Bất ngờ vì con bị bệnh giả cận thị

Bất ngờ vì con bị bệnh giả cận thị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Cảnh tượng những cô cậu học sinh, sinh viên đeo cặp "đít chai" dày cộp không còn xa lạ trong các lớp học, giảng đường. Tuy nhiên, không ít trường hợp đeo kính là... giả cận thị.

Những trường hợp này nếu không được phát hiện dẫn đến tình trạng đeo kính cận lâu thành cận thị thật. Tình trạng cận thị giả thường gia tăng đặc biệt là vào những dịp sát các kỳ thi quan trọng của học sinh, sinh viên.

Tưởng cận nên đeo kính

Vợ chồng anh Hoàng Mạnh Quân, ở Cầu Giấy, Hà Nội tá hỏa khi thấy cô con gái học lớp 12 sau đợt ôn thi cuối kỳ kêu mắt mờ khó nhìn nên ra tiệm kính thuốc đo mắt liền được nhân viên ở đây nói cận 4,5 điốp.

Anh Quân cho biết: "Tôi không hiểu tại sao con gái tôi lại cận nhanh như thế. Vừa đầu năm đi khám mắt vẫn 10/10. Tại cửa hàng khi cho đeo kính thì cháu bảo nhìn rõ hơn, không nhức mắt nữa. Mặc dù vậy để yên tâm tôi có cho cháu đi khám tại viện mắt được các bác sỹ cho biết là cháu bị giả cận thị và được khuyến cáo là không được đeo kính cận".

Tình trạng cận thị giả thường gia tăng đặc biệt vào dịp sát các kỳ thi quan trọng

Bác sỹ Nguyễn Thị Song Nhật, chuyên khoa mắt, Bệnh viện đa khoa Trí Đức cho biết: "Không ít các bậc cha mẹ thấy con kêu mỏi mệt, khó nhìn ở cự ly xa, cho con ra cửa hàng kính thì được nói là cận đến 5 điốp. Tuy nhiên khi đến thăm khám chuyên khoa, chúng tôi lại phát hiện các cháu chỉ là giả cận thị".

Cùng chung tình trạng đột ngột phát hiện con cái mình bị cận, không ít bậc cha mẹ vội vàng cho con đi đo kính tại các cửa hàng. Chị Trịnh Vân Anh, ở Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ: "Tôi cũng bị cận. Cô con gái đầu cận 2,5 điốp. Chính vì thế khi đứa thứ 2 kêu mỏi mắt, khó nhìn bảng không chép được bài, tôi đã nghĩ là có thể cháu cũng bị cận. Đặc biệt sau khi đeo thử kính của chị cháu bảo nhìn rõ, không bị nhức mắt. Nhưng khi thăm khám chuyên khoa, các bác sỹ đều cho rằng đây chỉ là rối loạn tạm thời thị lực do tiếp xúc với thiết bị điện tử quá nhiều".

Những rối loạn này rất hay gặp ở học sinh trong mùa thi hay những người làm nghề dùng mắt quá nhiều. Không chỉ có trẻ nhỏ, hay những người làm việc thường xuyên với máy tính bị cận thị giả mà với phụ nữ sau khi sinh cũng có trường hợp bị cận thị giả. Bởi sau khi sinh lượng vitamin A vào sữa để nuôi con nhiều dẫn đến tình trạng thiếu vitamin A gây mờ mắt.

"Ép kính", dễ biến cận giả thành thật

Bác sỹ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện mắt Hà Nội cho biết, theo một kết quả khảo sát của Bệnh viện mắt Hà Nội năm 2009 tại 12 trường học trên địa bàn cho thấy: Tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ trung bình là 30% trong đó chủ yếu là mắc cận thị. Trong số các em cận thị cũng chưa thể phân loại đâu là giả cận vì muốn biết là giả cận hay không thì cần phải được tiến hành soi đáy mắt và theo dõi trong một thời gian dài. Nhưng nếu phát hiện được các trường hợp cận thị giả sẽ giúp các em điều trị và thoát khỏi sự khó chịu của các cặp kính.

Trẻ có dấu hiệu cận thị cần đến bệnh viện mắt khám thay vì tự đi mua kính thuốc về đeo

Bác sỹ Nguyễn Thị Song Nhật cho biết, với tật cận thị chủ yếu mắc phải ở lứa tuổi từ 16 trở xuống vì ở tuổi này cấu trúc về sinh lý và giải phẫu chưa ổn định cho nên với những trường hợp mắc cận thị nhẹ, giả cận thị có thể không cần đeo kính mà chỉ cần nhỏ thuốc correctol. Cha mẹ cần quan tâm tới trẻ để cho chúng giảm tiếp xúc với các thiết bị màn hình điện tử gây hại mắt. Nếu có chế độ học tập, sinh hoạt ăn uống điều độ sau 3 đến 6 tháng cận thị giả sẽ biến mất.

Các bác sỹ chuyên khoa không khỏi băn khoăn song song với tình trạng dùng kính không đúng thì tình trạng "ép kính" tại các cửa hàng cũng sẽ làm cho nhiều người mắc cận thị giả dẫn đến cận thị thật. Bác sỹ Nhật lo ngại: "Hiện nay với tình trạng quản lý các cửa hàng kính thuốc còn nhiều vấn đề bất cập. Các cửa hàng với áp lực doanh thu, cộng với đa số những người làm tại các cửa hàng kính thuốc chủ yếu là các kỹ thuật viên nên việc phát hiện cận thị giả là không thể. Hầu hết khách hàng đến sau khi đo thị lực sẽ được chỉ định cắt kính để đeo. Điều này làm cho mắt lười điều tiết và phụ thuộc vào kính dẫn đến tật cố hữu".

Theo khuyến cáo của các bác sỹ, với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần quan tâm hạn chế cho trẻ không xem tivi, chơi máy tính nhiều. Cha mẹ khi phát hiện con mình thị lực mắt kém nên đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám sớm phát hiện cận thị giả.

Đỗ Thơm