'Bát cháo tiên' sưởi ấm tình người

'Bát cháo tiên' sưởi ấm tình người

Thứ 3, 19/02/2013 | 09:49
0
Những ngày đầu năm mới, tiết trời lạnh cộng với mưa xuân, từng đoàn người đi lễ chùa, trẩy hội mùa xuân thì nhóm phật tử của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn miệt mài với việc thức khuya dậy sớm, mau chóng chuẩn bị các nguyên phụ liệu, hoàn thành các công đoạn trong quá trình chế biến nồi cháo tình thương.

Tất cả vì người bệnh

Nói đến bệnh viện K Trung ương cơ sở 2 Thanh Trì, bất kì ai cũng liên tưởng, nơi đây là chỗ của những bệnh nhân mắc các bệnh về ung thư giai đoạn cuối nằm điều trị. Cùng với đó là những nỗi lo, những mảnh đời ghép lại thành một xã hội thu nhỏ. Thế nhưng, bên cạnh những lo toan thường nhật, tại đây vẫn còn đó những tấm lòng hảo tâm luôn hướng tới người bệnh. Điển hình là nhóm 15 thành viên, họ là những phật tử của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn. Họ chính là những người hàng ngày tiếp sức cho người bệnh nghèo bằng những suất ăn, mặc dù rất nhỏ về vật chất nhưng chứa đựng trong đó biết bao tình cảm, sức mạnh tinh thần. Đó là "bát cháo tiên".

Xã hội - 'Bát cháo tiên' sưởi ấm tình người

Bà Nghít phát cơm miễn phí tại bệnh viện K  cơ sở 2 Thanh Trì.

6h sáng hàng ngày, khu vực trước cửa nhà ăn bệnh viện K cơ sở 2 Thanh Trì luôn chật kín người. Mỗi người trên tay cầm một lá phiếu đợi đến lượt được phát cháo. Bà Cao Thị Nghít (nhóm trưởng nhóm 15 thành viên phật tử chùa Linh Sơn Thanh Nhàn) tay thoăn thoắt, dùng môi múc cháo cho từng người. Chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, nồi cháo với gần 350 suất đã được phân phát hết cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại bệnh viện. Họ là những bệnh nhân nghèo, bị bệnh hiểm nghèo không thể rời bệnh viện về ăn tết với người thân. Bát cháo tình thương làm họ ấm lòng trong những ngày đầu năm.

Với dáng người tiều tụy, khắc khổ chị Phạm Thị Hải (quê ở Quảng Ninh) cho biết: "Chồng tôi bị u thực quản đã vài tháng nhưng do nhà nghèo, mặc dù không có phiếu nhận cơm, cháo của nhóm từ thiện nhưng gần 1 tháng nay, tôi cũng ra đây xếp hàng và đều được phát suất ăn. Chúng tôi đều là những hộ dân nghèo lại mắc những bệnh hiểm nghèo cho nên bao nhiêu tiền của tích cóp được đều theo căn bệnh ra đi hết. Do đó, mặc dù suất ăn nhỏ nhưng chứa đựng ý nghĩa rất lớn đối với người nghèo chúng tôi. Hy vọng rằng, với tấm lòng quảng đại của nhà chùa, của các phật tử sẽ tạo được sự quan tâm của nhiều lớp người trong xã hội, họ gửi những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn nữa". Cùng chung tâm trạng, bác Nguyễn Thị Tâm (Hà Nam), có người nhà nằm điều trị tại khoa Chống đau, tâm sự: Tất cả chúng tôi đều là người nghèo, nay được nhận bát cháo, suất cơm của nhà chùa mà lòng như ấm lại.

Cơ duyên đến với  từ thiện

Theo bà Cao Thị Nghít - một thành viên của nhóm từ thiện, để có được nồi cháo tình thương vào các bữa sáng hàng ngày cho bệnh nhân, nhóm của bà phải phân mỗi người một công đoạn như người được phân công ra chợ chọn mua thịt, sườn, các loại rau củ quả; người lo toan bếp núc; người múc cháo phát cho người bệnh. Còn đối với những suất cơm trưa sẽ do các phật tử, tăng ni chuẩn bị, chế biến nấu nướng tại chùa Linh Sơn Thanh Nhàn, sau đó chuyển tới bệnh viện để phát miễn phí cho người bệnh từ 10h - 10h30' hàng ngày. Toàn bộ các kinh phí như gạo, tiền mua rau củ quả, tiền điện nước, tiền thuê phòng nấu cháo đều do nhà chùa chu cấp, còn nhóm của bà chỉ phải bỏ công sức ra nấu nướng, chế biến để phát miễn phí cho người bệnh.

Xã hội - 'Bát cháo tiên' sưởi ấm tình người (Hình 2).

Khuôn viên chùa Linh Sơn Thanh Nhàn.

Đang kể, giọng bà Nghít bỗng hào hứng, để đến được với nhà chùa, làm công việc từ thiện như hiện nay, với bà có  nhiều cơ duyên. Bà Nghít hồi tưởng, trước đây, vài năm bà cùng một nhóm phật tử đi chùa Lý Triều Quốc Sư trên mạn nhà Thờ (gần Bờ Hồ, Hà Nội) bỗng được nghe một số phật tử của chùa Linh Sơn Thanh Nhàn kể câu chuyện chùa Linh Sơn Thanh Nhàn làm từ thiện bằng cách phát cháo cho các bệnh nhân nghèo. Do nhân lực ít, mới đầu nhà chùa thuê người ở gần bệnh viện nấu cháo nhưng sau này phát hiện người nấu cháo thuê đó thường xuyên ăn bớt thịt, rau củ quả cho nên cháo nấu không đảm bảo dinh dưỡng, không đúng theo yêu cầu của sư thầy trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn.

"Cứ tưởng nghe xong câu chuyện để đấy, nào ngờ vài tháng sau có một phật tử đến thăm nhà và kể lại câu chuyện cũ thành thử tôi có cơ hội được gặp sư thầy trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn và cũng bắt đầu từ đó tôi tham gia làm từ thiện bằng cách nấu, phát cháo cho những bệnh nhân nghèo. Mới đầu chỉ có vài ba thành viên tham gia, tất cả họ đều là những người ở khu vực huyện Thanh Trì, đến nay số thành viên tham gia đã lên tới con số 15 thành viên, trong đó người cao tuổi nhất là 76 tuổi, còn lại đều trên 60 tuổi. Niềm động viên an ủi lớn nhất là các con cháu trong gia đình đều ủng hộ bố mẹ làm từ thiện, nhiều lúc các cháu còn trợ giúp bằng cách đưa tiền cho bố mẹ đi làm từ thiện, tích đức cho đời" - bà Nghít nói. 

Cũng trong câu chuyện, bà Nghít cho biết, quãng thời gian phát cháo từ thiện từ trước đến nay, để lại trong bà rất nhiều ấn tượng. Điều đầu tiên, đó là bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa to gió lớn, nhóm của bà đều thức giấc từ rất sớm, khoảng 3h sáng để chuẩn bị nấu cháo, sau đó "đội mưa" mang cháo đến phát cho bệnh nhân, nếu không đến trong lòng cảm thấy bứt rứt không yên vì luôn lo lắng người bệnh đa phần đều gặp khó khăn về kinh tế lại mắc bệnh hiểm nghèo đang ngóng chờ mình. Nhiều trường hợp ra xin cháo muộn, hết suất, họ oà khóc làm mình bỗng khóc theo rồi lấy tiền riêng của mình giúp đỡ họ.

Rồi bà Nghít lại kêt tiếp, gần đến tết năm 2007, khi chuẩn bị nghỉ tết (thông thường ở cơ sở 2 chỉ phát cháo hết ngày 23 tháng 12 âm lịch) bỗng có một bệnh nhân ra đề nghị nhóm tiếp tục nấu cháo thêm 1 tuần nữa để người bệnh nghèo có cái ăn. Sau khi được phía nhà chùa đồng ý, chúng tôi tiếp tục nấu thì ngay sáng hôm sau người bệnh nhân này đã làm bài thơ có tiêu đề Cám ơn bát cháo di đà, rồi phô tô thành 30 bản, phát khắp mọi nơi, cùng mọi người đọc to, khiến hôm đó như ngày hội và bản thân chúng tôi cũng được vui lây. Tiếp đến, chuyện một bệnh nhân trẻ, người dân tộc thiểu số, khoảng hơn 30 tuổi, quê ở Điện Biên, không biết do ngại tiếp xúc hay vì không nói sõi tiếng Kinh, cho nên thường nhờ người khác ra xin cháo, nhiều hôm tôi còn mang vào tận nơi. Lúc chuẩn bị ra viện, người thanh niên này chủ động xin số điện thoại, về quê thỉnh thoảng anh ta vẫn gọi điện hỏi thăm, cảm ơn chúng tôi.

Sư thầy Thích Nữ Như Hiền, trụ trì chùa Linh Sơn Thanh Nhàn cho biết, nhà chùa làm từ thiện bằng phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại bệnh viện K từ năm 2006 đến nay. Để có 150 suất cơm và gần 400 suất cháo ở cả hai địa điểm của bệnh viện K mỗi ngày, nhà chùa phải dùng 46kg gạo, 55-60kg thịt, rau củ quả các loại trị giá trên dưới 2 triệu đồng/ngày. Lý giải về việc ra đời của bếp ăn từ thiện, sư thầy Thích Nữ Như Hiền nhấn mạnh: "Chúng tôi là con Phật, Phật dạy cứu độ chúng sinh. Với khả năng tài chính của mình, làm được gì cho chúng sinh thì mình làm”. Toàn bộ kinh phí, nhân lực đều do các phật tử của chùa đóng góp, thực hiện cho nên vừa đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng suất ăn lại đến được tận tay người bệnh nghèo nên rất ý nghĩa.

Ngoài việc phát cháo miễn phí, nhà chùa cũng triển khai khám chữa bệnh 2 lần/tháng miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn quận bằng cách mời các bác sĩ đông y của bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương về khám, phát thuốc (mỗi đợt là 5 triệu đồng). Toàn bộ những việc làm trên đều xuất phát từ tâm của người xuất gia làm cho người nghèo.         

Việc làm nghĩa

Trên đường về, chúng tôi luôn văng vẳng câu nói của BS. Đoàn Lực, Trưởng khoa Chống đau, bệnh viện K: Việc làm từ thiện ở bệnh viện thì có nhiều nhưng để làm bài bản, lâu dài, có chất lượng thì chỉ có nhóm phật tử ở chùa Linh Sơn Thanh Nhàn và bên Hoà Phát. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa đối với người bệnh, bởi những bệnh nhân ở khoa đều là những bệnh nhân ở giai đoạn cuối, họ nghèo cả vật chất lẫn nghèo về tinh thần!     

Quỳnh Chi

 

Làm từ thiện nhưng mang tiếng "chơi trội"

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Chứng kiến việc làm từ thiện của bà, ban đầu nhiều người không hiểu đã cho rằng bà là người khoe khoang, thích "chơi trội". Bà cũng chẳng mấy bận tâm đến điều đó.

ĐS&PL trao tiền từ thiện cho gia đình người điên

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
Ngày 13/6, Báo ĐS&PL đã đăng bài “Gạt nước mắt, nhốt chồng điên vào hòm gỗ” phản ánh hoàn cảnh nghèo khó, éo le, bi đát của gia đình chị Hồ Thị Thông (31 tuổi), trú bản Pa Ngay, xã Tà Long, huyện Đăkrông (Quảng Trị).

Tình người nơi chốn lao tù

Thứ 3, 01/01/2013 | 21:06
Ở nơi tưởng như khô cứng giữa người coi tù và kẻ lầm lỗi, vẫn có những giọt nước mắt cảm động để rồi thi thoảng lại có người tìm về chốn cũ với lòng biết ơn sâu sắc.

Chuyện tình người 20 lần được cầu hôn

Thứ 2, 04/02/2013 | 16:09
Trong chuyến đi công tác về vùng Lục Ngạn, Bắc Giang, chúng tôi được nghe người dân kể lại câu chuyện về bà Hoàng Thị Pít, một phụ nữ ở bản Trạm, xã Sa Lý đã từng 18 lần từ chối lời cầu hôn của trai bản để được sống với người mình yêu.