Bi hài CSGT xử lý ma men sát quán nhậu

Bi hài CSGT xử lý ma men sát quán nhậu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Có những "ma men" say túy lúy đến nỗi cảnh sát giao thông phải đưa phương tiện và người về phường rồi chờ họ tỉnh lại mới làm thủ tục xử phạt. Có những người say quá, khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra, họ chưa kịp hạ chân chống xe máy đã xỉu lăn xuống đất.

Trong khi đó, những nhà hàng bán bia vì muốn giữ khách nên tìm mọi cách để cản lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Đưa về đồn vẫn chưa tỉnh rượu!

Tháng 9/2011, cảnh sát giao thông Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia. Những cảnh sát giao thông sẽ "dựng chốt" ở gần quán bia, nhà hàng để tiến hành kiểm tra. Xung quanh việc kiểm tra và xử lý những ma men này có nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Cảnh sát giao thông đang kiểm tra người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu.

Một chiến sỹ cảnh sát giao thông thuộc Đội 1 Phòng CSGT CA Hà Nội từng tham gia xử lý nhiều trường hợp vi phạm kể, mỗi người vi phạm trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng anh không thể quên trường hợp một thanh niên không đội mũ bảo hiểm (có mũ nhưng treo ở xe) lái xe khi đang say mềm người. Anh này đi xiên xẹo từ bên nọ sang bên kia đường khiến tất cả những người đi sau đều khiếp vía.

Lúc đầu anh này đi từ từ nhưng khi thấy cảnh sát giao thông tuýt còi dừng theo hiệu lệnh thì giật bắn người. Đang từ người say xỉn anh ta tỉnh như chưa hề say rồi lách qua người khác phóng lên phía trước để tránh cảnh sát. Đi được vài mét thì thanh niên đó ngã quay ra đường. Phải mất một thời gian khá lâu sau đó anh này mới tỉnh rượu. Lúc tỉnh dậy anh này không nhớ rõ đã xảy ra việc gì.

Chiến sỹ cảnh sát giao thông này cũng chia sẻ: Nguyên tắc, ống thở là ống mới, cảnh sát giao thông phải bóc tem trước mặt người bị kiểm tra. Nhưng có rất nhiều người nhất định không chịu ngậm vì sợ mất vệ sinh. Có trường hợp cảnh sát giao thông phải thuyết phục mất gần 30 phút họ mới chịu ngậm ống thở.

Thế nhưng, sau gần 30 lần thổi máy đo vẫn bị vô hiệu vì họ thổi quá nhẹ. Trong khi đó lại có người biết mình say quá, xin công an không cần ngậm và nộp phạt luôn. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, người đó vẫn phải kiểm tra để xem mức độ vi phạm đến đâu.

Hầu hết các chiến sỹ công an giao thông khi tham gia xử lý đều cho rằng chuyện kiểm tra, xử lý những người tham gia giao thông uống rượu bia rất nan giải. Nhiều đối tượng rất "Chí phèo".

Dù mặt của họ đỏ phừng phừng, nói líu cả lưỡi, đến nỗi người nghe không thể hiểu người đó đang nói gì nhưng vẫn nhất quyết khẳng định mình không say và chỉ mới nhấm nháp vài chén. Họ nhất định không kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Lúc này lực lượng công an đành phải xử phạt họ theo lỗi là không chấp hành quy định.

"Mùa hè, dân ta có thói quen đi làm về là la cà ở các quán bia rượu. Họ chúc tụng nhau, chuốc cho nhau say xỉn mà quên rằng, uống say như vậy sẽ rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông vì uống bia rượu nhưng nhiều người vẫn coi thường điều đó. Tôi đã xử lý khá nhiều trường hợp người tham gia giao thông say đến mức đưa cả người và phương tiện giao thông về trụ sở công an phường mà họ vẫn không hay biết. Có nhiều lần chúng tôi phải chờ họ tỉnh rượu mới có thể làm thủ tục. Thậm chí phải gọi người nhà lên trụ sở để làm chứng, làm thủ tục rồi đưa họ về nhà cho an toàn" một chiến sỹ cảnh sát giao thông cho biết.

"Cuộc chiến" với... quán nhậu!

Việc cảnh sát giao thông kiểm tra các ma men ở ngay các quán ăn, vô hình trung đã khiến doanh thu của các quán ăn giảm đi phần nào. Vì thế, ở nhiều nơi, những cửa hàng ăn, quán bia tìm trăm phương nghìn kế để cản trở lực lượng công an kiểm tra "ma rượu", " ma bia".

Xung quanh việc kiểm tra và xử lý những ma men này có nhiều chuyện dở khóc dở cười.

Một cảnh sát giao thông cho biết: "Cửa hàng không vi phạm nhưng khách hàng của họ vi phạm nên đôi khi không thể đứng trước quán của họ. Nếu cảnh sát giao thông đứng chềnh ềnh ở trước cửa quán ăn thì họ cũng không làm ăn được. Chính vì thế chúng tôi phải linh động chọn chỗ đứng. Lực lượng cảnh sát phải chọn vị trí phù hợp để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa không ảnh hưởng đến công việc làm ăn kinh doanh của người dân. Nhưng khi đã chọn được vị trí tương đối phù hợp thì nhân viên của các quán bia vẫn tiếp tục gây khó dễ".

Vị cảnh sát này cho biết, các cửa hàng có hàng trăm cách để cản trở lực lượng cảnh sát. Nhiều cửa hàng thấy cảnh sát giao thông đứng kiểm tra ở gần cửa hàng của họ, họ liền sai nhân viên mang cả đống rác ra vứt ngay nơi lực lượng công an kiểm tra. Việc vứt rác bừa bãi là thuộc trách nhiệm xử lý của bên môi trường, đô thị.... nên lực lượng cảnh sát giao thông đành "bó tay" trước hành động này.

Những quán bia, nhà hàng đã xin chính quyền địa phương cấp phép về hành lang để xe ô tô. Để chắn tầm nhìn của cảnh sát giao thông, họ điều những xe to đỗ trước mặt. Lực lượng cảnh sát giao thông không biết xe nào vào xe nào ra để kiểm tra kịp thời.

Thậm chí, để giữ khách, nhiều quán có cả nhân viên đứng để hướng dẫn khách đi theo đường không có cảnh sát giao thông kiểm tra. Hướng dẫn tỉ mỉ những đường lách chốt cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội đã phối hợp với các phường yêu cầu các quán bia phải treo băng rôn và khẩu hiệu "không uống bia khi điều khiển ô tô, xe máy". Tuy nhiên, theo quan sát, hầu hết các quán đều không thực hiện điều này.

Trung tá Trần Ngọc Ánh, đội trưởng đội tham mưu phòng Cảnh sát giao thông công an Thành phố Hà Nội cũng thừa nhận: "Quán bia mọc lên nhiều mà lực lượng cảnh sát có hạn. Vì thế, việc xử lý người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu quá quy định vẫn còn hạn chế".

Thành Huế