Báu vật thiên nhiên của người Tày giữa đại ngàn

Báu vật thiên nhiên của người Tày giữa đại ngàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Thác Bản Giốc là một danh thắng nổi tiếng của nước ta. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết truyền thuyết về chuyện tình của một cô gái đẹp mà chính nước mắt của cô đã làm nên điều kỳ diệu của dòng thác này.

Huyền thoại về mối tình ngang trái

Chúng tôi có dịp tới mảnh đất Trùng Khánh, Cao Bằng vào một ngày cuối thu nắng nhẹ. Trời trong, gió mát, cuối con đường gập gềnh đá sỏi đèo núi quanh co, một dòng thác trắng xóa chảy miên man giữa màu xanh của núi khiến bất cứ ai tới đây cũng phải choáng ngợp. Đó là thác Bản Giốc, một cảnh sắc tuyệt vời giữa điệp trùng rừng núi thuộc địa phận xã Đàm Thủy.

Nguời ta đến thác để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ và hùng vĩ đã có từ bao đời. Nhưng đối với người dân địa phương, dòng thác ấy lại mang một giá trị tinh thần vô cùng lớn. Nó ẩn chứa trong mình một mối tình đẹp mà nhiều ngang trái khiến bất cứ ai nghe đến cũng thấy nao lòng. Và nó là biểu tượng cho vẻ đẹp mộc mạc của những cô gái bản Tày trong câu chuyện tiến vua huyền thoại.

Được một cán bộ văn hóa xã gợi ý: "Muốn hiểu về nguồn cội của thác cứ tìm đến nhà cụ Giàng". Chúng tôi tò mò, háo hức hỏi đường vào nhà vị cao niên đã có 10 đời gia đình định cư ở chân thác. Cụ bà trong bộ trang phục đen truyền thống của người Tày, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn tiếp chúng tôi bằng vẻ tinh nhanh hiếm thấy. Nghe chúng tôi nhắc đến thác, cụ cười móm mém mà rằng: "Từ nhỏ cho đến lúc lớn lên, chúng tôi đã vui chơi dưới chân thác này. Ném còn, hát lượn cũng ở ngay chân thác. Bởi thế, thác với tôi đã quá quen thuộc. Trong những câu chuyện xưa ông bà kể tôi nhớ nhất chuyện về một cô gái đẹp người Tày từ chối vào cung làm vợ hoàng tử vì một tình yêu say đắm với người trai bản bên.

Cụ Giàng chậm rãi kể: "Xưa kia, đã lâu lắm rồi, lúc người Tày mới về đây phá nương làm rẫy, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhưng trời lại ban cho các cô gái Tày một vẻ đẹp nết na, thùy mị và thuần khiết như núi rừng nguyên sinh. Bởi thế, thời ấy, gái bản Tày thường được quan trong vùng tìm để tiến cử vào cung dâng lên bậc vương chúa. Những cô gái Tày xưa từ lúc chưa tròn trăng đã được cha mẹ dạy chơi đàn, học hát, múa. Điệu hát lượn đã khiến bao đời vua chúa si mê nên cứ thành lệ, hàng năm cung đình tuyển người vào dâng trà hầu tửu thì gái bản Tày bao giờ cũng là sự lựa chọn số một của các quan địa phương.

Cũng theo lời cụ Giàng, gái bản Tày sắc nước hương trời, các quan địa phương tuyển người nào được người ấy. Nhưng một lần, vua tuyển vợ cho hoàng tử độc tôn, cho phép hoàng tử tự đi ngao du sơn thủy để tìm hoàng hậu tương lai. Khi đến vùng cao Trùng Khánh này, hoàng tử rất say mê với nét đẹp của các cô gái Tày. Chàng đặc biệt đem lòng si mê cô gái đẹp nhất của bản Giốc khi ấy, với mái tóc dài chấm gót, đôi mắt đen láy và nước da trắng mịn. Ai cũng vui mừng đứa con gái của bản mình lọt vào mắt xanh của bậc vua chúa, hy vọng sẽ làm rạng danh bản làng.

Xã hội - Báu vật thiên nhiên của người Tày giữa đại ngàn

Toàn cảnh thác Bản Giốc nhìn từ trên cao.

Nhưng thật không ngờ, cô sơn nữ lại từ chối tình yêu của hoàng tử vì đã trót hứa hẹn thề nguyền với người trai bản bên. Bị khước từ, hoàng tử vô cùng tức giận đùng đùng nổi cơn thịnh nộ. Hoàng tử bắt cô gái mang về cung và cho quân lính canh gác, không cho cô tiếp xúc với người yêu. Cô gái quá đau khổ bởi tình yêu bị ngăn cản nên luôn tìm cách chạy trốn. Trên đường bị cướp dâu về kinh, cô gái nhiều lần tìm cách bỏ chạy nhưng không được. Nhưng không ngờ, chàng trai bản bên đã quên mọi hiểm nguy, quyết tâm đi theo người yêu và tìm mọi cách cướp lại cô từ tay hoàng tử.

Vào một đêm tối trời, ngay dưới chân kinh thành, chàng trai đã lừa được toán lính gác ngủ say và ra ám hiệu với cô gái. Hai người dìu nhau chạy về nơi họ đã sinh ra và có một tình yêu thật đẹp. Khi đôi trai gái chạy về tới bản Giốc thì trời vừa tối. Họ dừng cạnh khe suối ở bìa rừng, ngồi đó, cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời yêu nhau và những đắng cay khi bị chia lìa. Vì quá kiệt sức sau thời gian chạy trốn dài ngày, cả hai đã lịm đi trong những hồi tưởng và hạnh phúc.

Nơi đôi tình nhân ấy ngủ giấc ngàn thu, người ta không còn tìm thấy xác hay bất cứ dấu tích gì. Ngay sau ngày có tin hai người yêu nhau đã bỏ trốn trước sự canh gác nghiêm ngặt của ngàn vạn quân lính, dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền. Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.

Người ta đồn rằng ngọn thác ở giữa chia ba tầng, có hai tầng sát nhau như tư thế đôi tình nhân ôm nhau. Đó chính là hình ảnh người con trai đang ôm người yêu vào lòng, cả hai cùng khóc. Giọt nước mắt chảy dài thành dòng thác cuồn cuộn. Còn ngọn thác bên phải từ chân thác nhìn lên đổ ầm ào không ngớt là hình ảnh của vị hoàng tử nọ. Hoàng tử vì uất ức mà ngồi đó tiếc nuối người con gái mình yêu thương rồi cũng hóa xác thành thác dữ. Nhưng rồi giọt nước mắt của chàng hoàng tử cũng hòa chung với nước mắt của đôi tình nhân vì sự cảm phục trước tình yêu của đôi trai gái bản Tày.

Dị nhân chèo thuyền ngày mưa

Câu chuyện của cụ Giàng cho đến nay vẫn chỉ là truyền thuyết, không có gì kiểm chứng. Nhưng như lời cụ nói, thác còn, huyền tích về chuyện tình buồn từ xa xưa vẫn còn lần quất đâu đó trong những câu chuyện, lời ru của các cụ già người Tày ngày nay. Câu chuyện hư hư thực thực với vẻ đẹp như thiên đường của thác Bản Giốc như càng làm tăng sức hút với du khách thập phương. Dòng thác chảy trắng xóa, ồn ào, dữ dội, đối nghịch với cái dịu êm, lặng lẽ của dòng nước xanh ngọc ngay dưới chân thác. Chưa ai lý giải thấu đáo được vì sao cái yên bình lại đồng hành cùng thác dữ. Nhưng người Tày nơi đây vẫn căn cứ vào truyền thuyết mà gọi thác Bản Giốc với muôn nghìn cung bậc của tình yêu.

Vẻ kỳ bí và nét đẹp thanh khiết của nàng công chúa ngủ trong rừng ấy đã hút hồn tất cả du khách mỗi khi tới đây. Thậm chí, có những người đã mải mê với tiếng ào ào của thác đổ mà quên đường về quê hương. Đó là câu chuyện của anh Nông Quốc Trung (SN 1972). Tổ lái đò gọi anh Trung là "dị nhân chèo đò" bởi sở thích chèo thuyền khác người của anh. Anh Trung thích đưa khách ra chân thác vào những ngày mưa và luôn mong đón được những lượt khách có chung sở thích "quái" ấy với mình.

Anh cho biết: "Ngày bình thường, cứ chèo thuyền đưa khách vào đến sát chân thác, chỗ nước trên thác xối xuống tung bọt trắng xóa là lại phải lùi thuyền ra ngay. Là người nhiều năm gắn bó với thác Bản Giốc, anh luôn khát khao cái cảm giác được đứng thẳng người dưới chân thác để dòng nước cuồn cuộn kia xối thẳng vào người cho đã. "Những ngày mưa, khi chèo thuyền vào tới chân thác, hơi nước từ thác bốc tỏa ra mát lạnh kèm theo những giọt nước không nguồn hắt thẳng vào người. Cảm giác đó rất “đã”. Tuy có một chút nguy hiểm, nhưng nếu không mạo hiểm con người ta khó lòng có được những cảm giác khác người", anh Trung vui vẻ cho biết.

Anh Trung cũng chia sẻ: "Ở tổ chèo thuyền dưới chân thác này, chỉ mình tôi có sở thích mạo hiểm và dám làm điều ấy. Tuy nhiên cũng phải hết sức cẩn thận mỗi lần đưa khách đi ngày mưa. Cũng phải lựa theo trời mưa nữa. Vì thác đổ cao, nước siết dữ dội ở khu vực chân thác tạo thành nhiều vòng xoáy, không cẩn thận dễ bị các hút nước nuốt trôi cả người lẫn thuyền bè. Ngày bình thường đã khó mà ngày mưa độ nguy hiểm còn cao hơn. Đôi khi vì nhớ cảm giác và cũng tự muốn cho mình có cảm giác đó mà tôi tự chèo thuyền vào chân thác một mình lúc trời đổ mưa. Vì thế mà mọi người thường đùa gọi tôi là "dị nhân"".

Cũng theo anh Trung, những năm gần đây, người đến thác du lịch nhiều hơn nên người chèo đò như anh cũng dễ kiếm ăn hơn. Trung bình mỗi ngày, anh đi được 3 - 4 chuyến đò vào chân thác. Mỗi chuyến như thế, để an toàn thì tối đa trên thuyền chỉ chở 6 người. Mỗi lượt đò anh thu của khách 200.000 đồng. Tính ra, những ngày hè, đông khách, anh cũng dành dụm được kha khá. Những ngày mùa đông giá lạnh, có khi vài ba ngày mới có một chuyến khách đi.

Anh Nông Văn Tình (SN 1988) cán bộ phòng văn hóa xã Đàm Thủy cho biết: "Những câu chuyện thần bí quanh khu thác Bản Giốc đến nay còn tồn tại khá nhiều trong dân gian. Tuy nhiên không có sách vở nào ghi chép lại và cũng không có nhân vật kiểm chứng. Tất cả chỉ mang màu sắc thần bí, được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Nhưng hầu hết, lượng khách đến thác Bản Giốc đều trầm trồ thán phục vẻ đẹp trời ban của khu thác này. Hiện nay, đang có dự án quy hoạch khu du lịch ở quanh thác. Hy vọng khi hoàn thành, việc thăm thác Bản Giốc sẽ thuận lợi hơn.

D.T