Bí ẩn hai ngôi giếng cổ chưa hề cạn giữa ốc đảo

Bí ẩn hai ngôi giếng cổ chưa hề cạn giữa ốc đảo

Thứ 6, 14/06/2013 | 16:51
0
Trải qua hàng trăm năm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, hai ngôi giếng cổ trên ốc đảo Tam Hải vẫn trường tồn như dòng sữa mẹ...

Sự tích giếng cổ

Theo chuyến phà vượt sông Trường Giang, từ xã Tam Quan sang ốc đảo Tam Hải, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình, đậm chất dân dã của làng chài nghèo. Những bờ tre xanh rì, đổ bóng xuống dòng sông, lấp ló những ngôi nhà thấp lè tè được xây dựng bằng những phiến đá ong đã ngả màu vàng úa. Con đường nhỏ luồn lách qua những căn nhà nằm san sát, càng tới ngôi giếng cổ, không gian yên tĩnh bị phá tan bởi tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá Bàn Than, kèm theo tiếng í ới chuyện trò của những người phụ nữ, trẻ con đang tranh thủ xách, kéo những gầu nước trong veo, ngọt lịm…

Lạ & Cười - Bí ẩn hai ngôi giếng cổ chưa hề cạn giữa ốc đảo

Cuộc sống bình yên của đảo Tam Hải bên dòng sông Trường Giang

Khi hỏi về sự tích của ngôi giếng cổ, chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhiều người dân chỉ chúng tôi đến nhà ông Phúc (81 tuổi), một bậc cao niên trong làng. Từ xa, đã thấy ông đang ngồi đan vá mảnh lưới hỏng bên rặng dừa chơi vơi trước ngõ. Đôi mắt trầm ngâm nhìn xa ra biển, thỉnh thoảng ông lại đưa tay vuốt chòm râu bạc phơ dưới cằm, ông Phúc cho biết: "Không biết ngôi giếng xây dựng từ khi nào. Nghe các cụ kể lại thì từ thời thành lập làng đã có hai ngôi giếng này rồi".

Rồi ông cho biết thêm: "Trong cuốn gia phả của làng, không có nhắc tới giếng cổ, nên thông tin về nó đến bây giờ chỉ là lời phỏng đoán của người dân". Ông cũng cho rằng, hai ngôi giếng này tồn tại cũng được mấy trăm năm, được xây dựng từ thời Chiêm Thành mà người dân ở đây gọi là ngôi giếng của người Hời (người Chăm Pa).

Theo quan sát của chúng tôi, ngôi giếng được thiết kế theo hình tròn, rộng chừng 2m, có độ sâu từ 10 - 12m. Giếng được xây dựng bằng những phiến đã tổ ong lớn (một vật liệu rất phổ biến ở nơi đây) xếp chồng lên nhau, tạo nên một hệ thống vững chắc, không có sự xâm thực của nước biển từ ngoài vào. Lần theo dấu tích lịch sử của hai ngôi giếng cổ, chúng tôi thấy một phiến đá cẩm thạch cổ được đục đẽo thủ công, còn khá nguyên vẹn, dựng phía sau của khu vực ngôi giếng.

Ông Phúc cho hay: "Nội dung trên tấm bia đá có thể ghi dấu tích của các bậc tiền thân khi khai khẩn vùng đất này. Nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử và tác động thiên nhiên, những dòng văn tự ghi trên tấm bia đã nhòe, phủ lên một màu xanh của lớp rong rêu. Do đó, không còn ai trong làng có thể dịch và biết tường tận ý nghĩa của các văn tự ghi trên phiến đá cổ đó".

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ - Ngụy ác liệt, ốc đảo Tam Hải này bị giày xéo bởi bom mìn, sự oanh tạc của quân đội Sài Gòn cũ, nhưng hai ngôi giếng cổ vẫn còn nguyên vẹn. Các bậc cao niên cho biết thêm, năm 1964, quân đội Mỹ đến chiếm đóng tại làng, thấy nước của hai giếng cổ trong và ngọt nên đã đào thêm hàng loạt các giếng khác để phục vụ cho sinh hoạt. Nhưng lạ thay, những chiếc giếng của quân đội Mỹ đào lên đều không tìm thấy được mạch nước ngọt như hai giếng cổ kia. Cho đến những năm 1970, Sư đoàn 2 thuộc quân đội Sài Gòn tiếp tục đào một giếng khác cách hai giếng cổ gần một 1km, nhưng cũng không tìm thấy được nguồn nước như mong muốn. Sau những ngày giải phóng, quân đội pháo binh (đơn vị C10) tiếp quản ốc đảo, đã dùng giếng này để phục vụ sinh hoạt trong thời gian đóng quân tại làng.

Sau hòa bình lập lại, cuộc sống của người dân trên ốc đảo Tam Hải trở về cuộc sống yên bình, những con thuyền lũ lượt căng buồm ra khơi. Để đi tìm nguồn gốc và khám phá những điều bí ẩn về nguồn nước hiếm có nơi hai giếng cổ vẫn đang bế tắc. Đã có biết bao thế hệ của các bậc cao niên vẫn cố đi tìm lời giải thích thỏa đáng nhưng chưa tài nào giải mã được. Ông Phúc trầm ngâm: "Chắc có sự bảo hộ liêng thiêng của chủ nhân (người Chăm) nên nó vẫn còn nguyên vẹn, cho dù trải qua những thăng trầm lịch sử và biến thiên của thời gian. Mọi thế hệ trong làng đều xem hai ngôi giếng cổ như "hai dòng sữa mẹ" nuôi lớn bao thế hệ nơi đây".

Lạ & Cười - Bí ẩn hai ngôi giếng cổ chưa hề cạn giữa ốc đảo (Hình 2).

Miệng giếng cổ đã được người dân trong làng tu bổ sau sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh

"Dòng sữa mẹ" ngọt lành

Tam Hải là một ốc đảo nhỏ, bốn bề xung quanh được bao bọc bởi biển và dòng sông Trường Giang, nên để có nguồn nước ngọt cho sinh hoạt là vô cùng quý hiếm. Do đó, trong làng chỉ biết nhờ cậy vào nguồn nước từ hai giếng cổ để phục ăn uống, sinh hoạt. Đặc biệt, những ngày mùa hè nắng như lửa đốt, nguồn nước cần cho sinh hoạt càng trở nên khan hiếm ở ốc đảo Tam Hải này. Nhưng điều kỳ diệu, nguồn nước ở hai ngôi giếng này vẫn âm ỉ, rỉ những giọt nước ngon lành, cung cấp cho hơn 8.000 ngư dân đang sinh sống trên đảo. Theo dân làng, dù vùng này có khô cạn thế nào thì mức nước trong hai giếng cổ vẫn không bao giờ cạn. Sáng sớm, khi mặt trời chưa nhô lên khỏi ngọn tre, những người phụ nữ đã lỉnh kỉnh thùng, can, hay đôi quang gánh thoăn thoắt múc từng gàu nước từ dưới giếng lên.

Những câu chuyện xung quanh ốc đảo hòa cùng với tiếng sóng vỗ ngoài ghềnh đá Bàn Than tạo nên một cuộc sống thanh bình, mộc mạc nơi ốc đảo. Đa phần, các gia đình trên đảo đều làm nghề chài lưới, vượt biển ra khơi nên không có thời gian gánh nước. Thấy vậy, những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như bà Hồng, bà Tài... đã làm nghề gánh nước thuê cho các hộ gia đình có nhu cầu. Bà Tài (68 tuổi), dù tuổi đã cao, nhưng vẫn còn minh mẫn và dẻo dai lắm.

Bà kể: "Tôi làm nghề ni đã lâu lắm rồi, mỗi gánh nước bán được 2.000 đồng, nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 30.000 -  50.000 đồng, đủ tiền rau cháo cho gia đình". Trong thôn có đến 10 người làm nghề gánh nước thuê, do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua lưới, sắm ghe, tàu ra biển, họ chỉ ở lại ốc đảo làm nghề phu nước kiếm đôi ba đồng bọt bèo, đủ rau cháo qua ngày".

Trưởng thôn Trần Đình Nam cho biết: "Nhiều thế hệ trên ốc đảo này chỉ sử dụng nguồn nước duy nhất từ hai ngôi giếng cổ này về để uống, nấu cơm... thay thế cho nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn của giếng nước khoan".

Người dân ở ốc đảo Tam Hải xem nước từ hai giếng cổ như một nguồn thiêng liêng nên không bao giờ sử dụng lãng phí. Hương ước, văn hóa  của làng có ghi: "...Nước từ giếng chỉ được dùng để nấu cơm, đun nước uống, chứ tuyệt đối không được dùng để tắm, giặt... và thế hệ trước dạy cho thế sau phải biết cách giữ gìn nguồn nước quý giá đó". Cũng từ nguồn nước giếng đó, người dân nơi đây đã cất được rượu Bàn Than, có hương vị rất riêng, nổi tiếng xa gần.         

Cử người trông coi giếng cổ

Ông Trần Đình Nam cho biết thêm: Để bảo quản hai ngôi giếng được trường tồn, chính quyền xã và thôn đã giao nhiệm vụ cho bà Hồng (64 tuổi) - một người phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn trông coi, quét dọn, quản lý, thu tiền nước. Hằng ngày, bà có nhiệm vụ ra giếng quét dọn xung quanh sạch sẽ. Nếu người dân trong thôn gánh nước thì miễn phí, còn người ngoài thôn thì thu 1.000 đồng/30 lít nước. Số tiền thu này dùng vào việc nạo vét, tu bổ cho ngôi giếng hằng năm. 

Hồng Sơn

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

'Phế thành cổ' bí ẩn 40.000m2 gần Hà Nội

Thứ 5, 23/05/2013 | 14:36
Sự bào mòn của thời gian cùng bao thăng trầm, khiến ngôi thành rộng khoảng 40.000m2 chỉ còn trơ lại 2 chiếc cổng vòm rêu phong.

Sự tích ngôi miếu báo oán

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Nhiều người dân cho rằng, "thần miếu" báo oán nằm trong rừng đặc dụng Phia Oắc, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng sẽ "bắt" những ai dám cả gan xâm phạm đến ngôi miếu.

Giếng 'Vua' giữa trùng khơi

Thứ 3, 23/04/2013 | 14:42
Cách mép nước biển chưa đầy 10 m, nhưng giếng Xó La ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) quanh năm có nước ngọt và chưa bao giờ khô cạn. Người dân nơi đây thường gọi là giếng "Vua ban" giữa trùng khơi.

Giai thoại đôi vịt vàng tại 'giếng Thạch Sanh' ngàn tuổi

Thứ 4, 03/04/2013 | 15:48
Chúng tôi tìm về xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vào một ngày trung tuần tháng 3, khi cái nắng đã bắt đầu nhen nhóm nơi miền quê ven đô bình lặng.