Bệnh Sapa, bệnh Đà Lạt

Bệnh Sapa, bệnh Đà Lạt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Ở "hồi" trước, nàng (là dân Sài Gòn chính hiệu) và gã (là trai Hà Nội chính gốc) đã làm lành với nhau qua… điện thoại với quyết định trói đời nhau lại bằng việc kết hôn. Tuy nhiên, Tam nhân diễn nghĩa chưa dừng lại ở đó…

Thời gian trôi qua, sau nhiều lần ra Bắc vào Nam để thắt chặt quan hệ ngoại giao, một ngày nọ nàng (Sài Gòn) lại lên chat và thủ thỉ với gã (Hà Nội).

Nàng: Bữa giờ lu bu quá em quên chưa hỏi anh, anh tính sau khi cưới thì tuần trăng mật tụi mình nên đi đâu ha?

Gã: Em thích đi đâu?

Nàng: Mùa đông xuân này đi Đà Lạt là hay nhất. Mùa này mai anh đào nở nhiều, dã quỳ cũng còn, thời tiết lạnh và sương mù, đi dạo quanh Hồ Xuân Hương, ăn bắp nướng uống sữa đậu nành nóng, thích lắm.

Gã: Nếu vậy anh thấy đi Sapa hay hơn. Đà Lạt bây giờ phố xá nham nhở quá, mất hết vẻ đẹp tự nhiên rồi. Sapa còn nguyên sơ hoang dã hơn nhiều, lên đó ăn đồ nướng, uống rượu táo mèo, ngắm mây bay dưới chân, còn gì hơn!

Nàng: Thôi đừng, Đà Lạt nhiều hoa thích hơn chứ. Nếu lạnh quá như Sapa thì em lại không chịu nổi. Đà Lạt dịu dàng và lãng mạn hơn nhiều.

Gã: Dân miền Nam hình như mắc bệnh tôn sùng Đà Lạt hả? Anh thấy nó chả có gì hay. Thành phố du lịch gì mà chả có quy hoạch, cứ xây nham xây nhở, phá rừng phá đồi. Buôn bán thì chụp giật, chặt chém. ă n uống thì nhạt nhẽo chẳng có đặc sản gì. Lễ hội hoa thì năm nào cũng trưng đầy hoa giả. Vậy mà lúc nào cũng đua nhau đi Đà Lạt nghỉ mát.

Xã hội - Bệnh Sapa, bệnh Đà Lạt

Nàng: Dân miền Bắc tụi anh cũng có khác gì đâu? Hở một chút là Sapa thế này, Sapa thế nọ. Lâu lâu rụng được ít tuyết là đổ xô nhau lên đó mà săm soi trầm trồ! Chưa kể suốt ngày đè dân Hmong ra mà chụp hình theo mốt cụ già nhăn nheo em bé mắt toét. Hài hết sức!

Gã: Này, này, em lại tính gây chiến nữa đó hả?

Nàng: Anh mới là người gây trước.

Gã: Em đừng có giở cái thói đỏng đảnh ra ở đây, thật hết chịu nổi.

Nàng: Không chịu nổi thì dẹp đi, ai bắt anh phải chịu?

Nói tới đó, nàng giận dỗi sign out cái rụp. Gã lại sững người bực bội ở đầu bên kia.

Nửa đêm, đang trằn trọc không ngủ được, nàng lại nhận được tin nhắn của gã: Thôi anh nghĩ mình nên đi một tour miền Trung: Đà Nẵng - Hội An - Huế là hay nhất. Nàng lại bật cười nguôi giận.

Hôm đi đặt tiệc cưới ở Sài Gòn, gã tá hỏa với menu dịch vụ do nhà hàng cung cấp, tưởng đâu mình là Maika từ trên trời rơi xuống. Gã hoang mang hỏi nàng:

Gã: Đá khói là gì vậy em?

Nàng: Là một cái loại đá gì đó mà khi đổ rượu champagne vào thì nó bốc khói lùm lùm lên trông rất đẹp mắt.

Gã: Vậy còn thiên nga tuyết?

Nàng: Là cặp thiên nga bằng nước đá để trưng cho đẹp đó mà, người ta còn rọi đèn ở trong cho nó lung linh nữa.

Gã: Sao lại hề xiếc ở đây nữa?

Nàng: Thì để giúp vui cho tiệc cưới.

Gã: Anh tưởng đã có ban nhạc chơi nhạc sống phục vụ nhu cầu ca hát bất tận của thiên hạ rồi cơ mà?

Nàng: Thì càng có nhiều lựa chọn càng hay chớ sao. Anh coi nè, có cả múa quạt, múa Thái, tấu hài... Anh thích cái nào thì chọn cái đó.

Gã: (nhăn nhó) Sao cưới ở đây rườm rà quá vậy, y như chương trình ca nhạc tạp kỹ.

Nàng: (trợn mắt) ở đâu chẳng vậy, anh lúa dễ sợ! Đám cưới thì phải tưng bừng chộn rộn lên mới vui chớ, nếu không người ta chưa ăn xong đã bỏ về hết thì gở lắm.

Gã: (lẩm bẩm) Tụi nó lên sân khấu làm trò, rồi mình lên trình diện họ hàng quan khách, thế chẳng hóa ra mình cũng là 1 tiết mục góp vui chính bên cạnh mấy tiết mục góp vui phụ hả? Ai đời tự biến mình thành trò hề bao giờ!

Nàng: (gắt gỏng) Hề gì mà hề. ở Sài Gòn ai cũng vậy hết đó. Bạn em còn thuê cả dịch vụ thả cô dâu chú rể trong một cái lồng chim từ trên nóc nhà hàng xuống sân khấu nữa kìa!

Nàng nói tới đây thì gã suýt ngất vì kinh hoàng, mồ hôi vã ra như tắm. Có điều đã lỡ thỏa thuận là đám cưới ở Sài Gòn thì nàng toàn quyền, đám cưới ở Hà Nội thì gã toàn quyền, nên gã đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Ngày cưới của hai người ở miền Nam ngoài việc chú rể mặt cứng ngắc vì gượng cười, thì có thể nói là suôn sẻ. Đến khi đám cưới ở miền Bắc, tới phiên nàng được một phen ngã ngửa.

Tới nhà hàng, nàng đứng sững lại khi trước mắt là bốn dãy bàn dài xếp nối liền nhau ngay ngắn, mỗi bàn ngồi được chừng sáu người khác hẳn lối ngồi bàn tròn mỗi bàn mười người trong miền Nam. Nàng méo mặt, trời sao đám cưới gì mà như họp hội đoàn vầy nè. Đó là chưa kể nàng sốc vô cùng khi lác đác có vài khách đã đang ăn uống nhồm nhoàm chẳng cần chờ tuyên bố long trọng gì cả. Và khi nàng tranh thủ rảnh được một chút để chạy vào thay bộ váy cưới khác, đến lúc ra thì khách đã về hết một phần ba. Tức gần khóc. Đám cưới gì mà kỳ vầy nè trời?

Chú rể có vẻ hiểu được phần nào vấn đề nên cho tới tối vẫn không cằn nhằn hay ý kiến gì về sự đăm chiêu của cô dâu. Tới khi cô dâu về phòng tân hôn sau bữa tối với gia đình chồng, chú rể mới ở ngoài rụt rè nhắn tin hỏi vậy cuối cùng cô dâu có cho chú rể lên giường không?", nàng mới phì ra cười.

ưẦ, chồng gần không lấy đi lấy chồng xa. Những thử thách chỉ mới bắt đầu. Cô dâu ơi, cố lên.

Khương Hà

Lời bình La Quán Tâm:

Cô dâu ơi, cố lên. Chú rể ơi, cố lên. Cố lên để sớm có người thứ ba bé nhỏ trong đời sống vợ chồng nhé. Và như thế, Tam nhân diễn nghĩa mới có một kết thúc hoàn hảo như kiệt tác của La Quán Trung tiên sinh vậy.