Bầu Hiển

Bầu Hiển
Bầu Hiển

Bầu Hiển làm bóng đá đến nay đã hơn một thập kỷ (từ 2006) và không hề nói quá khi cho rằng, đội bóng của ông bầu này đang là xương sống của đội tuyển bóng đá quốc gia.

Bởi, trong hơn 10 năm làm bóng đá, những đội bóng của ông đã cung cấp nhiều cầu thủ tài năng cho đội tuyển, tiêu biểu nhất là lứa “cầu thủ vàng” Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy...

Tại Asian Cup 2019, CLB Hà Nội góp 7 cầu thủ: Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Thành Chung, Ngân Văn Đại.

Trong số đó, hai cầu thủ tiêu biểu làm nên thương hiệu bóng đá bầu Hiển phải nói đến là Trần Đình Trọng (cầu thủ không thể thay thế trong hàng phòng ngự của ông Park Hang-seo suốt 1 năm qua) và “gà cưng” Nguyễn Quang Hải, người vừa gặt hái hàng loạt danh hiệu ở các giải đấu gần đây.

Mới đây nhất, 14h chiều 28/1/2019, tại SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội), CLB Hà Nội của bầu Hiển cũng đã chính thức ký hợp đồng với thủ môn Bùi Tiến Dũng – thủ thành vừa chia tay đội bóng xứ Thanh.

Nhớ ngày thành lập Hà Nội T&T hồi năm 2006, bầu Hiển đã cẩn thận xây dựng một đội trẻ từ lứa U15 bài bản và có chiều sâu. Ông chủ trương lấy đào tạo làm nền tảng cho phát triển bóng đá.

Bầu Hiển

Và cho đến giờ, chính Quang Hải và đồng đội đã buộc người hâm mộ phải dành cái nhìn thiện cảm hơn cho cách làm bóng đá của bầu Hiển. Điều mà ông Hiển hài lòng là dù chỉ sử dụng toàn HLV nội, công thức huấn luyện ban đầu cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thi đấu của những cựu cầu thủ nhưng “lò” đào tạo Hà Nội FC liên tục thống trị các giải đấu trẻ trong nước.

Bầu Hiển

Thật vậy, trong hơn 10 năm qua, đội bóng của ông bầu này đã từng bước thăng 3 hạng từ hạng Ba lên hạng chuyên nghiệp cùng với thành tích 4 lần vô địch V-League, 7 lần vô địch quốc gia… Một số cái tên làm rạng danh đội bóng khi đạt danh hiệu “Quả bóng vàng” như Dương Hồng Sơn (2008), Phạm Thành Lương (2014, 2016), Nguyễn Quang Hải (2018); hay danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất” Văn Quyết (2010, 2011), Đoàn Văn Hậu (2017).

Bầu Hiển

Hiện nay, với sự đầu tư từ tập đoàn T&T của bầu Hiển, “lò” đào tạo bóng đá T&T của Hà Nội đang rất mạnh tay trong việc thu hút nhân tài. Được biết, T&T hiện có một chi nhánh tại Cửa Lò (Nghệ An) có tên T&T VSH do cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng đào tạo. Đây là nơi đào tạo các tài năng trẻ dưới 15 tuổi, sau đó các cầu thủ triển vọng sẽ được chuyển ra Hà Nội để tiếp tục quá trình đào tạo cao hơn.

Một trong những đóng góp gần đây của ông bầu – doanh nhân Đỗ Quang Hiển là việc đầu tư xây dựng lại sân vận động Hàng Đẫy, biểu tượng thể thao của Thủ đô.

Sân vận động Hàng Đẫy (nay là SVĐ Hà Nội) có sức chứa khoảng 22.500 chỗ ngồi, vừa được khởi công xây dựng lại hồi quý 4/2018 theo dự án hợp tác giữa tập đoàn T&T và tập đoàn Bouygues (Pháp) với kinh phí lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7.000 tỷ đồng).

Theo thiết kế, sân Hàng Đẫy mới có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi và khán đài có mái che theo tiêu chuẩn FIFA, tạo thành quần thể văn hoá thể thao và dịch vụ, thay vì chỉ phục vụ cho thể thao như hiện tại.

Bầu Hiển

Mặc dù có đóng góp rất lớn với bóng đá nước nhà, nhưng bầu Hiển hiếm khi xuất hiện trước công chúng để nhận công lao về mình.

Trong một lần trả lời phỏng vấn VTV, ông nêu quan điểm phải lấy bóng đá nuôi bóng đá mới là chuyên nghiệp: “Chúng ta cứ nói bóng đá chuyên nghiệp nhưng thực lòng thì còn rất xa bởi nếu nói bóng đá chuyên nghiệp thì phải sống được bằng bóng đá. Muốn sống được bằng bóng đá phải có năng lực quản trị điều hành như 1 công ty, tập đoàn”.

Bầu Hiển

Ông bầu Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962 tại Hà Nội, là một doanh nhân giàu có. Ông hiện đang kiêm nhiệm các vị trí: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT của: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF); công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS); công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land); tổng công ty Bảo hiểm BSH; công ty TNHH MTV T&T Đà Nẵng; công ty TNHH T&T Hồ Chí Minh. Ông cũng hiện là Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội; Uỷ viên UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bầu Hiển

Sau khi tốt nghiệp khoa Vật lý, đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Quốc gia) năm 1984, ông Hiển làm việc tại đài Phát thanh Hà Nội, Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia và đến năm1993 thì bỏ Nhà nước để ra ngoài mở công ty T&T buôn bán các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông...

Bầu Hiển

Năm 2007, ông đầu tư vào lĩnh vực tài chính, trở thành cổ đông chính (14%) và Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB. Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).

Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.

Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank, qua đó nhanh chóng mở rộng, biến SHB trở thành một ngân hàng có chỗ đứng trong khối các nhà băng tư nhân.

Không những thành công trong mảng tài chính – ngân hàng, T&T còn là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2015, tập đoàn của ông “bầu” họ Đỗ còn muốn tham gia vào lĩnh vực hàng không khi đề xuất mua lại sân bay Phú Quốc – công trình trước đó được đầu tư với số vốn lên tới 3.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, tập đoàn T&T đã bỏ ra không dưới nửa nghìn tỷ đồng để thâu tóm thành công Cảng Quảng Ninh, chính thức bước chân vào lĩnh vực vận tải biển.

Bầu Hiển

Có thể thấy, phong cách đầu tư của doanh nhân này là bỏ tiền thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước. Giai đoạn 2015 – 2016, T&T “vung tiền” mua lại một loạt doanh nghiệp Nhà nước như 98% CTCP Cảng Quảng Ninh với giá 490 tỷ đồng; hay trở thành cổ đông chiến lược tại bệnh viện Giao thông vận tải (chi 119 tỷ đồng), Bia Việt Hà, tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor – gần 1.420 tỷ đồng) và tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco – 430 tỷ đồng).

Và, giống như nhiều đại gia khác, ông bầu này cũng có tham vọng xây dựng hệ sinh thái kinh doanh đa ngành với các lĩnh vực hỗ trợ lẫn nhau. Hiện nay tập đoàn T&T đang hoạt động trong các lĩnh vực chủ đạo, gồm: Đầu tư tài chính; Kinh doanh bất động sản; Hạ tầng giao thông; Thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản; Kinh doanh nông sản; Thương mại xuất nhập khẩu; Đầu tư kinh doanh cảng biển – Logistics; Công nghiệp sản xuất, lắp ráp; Y tế giáo dục, Bán lẻ…, trong đó ngân hàng SHB cung cấp nền tảng tài chính cho toàn bộ hệ sinh thái doanh nghiệp này.

Bầu Hiển

Nói về SHB thì thấy từ một ngân hàng có số vốn chỉ 500 tỷ đồng, nay SHB nằm trong top 5 ngân hàng TCMP tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tính đến 31/12/2017, SHB đạt vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản 278.000 tỷ đồng với mạng lưới gần 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào, Campuchia và phục vụ khoảng 4 triệu khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Năm 2017, SHB đạt doanh thu 18.356 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.550 tỷ đồng. SHB chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018, song ngân hàng đã thu về 1.465 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, tăng 10,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 71,5% kế hoạch cả năm.

Bầu Hiển

Mặc dù hiện tại chỉ đứng ở vị trí 187 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam (thời điểm ngày 25/1/2019) với tài sản là 33 triệu cổ phiếu SHB (của ngân hàng SHB) và gần 48,000 cổ phiếu SHS (của công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội với giá trị quy đổi khoảng 235 tỷ đồng, song khối tài sản của ông bầu này được đồn đoán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, tồn tại dưới hình thức cổ phiếu chưa niêm yết, vốn đầu tư, bất động sản và các dạng tài sản khác.

Bầu Hiển

Một trong những chủ đề dư luận luôn quan tâm là sau khi làm chủ khối tài sản khổng lồ do lao động cật lực mà có, những đại gia nghìn tỷ Việt Nam sử dụng tiền kiếm ra thế nào. Dĩ nhiên là phần lớn khối tài sản sẽ được quay vòng vốn và mở rộng đầu tư, một phần đầu tư vào hoạt động xã hội (như bóng đá), song cái mà nhiều người tò mò là đại gia Việt tự thưởng cho bản thân ra sao.

Bầu Hiển

Theo thông tin một số người thân cận của bầu Hiển chia sẻ thì ông bầu này là người đam mê công việc đến nỗi nhiều lần ngủ gục trên bàn làm việc đến nửa đêm mới tỉnh dậy đi về một mình. Ông từng chia sẻ với bạn bè cảm giác “nhẹ bẫng” sau khi ký xong hồ sơ giải ngân vốn cuối cùng cho doanh nghiệp và đứng dậy hòa vào dòng người xuôi ngược một buổi chiều cuối năm...

Tuy nhiên, một người bạn tiết lộ, bầu Hiển có nguyên tắc là tắt điện thoại và dành toàn bộ ngày Chủ nhật cho gia đình. Dù là ông chủ của hàng loạt doanh nghiệp đình đám, sở hữu khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng song bạn bè vẫn thường xuyên bắt gặp ông bầu này ăn sáng giản dị ở những quán bình dân ven đường, chỉ để nạp năng lượng cho một ngày làm việc bắt đầu lúc 6h sáng.

Bầu Hiển có một tài sản giá trị lớn từng gây tốn nhiều giấy mực của báo chí đó chính là chiếc siêu xe Rolls-Royce Phantom bản độc, mang tên “Hòa Bình & Vinh Quang” trị giá hơn 80 tỷ đồng.

Còn nhớ, thời điểm năm 2016 khi chiếc xe siêu sang này được nhập khẩu từ Anh về Việt Nam, vẻ đẹp lộng lẫy cùng thiết kế sang chảnh, giá trị kếch sù của nó đã khiến giới chơi xe đồn thổi nhiều về những đại gia có đủ tiềm lực để sở hữu.

Tuy nhiên, về sau chính những yếu tố “cá nhân hóa” của chiếc xe – một đặc điểm riêng có của các dòng xe sang dành cho giới nhà giàu đã âm thầm bộc lộ chủ nhân đích thực của nó.

Bầu Hiển

Phantom Hòa Bình & Vinh Quang được thiết kế và chế tạo bởi bộ phận Bespoke của Rolls-Royce tại nhà máy của hãng ở Goodwood, Anh với 460 giờ sản xuất cơ bản của mẫu Phantom cộng thêm 260 giờ sản xuất dành cho công tác thiết kế và chế tác các chi tiết Bespoke thủ công. Đây là một trong những chiếc Phantom phiên bản Bespoke đặc biệt cuối cùng thuộc thế hệ VII được sản xuất.

Rolls-Royce Bespoke đã phác thảo các phiên bản thiết kế khác nhau, trình bày ý nghĩa và lấy ý kiến khách hàng trước khi phiên bản huy hiệu hoàn hảo nhất được chọn và giao cho đích thân nghệ nhân tài hoa Mark Court chấp bút vẽ bằng tay.

Bầu Hiển

Phantom Hòa Bình & Vinh Quang có ngoại thất màu đỏ Madeira. Nội thất là các họa tiết mang hình ảnh ông Ba Mươi được thể hiện sống động trên các chi tiết và tiện nghi nội thất riêng dành cho chủ nhân, tựa đầu lưng ghế, vịn nghỉ tay hàng ghế sau.

Bầu Hiển

Theo tiết lộ của một người uy tín trong giới chơi xe, huy hiệu riêng trên xe là cặp đôi chữ “H” lồng vào nhau mang ý nghĩa đặc biệt đối với chủ nhân chiếc xe, thể hiện sự gắn kết bền chặt và tình yêu ông dành cho người vợ yêu quý của mình. Huy hiệu này được vẽ tay trên thân xe tiếp nối với đường kẻ dọc thân xe (coach line) và trên mặt gỗ bảng điều khiển trung tâm.

Từ những chi tiết “cá nhân hóa” nói trên, người ta nhanh chóng khẳng định bầu Hiển chính là chủ nhân của chiếc siêu xe Phantom Hòa bình và Vinh quang, bởi ông Hiển sinh năm 1962, là tuổi Hổ. Biểu tượng chữ “H” lồng ghép chính là chữ Hiển và Hòa (tên vợ ông Hiển) ghép vào nhau. Cái tên Hòa Bình và Vinh Quang chứa đựng tên vợ cùng 2 con trai ông Hiển là Hòa, Vinh và Quang.

Cũng theo một người bạn của bầu Hiển chia sẻ, ông Hiển muốn giấu danh tính là chủ nhân siêu xe nói trên vì không muốn phô trương. Ông mua xe đơn giản như một thứ đam mê, phần thưởng cho mình, xe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là một vật dụng cá nhân mang yếu tố gia đình và phong thủy.