Bi hài chuyện

Bi hài chuyện "mua cướp bán tranh" mùa giảm giá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
"Của rẻ là của ôi", biết thế nhưng những biển hiệu "sale off" vẫn luôn có sự hấp dẫn lớn đối với các thượng khách, đặc biệt là nữ giới.

Trong thời điểm "mùa giảm giá" hiện nay, những câu chuyện bi hài xung quanh chuyện "mua cuớp, bán tranh" kể đi kể lại không hết.

Chuyện muôn thuở mùa sale off

Thời gian gần đây khi thời tiết lạnh đã bắt đầu đổ bộ vào miền bắc, thị truờng thời trang, hàng tiêu dùng cũng có nhiều biến đổi theo. Đi dọc theo các tuyến phố lớn như Tôn Đức Thắng, Đội Cấn, Bà Triệu, Hàng Cót…, đâu đâu cũng nhan nhản các biển "giảm giá 50%", "giảm giá 70%" cho tới "giảm giá, thanh lý toàn bộ hàng chỉ 50-100 nghìn"... Vào những giờ cao điểm trong ngày như giờ nghỉ trưa, buổi tối không khó để có thể nhìn thấy cảnh chen lấn của những thượng khách tại các cửa hàng này.

Xã hội - Bi hài chuyện 'mua cướp bán tranh' mùa giảm giá

Một cửa hàng đưa giá "sốc" để câu khách hàng

Tâm lý thanh lý cho hết hàng để lấy chỗ nhập hàng mới khiến cho các chủ cửa hàng phải bán tống bán tháo, thậm chí phải chịu lỗ. Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm cuối hè, các cửa hàng đã phải nhìn nhau để hạ giá sản phẩm, đi cùng với những lời chào khuyến mại hấp dẫn để kéo khách hàng về phía mình. Hàng hè năm nay, nếu không bán hết, sang năm chất lượng vẫn không thay đổi, nhưng vẫn bị coi là hàng cũ, hàng lỗi mốt. Các cửa hàng lớn lại càng phải chăm chút cho thương hiệu của mình thì lại càng "dị ứng" với việc hàng tồn xuất hiện trong kho của mình. Bán càng nhanh càng tốt là tiêu chí mà các cửa hàng đặt ra trong những lúc chuyển mùa như thế này.

Chị T - chủ một shop thời trang nằm trên phố Hàng Cót (Hà Nội) cho biết: "Thực ra treo biển giảm giá tới quá nửa nhưng mình vẫn lãi. Thông thường hàng nhập là hàng Trung Quốc, khi mua vào giá 5 đồng thì đến lúc bán các cửa hàng thường nâng lên ít nhất gấp 3 lần. Chịu khó bán rẻ đi một chút nhưng còn có đồng thu vào, để đến mùa sau thì có cho người ta cũng ngại".

Một trong những "chiêu" câu khách của các cửa hàng là việc đổ đống. Bất kể hàng xịn hay hàng nhái, hễ có biển "đại hạ giá" lập tức phải rời móc để nằm chễm chệ trên sàn nhà, thành từng đống trên các kệ hàng. Càng "đống" thì càng thu hút khách, "đống" càng to thì khách càng chen lấn nhiều. Để khách hàng tiện so sánh giá cả, các cửa hàng đồng thời vẫn treo các sản phẩm không hạ giá với giá cao ở các kệ. Giữa một bên là các giá quần áo tinh tươm đắt đỏ, một bên thì chịu khó tìm trong đống hổ lốn duới sàn vẫn tìm đuợc những thứ đồ tốt với giá rẻ, phần lớn chị em lựa chọn phương án thứ hai.

Chị N (23 tuổi) ở Xã Đàn vui mừng khoe với các đồng nghiệp chiếc váy mới mua trên tay: "Bình thường giá của nó là 400 nghìn đồng, mình rất thích nhưng thấy đắt quá nên không dám mua. Hôm qua đi qua cửa hàng, thấy biển đại hạ giá, chỉ còn chưa đến 200 nghìn đồng là lập tức hốt liền". Không chỉ đối tuợng học sinh, sinh viên mà nhân viên văn phòng cũng là một trong những "tín đồ" của hàng sale off. Cứ đến giờ các cơ quan nghỉ trưa, chị em lại rồng rắn rủ nhau đi "lượm đồ". Có một chút bất tiện là những hàng này do đổ đống nên phải mất công tìm và lựa, có bữa chỉ sau chưa đầy một tiếng quần thảo giữa đống đồ, về đến cơ quan, chị nào chị nấy cũng bơ phờ.

Hàng hiệu, giá rẻ, cửa hàng càng lớn thì sự mong đợi của khách hàng càng nhiều, đồng nghĩa với mức độ chen lấn. Những ngày đầu rét, vào buổi tối đi qua phố Sơn Tây, Kim Mã, ngang qua những cửa hàng lớn đang giảm giá, người đi đường chỉ còn lắc đầu ngán ngẩm: "Cứ như là tranh cướp nhau vậy". Nếu so sánh một chiếc áo váy ở cửa hàng đã giảm giá và một sản phẩm cùng loại nhưng bán ở chợ và không có biển khuyến mại, nhiều khách hàng phải sững sờ bởi vì giá tương đương nhau, thậm chí còn có phần cao hơn. "Ăn nhau vẫn là ở hàng hiệu, cửa hàng hẳn hoi", chị M- một trong những "tín đồ" hàng giảm giá tâm sự

Treo biển sale off, bán hàng second hand

Mùa giảm giá, túi tiền của các bà nội trợ nắm giữ tài chính trong gia đình luôn trong trạng thái thấp thỏm, phập phùng vì lo ngại nhẵn túi. Các đức ông chồng thì than phiền vì sự ham rẻ của vợ. Sự ham rẻ ấy còn kéo theo bao chuyện bi hài khác.

"Thanh lý hàng giá sock", "giảm giá toàn bộ mặt hàng từ 30 - 70%", "thanh lý hàng tồn giá rẻ bất ngờ"… khắp các tuyến phố kinh doanh hàng may mặc đâu cũng thấy những biển hiệu như vậy treo từ đầu đường tới cuối đường. "Ham hàng rẻ, hàng thanh lý" cũng trở thành một "căn bệnh", "nghiện" với một số chị em. Một khi đã thành "nghiện" thì rất khó từ chối sự hấp dẫn từ những lời quảng cáo đầy hấp dẫn kể trên. Chị em cũng không thể ngờ căn bệnh này đôi khi cũng dẫn đến những phiền phức ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình chứ không chỉ nằm ở ví tiền cá nhân.

Cứ tan sở, trên đuờng về, chị T nhà ở Đống Đa hôm nào cũng phải ghé vào ít nhất dăm ba cửa hàng thời trang trên phố. Cứ cửa hàng nào treo biển hạ giá càng nhiều, càng to thì chị càng không thể không vào. Có hôm, mải chen lấn chọn đồ, đến lúc ra về hí hửng với đống quần áo mới mua được chị mới giật mình rằng quên mất cả đón con. Muộn giờ về, trễ nải cơm nước gia đình là chuyện thường kì ở các bà nội trợ ham hàng rẻ.

Một trong vô số những chuyện bi hài khác là việc lợi dụng chen lấn, xô đẩy, những thành phần xấu tranh thủ móc túi, trộm đồ của khách hàng. Tuy các cửa hàng đều khuyến cáo khách hàng tự bảo vệ tài sản cá nhân nhưng đã lao vào đống đồ thì ít người còn để ý được, chỉ cốt lựa cho mình đuợc nhiều và nhanh nhất không lại rơi vào tay người khác. Mua được chiếc áo rẻ đi một hai trăm nghìn, mất điện thoại, ví cả chục triệu mới giật mình tiếc nhưng đâu lại hoàn đó, hàng hạ giá vẫn đổ đống và khách hàng vẫn chen lấn nhau, đồ vẫn cứ mất trở thành một điệp khúc ca từ mùa này sang mùa khác.

Những vị khách "tinh" không khó nhận ra trong số những đồ giảm giá mạnh vẫn xen lẫn những hàng hóa đã "quá đát", gồm cả hàng thùng, hàng second hand, hàng cũ.

Chị D bán hàng trên Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) cũng phải lắc đầu: "Nhìn thấy người ta đua nhau giảm giá, mình không giảm không được, khách hàng cứ ùn ùn bên hàng người khác mà bên mình thì vắng tanh hỏi sao không sốt ruột". Để câu kéo khách về hàng mình, các ông bà chủ tuy xót ruột cũng phải treo biển thanh lý hàng theo. Biển treo là một đằng, hàng được hạ giá lại là một chuyện khác. Bài ca đổ đống được tụng đi tụng lại, đống càng to để ở giữa càng "hốt" khách. Đương nhiên, "đống" chỉ là mồi câu để khách hàng kéo đến. Sau khi chọn chán chê giữa một "biển đồ", khách hàng chán nản, nhìn lên thấy những thứ đẹp đẽ và tinh tươm hơn, tiện thể xem thử và mua là lẽ thường tình. Tính ra cũng là một chiêu kích cầu hữu hiệu.

Mùa giảm giá hàng không lâu, chỉ kéo dài độ 2-3 tuần đến hơn một tháng nhưng là thời điểm để các cửa hàng tổng lực "tống" hàng cũ đi. Năm nào cũng ngần ấy câu chuyện nhưng không năm nào tránh được những chuyện bi hài như kể trên. Người biết lẫn người mua đều tỏ tường thực chất chuyện giảm giá, nhưng biết và tránh lại là hai lẽ hoàn toàn khác nhau.

Cả tin dễ ăn quả đắng

Thậm chí một số cửa hàng nhỏ lẻ còn lợi dụng việc thời tiết đổi mùa để treo biển hạ giá để tung hàng cũ, hàng đã qua sử dụng ra bán. Khách hàng có hỏi thì chủ hàng tỉnh bơ: "Em thông cảm, hàng để treo trên móc lâu, bụi bám, đổ đống ra thì nó nhầu nhĩ đi nhưng thực chất vẫn là hàng mới thôi em". Nhiều khách hàng cả tin vào những lời mời chào này, đến khi mua về mới tiếc hùi hụi. Túi xách, quần áo, giầy dép…, cứ ngày một đầy lên trong ngăn tủ của các "tín đồ" mà chưa biết đến ngày dọn đi có được sử dụng lại một lần.

Đỗ Huệ - Bảo Long