Bí ẩn về ngôi đền cổ thờ thần thuốc phiện

Bí ẩn về ngôi đền cổ thờ thần thuốc phiện

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
Người Dao bản Suối Thầu (xã Bản Luốc) nói riêng và nhiều người dân tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tin rằng ngôi đền cổ bí ẩn bên dãy Chiu Lầu Thi là cầu nối gần nhất giữa trời và đất, là nơi người dân được gặp gỡ với các vị thần.

Họ cho rằng bước chân vào ngôi đền là được bước thế giới thần linh. Nhiều người dân trên mảnh đất rẻo cao này tin có một sức mạnh thần linh ghê gớm, có thể xoay chuyển càn khôn.

Toàn cảnh ngôi đền thiêng

Nơi duy nhất thờ thần Thuốc phiện?

Không có cổng, ngôi nhà nhỏ chừng gần 30 m2. Ngôi đền được trát quanh bằng đất dày chừng hơn gang tay, khung nhà bằng các loại gỗ quý, mái đền được làm bằng gỗ nhưng qua thời gian bị hư hại hiện người dân thay bằng ngói xi măng.

Tôi gặp ông Đặng Kim Thoẳn - Dân tộc Dao, người được cắt cử chăm nom cho ngôi đền. Ngay bản thân ông Thoẳn, người sống ngay bên dưới ngôi đền, cũng chỉ nhớ từ khi ông còn bé thấy ông nội lên đó thắp hương. Ngôi đền có tên là đền Thượng, cái tên này cũng mới được nhân dân đặt. ông Thoẳn dẫn chúng tôi vào thăm ngôi đền. Qua hơn chục bậc chúng tôi bước chân vào trong đền.

Phía trong ngôi đền có tất cả 12 pho tượng được làm bằng đất, mỗi pho tượng tượng trưng cho một vị thần. Ông Thoẳn cho hay ngôi đền linh thiêng mọi người ai cũng tin vào sức mạnh của các vị thần nên nhiều người góp tiền tu sửa. Trước đây tượng các vị thần đặt trên đất và gỗ. Về vị trí cũng như tên gọi chính xác của các vị thần trong đền thì ông Thoẳn cũng không nắm rõ. ông chỉ biết duy nhất vị thần Thuốc phiện với hành động dâng quả của cây anh túc lên cho vị thần tối cao hơn.

Về tên gọi cũng như vị trí của thần Thuốc phiện, ông Thoẳn cho biết: Mảnh đất Bản Luốc xưa kia được đồng bào Dao, Mông trồng rất nhiều thuốc phiện. Ngoài việc sử dụng, thuốc phiện còn là vật trao đổi lấy gạo, lấy muối. Tượng thần Thuộc phiện dâng cống phẩm là quả cây thuốc phiện như thể hiện sự tôn sùng, muốn dâng lên những sản vật quý hiếm. Trong suy nghĩ của người dân thuốc phiện như một vị thần, với sức mạnh làm cho con người mê muội.

Trong đền cũng có các thần như thần Đất, thần Sét, cùng các vị chúa đất, chúa rừng.

Ngôi đền thiêng nhiều giai thoại

Lịch sử của ngôi đền cũng gắn với nhiều giai thoại. Nhiều người kể ngôi đền thờ một gia đình quan, trước đây cai quản các châu thuộc vùng đất Hoàng Su Phì và Xín Mần, có công giúp người dân chống thú dữ bảo vệ mùa màng nhưng sau do đắm chìm trong khói thuốc phiện và bị vị thần này lấy đi linh hồn. Tại ngôi nhà của vị quan hình thành nên cái đền như hiện nay.

Một góc nơi đặt các tượng thần

Có nhiều câu chuyện truyền miệng về ngôi đền, ngày trước nạn thổ phỉ cướp bóc đến cướp của và đốt phá ngôi làng nhưng không dám xâm phạm ngôi đền. Có nhiều toán cướp không tin chuyện thần linh ma quỷ dám xâm phạm ngôi đền, chỉ qua một đêm những vàng bạc cướp được bị biến thành những con mãng xà lớn nuốt gọn bọn chúng. Chính vì vậy nhiều người càng khiếp sợ sức mạnh của ngôi đền. Do sợ nên nhiều người không dám đến gần.

Thật kỳ lạ khi người nắm giữ được nhiều thông tin về ngôi đền và tín tâm với ngôi đền cổ này lại là một người dân tộc Kinh. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh (ở thị trấn Vinh Quang). Năm 2007, vợ chồng chị Thanh chuyển lên thị trấn Vinh Quang mở một quán bán hàng tạp hóa nhỏ. Nhiều đêm chị Thanh nằm mơ về nhiều vị thần ẩn ngồi tọa lạc trong một ngôi miếu trên núi. Giấc mơ lạ cứ lặp đi lặp lại với chị. Chị tìm nhiều người dân tộc cao niên ở địa phương đê giải mộng nhưng không ai dám nói.

Khi biết chị Thanh muốn tìm ngôi đền, nhiều người đã ngăn cản, rỉ tai chị câu chuyện về thần linh và sức mạnh của các vị thần. Không khéo chị sẽ bị trừng phạt nếu cố ý vọng động. Quyết tâm rồi nhiều phen lần mò hỏi han mãi chị với biết được ngôi đền cổ, lúc đó người dân chỉ gọi là miếu thiêng. Chị Thanh lên lễ bái và công đức tiền để tu sửa lát gạch thay cho nền đất, lau dọn bụi bặm hương khói cho ngôi đền.

Thần thuốc phiện đang dâng quả anh túc

Tiếng tăm ngôi đền vang xa, nhiều người tận vùng dưới xuôi nghe danh cũng lần mò lên lễ bái xin lộc. Qua lời ông Thoẳn thì ngôi đền cũng có những văn bản nôm Dao gi chép lại về lịch sử cũng nhưng không may đã bị thất lạc một ít, số còn lại đang được chị Thanh đưa đi dịch.

Những tài liệu còn sót lại đã cung cấp phần nào tư liệu về ngôi đền và đặc biệt về tượng thần cầm quả cây anh túc là có thật. Tên người này là Đặng Minh Đông. Ông là người có công khai rừng lập bản từ xa xưa và là quan sắc cai quản vùng đất này. ông Đặng Minh Đông là người có thế lực rất mạnh, quản lý, cung cấp thuốc phiện cho khắp vùng phía bắc này, sau ông cũng bị nghiện.

Hàng năm người dân lấy ngày 1/7 là ngày cúng giỗ các vị thần như thần Rừng, thần Nông, thần Địa... Người dân sống xung quanh dâng lễ vật là một con lợn, cùng ngũ cốc lên ngôi đền với mong muốn về một năm mùa màng tốt tươi, mưa nắng thuận hòa, người dân mạnh khỏe.

Để vén bức màn bí mật về ngôi đền cổ cũng như để hiểu hết ý nghĩa các vị thần, cũng như vị thần cầm quả cây anh túc cần có nhiều thời gian và công sức của các nhà nghiên cứu. Chỉ biết rằng từ khi cây thuốc phiện không còn trên mảnh đất này thì người dân đã được sống ấm no hạnh phúc hơn.

Hoàng Lãm