Béo bùi giò trứng Yên Mô

Béo bùi giò trứng Yên Mô

Thứ 6, 17/02/2017 | 10:19
0
Cũng có nhiều nơi gói món giò này nhưng hương vị không thể giống như giò ông gói. Có lẽ phần vì những nơi đó không chuyên và cái tâm chưa thật sự hết mình.

Giò trứng là món ăn không thể thiếu trong bất kì mâm cỗ nào ở Yên Mô (Ninh Bình). Có đôi khi anh em con cháu gặp mặt vui vầy, cũng làm vài ba cái làm quà và làm món ăn trên mâm cơm thêm phần phong phú.

Bố chồng tôi đã chỉ dạy tôi từng bước làm giò. Việc làm giò không hẳn khó, nhưng phải hết sức để ý và tận tâm.

Nguyên liệu chính là thịt, trứng lụa và lá chuối.

Trong từng công đoạn, ông cũng phải để ý kĩ càng. Lá chuối phải là lá vừa tầm già, không được già khô vì dễ gãy. Cũng không non mềm, khi bó khó có mùi dậy thơm của lá. Khi gói, lá được hơ qua bếp và phải là bếp rơm, bếp củi mới thơm. Ông nói, có nhiều nơi hơ lá qua bếp than hay bếp gas, vì những thứ bếp đó thuận tiện hơn nhiều. Nhưng món ăn vào tay ông “cầm trịch” thì chắc hẳn không có phần xuề xòa dễ dãi. Bàn tay ông đưa qua lại chiếc lá chuối dẻo quẹo như nghệ nhân múa. Chiếc lá chuối vừa héo, mà vẫn không thấy chút ngả màu.

Tin cũ - Béo bùi giò trứng Yên Mô

Món giò trứng quê anh. Ảnh: Internet.

Trứng phải là trứng vịt lụa, vừa đẻ đúng một ngày hôm trước. Theo lời ông thì trứng mới đẻ luộc ngay sẽ khó bóc vỏ, vỏ và trứng không dóc. Khi cắt, miếng giò sẽ không “mượt”, kém cái vị ngon của con mắt.

Trứng quá cũ thì lại không để được lâu. Trứng không đạt vị thì cũng mất luôn vị giò. Những quả trứng được ông rửa sạch, luộc tầm mười hai phút. Trứng chín ông vớt ra chậu nước lạnh. Quả trứng bóc ra trơn dóc, mịn mềm. Giai đoạn cắt đôi quả trứng cũng đôi phần khó. Tôi cũng thử lanh chanh cắt trứng, nhưng thật làm người xem buồn lòng. Quả trứng được bố chồng tôi cắt gọn bằng sợi cước dài tầm 40cm. Ông cứa nhẹ, dứt khoát và mau lẹ. Miếng trứng được cắt ra mịn hơn mặt bánh caramen thơm ngọt mà tôi vẫn thưởng thức ở lề phố Hà Nội.

Thịt lợn phải là lợn vừa mổ, khổ dài tầm bảy, tám centimet. Cái chiều dài ấy quyết định chiều dài của cả quả giò. Một cân thịt, ông thái độ tầm mười bốn miếng và xếp gọn trong nồi. Ông có chút nước mắm ngon. Vị mắm mặn nồng thơm phức. Hạt tiêu được ông rắc cùng, ngâm khoảng bốn lăm phút là vừa đậm.

Sau đó, những lá chuối làm sạch được trải dài trên mặt mâm, cứ một lượt thịt được rải đều, kín sẽ đến lượt trứng bùi dọc bên trên. Sau đó lượt thịt nữa được trải lên rồi bó chặt. Dây lạt làm nhiệm vụ bó chặt cái giò trong bốn nẹp tre to dài mà ông sắp sẵn.

Giò khi luộc phải được xếp đứng, nước ngập giò. Và đặc biệt, giò phải được luộc ở chiếc nồi đồng “gia truyền” của gia đình. Ông không vội vàng trong việc luộc giò. Lửa phải liu diu và luôn cháy, nếu không dễ có mùi khói trong giò. Tầm bốn lăm phút, giò chín, ông nhấc ra và dựng cho ráo nước, để ở nơi thật thoáng và có gió. Khi ấy, giò mới dễ khô lại, thơm ngon.

Đôi lần ông nhắc làm món ăn cũng như khi dạy một đứa trẻ. Phải thật kiên trì và nâng niu. Chẳng thể bồng bột chốc lát, cái sự chú ý không chuyên khó làm được điều mình mong mỏi. Cũng có nhiều nơi gói món giò này nhưng hương vị không thể giống như giò ông gói. Có lẽ phần vì những nơi đó khó kĩ lưỡng như ông, phần vì không chuyên và cái tâm chưa thật sự hết mình.

Đi xa đi gần, về nhà là có món giò trên mâm cơm ông chiều, thi thoảng có gọi điện nhắc nhỏm, ông lại làm cho quả giò gửi ra.

Món ăn truyền thống là một phần linh hồn của quê hương, là một phần của nơi tâm tưởng ông. Tôi nâng niu chúng, vì nâng niu những yêu thương ông gói gọn cho mình!

Tuyết Minh/NĐT