Bi hài khi phụ huynh đổ xô tìm trường điểm cho con

Bi hài khi phụ huynh đổ xô tìm trường điểm cho con

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
– Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao trước hình ảnh bị cho là "không đẹp" khi hàng trăm phụ huynh học sinh giẫm đạp lên nhau "tranh cướp" hồ sơ dự tuyển vào lớp 1 cho con tại Trường PTCS Thực Nghiệm (Hà Nội).

Ngay sau "màn diễn" có một không hai này, nhiều phụ huynh "giật mình thon thót" khi nghĩ đến chặng đường gian nan xin học cho con đang chờ phía trước...

Xã hội - Bi hài khi phụ huynh đổ xô tìm trường điểm cho con

Cảnh phụ huynh chen lấn, xô đổ cổng trường để đăng ký cho con mình dự tuyển vào Trường PTCS Thực Nghiệm dễ làm người ta liên tưởng đến đoạn trường "chạy" vào các trường điểm hiện nay.

Đoạn trường lắm nỗi

Thực tế, theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, sự việc tại trường Thực Nghiệm chỉ là đốm lửa thổi bùng ngọn đuốc sính trường điểm trong ngành giáo dục hiện nay. Ở Hà Nội, ngoài Trường PTCS Thực Nghiệm, một số trường khác như Tràng An, Kim Đồng, Dịch Vọng, Thành Công A, Đặng Trần Côn A, Cát Linh, Kim Liên, Trưng Vương... đều rơi vào tầm ngắm của phụ huynh trước mỗi mùa tựu trường. Không chỉ thẳng tay dốc túi, nhiều người sẵn sàng bỏ cả thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí cả sĩ diện để con được vào trường điểm.

Anh Phạm Văn Tùng (Đống Đa, Hà Nội) kể lại quãng thời gian "chật vật" xin cho cô con gái vào học tại trường tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội): "Với tôi, việc chọn trường cho con rất quan trọng. Hai vợ chồng đã thăm dò và nghiên cứu để chọn trường cho con trước cả 1 năm. Ngoài việc tham khảo anh chị em trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp, chúng tôi còn "sục sạo" 24h/24h trên diễn đàn mạng để nắm được thông tin về 1 số trường "điểm". "Bể khổ" chưa hết, cả nhà cũng phải mất vài tháng để "vận dụng" mọi mối quan hệ mới mong kiếm được cho con một suất học. Vất vả là vậy nhưng gửi được con vào đây tôi rất yên tâm".

Tại các diễn đàn dành cho phụ huynh như webtretho, lamchame hay otofun...có rất nhiều topic chia sẻ "bí kíp" chọn trường và cả "độc chiêu" "chạy" trường cho con. Thậm chí, nhiều thành viên còn bình luận công khai nguyện vọng vào trường cũng như mức giá để các bậc cha mẹ tham khảo. "Nhắm trường cho con là một chuyện nhưng "có cửa" để vào trường hay không lại là một chuyện khác", một thành viên chia sẻ.

Lý giải cho thực tế này, ông Đỗ Quang Hợp, hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội) chia sẻ: "Nhiều người muốn tới gặp hiệu trưởng xin cho con cháu vào trường. Việc này thực sự gây nhiều phiền toái cho chúng tôi. Thời gian tuyển sinh, nhiều khi về nhà, ăn cơm xong tôi phải tắt điện tầng 1, cả gia đình lên tầng 2 đóng kín cửa để sinh hoạt. Ai gọi điện hay bấm chuông cũng đành xin khất, không tiếp ở nhà".

Theo một chuyên gia giáo dục, về mặt lý thuyết, học sinh được nhập học theo hộ khẩu, nhà ở đâu thì học ở đó. Nhưng ở lứa tuổi này, phụ huynh phải đưa đón con hàng ngày. Vì thế, bố mẹ làm việc trong nội thành thường cố kiếm cho con mình một suất học ở đây để "tiện cả đôi đường". Những khu tập trung nhiều cơ quan Nhà nước hay khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình... việc nhập trường lúc nào cũng "căng như dây đàn" bởi nhu cầu quá lớn của các bậc phụ huynh.

Tâm lý ganh đua dễ đẩy con vào thế khó

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, TS Lê Đông Phương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết: "Việc phụ huynh "chật vật" để cho con vào một trường nào đó chỉ phụ thuộc một phần vào chất lượng giáo dục còn phần lớn dựa vào "lời đồn". Hiện tại, cũng chưa có một thước đo nào xác định chất lượng giữa các trường. Nhiều khi phụ huynh cũng chỉ "nghe nói" mà đua nhau "đổ xô" vào những trường được coi là "hoành tráng" dẫn đến chuyện "kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng".

Vị TS này cũng phân tích, tâm lý người Việt luôn muốn mình hơn người. Ai cũng muốn cho con mình được hưởng những gì tốt nhất: Học trường tốt nhất, giáo viên giỏi nhất. "Tâm lý này không có gì xấu, nhưng vô hình trung các bậc phụ huynh bị cuốn theo mạch ganh đua. Thêm vào đó, một số phụ huynh ảo tưởng con mình là "siêu nhân", muốn đem đến cho con những gì tốt đẹp nhất nên xuất hiện xu hướng cố gắng "chen chân" để con vào trường điểm. Thực tế, trên địa bàn Hà Nội, nhiều trường chất lượng nhưng lại không được phụ huynh ưa chuộng. Có thể chỉ vì "con gà tức nhau tiếng gáy", họ quyết không cho con mình học ở các trường xa trung tâm mà cố xin vào các trường nội thành, số lượng học sinh đông, lớp học chật chội, chất lượng cũng không hẳn là tốt nhưng được cái tiếng "nội đô". Đây có lẽ là căn bệnh trầm kha của người Việt, thích mình cái gì cũng phải nhất, giống câu nói "hàng đầu ta lại đi đâu, đi đâu ta lại tiến lên hàng đầu", TS Phương nói.

Chuyên gia này cũng phân tích, áp lực tâm lý của phụ huynh thật ra lại làm khó các con. Nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng khuyên giải, học sinh lớp 1 không cần thiết phải học ở những trường "hoành tráng". Để cho con học ở những trường bình thường có khi lại tạo động lực tốt cho con. Ở lứa tuổi này, trẻ em chưa phát triển trọn vẹn, nếu gây áp lực quá lớn cho trẻ sẽ là điều không tốt. Có khi cho con học trường làng, nơi có thầy cô tâm huyết, chăm sóc cho con là tốt lắm rồi. Cấp 1, trẻ con không học gì quá "ghê gớm", cần chơi nhiều hơn học nên chỉ cần trường chất lượng tương đối là được.

"Trẻ mà học giỏi thì vào những trường "thường thường" em đó vẫn học giỏi, còn những trẻ đã tệ thì học những trường tốt mấy thì vẫn là học sinh kém. Bố mẹ cứ chạy đua, "nhồi nhét" các con cũng không phải điều hay", TS Phương kết luận.

GS Trần Hồng Quân, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải, do chất lượng các trường chênh nhau nên phụ huynh thường có xu hướng lựa chọn. Lựa chọn gay gắt quá mới xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng cả đêm mới nộp được hồ sơ cho con.

"Sự chênh lệch giữa các trường là điều không thể tránh khỏi, trong khi đó số lượng các trường chất lượng lại không nhiều nên gây "căng thẳng" cho một số trường điểm. Cần phải làm rõ khái niệm trường chất lượng. Chất lượng ở đây không phải là đào tạo ra nhiều "nhân tài" mà là thành công trong phương pháp giáo dục trẻ. Tại những trường này, trẻ không phải học căng thẳng mà được phát triển toàn diện", GS Quân nói.

Tiêu cực dễ xảy ra nhưng khó "chỉ mặt đặt tên"

Theo TS Lê Đông Phương, tình trạng ganh đua tìm trường điểm cho con của các bậc phụ huynh cũng tạo ra tiêu cực trong môi trường giáo dục. Nhiều người đồn vào trường này mất 5 vé, trường kia 10 vé, mức độ chính xác đến đâu thì không ai biết nhưng những thông tin "nửa kín nửa hở" kiểu này lại tạo ra một hệ thống tiêu cực. Trên thực tế, cơ quan chức năng đã bắt được nhiều đối tượng lừa chạy trường. Môi trường giáo dục cũng giống như những lĩnh vực kinh tế xã hội khác, khi cầu quá nhiều mà cung không đáp ứng thì hiện tượng "cò", lừa đảo, chạy chọt đút lót sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, vấn đề này lại rất khó để "chỉ mặt đặt tên"

Thanh Xuân