Những con tàu cổ đắm dưới lòng biển đảo Phú Quốc

Những con tàu cổ đắm dưới lòng biển đảo Phú Quốc

Thứ 6, 25/01/2013 | 08:34
0
Các nhà nghiên cứu cho rằng, xưa kia vùng biển phía Nam chúng ta đã có vùng đô hội giao thương sầm uất, nằm trên con đường thiên lý cho những đội tàu buôn Đông - Tây.

"Con đường tơ lụa" trên biển

Theo tài liệu từ Bảo tàng tỉnh Kiên Giang ghi lại, cho đến nay, ngành chức năng tỉnh này đã phát hiện được 4 di chỉ tàu đắm ở các điểm: Tàu đắm Hòn Dầm (Hòn Thơm); Tàu đắm Hòn Ông Đội (An Thới); Tàu đắm Phú Quốc (Phú Quốc); Tàu đắm Rạch Tràm (Bãi Thơm). Tất cả những nơi xác định có di chỉ tàu đắm đều nằm lân cận quanh viền vùng nước nông của đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tuy nhiên, việc trục vớt để lấy cổ vật làm tư liệu nghiên cứu thì ngành chức năng tỉnh này chỉ thực hiện được ở 2 di chỉ là điểm khảo cổ tàu đắm Hòn Thơm và tàu đắm Hòn Dầm. Còn lại các điểm khác qua thăm dò, chỉ thấy dấu tích chứ không còn giá trị hiện vật. Những cuộc khảo sát, trục vớt đều có sự tham gia của các chuyên gia uy tín nước ngoài, cùng đại diện ngành chức năng trong nước.

Lạ & Cười - Những con tàu cổ đắm dưới lòng biển đảo Phú Quốc

Con tàu chở cổ vật bị đắm được phục dựng lại tại Bảo tàng tư nhân Phú Quốc

Theo đó, năm 2008 tại vị trí tàu đắm thứ nhất, cách Hòn Thơm (xã Hòn Thơm) khoảng 2km. Sau hơn 20 ca lặn trong 3 ngày, đoàn khảo sát đã tìm hiểu đầy đủ về số phận con tàu này. Đáng tiếc là toàn bộ hiện trường đã bị phá hủy do ngư dân khai thác trái phép trước đó. Dấu vết còn lại là một ụ nổi hình bầu dục cao 1m, dài 70m, rộng 40m. Giữa ụ là một hố sâu lộ ván đáy tàu, kích thước 6mx3m. Đoàn khảo sát quyết định thổi lớp bùn cát theo 2 luống, rộng 2m dọc theo chiều dài ụ nổi để xác định trữ lượng hiện vật còn lại. Tuy nhiên, lẫn trong bùn cát hầu như chỉ còn lại những mảnh đồ gốm Thái Lan bị vỡ và bị hàu biển bám chặt. Tổng cộng thu được 73 hiện vật gốm ở di chỉ này, trong đó có 8 chén, 13 bát, 6 đĩa bằng men ngọc.

Qua thời gian, nhiệt độ môi trường nước đã khiến những món đồ cổ bằng gốm chảy ra rồi dính lại với nhau rất kỳ lạ. Đặc biệt, đội khai quật còn tìm thấy một chiếc nghiên mực bằng sành, hình tròn, mặt phẳng, rìa mặt tàu nổi gờ hình sống trâu có một lỗ thoát nước hình chữ V, chân đế choãi khá đẹp mắt. Ở vị trí thứ 2 là Hòn Dầm, các chuyên gia cũng không khỏi thất vọng. Toàn bộ di chỉ đã bị phá, hiện vật bị khai thác cạn kiệt. Dấu vết còn lại của di chỉ là một hố sâu hình lòng chảo đường kính khoảng 60m, trên bề mặt còn rải rác mảnh gốm vỡ. Số lượng hiện vật mang lên chỉ có 17 đồ, song khá phong phú về dòng men: Men trắng vẽ lam, men thúy lam, men ngọc, men nâu, đất nung. Ngoài ra còn một vài miếng ván tàu bằng gỗ xác xơ có niên đại hàng trăm năm tuổi không mục.

Qua phân tích, những chuyên gia khai quật cho rằng, tàu đắm Hòn Thơm là một tàu buôn chở gốm từ Thái Lan xuất khẩu, bởi các dòng gốm từ các lò  ở Shawankhalok và Shingburi của TK 15 (thuộc Thái Lan). Số hiện vật thu được tại di chỉ Hòn Dầm ngoài những loại hình tương tự ở Hòn Thơm, còn có một số mảnh bát sứ mang đặc điểm của đồ sứ lò Cảnh Đức Trấn (thời Minh, Trung Quốc). Nếu chỉ căn cứ vào số lượng ít ỏi này thì khó có thể nói đây là hàng hóa xuất khẩu cùng với đồ gốm Thái Lan. Người ta đặt ra 2 giả thuyết, có thể đây là con tàu chở đồ gốm xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan vào TK 15, hoặc là chiếc tàu buôn của người Trung Quốc chở đồ gốm xuống Thái Lan xuất khẩu. Do toàn bộ hiện trường của cả 2 di chỉ đã bị phá hủy nghiêm trọng, nên các thông tin về cấu trúc và chủ nhân con tàu không thể xác định được một cách chắc chắn. Số hiện vật thu được trong thân tàu không nhiều và hầu hết đã bị vỡ nên chỉ có giá trị nghiên cứu và trưng bày.

Lạ & Cười - Những con tàu cổ đắm dưới lòng biển đảo Phú Quốc (Hình 2).

Hiện vật thu được từ những con tàu cổ vùng biển Phú Quốc, Kiên Giang (Bảo tàng Kiên Giang)

Tàu đắm ngàn năm

Tại một hội nghị thông báo khảo cổ học gần đây, lần đầu tiên các chuyên gia khảo cổ tàu đắm nước ta công bố những thông tin về tàu đắm cổ Rạch Tràm (Phú Quốc, Kiên Giang). Địa điểm này được xem là nơi an nghỉ của chiếc tàu từ ngót 10 thế kỷ trước. So với gần chục con tàu đắm cổ được biết đến ở nước ta từ trước đến nay, thì đây là con tàu cổ nhất, các nhà khoa học cho rằng, nó bị chìm cách đây ngót ngàn năm. Vào tháng 2/ 2000, Bảo tàng tỉnh Kiên Giang phối hợp với Xưởng 58 (Hải quân vùng 5) tổ chức khai quật di chỉ tàu đắm này tại ấp Rạch Tràm (xã Bãi Thơm, sau đây gọi tắt là tàu đắm Rạch Tràm). Đây là di chỉ cổ được những thợ lặn phát hiện ra, tuy nhiên, họ không báo cáo lên các cơ quan chức năng, mà tự ý tổ chức nhiều cuộc lặn trộm vớt đồ cổ trong một thời gian dài nên gây hư hại. Những đồ gốm cổ đã bị lấy đi được xác định là gốm men ngọc có từ thế kỉ 12 -13 thời nhà Tống (Trung Quốc). Bởi vậy, cuộc khai quật của Bảo tàng Kiên Giang chỉ mang tính chất là một cuộc khai quật chữa cháy mà thôi.

Sau khi tiến hành thổi cát nhiều điểm trong phạm vi 500m2, mỗi điểm rộng 5m2, sâu từ 1,5-1,8m, đoàn khai quật đã xác định được vị trí tàu chìm ở dưới độ sâu khoảng 6m và chỉ cách bờ đảo chừng 200m. Kết quả khai quật cho thấy, di chỉ đã bị phá hủy nghiêm trọng. Dấu tích còn lại của con tàu chỉ là những tấm ván đáy tài rộng 70 - 80cm, dày 40cm. Chiều dài của những tấm ván chạy song song với bờ đảo, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Trong khu vực tàu đắm hầu như chỉ còn lại những mảnh gạch và đồ gốm vỡ, gạch được xếp thành lớp sát ván đáy tàu. Riêng đồ gốm, căn cứ vào số lượng hơn hai trăm hiện vật thu được từ đợt khai quật hiện đang lưu giữ tại kho Bảo tàng Kiên Giang, có thể thấy đồ gốm tàu đắm Rạch Tràm thuộc dòng gốm men ngọc. Dáng hình tròn trịa, cân đối không một vết gợn nhỏ. Chứng tỏ đây là những sản phẩm được chế tạo kĩ lưỡng từ khâu lọc nhào nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, chỉnh sửa hàng mộc cho đến khi xếp vào lò nung. Đáng chú ý trong đó có nhiều tiêu bản giữa lòng in nổi chữ Kim hoặc chữ Phúc. Đây là kiểu bát men ngọc điển hình được sản xuất thế kỉ 12 - 13, thời nhà Tống (Trung Quốc). Kiểu bát này còn được bảo lưu đến thời Nguyên, nhưng chân đế nhỏ hơn và thường được cắt tiện vuông thành sắc cạnh.

Và như thế, những chuyên gia khai quật cho rằng, tàu đắm Rạch Tràm là một tàu buôn cổ chở gạch và đồ gốm men ngọc Trung Quốc, xuất khẩu vào thế kỉ 12 - 13. Theo các tài liệu đã công bố, thì nhà Tống đặc biệt chú ý mở rộng giao lưu thương mại đường biển với các nước khu vực Đông Nam Á. Vì vậy có thể đoán chắc chắn rằng, hành trình của con tàu này đang đi từ phía Bắc hướng Đông Nam sang Tây Nam, đến giao hàng một số nước như Thái Lan, Myanma hoặc Ấn Độ. Nhiều bằng chứng cho thấy, hàng hóa Trung Quốc thời kì này có mặt ở khắp nơi quanh các vùng biển Sulu  Celebers Maluccas (vùng eo biển Malacka ngày nay). Trong những đoàn tàu thương mại đó, thật không may khi tàu Rạch Tràm đã không tới được đích cần đạt đến mà phải nằm lại dưới đáy biển Phú Quốc ngót một nghìn năm.

Ngoài việc nhận định niên đại gốm sứ, những nhà khoa học còn cho rằng, rất có thể con tàu đã gặp bão, gây sóng lớn. Bên cạnh đó hành trình hàng tháng, thậm chí hàng năm trời nên có thể gây hư hỏng khi va vào đá ngầm làm chìm tàu. Bên cạnh đó, một điểm chung là vị trí của tất cả các con tàu đắm phát hiện tại vùng biển Phú Quốc đều rất gần bờ. Nên người ta đưa ra giả thuyết, rất có thể xưa kia vùng biển Nam của nước ta mà trung tâm là đảo Phú Quốc ngày nay đã là một điểm dừng chân trên hành trình thiên lý vượt biển của các con tàu buôn Đông  Tây.  

Những cuộc trục vớt đều chậm một bước

Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang cho rằng, tất cả những di chỉ tàu đắm ở Phú Quốc, khi đến tai cơ quan chức năng thì đã bị người dân phá tan nát để lấy cổ vật. Vì bên trong khoang các con tàu là những cổ vật hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm nên gần như vô giá. Riêng một chiếc tách, dĩa, lu, chén... cũng có giá hàng trăm triệu đồng. Vì thế, những dân lặn khi phát hiện thì âm thâm moi lên đem bán cho dân săn đồ cổ. Đây là điều hết sức đáng tiếc, làm mất đi những tư liệu quan trọng phục vụ cho nghiên cứu khảo cổ và lịch sử.  


Kỳ Anh

“Vua cổ vật” ẩn mình giữa đại ngàn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Hơn 30 năm lặn lội săn tìm cổ vật, ông Alăng Linh (52 tuổi, trú thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã sưu tập cho mình một bảo tàng đồ cổ quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Bộ cổ vật của người sở hữu long bào triều Nguyễn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
38 tuổi, người đàn ông có khuôn mặt còn khá trẻ Nguyễn Hữu Hoàng, trú tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) đã có trong tay hàng triệu cổ vật với đủ chất liệu: Đá, gốm, sứ, vàng, bạc, đồng,... gắn với các thời đại lịch sử, các nền văn hóa cổ xưa.

10 bí ẩn trên thế giới năm 2012 chưa thể giải mã

Thứ 4, 02/01/2013 | 09:21
Thế giới xung quanh đang tồn tại một thế lực siêu nhiên khác hay đó chỉ là những điều hết sức bình thường mà con người chưa từng nghĩ đến?

Bí ẩn rồng đá mất đầu ở thành Nhà Hồ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đang được đề cử vào danh sách để UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.