Bí ẩn làng cấm phụ nữ ra nghĩa trang vì sợ... mất long mạch

Bí ẩn làng cấm phụ nữ ra nghĩa trang vì sợ... mất long mạch

Thứ 2, 06/01/2014 | 09:21
0
Truyền thuyết xa xưa kể lại, thời đó, một cô gái là người làng Cổ Trai (Kiến Thụy, Hải Phòng) lấy chồng là người làng Nhân Trai kế bên. Trong đêm tân hôn, cô gái đem hết bí mật của làng mình để kể cho chồng nghe.

Người chồng biết chuyện đã nói lại với dòng tộc sau đó họ đem cuốc xẻng đến đào long mạch của làng Cổ Trai. Từ đó, làng Nhân Trai mới hưng thịnh, còn làng Cổ Trai không còn ai đỗ đạt cao nữa. Người làng Cổ Trai giận lắm, từ đó cấm con gái làng mình không được lấy chồng là người làng Nhân Trai và các dịp lễ, tết, tảo mộ, người làng Cổ Trai không bao giờ cho phụ nữ đi thăm viếng mộ tổ tông vì sợ lại bị... "mất mộ".

Từ làng có lời nguyền đất cấm

Đến làng Nhân Trai (xã Đại Hà, Kiến Thụy, Hải Phòng), nhiều người không khỏi giật mình khi nghe câu chuyện lưu truyền trở thành tập tục kỳ lạ nhất đất Cảng. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Văn Nam, một già làng Nhân Trai bảo: "Như một tục lệ "bất thành văn", từ xa xưa đến nay hai làng Nhân Trai (xã Đại Hà) và Cổ Trai (xã Đoan Ngũ) của huyện Kiến Thụy cấm trai gái lấy nhau mặc dù khoảng cách địa lý hai làng chỉ cách một dòng sông".

Xã hội - Bí ẩn làng cấm phụ nữ ra nghĩa trang vì sợ... mất long mạch

Làng Cổ Trai (Đoan Ngũ, Kiến Thụy, Hải Phòng) nhìn từ phía đền thờ nhà Mạc ra.

Về nguồn gốc của tập tục này, cụ Nam bảo: Cho đến nay, chúng tôi vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết. Khi xưa, làng Cổ Trai được biết đến là đất phát vương (quê hương của các vua nhà Mạc) bởi vì người làng này đã biết chọn được thế đất có long mạch tốt để bí mật an táng mồ mả của tổ tiên dòng họ. Nơi phong thủy tốt để an táng này tương truyền nằm ở địa phận làng Nhân Trai. Chính vì vậy mà trong suốt nhiều đời, làng Cổ Trai hưng thịnh, có nhiều người đỗ đạt làm quan còn làng Nhân Trai thì ngược lại, người xưa bảo do bị "chặn long mạch" nên làng nghèo nàn và không vượng lên được.

Thời đó, một cô gái đẹp làng Cổ Trai lấy một chàng trai người làng Nhân Trai. Trong đêm tân hôn, cô gái đã đem hết bí mật của làng mình kể cho chồng nghe. Cô gái bảo rằng: "Thực ra mồ mả tổ tông làng Cổ Trai bên thiếp đã được bí mật an táng ở đất làng Nhân Trai của chàng, đó là long mạch tốt nên dân làng có nhiều tài lộc". Ngay sáng hôm sau người chồng đã nói với các dòng tộc trong làng. Biết chuyện, người làng Nhân Trai bèn gọi các chàng trai to khỏe đem cuốc xẻng ra chỗ đất mà cô gái nói, đào hết mồ mả của người làng Cổ Trai, lấy hết hài cốt đem ném xuống sông. Từ đó, làng Nhân Trai mới hưng thịnh.

Về phía làng Cổ Trai, do "long mạch" bị phá bỏ, mồ mả tổ tông bị ném xuống sông, nên không còn ai đỗ đạt cao nữa. Người làng Cổ Trai giận lắm, từ đó mới cấm con gái làng mình không được lấy chồng người làng Nhân Trai. Đến ngày cuối năm giỗ họ, cải táng hay tảo mộ, người Cổ Trai cũng không bao giờ cho phụ nữ đi thăm viếng mộ tổ tông vì sợ lại bị "mất mộ" như câu chuyện trên. "Chuyện này mới nghe như truyền thuyết, vậy nhưng ở làng tôi nó là sự thật. Chẳng biết tập tục này có từ bao giờ, nó cứ truyền từ đời này  sang đời khác và đến nay mọi người đều kiêng kị, không ai dám phá bỏ vì sợ đụng chạm đến lời nguyền tổ tiên", cụ Nam bày tỏ.

Đến làng bị "kiện" vì không lấy được vợ

Ở ngay kế bên ngôi làng trên, xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) từ lâu đã "nổi tiếng" vì phụ nữ lấy chồng ngoại. Một chuyện dở khóc, dở cười khi gia đình ông Nguyễn Văn H. ở thôn Quần Mục lên tận UBND xã... bắt đền chủ tịch vì đứa con trai duy nhất không lấy được vợ. Hỏi ra mới biết do anh T. con trai ông H. sắp đến ngày dạm hỏi thì người yêu bỏ đi lấy chồng Hàn Quốc.

Thời điểm đó, anh T. đang đi biển để gom góp tiền cưới vợ. Sau một thời gian vất vả, anh vui mừng mang số tiền dành dụm được về quê để chuẩn bị tổ chức lễ cưới thì hay tin người yêu đã bỏ đi lấy chồng nước ngoài. Vậy là mối tình đẹp kéo dài 2 năm trời của anh T. coi như tan tành. Biết người yêu theo chồng về xứ người giàu sang, phú quý, anh T. thất vọng, chán nản nên lại lao vào những chuyến đi biển biền biệt.

Nhà chỉ có độc đinh, ông H. lo lắng đứng ngồi không yên. Bức xúc quá, ông chạy lên UBND xã làm ầm ĩ, "bắt đền" xã về việc để gái làng đi lấy chồng nước ngoài hết. Bà Phạm Thị Thúy, chủ tịch UBND xã Đại Hợp chỉ biết an ủi và khuyên ông bình tĩnh về nhà tìm phương án lấy vợ xa cho con vì xã cũng "bó tay".

Được biết, phong trào lấy chồng nước ngoài ở đây có từ nhiều năm trước. Đa phần con gái ở cùng lứa tuổi đều đi lấy chồng nước ngoài theo hình thức tuyển chồng. Vì thế, trai làng chủ yếu lấy vợ ở các nơi khác, nhất là các tỉnh vùng cao. Ngay cả phong trào Đoàn, khi cần có con gái cũng phải sang xã bên mượn.

Chính vì con gái đi hết, nên ở đây lại phát sinh tình huống mới là một số bà mẹ ở tuổi ngoại tứ tuần vẫn mang bầu đẻ thêm để bù con. Cảnh "vườn không nhà trống" chẳng còn gì lạ ở các làng quê này. Việc lấy vợ của trai làng thực sự là một con đường gian nan. Hiện nay, độ tuổi lấy vợ của trai làng thường cao hơn các nơi khác.

Xã hội - Bí ẩn làng cấm phụ nữ ra nghĩa trang vì sợ... mất long mạch (Hình 2).

Cụ Trần Thị Loan kể rằng "kệ" là tên thủy tổ của làng nên kiêng kị.

Và làng nói                 "kệ" là ăn đòn

Cũng trong chuyến đi Kiến Thụy, Hải Phòng, chúng tôi gặp một vùng quê kỳ lạ mà khách ở xa đến không hiểu sẽ bị... đánh oan. Đó là xã Đại Hà của huyện Kiến Thụy, trong khi mọi người đang cười đùa trêu nhau thì bỗng dưng bị chửi té tát, thậm chí còn bị dọa đánh khi nói đến từ "kệ".

Chị Nguyễn Thị Dung ở ngay đầu làng đi vào xã Đại Hà vừa cười vừa kể cho chúng tôi, chị Dung bảo chị quê ở huyện Vĩnh Bảo, ngày đầu khi mới về làm dâu nhà chồng, chị đã bị mẹ chồng mắng té tát vì những câu nói đùa. "Về làm dâu chân ướt chân ráo nên đâu biết được tục lệ, thói quen của làng. Chuyện có gì đâu, chỉ là tôi trót lỡ nói từ "kệ", thế là mẹ chồng tôi cho rằng tôi đang nói tục và chửi bà".

Theo chị Dung, không riêng gì ở làng chồng chị mà hầu hết người dân ở xã Đại Hà đều kiêng, không ai nói từ "kệ". Trong câu nói, đặc biệt là xã giao với nhau, từ "kệ" là từ bị cấm dùng theo quy ước chung của vùng: "Ở đây, khi nói "kệ" được hiểu là thô tục, chửi thề và hàm ý khinh bỉ. Nên nhiều lúc giao tiếp, ai đó lỡ miệng nói "kệ" là ngay lập tức bị người kia mắng: "A, thằng này láo, mày dám chửi tao à?", nếu người kia mà không xin lỗi ngay là xảy ra cãi nhau to, có khi còn đánh lộn", chị Dung cho biết thêm.

Còn chị Phượng, một người dân khác trong làng kể, có lần chị đã chứng kiến cảnh dở khóc, dở cười mà nguyên nhân cũng chỉ vì chữ "kệ": "Lần ấy, tôi đi bán rau ở chợ Đại Hà, đang ngồi bán thì thấy góc chợ phía bên xảy ra cãi nhau om sòm giữa một khách hàng và bà chủ bán hoa. Người khách từ xa đến đi lễ chùa, mới hỏi mua hoa. Lúc bó hoa, bà chủ bán hoa bảo: "Anh vẩy ít nước vào cho hoa nó tươi", khách là chàng thanh niên đáp: "Mặc kệ nó thôi", thế là bà chủ quán nổi cáu: "Sao anh dám chửi tôi?", người khách ngạc nhiên: "Ơ, tôi chửi bà hồi nào?". Cứ thế, nói qua nói lại thành cãi nhau to".

Đem thắc mắc này đến gặp ông Mạc Văn Tỉnh (61 tuổi, ở Đại Hà), ông Tỉnh cho biết: "Ở vùng Đại Hà chúng tôi, "kệ" là từ kiêng kị. Khi ai đó nói "kệ" được hiểu là đang chửi tục, chửi thề, chửi bố mẹ ông bà mình. Chính vì thế, từ xưa đến nay khắp vùng Đại Hà không có gia đình nào đặt tên con cái mình là "kệ" cả. Về nguồn gốc và nguyên nhân do đâu mà từ "kệ" bị kiêng kị thì tôi không rõ".

Từ "kệ" bị kiêng không dùng liên quan đến tên cụ thủy tổ vùng?

Cụ Trần Thị Loan (82 tuổi) cho rằng: "Hồi còn bé, tôi nghe các cụ cao niên kể lại rằng, sở dĩ từ "kệ" bị kiêng kị không dùng là do liên quan đến tên của cụ... thủy tổ vùng. Đây được xem là Thành hoàng, người đã khai hoang để lập ra vùng này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là truyền miệng dân gian chứ không có sử sách nào chép lại cả. Nhiều người đã bỏ công sức đi tìm kiếm nguồn gốc để giải thích cho tục kiêng kị nói "kệ" này nhưng vẫn chưa tìm ra".

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bài tới: Cả làng đi xây đảo Trường Sa