Bi hài học ngoại ngữ với

Bi hài học ngoại ngữ với "thầy Tây xịn"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
"Thầy Tây" ôm hôn, ngồi lên bàn học sinh để giảng bài, vừa giảng vừa ăn... bỏng ngô là những phút "tùy hứng" thường gặp, ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách của học sinh.

Mục tiêu của các bậc phụ huynh cho con theo học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài là giúp "cục cưng" rèn kỹ năng nghe - nói. Tuy nhiên, phần lớn các "thầy Tây" lại áp dụng phương pháp dạy theo lối tự do, khiến không ít học trò chưa kịp phát âm "tròn vành rõ tiếng" đã khiến phụ huynh "mắt tròn, mắt dẹt" bởi nhưng quái chiêu bắt nguồn từ phong cách tùy hứng này.

Xã hội - Bi hài học ngoại ngữ với 'thầy Tây xịn'

Đây là lớp học tiếng Anh, thầy giáo là “thầy Tây xịn".

Học với "thầy Tây" thích hơn cô "nhà mình"

Giáo viên người nước ngoài "xịn", có đặc điểm chung là rất nhiệt tình. Họ biết cách làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên thân thiện, cởi mở bằng những hành động khuyến khích học sinh chủ động tìm đến mình. Họ sẵn sàng là người đến lớp sớm nhất và về muộn nhất để có thời gian giải đáp thắc mắc của học sinh sau khi đã hoàn thành bài giảng. Với phong cách luôn cởi mở và chủ động của người châu Âu, họ luôn biết cách sáng tạo ra những tình huống mang tính tập thể để lôi kéo học sinh tham gia. Nhiều giáo viên còn nhiệt tình giảng dạy ngoài giờ cho những học sinh có nhu cầu học thêm.

Thu Anh - học sinh lớp 10, là học viên của trung tâm tiếng Anh ILA (49 - Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoe: "Thầy David (giáo viên người Mỹ - PV) nhiệt tình lắm. Hôm nào, em tới lớp cũng thấy thầy có mặt ở đó và hướng dẫn thêm cho mấy bạn đến sớm. Nhiều bạn còn khoe nếu học sinh không có thời gian đến lớp, thầy sẵn sàng chữa bài luyện nói ghi âm gửi qua email nữa...".

Với những giáo viên đã từng có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam trước khi bước vào giảng dạy, họ đã có cơ hội tiếp xúc với người Việt nên luôn hiểu bản chất của người Việt là ngại tiếp xúc, hạn chế trong lối phát âm. Nắm bắt được hạn chế đó, thầy David còn tổ chức một buổi học phát âm miễn phí mỗi tuần, bắt đầu từ những âm tiết cơ bản nhất cho học viên.

"Thậm chí, khi em ngỏ ý muốn tham gia thi lấy chứng chỉ của trung tâm đang theo học, thầy còn kèm thêm cho 2 buổi, củng cố lại kiến thức cho em. Thầy dạy miễn phí nhưng không vì thế mà kém nhiệt tình", Thu Anh nói.

Làm cho bài giảng sinh động, "thầy Tây xịn" thường bày trò chơi và các hoạt động lôi kéo sự tham gia của tập thể. Phương pháp này nhằm tăng tính tương tác của các học viên, nâng cao khả năng phản xạ ngôn ngữ... Với đối tượng là những học sinh nhỏ tuổi như mẫu giáo, tiểu học, THCS thì lối giảng dạy trên được áp dụng triệt để.

Nhân viên tư vấn tại trung tâm Anh ngữ Sao Việt (ngõ 155, Xuân Thủy, Hà Nội) cho biết: Hiện trung tâm có 6 giáo viên người nước ngoài, chủ yếu được dạy luyện cho học viên nghe nói bằng cách tạo cơ hội cho học sinh thường xuyên giao tiếp với giáo viên người bản xứ. Nhiều em nhỏ khi được cha mẹ cho theo học ở đây đặc biệt "kết" thầy Sam (28 tuổi, người Anh "chính hiệu") bởi lối "học mà chơi, chơi mà học" thầy áp dụng trong giảng dạy.

Chị Thu Thảo, mẹ của bé Hồng Anh (ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội), đang theo học lớp của thầy Sam, kể: "Tôi từng tham gia vài buổi dạy của thầy và cảm thấy rất thú vị. Buổi học nào, thầy cũng xen kẽ từ 1 - 2 trò chơi mà không trò nào lặp lại làm con trẻ rất thích. Cháu Hồng Anh đặc biệt thích trò cắt dán, tô màu và hồ hởi khoe, ngoài luyện khéo tay tinh mắt con học được các từ vựng về màu sắc cũng như hình khối rất nhanh...".

Khi PV hỏi, những trò chơi ấy giúp ích gì trong việc học tiếng Anh, Liễu - học viên của trung tâm tiếng Anh ở đường Láng (Hà Nội) nói: "Nó giúp mình cảm thấy buổi học đỡ mệt, thoải mái hơn. Phương pháp này góp phần "triệt tiêu" không khí im lặng ngột ngạt chờ học sinh làm xong thì chữa bài như một cái máy". Nhiều bạn trẻ hồ hởi khoe, học ngoại ngữ với "thầy Tây" thích hơn học cô "nhà mình". Bởi được tự do nói, chơi, ngồi, ăn, cười... để rèn kỹ năng nói.

Từ sinh động đến..."tăng động"

Bên cạnh những ưu thế tạo tâm lý thoải mái cho học viên để tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả thì việc quá "linh động" của "thầy Tây" cũng ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách sống của học trò. "Thầy Tây" bê nguyên thói quen sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của người châu Âu, châu Mỹ vào trong việc giảng dạy. Họ ít chú ý đến văn hóa học đường Việt Nam nên khá tùy tiện trong ứng xử, ngôn từ. Với thói quen sinh hoạt tự do nên "thầy Tây" cũng tạo ra xu hướng tự do nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học viên.

Việc mục sở thị lớp học với "thầy Tây" có không khí ồn ào, nói cười thoải mái hay bàn ghế xô lệch, thậm chí từ "thầy" đến trò vừa xì xồ vừa ăn... bỏng ngô không còn là hình ảnh lạ mắt tại các lớp học ở trung tâm tiếng Anh. Khi giảng bài, có "thầy Tây" còn ngồi hẳn lên bàn học sinh rồi khuyến khích học sinh làm theo để tạo sự thoải mái. Một số học viên tỏ ra thích thú, bày tỏ sự "hâm mộ" "thầy Tây" bằng cách bê nguyên hành động kỳ quặc đó áp dụng tại trường học chính quy. Có "thầy Tây" còn cởi mở quá đà, bày tỏ sự hài lòng với các học viên bằng hành động hồn nhiên ôm học trò, khiến nhiều học viên nữ có cảm giác bất an.

Chị Thu Minh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ ngày cô con gái 16 tuổi theo học lớp ngoại ngữ ở đường Láng đã chểnh mảng việc học ở trường chính quy. Gặng hỏi mãi, con gái kể, ngoài 2 buổi học ngoại ngữ ở trung tâm, "thầy Tây" thường xuyên tổ chức đi pic - nic, dã ngoại để học viên có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi. Con gái chị tham gia tích cực vì cô bé đã "cảm" "thầy Tây" từ lâu rồi. Sau khóa học đó, chị Minh không dám cho con tiếp tục theo học những khóa tiếp theo bởi lo sợ "sự cởi mở quá đà" của "thầy Tây" sẽ ảnh hưởng đến con gái mình.

Theo tìm hiểu của PV, học sinh ở những lứa tuổi nhạy cảm, ưa sự bắt chước, coi phương pháp dạy của "thầy Tây" như thần tượng. Các em học theo một cách máy móc tới mức khó hiểu nên không ít em đã "lãnh" hậu quả không mong muốn. Tấn Minh, học sinh lớp 11 trường PTTH Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đến giờ vẫn còn nhớ án kỷ luật là bản kiểm điểm kèm chữ ký phụ huynh mà thầy hiệu trưởng dành cho mình cách đây gần 1 năm. Lý do, một lần vô tình thầy ngang qua lớp học giờ giải lao đã bắt được Minh ngang nhiên "ngự" (ngồi) trên bàn giáo viên.

Lợi bất cập hại?

Phần lớn phương pháp học từ những trò chơi áp dụng cho tập thể, tạo được sự sôi nổi ở trên lớp nhưng khi về nhà, việc ôn luyện bài giảng của học viên gặp nhiều khó khăn. Vì chỉ có một mình nên nhiều học viên ngượng nghịu, cười trừ khi được hỏi đến phương pháp tự ôn luyện ở nhà. Nhiều học viên lười học còn chống chế, ở lớp, "thầy Tây" tổ chức cho từng cặp đôi hoặc thảo luận nhóm về một chủ đề nào đó, hoặc trao đổi, về nhà không có ai "tung hứng" cùng nên không thể ôn được bài. Thế là các phụ huynh thấy lợi bất cập hại từ trào lưu cho con đi học "thầy Tây"...

Linh Nhi