách ván: “Ngày 7/6/1970, một Sư đoàn kỵ binh máy bay Mỹ đổ bộ xuống xã Lý Lịch. Chính dây mìn này giết chết hai cha con ông Hồng Văn Lương (Phó bí thư xã) và con ruột Hồng Văn Giảng”. Hai nạn nhân cũng là cháu ruột của già. Qua những hiện vật, già Năm muốn giáo dục truyền thống cho thế hệ sau về lịch sử dân tộc.

Dương Đông