Bảo vệ người mua nhà 'trên giấy'

Bảo vệ người mua nhà 'trên giấy'

Thứ 6, 24/05/2013 | 15:00
0
Có thể sẽ hình thành quỹ bảo hiểm mua bán nhà ở để hạn chế rủi ro mua nhà “trên giấy”.

Đề xuất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước.

Sáng 23-5, tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận xét: Nhiều quy định trong luật hiện hành chưa rõ, cứng nhắc nên không khả thi (quy hoạch quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, quy định không được phép bán lại nhà ở xã hội …); một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng hiện còn thiếu quy định điều chỉnh (về phát triển nhà ở tái định cư, về huy động vốn dự án nhà ở, phát triển nhà chung cư, giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai…).

Để khắc phục những bất cập trong thực tiễn, giải quyết vướng mắc để phát triển thị trường BĐS và đảm bảo an toàn pháp lý trong giao dịch, ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất một số nội dung cần sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Luật sư - Bảo vệ người mua nhà 'trên giấy'

Tới đây, các bên tham gia giao dịch bất động sản sẽ có cơ chế bảo vệ quyền lợi nhiều hơn theo quy định. Ảnh: HTD

Theo đó, dự kiến sửa đổi Luật Nhà ở sẽ bổ sung thêm một số quy định về hình thức giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai (chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà, góp vốn, thế chấp nhà trong các dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…); hình thức huy động tài chính cho phát triển nhà ở; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như người Việt trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng điều kiện sở hữu nhà ở, loại nhà sở hữu, mở rộng quyền mua nhà (không chỉ được mua các căn hộ như hiện nay mà được mua cả nhà biệt thự và nhà ở riêng lẻ…).

Đồng thời, Luật Kinh doanh BĐS cũng sẽ bổ sung thêm quy định về cơ chế bảo vệ quyền lợi các bên tham gia giao dịch BĐS hình thành trong tương lai; về xác định quyền sở hữu trong các dự án BĐS có mục đích hỗn hợp và đa sở hữu… Hiện các dự án có mục đích sử dụng hỗn hợp (nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại) của nhiều thành phần chủ sở hữu khác nhau đang lấn cấn. Cần xác định quyền sở hữu đối với từng loại mục đích sử dụng, quyền sở hữu đối với phần sử dụng chung, làm cơ sở để các chủ sở hữu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS lần này sẽ bổ sung cơ chế để bảo vệ việc người dân mua nhà hình thành trong tương lai, bà con gọi là nhà “trên giấy”. Có thể sẽ bổ sung quy định về quỹ bảo hiểm hợp đồng mua bán nhà (theo mô hình như Hàn Quốc). DN dự án BĐS phải trích nộp bảo hiểm huy động vốn khi người dân góp vốn mua nhà trong dự án sắp xây. Trong trường hợp DN đó phá sản hoặc tránh né trách nhiệm, tự ý dùng tiền huy động đi đầu tư dự án khác thì bảo hiểm sẽ bồi thường cho người dân đã mua nhà hình thành trong tương lai.

Theo Bình Minh (Pháp luật Việt Nam)

Khi người nghèo 'bắc thang' vay tiền mua nhà

Chủ nhật, 05/05/2013 | 17:04
Theo phản ánh của nhiều người dân, dù nhiều cơ quan chức năng tuyên bố đã nới lỏng lãi suất và tạo điều kiện cho vay mua nhà nhưng dường như còn khó hơn "bắc thang lên giời"...

Tranh chấp hợp đồng ‘mua bán’ đất bằng miệng, tòa có thụ lý

Thứ 4, 17/04/2013 | 13:43
Tôi và ông A có thực hiện một giao dịch mua bán đất nhưng không có văn bản, mà chỉ thỏa thuận bằng miệng. Nay ông A không chịu trả đất cho tôi, mặc dù tôi đã trả tiền cho ông A. Vậy khi tôi khởi kiện thì Tòa án có thụ lý không?

Luật gia có quyền ký hợp đồng thực hiện dịch vụ pháp lý?

Thứ 4, 08/05/2013 | 09:02
Ngày càng có nhiều vụ tranh chấp vì ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với các cá nhân, tổ chức không phải là luật sư, công ty luật, văn phòng luật sư.